Các vấn đề thường gặp khi trồng Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis): Cách xử lý, nguyên nhân và cách phòng tránh

Hướng dẫn chi tiết chăm sóc và nhân giống cây Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis)
Trong chùm bài trước (các bạn xem ở dưới cùng, phần bài liên quan) mình đã chia sẻ (theo kinh nghiệm cá nhân) cách chăm sóc Hương Thảo và 2 cách nhân giống Hương Thảo dễ nhất. Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều cách trồng khác nhau, cách nhân giống khác nhau và hiệu quả hơn của mình nhiều, rất mong anh chị em có thể tham khảo được nhiều cách khác và tự tổng hợp thành một cách trồng phù hợp với môi trường, điều kiện khí hậu, điều kiện vật tư cũng như điều kiện chăm sóc. 
 
Trong quá trình trồng Hương Thảo Rosemary (Rosmarinus officinalis) (mình chỉ nói riêng với loài này, các loài khác thuộc chi Rosmarinus có thể không áp dụng được), mình đã làm chết tương đối nhiều cây và trải qua tương đối nhiều thời gian thử nghiệm. Nay mình đúc kết thành một bài những vấn đề thường gặp khi trồng Hương Thảo (theo kinh nghiệm của riêng mình ở Hà Nội với sân thượng chếch hướng Tây), rất mong sẽ là một bài tham khảo nho nhỏ để các anh chị em đọc cho vui ạ.

Bệnh héo do nấm Verticillium gây ra

  • Verticillium alboatrum ab (gây ra từ các Sợi nấm trong tàn dư cây bệnh)
  • Verticillium dahliae ab (gây ra từ Hạch nấm cực nhỏ trong đất, sợi nấm trong tàn dư cây bệnh)

Cái tên nói lên tất cả. Bệnh héo do nấm Verticillium là bệnh sẽ làm cây héo rũ. Do các loài nấm thuộc chi Verticillium gây ra. Nhìn chung, nó không phổ biến ở cây hương thảo.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh này là lá và thân cây bị héo. Cây bị nhiễm trùng do Verticillium alboatrumab hoặc Verticillium dahliaeab, đều thuộc chi Verticillium. Đây là các loài nấm hung thần của cây cảnh, không những Hương Thảo mà cả ở các cây gia vị (herbs) khác, thậm chí là cả hoa Hồng,…  Đây là một bệnh ngoại lai, hình thành do việc nhập khẩu cây vào Việt Nam. Chỉ với triệu chứng là cây còi cọc, lá và thân bị héo thì rất dễ để phán đoán nhầm bệnh của cây. Theo kinh nghiệm của mình thì có thể phân biệt sâu hơn bằng các thông tin này:

  • Thân (mạch dẫn) bị nâu + có dịch khuẩn =>  Héo vi khuẩn (Dịch khuẩn có thể khó phát hiện trong những giai đoạn đầu khi cây mới nhiễm bệnh do Ralstonia solanacearum.)
  • Thân (mạch dẫn) bị nâu + không có dịch khuẩn => Héo Fusarium hoặc Héo Verticillium 
  • Thân (mạch dẫn) không hóa nâu + không có dịch khuẩn => Tác nhân gây bệnh thối rễ và thân (do nấm hoặc vi sinh vật giống nấm) hoặc Tuyến trùng ký sinh thực vật hoặc Sưng rễ.

* “Ralstonia solanacearum là một vi khuẩn hiếu khí không hình thành bào tử, gram âm, gây bệnh thực vật. R. solanacearum là một loại đất và vận động với một búi lá cờ cực. Nó xâm chiếm xylem, gây héo vi khuẩn trong một loạt các cây chủ tiềm năng. Nó được gọi là héo Granville khi nó xảy ra trong thuốc lá. (wiki)”

Nếu là héo do nấm Verticillium thì mình nhận thấy bệnh ảnh hưởng đến những tán lá già hơn, thường lan từ dưới lên trên cây. Đôi khi một bộ phận của cây (như các nhánh nhỏ, tán lá nhỏ) có thể bị ảnh hưởng (héo đột ngột, vàng rồi chết) trước, trong khi các phần khác vẫn khoẻ mạnh trong 1 thời gian. Nếu Hương Thảo dính bệnh này thì khả năng chết rất cao, trừ khi đó là một cây thuần khí hậu miền Bắc và tương đối lớn (>1,2 năm tuổi). Đối với các cây có thân hoá gỗ và độ tuổi tầm 5,7 năm, mình có tham khảo các bạn bên nước ngoài thì gần như không có cây nào bị dính bệnh này. 

Một cây nhiễm bệnh héo do nấm Verticillium gây ra. Ảnh Platani 2018 - Garden.org
Một cây nhiễm bệnh héo do nấm Verticillium gây ra. Ảnh Platani 2018 – Garden.org

Triệu chứng

  • Một phần của cây đột ngột bị héo, lá chuyển vàng hoặc nâu rồi chết. Phần này có thể là một nhánh hoặc một cành nhỏ. Các phần khác vẫn khoẻ mạnh một thời gian cho đến khi bị lây và có triệu chứng như những bộ phận nhiễm nấm ban đầu
  • Thân (mạch dẫn) chuyển màu nâu, đen, khi cắt ra soi thì không có dịch khuẩn. 

Nguyên nhân

  • Cây bị nhiễm nấm thuộc chi Verticillium gây ra, điển hình là: Verticillium alboatrum và Verticillium dahliae 
  • Đây là bệnh ngoại lai không bắt nguồn từ Việt Nam mà lây nhiễm từ các cây ngoại nhập. Nguồn lây là từ cây bị bệnh khác hoặc từ nấm còn sót trong đất ở bầu cây.

Cách trị bệnh

  • Thật không may, hầu như không thể điều trị bệnh này một khi nó lây nhiễm sang cây hương thảo của bạn. Vườn thực vật Missouri đã từng tuyên bố rằng hầu hết thuốc diệt nấm không hiệu quả đối với bệnh héo gây ra bởi nấm Verticillium, họ khuyến nghị chỉ nên cắt toàn bộ các cành nhánh bị hư hỏng, chú ý vô trùng dụng cụ cắt tỉa để tránh lây nhiễm nấm.
  • Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, cách tốt nhất để đối phó với bệnh héo Verticillium là loại bỏ tất cả các cây bị bệnh và bắt đầu lại bằng cách sử dụng đất mới, thùng chứa mới và cây hương thảo mới (hơi buồn một chút)

Phòng tránh

  • Việc đầu tiên là chọn mua cây ở các vườn uy tín hoặc của người chơi nhiều kinh nghiệm để đảm bảo cây không ở chung một cộng đồng thực vật có rủi ro lây nhiễm nấm Verticillium này. Cá nhân mình thấy không nên mua cây Trung Quốc mới về chưa được dưỡng lâu ngày vì không ai kiểm chứng cây lúc xuất đi có ở chung vườn ươm với các cây đã nhiễm nấm Verticillium hay không. 
  • Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh này là sử dụng đất sạch bệnh. Điều này có thể được đảm bảo bằng cách chọn đất chất lượng cao.
  • Chọn một giống cây trồng kháng bệnh cũng là một cách phòng bệnh khác. Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngành công nghiệp cây cảnh chưa đạt được tiến bộ này. Vì vậy theo mình cứ chọn mua cây được nhân giống từ vườn ươm không có cây nhiễm nấm, được chăm sóc trong môi trường thuần khí hậu nơi bạn ở để cây có khả năng đề kháng tự nhiên tốt nhất.

Bệnh thối rễ (Root Rot)

Khi lá của cây Hương Thảo bắt đầu héo, hầu hết chúng mình đều nghĩ rằng lá cây có vấn đề hoặc cây bị tưới thiếu nước, nhưng thối rễ (root rot) mới là nguyên nhân hàng đầu cho hiện tượng này. 

Thối rễ thường là do tưới nước quá nhiều trong một bầu đất gồm toàn giá thể nặng (không thoát nước tốt) làm nước bị đọng, sinh ra nấm mốc (thường là Pythium, Phytophthora, Fusarium, Rhizoctonia) và từ đó lan ra khắp rễ cây. Cây hương thảo rất dễ mắc bệnh này vì nó không thân thiện với môi trường đất quá ẩm ướt.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thối rễ gây tử vong cho cây. Thật không may, khi rễ cây hương thảo của bạn bắt đầu thối rữa, sẽ không có cách nào hồi sinh được.

Hình ảnh của một cây Hương Thảo bị thối gốc (Root Rot) cấp độ nhẹ. Ảnh: OSU Plant Clinic 2014
Hình ảnh của một cây Hương Thảo bị thối gốc (Root Rot) cấp độ nhẹ. Ảnh: OSU Plant Clinic 2014
Hình ảnh của một cây Hương Thảo bị thối gốc (Root Rot) cấp độ nặng. Ảnh: OSU Plant Clinic 2011
Hình ảnh của một cây Hương Thảo bị thối gốc (Root Rot) cấp độ nặng. Ảnh: OSU Plant Clinic 2011

Triệu chứng

  • Các đầu lá thường sẽ chuyển màu vàng hoặc nâu, quăn nhẹ nhưng không khô, khi sờ vào thấy có dấu hiệu héo, ủng và dai, không giòn.
  • Tiếp theo toàn bộ lá sẽ héo, rồi các nhánh nhỏ héo và cành héo. Thân sẽ ủng và chuyển đen.
  • Khi lật cây ra xem rễ, rễ sẽ ủng, nâu hoặc đen, có thể có mùi (do bị thối).

Nguyên nhân

  • Nguyên nhân chủ yếu là do đất trồng nặng, không phải dạng thoát nước tốt và cây được tưới nước quá nhiều hoặc không được tưới đẫm mà tưới kiểu nửa vời khiến đất vón cục. Quá nhiều nước gây úng hoặc vón cục đều khiến cho các lỗ không khí 

Cách điều trị

  • Bệnh thối rễ cần xử lý ngay. Nếu lá cây hương thảo dần dần héo và chuyển sang màu vàng mà không rõ lý do, theo mình tốt nhất là nên kiểm tra đất và rễ.
  • Nhẹ nhàng lấy cây ra khỏi đất và rửa sạch rễ trong vài phút với nhiều nước.
  • Cây bị thối rễ sẽ có một số rễ bị bệnh bị rụng khi bạn chạm vào. Những rễ như vậy có thể trông đen và nhũn.
  • Dùng kéo cắt bỏ hết phần rễ bị bệnh. Sau đó, sử dụng một số loại thuốc trừ nấm để phun vào phần rễ khỏe mạnh để tránh bệnh lây lan.
  • Thay chậu cây mới, nên vô trùng bằng cách nhúng vào cồn pha loãng hoặc phun các loại thuốc diệt nấm. Đổ hỗn hợp đất mới sạch sẽ vào chậu mới này. Chú ý nên dùng hỗn hợp đất nhé (nhiều Pumice, Perlite, hạt đất sét nung, vỏ gỗ thông vụn, đá nham thạch, cát, …)
  • Loại bỏ lá, cành bị vàng và héo trên cây Hươg Thảo để kích thích cây ra chồi mới.

Phòng tránh

  • Trong trường hợp này, phòng ngừa là chìa khóa. Việc theo dõi lượng nước bạn cung cấp cho cây hương thảo là rất quan trọng.
  • Hương thảo là một loại thảo mộc chịu hạn, vì vậy ngay cả khi bạn đang trồng loài cây này trong chậu thay vì ngoài vườn và khi thời tiết trở nên nóng hơn, hương thảo không cần phải tưới quá nhiều nước. Chỉ tưới khi đất khô tầm 3cm từ bề mặt trở xuống, đã tưới là phải đẫm và tưới xong phải thoát hết nước.
  • Sử dụng các loại đất nhẹ, thoát nước nhanh, không đọng nhiều nước và cho phép rễ thở tốt.
  • Tránh bón nhiều chất bổ sung và chất hữu cơ cho đất vì chúng giữ lại nhiều nước (nếu dùng cách bổ sung phân hữu cơ bằng bã ép hoa quả thì theo mình nên dùng lượng vừa phải, và nên ép kỹ hoặc xay nát để chúng dễ phân huỷ). Trong hầu hết các trường hợp, cây hương thảo mình thấy nhu cầu phân bón là khá thấp. 

Bệnh phấn trắng (Powdery Mildew)

Bệnh phấn trắng là một trong những bệnh phổ biến nhất đối với anh chị em trồng cây thảo mộc. Mình thấy các cây thảo mộc có tần suất dính bệnh này rất cao. Hương Thảo Rosemary đương nhiên khó tránh khỏi thống kê này.

Triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của bệnh này là hình thành các đốm phấn trắng giống tro trên lá của cây bị nhiễm bệnh.

Nguyên nhân là do một số loài nấm (đa số là Erysiphe, Podosphaera, Oïdium, Leveillula) xâm nhập dần dần vào cây và bắt đầu hình thành bào tử trên lá. Các bào tử màu trắng này có khả năng lây nhiễm sang các cây xung quanh bằng cách di chuyển qua đường không khí.

Nói chung, bệnh phấn trắng không gây tử vong cho cây, trừ khi cây nhiễm thêm combo các bệnh chí mạng khác, nhưng nó sẽ làm cây hương thảo của bạn yếu đi tương đối, kém đẹp và ít lá. 

Bệnh Phấn Trắng ở cây Hương Thảo
Bệnh Phấn Trắng ở cây Hương Thảo

Triệu chứng

  • May mắn là các triệu chứng của bệnh này rất dễ nhận biết và rất đặc biệt nên anh chị em có thể dễ dàng phát hiện ra bệnh. Như tên của nó, bệnh phấn trắng tạo ra các chất bột màu trắng (hoặc hơi xám), phát triển ở cả hai mặt của bề mặt lá, trên thân và chồi.
  • Lớp phủ lông tơ màu trắng bao gồm các sợi bề mặt của nấm và các chuỗi bào tử. Nếu loại bỏ lớp phấn phát triển thì một số vết bệnh từ nâu đến đen thường sẽ được tìm thấy trên bề mặt cây sau đó.
  • Các lá bị nhiễm bệnh có thể bị xoắn, méo mó, sau đó héo và chết do nhiễm bệnh.
  • Bệnh nấm này thường không được chú ý ở mặt dưới của lá, và chỉ được nhận ra khi mặt trên của lá có các mảng màu trắng bạc. Bệnh này thường bắt đầu xuất hiện với những mảng bột nhỏ màu trắng trên lá, tiếp theo những mảng này sẽ phát triển đều đặn và rất nhanh chóng lây lan trên cả thân, hoa và nụ.
  • Các triệu chứng ban đầu rất khác nhau và có thể bao gồm các mảng úa (thiếu chất diệp lục) bất thường và các tổn thương sẽ phát triển thành vảy phấn khi bước vào giai đoạn tạo lỗ chân lông. Các mảng như bám phấn này thường bị nhầm lẫn với tình trạng thiếu dinh dưỡng, bệnh đốm lá hoặc vết thương gây ra do bị phun thuốc hoặc xịt nước áp suất cao. 
  • Khi bệnh tiến triển, các đốm trắng của nấm sẽ lan rộng ra che gần hết lá. Nấm sẽ “ăn chùa” dinh dưỡng của lá khiến lá bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt và bắt đầu héo rũ, úa và rủ xuống. Cuối cùng lá thường sẽ chuyển sang màu nâu trước khi chết. 

Nguyên nhân

  • Bệnh phấn trắng gây ra do một số loại nấm (đa số là do Erysiphe, Podosphaera, Oïdium, Leveillula), tồn tại dưới dạng bào tử nấm (còn gọi là bào tử nấm) trên lá, cây, chồi và tất cả các mảnh vụn thực vật. Các loại nấm khác nhau này có vẻ ngoài giống hệt nhau bằng mắt thường, tuy nhiên chúng khác nhau về số lượng bào tử tạo ra, hình dạng và cấu trúc hiển vi và ở vật chủ mà chúng “cư trú”. Mình có đọc tài liệu sâu về mấy loại Erysiphe, Podosphaera, Oïdium, Leveillula và biết có thể phân biệt được, nhưng chỉ dưới môi trường phòng lab phức tạp. Có lẽ cũng không cần đi quá sâu. 
  • Tất cả các loại nấm đều tạo ra bào tử nấm. Đây là những hạt sinh học cực nhỏ mà nấm phát triển để được tái tạo, phục vụ mục đích tương tự như hạt giống cho cây trồng.
  • Bào tử của bệnh phấn trắng có thể nảy mầm khi có đủ độ ấm và độ ẩm để phát triển. Nhiệt độ tối ưu có thể khác nhau giữa các loại nấm mốc, nhưng rõ ràng nấm phát triển tốt nhất trong điều kiện ấm áp và thời gian ẩm độ cao kéo dài.
  • Một số nguồn chỉ ra rằng độ ẩm tương đối cao và nhiệt độ từ 60 ° F đến 80 ° F (15 ° C đến 27 ° C) là lý tưởng cho sự phát triển của bệnh phấn trắng. Nhiệt độ dưới 50 ° F (10 ° C) và trên 90 ° F (32 ° C) sẽ hạn chế đáng kể dịch bệnh. Đây là lý do mùa hè Hà Nội tuy hơi nóng nhưng cây Hương Thảo rất ít khi dính bệnh Phấn Trắng, nhưng vào mùa xuân và thu thì tỷ lệ cây nhiễm tăng lên rất cao. 
  • Mặc dù hầu hết các loại nấm chỉ tạo ra một lượng nhỏ bào tử, nhưng một số loài nấm có năng suất “sinh sản” rất cao và những bào tử thậm chí có thể lây nhiễm trong không khí, đây chính là việc bệnh dễ dàng lây lan cho cây Hương Thảo. 
  • Số lượng rất lớn các bào tử làm cho nấm có vẻ ngoài như bột và mỗi bào tử riêng lẻ có khả năng gây nhiễm trùng mới, đây chính là nguồn gốc cho những “vết sẹo” sau này của lá (nếu lá không chết hẳn)

Điều trị

  • Mình hay dùng hỗn hợp: Dầu Neem (Neem oil) – Nước rửa bát – Dầu ăn – Nước (tỷ lệ: 1 thìa – 2 thìa – 2 thìa – 1 lít nước) rồi phun toàn cây liên tục trong 1 tuần, mỗi ngày 1 lần. Nếu trời nắng nóng thì bệnh sẽ hết rất nhanh. Trời mưa thì không nên phun vì nước mửa rửa trôi hỗn hợp khác nhanh. Đây cũng là cách mình diệt Rệp sáp và con ve nhện (bọ nhện) Spider mites nếu cây mới bị nhiễm mấy con côn trùng này và bệnh tình chưa quá nặng. 
  • Nếu bệnh vẫn tiếp diễn sau khi thử các phương pháp tự nhiên này (điều này khó có thể xảy ra), bạn có thể mua một số loại thuốc diệt nấm hữu cơ bán trên Shopee, Lazada. Tránh dùng các loại thuốc hoá học vì có thể ảnh hưởng sức khoẻ dù bạn chỉ dùng với liều lượng siêu nhỏ. 

Cách phòng tránh

  • Bệnh phấn trắng thường lây lan khi đất quá ẩm hoặc không có đủ ánh sáng mặt trời chiếu vào cây của bạn. Một lý do khác có thể góp phần vào sự xuất hiện của bệnh phấn trắng là không có không khí lưu thông và thông gió không tốt.
  • Để tăng cường khả năng phòng vệ của cây hương thảo chống lại bệnh tật, bạn cần đảm bảo rằng tất cả các yếu tố trên không có mặt. Giữ cho cây của bạn phát triển trong điều kiện tốt nhất.
  • Quá nhiều cây và việc để quá gần nhau có thể là một lý do khác khiến cây hương thảo của bạn có thể mắc bệnh phấn trắng.
  • Đặt các cây cách nhau vài inch (7 – 10cm) là rất quan trọng để tránh tạo môi trường hoàn hảo cho nấm sinh sôi. Ngoài ra, thường xuyên cắt tỉa cây hương thảo của bạn để ngăn các cành chồng lên nhau, giúp cây hương thảo của bạn miễn nhiễm với bệnh tật.

Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea, Botrytis Stem Canker)

Tổn thương trên thân cây Hương Thảo Rosemary do bệnh Mốc Xám (Botrytis sp.) gây ra - Ảnh: OSU Plant Clinic - 2012.
Tổn thương trên thân cây Hương Thảo Rosemary do bệnh Mốc Xám (Botrytis sp.) gây ra – Ảnh: OSU Plant Clinic – 2012.
Bào tử màu xám của Botrytis sp. trên cây Hương Thảo - Ảnh: OSU Plant Clinic - 2011.
Bào tử màu xám của Botrytis sp. trên cây Hương Thảo – Ảnh: OSU Plant Clinic – 2011.
Các thân cây mất màu, bong tróc và chết dần khiến các phần bên trên héo hoặc gãy và chết. Ảnh: OSU Plant Clinic – 2011
Các thân cây mất màu, bong tróc và chết dần khiến các phần bên trên héo hoặc gãy và chết. Ảnh: OSU Plant Clinic – 2011

Triệu chứng

  • Hoại tử lan rộng lên và xuống thân cây. Các phần bên trên héo, gãy, chết.
  • Tình trạng thân cây bị bong tróc cũng có thể xảy ra. 
  • Hệ thống rễ vẫn rất khỏe mạnh.

Nguyên nhân

  • Bệnh gây ra do nấm Botrytis cinerea gây ra. “Botrytis cinerea (“botrytis” là sự kết hợp của một từ Hy Lạp cổ đại là botrys (βότρυς) nghĩa là nho cộng với một hậu tố của ngôn ngữ Latin mới là itis mang nghĩa là bệnh tật) là tên của một loại nấm mốc gây ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật. Tuy nhiên người ta chỉ biết đến rằng nó làm hại loại nho dùng để ủ rượu. Trong nghề trong nho, nó còn có tên gọi là “chùm botrytis mục nát” (tiếng Anh: botrytis bunch rot) còn trong nghề làm vườn thì nó được là “mốc xám“.” (theo wiki)
  • Nấm từ ngoài không khí sẽ bám vào các bộ phận cây chết hoặc đang bị tổn thương. Từ những khu vực bị nhiễm trùng này, các loại nấm bắt đầu tấn công các mô khỏe mạnh. Môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh sinh sôi và phát tán. Theo kinh nghiệm của mình thì cứ sau 1 đợt mưa vài ngày đến 1 tuần, mưa dầm mưa dề thì rất có thể Hương Thảo sẽ tự nhiên bị dính bệnh này. 

Điều trị

  • Mình đã thử nhiều cách nhưng đều thất bại, hiện chưa tìm được thuốc ở Việt Nam phù hợp, nhưng dùng thuốc của mấy người bạn bên Mỹ gửi về thì thấy có tác dụng rõ rệt. Ví dụ: Palladium Fungicide
  • Sử dụng: Palladium Fungicide at 4 to 6 oz/100 gal (tức là 118 – 177 ml/ 378 lít, 0,31 – 0,47ml/ 1 lít nước) cho cây trong nhà kính (greenhouse). Sử dụng Fungicide Nhóm 9 + 12 (Xem thêm tài liệu tại đây ạ Fungicide Families or Groups). 12 tiếng đánh thuốc lại một lần
  • Nếu bị quá nặng thì các bạn mình khuyên nên chuyển sang thuốc Switch 62.5WG với liều 11 – 14 oz / A
    at 11 to 14 oz/100gal (tức là khoảng 0,9 – 1,2ml / 1 lít nước). Sử dụng Fungicide Nhóm 9 + 12. Cũng 12 tiếng đánh lại một lần và không đánh thuốc trong thời gian cắt cành lá để “nướng cùng thịt bò” ^^. 

Các phòng tránh

  • Giá thể thoát nước tốt là điều kiện quan trọng nhất, kể cả với cây trong chậu hay cây trồng vườn. 
  • Tần suất tưới nước thấp, phân bón cũng không nên lạm dụng. 
  • Loại bỏ tất cả các bộ phận trên cây đã chết hoặc sắp chết trên và xung quanh cây Hương Thảo của anh chị em. 
  • Duy trì một môi trường ổn định, tương đối khô ráo bằng cách giữ độ ẩm dưới 90%, tăng khoảng cách giữa các cây để không khí lưu thông tốt và chú ý không để nước bắn lên tán lá quá nhiều khi tưới.
  • Để ở nơi thoáng khí và nên có nắng. 

Các bệnh do côn trùng gây ra: Rệp (Aphids), Rệp sáp (Mealybugs), Ve nhện (Spider Mites)

Cả 3 loại này đều có thể tự sinh ra trong môi trường tương đối giống nhau. Đôi khi là tự sinh ra trong đất hoặc lây nhiễm qua đường không khí, tiếp xúc với cây khác qua việc va chạm cành, dùng chung dụng cụ hoặc đơn giản chỉ là để các cây gần nhau. Cây cảnh nói chung, nhất là các loại cây thân thảo rất được mấy loài côn trùng này ưa thích. Anh chị xem về cách diệt đơn giản nhất TẠI ĐÂY ạ. 

Rệp đen (Black Aphids) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine
Rệp đen (Black Aphids) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine
Ve nhện (bọ nhện) (Spider mites) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine
Ve nhện (bọ nhện) (Spider mites) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine
Rệp sáp (Mealybugs) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine
Rệp sáp (Mealybugs) trên lá cây Hương Thảo Rosemary. Ảnh: Fine Gardening Magazine

Một số vấn đề do chăm sóc

Tưới quá nhiều nước (Overwatering)

Một cây Hương Thảo Rosemary dính lỗi overwatering. Dấu hiệu thường thấy là đầu là chuyển vàng hoặc nâu rồi lan dần vào trong. Ảnh: The Gardener
Một cây Hương Thảo Rosemary dính lỗi overwatering. Dấu hiệu thường thấy là đầu là chuyển vàng hoặc nâu rồi lan dần vào trong. Ảnh: The Gardener
  • Vốn là một loại cây bản địa của vùng ven biển Địa Trung Hải nên Hương Thảo là loại cây chịu hạn, thà để hơi khô chứ không nên để đất bị quá ẩm. Hãy cố gắng mô phỏng môi trường tự nhiên của chúng. 
  • Sai lầm phổ biến mình thấy là mọi người hay tưới nước theo lịch trình, theo hẹn giờ tự động hoặc theo cảm hứng. Giống như là ngày tưới 2 lần, sáng và chiều, không quan tâm đất còn ẩm hay đã khô, khô bề mặt ẩm bên dưới hay đủ độ khô 3cm từ bề mặt trở xuống để đạt yêu cầu là cần tưới. 
  • Do trồng cây Hương Thảo gần các cây thảo mộc ưa nước khác (ví dụ như cây Bạc Hà – mint) nên khi tưới Bạc Hà mọi người có xu hướng tưới luôn cho Hương Thảo theo kiểu tiện tay dắt dê, trong khi lúc đó đất Hương Thảo vẫn còn rất ẩm.
  • Cây hương thảo khi bị tưới quá nhiều nước khiến bầu đất ngập nước và úng có thể có dấu hiệu các đầu lá chuyển vàng hoặc nâu, ủng, héo hoặc phát triển chậm. Nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh Thối Rễ (Root rot) ở trên.
  • Để đảm bảo bạn không tưới quá nhiều cây hương thảo, hãy đợi cho đến khi đất thật khô (khô 3 cm từ bề mặt xuống dưới) mới tưới cây. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng hỗn hợp giá thể thoát nước cực tốt.

Đất nặng (Heavy Soil)

  • Đất nặng, chẳng hạn như đất sét (có rất nhiều trong các bầu đất mua ở các vườn ươm cây miền Bắc, đặc biệt là cây ở Văn Giang, Hưng Yên), là một vấn đề rất lớn đối với cây hương thảo. Loại đất này không chỉ đọng lại nhiều nước mà còn khiến rễ cây không thở được khi đất vón cục. Một là úng, hai là ngộp thở, kiểu gì cũng khiến hệ thống rễ bị tổn thương và chết. Sở dĩ họ trồng không chết là do họ trồng ngoài vườn, kết hợp với cách tưới nước cha truyền con nối, lại có thêm môi trường thoáng khí, có nắng lọc qua lưới Lan và luôn có người theo dõi để xử lý khi có vấn đề xảy ra. Về nhà mình thường mọi người để ở ban công hoặc có khi cho vào trong nhà, nắng không có, khí không thoáng, tưới nước thì không đúng cách, lúc này hỗn hợp đất nặng (nhiều đất sét) sẽ là sát thủ giết cây nhanh không ai bằng. 
  • Để tránh vấn đề như vậy, tốt nhất là kiểm tra và thay giá thể nếu cần. Hãy dùng các hỗn hợp đất nhẹ (như pumice, perlite, hạt đất sét nung, đá nham thạch vụn, vỏ gỗ thông vụn, …)

Thiếu ánh sáng

Một cây Hương Thảo rosemary bị thiếu sáng
Một cây Hương Thảo rosemary bị thiếu sáng
  • Cây hương thảo nhận không đủ ánh nắng hoặc ánh sáng mạnh sẽ phát triển các cành dài khẳng khiu. Cây cũng sẽ trở nên suy yếu rồi dễ mắc bệnh hơn mà chết.
  • Vấn đề này đặc biệt phổ biến khi các anh chị em trồng cây Hương Thảo trong nhà mà không có ánh nắng tối thiểu vài tiếng một ngày, thậm chí là ở bóng râm thì thua luôn. Tốt nhất nên cài app đo cường độ ánh sáng vào điện thoại. Mình cài Light Meter Free trên iphone đo độ LUX miễn phí rất ổn (quảng cáo hơi nhiều 1 tý nhưng dù sao cũng miễn phí ^^). Chỗ nào mà lúc ánh sáng nhiều nhất >50000 LUX thì theo kinh nghiệm của mình là trồng được Hương Thảo. 
  • Tốt nhất là nên trồng Hương Thảo ngoài trời và có ánh nắng trực tiếp tầm 6 tiếng mỗi ngày. Mình cũng thấy có nhiều anh chị chia sẻ trồng không cần nắng, chỉ cần có ánh sáng là hương thảo vẫn sống được. Mình cũng đã thí nghiệm, nếu có nắng thì hương thảo Rosemary phát triển nhanh hơn môi trường không có ánh nắng tương đối nhiều. (Trừ khi giống Hương Thảo đã được cải tạo hoặc thuần hoá để phát triển nhanh trong môi trường bóng râm).
  • Có một cách để bổ sung ánh sáng cho Hương Thảo với anh chị em nào không có một ban công hoặc cửa sổ đủ nắng là sử dụng đèn LED toàn phổ chuyên dùng để cây Indoor quang hợp. Hệ thống bổ trợ này có thể giúp cây hương thảo nhận được lượng ánh sáng đầy đủ hơn trong mỗi ngày.

Thiếu không gian sống 

  • Cây hương thảo trồng trong chậu cây quá nhỏ sẽ bị stress. Thực ra cây nào cũng thế thôi, trừ Bonsai thì yêu cầu về chậu là bắt buộc phải nhỏ, còn lại thì theo mình các cây cảnh khác, đặc biệt là các cây gia vị (Herbs), nếu đủ điều kiện để trồng ở chậu to hoặc đem ra vườn nhiều đất thì cứ triển khai luôn. Do cây Hương Thảo có thể sống đến 30 năm, gốc hoá gỗ to như hình bên dưới nên các bạn cứ thoải mái mà sang chậu to cho cây nhé. 
Một cây Hương Thảo Rosemary hơn 20 năm tuổi.
Một cây Hương Thảo Rosemary hơn 20 năm tuổi.
  • Khi cây hương thảo của bạn phát triển nhiều cành và tán lá trên mặt đất, nó cũng phát triển nhiều hệ thống rễ hơn dưới mặt đất. Vì vậy một kinh nghiệm nhỏ là đường kính chậu luôn phải to hơn đường kính tán lá.
  • Hương thảo sẽ ngừng phát triển như bình thường khi rễ của nó không thể kéo dài thêm nữa. Điều này sẽ làm cho cây yếu hơn và hệ thống rễ hết không gian sẽ có thể tự bịt kín các bóng oxy của nhau và tự gây ra bệnh thối rễ. 
  • Theo mình cứ mỗi năm nên thay chậu to hơn, chậu sau to hơn chậu trước 1 đến 2 cỡ.
Đây là một chùm cây Hương Thảo quá to so với chậu. Theo tác giả thì cây gần như không phát triển thêm. Ảnh: The Spruce
Đây là một chùm cây Hương Thảo quá to so với chậu. Theo tác giả thì cây gần như không phát triển thêm. Ảnh: The Spruce

Cắt tỉa 

  • Việc cắt tỉa cây hương thảo Rosemary là cần thiết để kích thích sự phát triển của những tán lá mới hơn. Lá càng non càng có nhiều hương vị hơn. Việc cắt tỉa liên tục đồng thời ngăn các cành của Hương Thảo biến thành gỗ và dễ sinh các bệnh thân gỗ hơn.
  • Hương thảo là một loại thảo mộc lâu năm thường xanh, có nghĩa là nó có thể sống quanh năm nếu khí hậu thích hợp. Nhưng một trong những sai lầm chính mình cũng đã từng mắc là quá ham cắt tỉa hương thảo ngay trước khi mùa đông bắt đầu. Điều này làm cho cây trở nên không ổn định và rất yếu để tồn tại trong thời điểm giao mùa và khi “The Winter Is Coming”.
  • Trước mùa đông không cắt và cũng không cắt vào thời điểm giá rét trong mùa đông. Mùa hè khi nền nhiệt độ ở mức cực cao theo kinh nghiệm của mình cũng không nên xuống tay quá đà, cây lúc này đang phải căng mình thích nghi khí hậu cực đoan, việc cắt gọt quá mức sẽ khiến cây bị stress nặng.
  • Hãy chọn thời điểm mát mẻ hoặc khi khí hậu ổn định trong một thời gian dài để tiến hành việc cắt tỉa nhé.
Nếu bạn đã không cắt tỉa thì hãy để nó trở thành một cây Hương Thảo thân gỗ già tuyệt đẹp. Một cây xấp xỉ 20 năm tuổi đang nở hoa tím kín cành. Ảnh: Martyn Cox - Vương Quốc Anh
Nếu bạn đã không cắt tỉa thì hãy để nó trở thành một cây Hương Thảo thân gỗ già tuyệt đẹp. Một cây xấp xỉ 20 năm tuổi đang nở hoa tím kín cành. Ảnh: Martyn Cox – Vương Quốc Anh

Mình vẫn đang test thêm rất nhiều cây từ bé đến lớn để tìm hiểu thêm các vấn đề có thể xảy ra. Trong quá trình thử nghiệm cũng như nghiên cứu các tài liệu của bạn bè, nếu có kiến thức mới mình sẽ cập nhật liên tục vào bài viết để mọi người có nhiều thông tin tham khảo hơn. 

Bài tổng hợp trên đa số dựa vào kinh nghiệm cá nhân và có sử dụng thêm kiến thức và hình ảnh của bạn bè và các chuyên gia. Do điều kiện khí hậu, chăm sóc, vật tư (thuốc, chế phẩm sinh học) khác nhau nên khi áp dụng vào sẽ có rất nhiều sai số, rất mong anh chị em chỉ coi những thông tin ở trên mang tính chất tham khảo thôi nhé. Chúc anh chị em luôn có những cây Hương Thảo Rosemary (Rosmarinus officinalis) đẹp nhất nhé!!!

(Dũng Cá Xinh – 10/2020)


Trả lời

0988110300
chat-active-icon