Giới thiệu
- Tên khoa học: Syngonium Wendlandii
- Tên thông dụng: Silver Goosefoot Plant, Velvety Syngonium
- Tên tiếng Trung: 合果芋;合果芋属;合果芋类 (Hé guǒ yù; hé guǒ yù shǔ; hé guǒ yù lèi) – Hợp Quả Vu; Hợp Quả Vu Thuộc; Hợp Quả Vu Loài
- Tên tiếng Việt: Nhung Diệp Hợp Quả Vu; Trầu Bà Nhung; Trầu Bà Nhung Sọc Trắng
Theo tín ngưỡng phương Đông, thực vật không chỉ đơn thuần mang tính chất trang trí cho căn nhà bạn mà nó còn đem đến năng lượng tích cực cho sức khoẻ tinh thần mỗi người trong đó. Các loài thực vật thuộc chi Hợp Quả Vu (Syngonium) được coi là những cây Phong Thuỷ ở Trung Quốc. Đây là một chi thực vật gồm khoảng 100 loài thuần chủng cũng như giống lai tạo (hybrid) và mình chắc chắn bạn sẽ thích chúng ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Trầu Bà Nhung Sọc Trắng Syngonium Wendlandii là một trong những loài cá nhân mình (Dũng Cá Xinh) thấy hay ho nhất trong chi Syngonium này.
Tra cứu tên khoa học của các loài cây thuộc chi Syngonium bằng hình ảnh
Trước đây tương đối ít người chơi cây Nhung Diệp Hợp Quả Vu (Syngonium Wendlandii) này do còn khá hiếm, sau đó mỗi lần đến chợ HuaDiWan ở Quảng Châu mua cây thuỷ sinh và ra chợ cây lá cảnh chơi thì mình nhận thấy ngày càng có nhiều người bán và giá càng ngày càng rẻ. Có lẽ việc trồng công nghiệp cây đã khiến cho giá cây giảm và giúp chúng trở nên phổ biến hơn trong danh sách các cây trồng trong nhà Đẹp, Rẻ và Dễ Chăm.
Syngonium Wendlandii là một cây mọc chậm, dễ trồng và dễ chăm. Theo nhiều tài liệu mình đọc cũng như sau vài năm trồng thí nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau thì mình thấy đây là một cây cần lượng nước vừa phải, phát triển tốt nhất ở hỗn hợp đất thoát nước tốt, hợp với môi trường ánh sáng từ trung bình đến mạnh và ưa chế độ bón phân cân bằng.
Vốn là một cây bản địa của những khu vực nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ (Central and South America), nó hiện được đánh giá là một trong hai loài nổi tiếng nhất trong chi Syngonium: Loài nổi tiếng còn lại là Syngonium Podophyllum, vốn là loài được dùng để lai tạo ra vô số giống hybrid.
Trầu Bà Nhung Sọc Trắng (Syngonium Wendlandii) thuộc họ Ráy Araceae và tên thộng dụng tiếng Anh của nó: Silver Goosefoot (Chân Ngỗng Bạc) do lá cây có hình mũi giáo khá giống chân con ngỗng. Loài này được xếp trong nhóm các cây leo và bò ngang.
Ở Trung Quốc và phương Tây, lý do chính để chọn Syngonium Wendlandii làm cây trồng trong nhà (indoor plants) là do khả năng lọc không khí của nó. Loài Syngonium này hấp thụ độc ở không gian trong nhà nên nó có thể sống được ngay cả ở khu vực hành lang cũng như garage để xe ô tô mà không sợ không khí độc hại giết cây.
Về màu sắc thì chúng thường có lá màu từ xanh nhạt đến xanh đậm, ở giữ có gân trắng hoặc bạc với độ tương phản cao, vô cùng bắt mắt.
Theo kinh nghiệm của mình thì nên trồng cây trong chậu treo để tận dụng tính năng leo và bò (vines and climbers) của chúng để tạo ra những chậu cây rủ xum xuê.
Trầu Bà Nhung Sọc Trắng (Syngonium Wendlandii): Cách chăm sóc
Hỗn hợp đất trồng
- Sau khi thử nhiều loại đất trồng thì mình thấy nên trồng Syngonium Wendlandii bằng hỗn hợp thoát nước tốt và nhẹ, nhưng phải có đặc tính giữ ẩm cao (moisture retention properties). Nó khác hỗn hợp trồng Hương Thảo Rosemary là cần thoát nước cực nhanh và không được giữ ẩm quá lâu. Công thức của mình là dùng: Xơ dừa vụn trộn với trấu và xác rêu (do ít tiền nên phải chơi những thứ rẻ nhất, còn nếu anh chị em có điều kiện thì có thể dùng Perlite, pumice hoặc đất sét nung Akadama của Nhật Bản).
- Theo tài liệu mình đọc và đo đất trồng ở nhà thì đất nên có độ pH từ 6 – 7.5. Cây vốn có quê hương ở miền nhiệt đới nên USDA Planting Zones sẽ là 9b, 10a, 10b và 11. (Tham khảo thêm về USDA Plants Hardiness Zones TẠI ĐÂY ạ)
- Loài cây này có hệ thống rễ khí sinh (rễ trên không, aerial root system). Vì thế tuyệt đối tránh để hệ thống này bị ngâm trong nước và nên trồng làm sao để gốc và rễ cây nhô cao hơn đất một chút. Chậu trồng cây nên có nhiều lỗ thoát nước để tránh các rễ khí sinh bị úng gây ra thối rễ (root rot) và chết cây.
- Có một kiểu hỗn hợp đất mình đã thử với chi phí rẻ là 4 phần xác rêu (peatmoss) và 1 phần cát vàng (cát xây dựng 50k 1 bao to phạc). Ngoài ra có thể thay cát bằng đá Perlite. Cá biệt mình đã thấy một vài cao thủ sử dụng nguyên vật liệu polyurethane (Polyurethane hay còn gọi tắt là PU, PUR. Đây là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Polyurethane với độ bền cao và khả năng kháng các tác nhân từ môi trường như: thời tiết, sự oxi hóa,… Và đặc biệt là gần như “miễn nhiễm” khá nhiều các hóa chất vô cơ và hữu cơ. Bên cạnh đó là khả năng chống chịu được mài mòn tốt hơn hẳn các loại cao su thông thường. Những điều trên khiến cho PU được ứng dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp hiện nay. – Internet). Lúc nào có thời gian mình sẽ tổng hợp 1 bài chuyên về cách sử dụng Polyurethane rất hay ho này.
Tưới nước
- Trầu Bà Nhung Sọc Trắng (Syngonium Wendlandii) theo mình đánh giá là một cây cần lượng nước trung bình, không nhiều như cây Đậu Biếc hay các loại Dương Xỉ (Ferns). Mình vẫn áp dụng công thức chỉ tưới nước khi cây khô từ bề mặt trở xuống tầm 2cm.
- Mùa hè thì nên để đất ẩm, tránh để khô quá sâu tính từ bề mặt. Vẫn là công thức cũ tiếp: Khi tưới thì tưới đẫm và luôn để ý làm sao cho nước thoát hết ra khỏi đáy chậu. Do mình hay trồng chậu treo nên thường xuyên áp dụng cái “lười” là nhúng cả chậu cây (không nhúng gốc và lá cây) vào một xô nước tầm 2 phút cho chậu ẩm hết rồi nhấc lên cho ráo nước, sau đó treo cây về chỗ cũ.
- Syngonium Wendlandii chịu úng có vẻ kém. Nếu như Đậu Biếc mình ngâm trong xô nước 2,3 ngày ngập 100% bầu đất, cây không chết còn ra lá mới như điên thì Syngonium Wendlandii nếu bị úng nước rất nhanh thối rễ và ủng thân, gần như khi bị là đi cả cây, không cứu được.
- Syngonium Wendlandii phản ứng với việc thiếu nước bằng cách: Đầu tiên là các lá thấp hơn sẽ chuyển sang màu vàng rất nhanh (vài tiếng), nếu thiếu nước nặng thì sau khi vàng toàn bộ lá bên dưới thì các lá sẽ rũ hết. Đây là các phản ứng sinh học của cây khi hy sinh lá và co tiết diện tiếp xúc không khí nhằm bảo toàn độ ẩm tối đa trước khi chết để chờ cấp cứu (tưới thêm nước). Việc vàng lá bên dưới rất giống với các cây thuộc chi Môn Trường Sinh Dieffenbachia (ví dụ ở cây Dieffenbachia ‘Camille’, Dumb Cane ‘Camille’, xem thêm TẠI ĐÂY). Nếu cây bị thiếu nước thì cách nhanh nhất là nhúng cả chậu cây vào xô nước để đảm bảo 100% hỗn hợp đất được thấm nước.
- Tần suất tưới nước luôn phụ thuộc vào độ khô của hỗn hợp đất. Cái này tuỳ thuộc vào nắng, gió, nhiệt độ và yếu tố mùa. Theo mình nên quan sát kỹ trước khi tưới.
- Muốn cho lá cây căng và bóng thì nên phun sương hoặc tưới lá thường xuyên. Vì cấu tạo của lá nó như nhung (bạn sờ sẽ biết ngay) nên chúng tạo ra một bề mặt bám bụi. Khi bụi bám nhiều sẽ khiến cho lá cây bị xấu và ảnh hưởng đến quá trình quang hợp cũng như thoát nước, thậm chí cây có thể chết do cơ chế thở bị tổn thương. Một chú ý là cũng không nên để lá cây đọng nước thời gian lâu vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh Phấn Trắng (powdery mildew).
Ánh sáng
- Theo nhiều tài liệu, Syngonium Wendlandii nên được trồng ở nơi có ánh sáng lọc (filtered light) và không nên ăn ánh sáng trực tiếp. Tuy nhiên mình trồng cây này ở sân thượng hướng Tây không che chắn, miễn là cung cấp đủ nước thì cây có thể chịu được ánh nắng trực tiếp (direct sun). (cái này anh chị em nên thử vì đôi khi nó còn phụ thuộc cây đó đã thuần chịu nắng hay chưa để tránh cháy lá).
- Khi dùng đèn quang hợp để kích thích cây trồng trong nhà, một số tài liệu cho biết nên để đèn cao hơn cây trung bình 30cm.
- Đối với cây trồng trong nhà, mình vẫn bảo toàn ý kiến cây cần ánh sáng từ trung bình đến mạnh. Cây sống được ở môi trường ánh sáng yếu nhưng phát triển rất chậm thậm chí cứ ì ra không thèm ra lá mới.
- Các bạn Trung Quốc và mình xác nhận Syngonium Wendlandii chịu được ánh sáng mạnh còn các bạn của mình bên châu Âu thì xác nhận cây chịu được ánh sáng yếu (low light), còn yếu đến bao nhiêu độ LUX thì hiện chưa có con số chính xác, có lẽ anh em phải tự đo và tự chiêm nghiệm thêm.
- Một điều khá chính xác là nếu muốn lá cây màu đẹp, cây căng và mọc lá mới thì ánh sáng trung bình đến cao là cần thiết. Ở môi trường ánh sáng thấp, thậm chí lá cây còn bị mất màu và hỏng hình dáng.
- Nếu cây mà bạn chưa chắc chắn đã thuần thì phơi nắng 1,2 tiếng 1 ngày thôi, còn mình thì toàn vứt ra sân thượng từ sáng đến chiều và đúng là có 1 số cây cháy lá, nhưng những cây còn lại sau khi sống ra lá mới thì chịu được direct sunlight, không hề bị cháy lá sau này.
- Ánh sáng yếu ngoài việc ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và phát triển của cây còn là môi trường lý tưởng để nấm mốc sinh sôi, đó cũng là một vấn đề thực sự đáng quan tâm.
- NÓI TÓM LẠI: Đây là một cây rất dễ trồng cho các bạn mới, khi xảy ra sự cố rất dễ xử lý, hiếm khi có kiểu chết “bất đắc kỳ tử”.
Nhiệt độ
- Theo nhiều tài liệu thì cây sống khoẻ ở môi trường 15 – 30 độ C (50 – 85 độ F).
- Cá nhân mình thấy ở nền nhiệt độ 37 38 độ cây vẫn sống và phát triển tốt, miễn là đáp ứng đủ nước và tránh cho cây bị cháy nắng.
- Anh em ở bên châu Âu nơi có khí hậu ôn đới cho hay dưới 12 độ cây có dấu hiệu ngừng phát triển và khi thấp hơn cây rất dễ chết cóng, đặc biệt khi để ở vị trí có gió lạnh lùa.
- Điều quan trọng nhất là tránh để Syngonium Wendlandii bị rơi vào trạng thái thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đang lạnh sang quá nóng và đang nóng sang quá lạnh rất dễ khiến cây bị sốc và mất khả năng thích nghi, yếu dần rồi chết.
Độ ẩm
- Syngoniumn Wendlandii nói riêng và cây họ Syngoniumn nói riêng đều yêu cầu độ ẩm trung bình đến cao. 60% – 80% là tốt nhất. Shopee, Lazada bán nhiều máy đo độ ẩm < 50k, anh em nên mua 1 cái về đo cho chuẩn ạ.
- Độ ẩm thấp quá thì anh em bổ sung khay cát hay sỏi chứa nước bên dưới để nước bốc hơi bổ sung cho cây. Đồng thời năng tưới lá cây. Khi độ ẩm quá thấp thì có thể nhận thấy đầu lá cây sẽ chuyển nâu và có quầng vàng. Nếu trồng trong nhà thì độ ẩm sẽ thường xuyên rất thấp, anh chị em chú ý nhé.
- Độ ẩm cao quá không phải vấn đề với cây, nhưng đặc biệt chú ý khả năng sinh ra ve nhện Spider mites. (xem thêm về loài Hung Thần này TẠI ĐÂY)
Phân nền
- Có thể sử dụng phân NPK hữu cơ bổ sung cho cây mỗi 2 hoặc 3 tháng, đặc biệt là mua sinh trưởng. Mình hay dùng phân Đầu Trâu rẻ tiền vì nghèo, anh chị em có điều kiện có thể dùng các loại phân vi sinh, phân nhập khẩu đắt tiền hơn.
- Mình hay tưới phân vào mùa xuân và thu, mùa đông thì ngừng tưới. Vẫn chân thành khuyên anh em nên pha với liều nhỏ hơn liều ghi trên nhãn để tránh làm cháy cây. Thà liều thấp 1 tý còn hơn quá liều vì bón phân quá liều khi cây sốc rất khó cứu.
- Anh em có thể dùng các loại phân tan chậm để rải ở gốc cho tan từ từ. Mình hay dùng vỏ trứng luộc hoặc vỏ trứng gà sống nghiền ra rồi chôn quanh gốc để tăng Canxi cũng như pH cho đất.
Sang chậu
- Mình thấy các loài Syngonium sống tốt ở chậu nhỏ, không như một số loài Dương Xỉ (Ferns) hay các cây chi Sung (Ficus), nhưng dĩ nhiên rồi, cây sẽ thích và phát triển mạnh hơn nếu được trồng ở chậu to, đặc biệt vào mua Xuân. Vẫn chú ý là nên chọn chậu có nhiều lỗ thoát nước để tránh bị tắc gây úng rễ.
- Syngonium Wendlandii và các loài chi Syngonium có rễ nông nên không cần chậu sâu. Cây thích chậu rộng vì khả năng lan rễ của chúng khá tốt, lan rễ rất nhanh về bề ngang chứ không phải về bề sâu.
Cắt tỉa
- Nếu bạn muốn chơi kiểu bụi thì cứ cho nó mọc thoải mái, chỉ cắt bỏ lá già hoặc hỏng.
- Nếu muốn tận dụng khả năng leo trèo của Syngonium Wendlandii thì bạn cứ trồng nó ở gần một cái que hoặc lưới hoặc cột, bạn sẽ thấy nó leo rất thú vị.
- Còn muốn tận dụng kỹ năng bò thì trồng vào chậu treo là nó rủ xuống siêu đẹp.
- Có 1 lưu ý nhỏ là mình thấy loài này rất dễ bị nhiễm trùng nếu dùng các loại dao kéo cắt tỉa không vô trùng. Đặc biệt khi tách cây con ra để nhân giống, cây rất dễ bị thối vết cắt nếu dùng kéo không sắc hoặc không nhúng nước sôi. Những trường hợp đó cả cây mẹ lẫn cây tách ra đều thối rồi chết.
- Khi cắt tỉa không nên cắt rễ không khí (aerial roots) vì đây là một hệ thống rất quan trọng với các loài thuộc chi Syngonium. Nếu cắt phần này mình thấy cây bị căng thẳng (Stress) rõ rệt.
Nhân giống
Theo nhiều tài liệu thì 2 cách nhân giống Syngonium Wendlandii nhanh nhất là: Giâm cành (cuttings) hoặc tách chồi (suckers). Vẫn nhấn mạnh trước khi nhân giống anh em phải vệ sinh cây và VÔ TRÙNG dụng cụ cắt (luộc qua nước sôi hoặc ngâm với cồn pha loãng, rượu pha loãng). Mình đã chết 1 dàn cây mẹ lẫn cây con do quên vô trùng kéo, sau toàn bộ bị nhiễm khuẩn rồi chết do nhiễm trùng.
Giâm cành:
- Đối với cành giâm, nên chọn cành đã hoá gỗ một phần (semi-wooded) và vẫn có thể uống cong được mà không bị gãy. Tuyệt đối không dùng các cành yếu hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh, vì chắc chắn chúng không có khả năng ra rễ tốt. Trước khi cắm cành giâm, hãy loại bỏ toàn bộ lá ở khu vực sát bên dưới.
- Sử dụng các hỗn hợp đất nhẹ (như ở phần trên đã đề cập). Nên dùng chậu nông và rộng để cắm cành giâm vào. Vẫn chú ý là chậu nên có nhiều lỗ thoát nước. Cắm cành giâm theo chiều dọc sâu xuống đất tầm 2cm.
- Có thể đặt toàn bộ chậu và cây vào một túi hoặc hộp kín trong suốt. Mục đích là để giữ ẩm cho không gian này và giảm sự thoát hơi nước ở cành giâm.
- Cứ vài ngày thì mở túi ra một lần để cho có không khí mới lưu thông. Luôn để ý làm sao cho hỗn hợp đất ẩm đều nhưng không sũng nước (soggy). Việc cho chậu và cành giâm vào túi ni lông trong suốt sẽ khiến cho lá và chồi được giữ ẩm nên bạn không cần tưới quá nhiều.
- Đặt cả hộp hoặc túi ni lông trong suốt chứa chậu giâm cành vào nơi có ánh sáng mạnh gián tiếp và tránh nắng trực tiếp cũng như các nguồn nhiệt quá nóng (> 42 độ C) hoặc quá lạnh (< 5 độ C).
- Nhiệt độ cao (>30 độ) sẽ kích thích quá trình đâm rễ. Mình tính toán thì khoảng 2 tháng (8 tuần), rễ sẽ phát triển, lúc đó có thể bỏ túi ra và chăm cây như một cây giống bình thường.
Tách chồi và cây con:
- Hãy tìm các chồi cạnh gốc có sẵn rễ và tách toàn bộ cây con ra (giống cách tách cây con từ cây chuối to mà các cụ hay làm). Nếu có rễ rồi thì cho vào chậu có đất khác là coi như có 1 cây mới (dĩ nhiên là bé tẹo). Còn nếu chẳng may tách ra được chồi (Suckers) mà quá ít rễ có thể cắm vào nước để kích thích suckers ra rễ trước khi chuyển sang trồng đất.
- Nhân giống bằng các cắm nước mình thấy tỷ lệ thành công cao hơn vì rễ phát triển nhanh hơn trong nước. Chỉ cần để ý thay nước mỗi khi nước đục hoặc sau mỗi 7 – 10 ngày.
- Việc thay nước vừa để dễ quan sát vừa để tránh bất kỳ vi khuẩn nào phát triển. Nước tù quá lâu có thể khiến vi khuẩn nhiễm vào rễ và chồi gây ra thối. Sau khi chồi ra rễ thì làm các bước còn lại y như phương pháp giâm cành (cuttings).
- Rễ dài 3cm hoặc hơn là có thể chuyển ra trồng đất, chú ý dùng đất mới, tránh dùng đất đã có sẵn nấm hoặc con Ve Nhện Spider Mites đáng ghét (căm thù luôn ý :().
Hoa
- Syngonium Wendlandii có hoa nhỏ màu trắng kem đẹp mắt.
- Cây trồng trong nhà hiếm khi hoặc không bao giờ ra hoa. Cây trồng ngoài trời thường ra hoa vào mùa xuân.
- Mình nhận thấy chỉ cây già, có không gian để leo thì mới có khả năng ra hoa, cây non hoặc trồng dạng treo và bụi hiếm khi ra hoa.
Phát triển
- Trầu Nhung Sọc Trắng có tốc độ phát triển chậm (so với các loài Trầu Bà Pothos thuộc 2 chi Epipremnum và Scindapsus) và có xu hướng lan ra tứ phía. Nếu có cột, dây, lưới thì cây có xu hướng lan, bò, leo với tốc độ nhanh hơn.
- Cây lúc đầu thường mọc dạng bụi sát nhau (compact) nhưng khi lớn thì lan ra tứ phía (y như các loại Trầu Bà Pothos).
- Cây khi nhỏ có lá dạng tim, và khi cây bắt đầu già hơn, lá sẽ chuyển sang thành hình mũi tên và những gân trắng sẽ nhỏ lại. Mỗi lá có một dạng hình mũi tên khác nhau, không thống nhất.
- Theo nhiều tài liệu và kinh nghiệm thì cây đạt mức trưởng thành tối đa sau 10 năm.
Các vấn đề (sâu, bệnh) thường gặp ở Syngonium Wendlandii
- Đốm lá (Leaf Spot): Nguyên nhân là do nhiễm nấm gây ra. Triệu chứng là lá cây sẽ chuyển màu nâu hoặc vàng. Sử dụng phân bón có hàm lượng nitơ thấp và bón thêm mancozeb hoặc các loại tương tự để bảo vệ cây thường xuyên sẽ tránh được loại nấm này. Tránh việc tưới quá nhiều nước trong nền nhiệt độ cao cũng loại trừ khả năng nhiễm đốm lá.
- Thối do vi khuẩn gây ra (Bacterial rots): Cây bị nhiễm bệnh có đốm xanh đậm trên lá và có mùi hôi khó chịu. Các lá phía dưới sẽ bắt đầu héo và chết. Lấy cây Syngonium ra khỏi chậu và kiểm tra rễ ngay nếu có 2 triệu chứng trên anh em nhé. Nếu bất kỳ rễ nào có màu nâu, đen và ủng ủng thì có lẽ rễ bắt đầu bị thối rồi, phải cắt bỏ hết, sau đó vô trùng phần còn lành và trồng cây vào chậu và hỗn hợp mới hoàn toàn.
- Bệnh gây ra do côn trùng cánh vảy (Scale insects): Đây là kẻ thù của cây Indoor plants chứ chẳng riêng gì Syngonium Wendlandii. Chúng hút nhựa cây cứ gọi là như người khát mút coca, vô cùng đam mê và hết mình. Hãy chú ý tìm chúng khi thấy lá có những chấm màu sắc kỳ lạ. Không những gây hại cho cây mà nó còn tạo ra các tiền đề cho các bệnh khác kéo đến combo cây của bạn. Có nhiều cách diệt bọn này, ví dụ dùng các cồn hoá học Isopropyl alcohol (IPA) (Rượu isopropyl là một hợp chất có công thức hóa học CH ₃ CHOHCH ₃. Nó là một hợp chất hóa học không màu, dễ cháy với mùi mạnh. Là một nhóm isopropyl được liên kết với một nhóm hydroxyl, đây là ví dụ đơn giản nhất của rượu thứ cấp, trong đó nguyên tử carbon của rượu được gắn với hai nguyên tử carbon khác. Công thức: C3H8O – Wiki) và nhúng tăm bông chấm cũng có thể giết được khá hiệu quả. Chú ý hãy lau mấy con bị chết ra khỏi cây nhé để tránh nó sống lại hoặc sót ấu trùng.
- Bọ trĩ (Thrips): Nếu lá non bị rách, hỏng và chuyển vàng không phải do cây thiếu nước, rất có thể là cây dính bọ trĩ (thrips). Mùa thu nên lau cây sạch sẽ sẽ tránh được bọ trĩ sinh sôi trên cây vào mùa đông. Nếu cây chẳng may dính thì cách nhanh nhất là dùng các loại thuốc gốc đồng (copper fungicide) hoặc các loại Neem Oil, hỗn hợp dầu ăn pha tỏi, gừng, ớt phun cây và đất có thể giảm trừ và diệt được đống bọ khó chịu này.
- Rệp (Aphids): Bọn này thì cây nào cũng không tha. Khi Syngonium Wendlandii bị nhiễm, lá cũng sẽ bị hỏng và vàng. Các chồi non cụp và hỏng trước khi thành lá non. Hãy truy tìm rệp trên các lá non, dùng hỗn hợp nước rửa bát, dầu ăn có thể diệt hiệu quả, nếu nặng thì lại phải chơi đồ, ví dụ các loại thuốc gốc đồng (copper fungicide) như với bọ trĩ.
- Ve nhện (Spider mites): Riêng con này có một bài riêng, anh chị em tham khảo TẠI ĐÂY ạ.
- Rệp sáp (Mealybugs): Nguyên nhân cách diệt tương tự ở cây Hương Thảo Rosemary, anh chị em xem thêm TẠI ĐÂY ạ.
- Tưới quá nhiều nước, quá ít nước, cây bị tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá mức cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề với cây.
- Tưới quá nhiều nước dễ gây thối rễ. Triệu chứng là lá bên dưới chuyển vàng, nâu, đen kèm các khoang vàng nâu xuất hiện, chồi và rễ bắt đầu thối, có mùi.
- Tưới quá ít nước khiến cây bị khô lá, giòn giá, thân cành rũ và héo.
Một số chia sẻ khi trồng cây Trầu Bà Nhung Sọc Trắng (Syngonium Wendlandii)
- Thay chậu liên tục, chậu rộng và không cần sâu cho cây phát triển.
- Chỉ tưới khi đất khô, đã tưới là phải tưới đẫm và tưới xong phải thoát hết nước.
- Hãy sử dụng hỗn hợp đất nhẹ nhưng vẫn giữ được nước
- Trồng cây ở môi trường ánh sáng trung bình đến cao và giữ độ ẩm luôn >60%.
- Khi nhân giống cây bằng cách cắt cành (cuttings) hay tách chồi (suckers) thì nên vô trùng kéo.
Một số câu hỏi thường gặp
Cây này có độc không?
Đây là cây không ăn được, có độc nhẹ liên quan tiêu hoá nếu ăn phải. Nên để tránh xa vật nuôi và trẻ em. Dĩ nhiên là độc tính nhẹ.
Lá cây của tôi mất dần phần loang lổ, lý do tại sao?
Đây là do điều kiện ánh sáng quá yếu. Cây thuộc chi Syngonium có thể mọc được ở môi trường ánh sáng trung bình thậm chí yếu nhưng cây sẽ mất đi sự loang lổ và các mảng màu tương phản. Hãy đặt cây ra vị trí sáng hơn (như mình là vứt cha ra sân thượng nắng to) là cây sẽ lại ngon lành tinh tươm lại.
Nên kết hợp cây này với các loại cây nào?
Cái này tuỳ anh em, nhưng như mình hay kết hợp chung với Philodendron, Epipremnum và Scindapsus, thi thoảng thì đá thêm ít Begonia hoặc Alacosia ^^.
Tại sao cây của tôi cứ héo và gãy thân?
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nước và đất quá khô. Hãy chú ý để ý và tưới nước là cây sẽ dần ổn lại.
Vị trí lý tưởng đặt cây?
Cá nhân mình thấy nên đặt ở cửa sổ có nắng trực tiếp 1,2 tiếng 1 ngày vào sáng sớm hoặc chiều. Chỗ đó thoáng khí và có độ ẩm >60% là hoàn hảo.