[Chia sẻ] Cách chăm sóc hoa Lan khi mới mua về

[Chia sẻ] Cách chăm sóc hoa Lan khi mới mua về
+ Ở bài viết này mình sẽ chia làm hai phần: Gồm cách chăm sóc hoa Lan mới mua ở rừng về hoặc hàng bóc trụ tại nhà vườn (rễ chưa bám ổn định vào giá thể) và cách chăm sóc hoa Lan mới mua về đã được trồng vào giá thể.
** Phần 1: Đối với hoa Lan được mua từ rừng về hoặc hàng bóc trụ tại các nhà vườn.
+ Loại này có đặc điểm giá thành rẻ hơn so với cây đã được trồng ổn định vào giá thể. Nhưng cần phải xử lý tốt ngay từ đầu để cây không bị chột nhiều. Một vài điều cần chú ý như mùa ghép cây, kỹ thuật xử lý ban đầu, giá thể ghép cây, chăm sóc sau khi ghép.
+ Mùa ghép cây:
Đối với các dòng hoàng thảo (dendrobium) như giả hạc, trầm, long tu, hoàng thảo vôi….. thì thời điểm ghép cây là giai đoạn cây ngủ nghỉ. Khi chồi mới đã lên và đã nhú rễ non thì không nên tiến hành ghép cây vì mầm non sẽ bị chột đi rất nhiều.
+ Đối với các dòng đơn thân như chi ngọc điểm, chi giáng hương thì có thể ghép vào bất cứ mùa nào trong năm nhưng thích hợp nhất là sau giai đoạn hoa tàn.
+ Xử lý ban đầu:
Tình trạng cây Lan lúc này có ít rễ hoặc rễ bị hư thối. Lá có thể vẫn căng hoặc hơi nhăn do thiếu nước. Cần cắt bỏ những rễ già, rễ thối, lá hư dập. Sau khi cắt không tưới mà treo cây lên nơi khô ráo. Đến ngày hôm sau ta hòa dung dịch gồm thuốc kích rễ và thuốc nấm. Các loại thuốc kích rễ có thể sử dụng kích rễ thái + B1…..Nhúng ngập hết thân, rễ, lá cây vào dung dịch đã pha rồi với cây ra trồng vào giá thể.
+ Giá thể trồng lan:
Có thể sử dụng nhiều loại giá thể khác nhau để trồng lan như: Ghép lên thân cây đang sống, gỗ khô, gỗ lũa, than hoa, vỏ thông, thân cây dương sỉ gỗ, rêu rừng, rêu chile, sơ dừa……Các giá thể đều phải được xử lý nấm bệnh trước khi đưa vào trồng cây. Không sử dụng các loại giá thể mau mục hoặc các loại giá thể có tính chua chát dễ gây hư rễ lan về sau này.
+ Kỹ thuật ghép lan vào giá thể:
Đối với trồng cây vào chậu thì chú ý phần dưới đáy chậu để các giá thể có kích thước lớn một chút rồi càng dần lên trên kích thước giá thể nhỏ dần. Sau khi chèn giá thể chú ý cố định cây sao cho chắc chắn không để phần gốc, củ bị lung lay. Nếu ghép cây vào gỗ khô hoặc gỗ lũa cần bóc bỏ hết lớp vỏ cây khô. Rồi tiến hành cố định cây Lan vào gỗ có thể sử dụng các loại dây hoặc dùng súng bắn đinh gim. Chú ý hướng mọc chồi mới cần hướng ra ngoài.
+ Chăm sóc cây sau ghép:
Tưới ẩm cho cây sau ghép. Biểu hiện khi giá thể khô thì mới tiến hành tưới nước lần tiếp theo cho cây. Ngày thứ 4 sau ghép sử dụng các loại thuốc kích rễ cho cây. Sau 5 hôm sử dụng lại lần tiếp theo cho đến khi nào rễ mới ra thì ta sử dụng các loại phân bón có hàm lượng NPK 30-10-10 cho cây. Giữa 3 lần sử dụng 30-10-10 thì sử dụng 1 lần loại phân 20-20-20 để giúp cây cứng cáp, chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Vào thời gian mưa nhiều 1 tuần xịt phòng nấm bệnh cho cây một lần. Vào mùa khô thì có thể giãn ra 2 tuần xịt một lần. Sử dụng luôn phiên các loại thuốc khác nhau ở mỗi lần xịt để tránh trường hợp nhờn thuốc.
** Phần 2: Cách chăm sóc hoa Lan đối với cây đã được trồng vào giá thể.
Đối với cây đã được trồng vào giá thể thì các bước xử lý đơn giản hơn. Cần chú ý khi mới lấy cây về (thường được chuyển bằng đường bưu điện) thì lấy cây ra treo vào chỗ thoáng đến ngày hôm sau ta mới tưới nước cho cây. Có thể trồng cây vào chậu mới lớn hơn hoặc để nguyên giá thể cũ nếu vẫn còn sử dụng được.
+ Chế độ phân bón dành cho cây:
Đối với cây giống hoặc cây ở giai đoạn cây sinh trưởng về thân, lá thì sử dụng các loại phân bón có hàm lượng đạm cao (bón 2-3 lần) rồi sử dụng xen kẽ phân có hàm lượng cân bằng về đạm, lân, kali. Phân bón có thể kết hợp với B1 giúp cây sinh trưởng cân đối hơn. Thời gian tưới phân nên vào buổi sáng, tránh tưới quá sớm hoặc gần trưa.
+ Một vài lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây:
– Thời gian phun thuốc nên tiến hành vào buổi chiều mát.
– Sử dụng luôn phiên 3-4 loại thuốc cho mỗi lần xịt phòng khác nhau.
Khi cây đã bị bệnh cần cắt bỏ quá vết bệnh một đoạn rồi xịt thuốc với nồng độ cao hơn, cách ly cây ra khỏi vườn nếu cần thiết.
– Những nguyên nhân gián tiếp dễ làm cây Lan bị bệnh hoặc chết
Thực hiện theo nguyên tắc phòng bệnh hơn chưa bệnh, một số nguyên tắc để chăm sóc vườn lan nhà mìnhnhư:
+ Lan nhiễm bệnh do khoảng cách treo và độ thoáng gió không đạt: Treo lan tại nơi thoáng có gió nhè nhẹ. Khoảng cách treo không được quá gần và cũng không nên quá xa. Đặc biệt lá giò này không được chạm lá của giò khác.
+ Cây bị thiếu ánh sáng hoặc dư ánh sáng: Chỉ nên treo một tầng, không treo lan làm 2-3 tầng. Điều này làm hạn chế áng sáng của những giò ở dưới và chúng dễ bị bệnh hơn khi nước từ những giò ở trên giỏ xuống. Tùy thuộc vào loại lan mà có nhu cầu ánh sáng khác nhau. Nhưng thông thường ta chỉ cần căng một lớp lưới có độ che phủ 60-70% để căng cho giàn lan nhà mình.
+ Bón phân không cân đối, bón phân quá liều, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật:
Lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chai cây. (cây không sinh trưởng được). Hoặc cây có thể bị ngộ độc do quá liều. Một số loài nấm, khuẩn nhờn thuốc do ta sử dụng thường xuyên một loại thuốc bảo vệ thực vật mà không có sự thay đổi luôn phiên. Cần bón phân đầy đủ, cân đối giữa các thành phần giúp tăng sức đề kháng cho cây Lan. Sử dụng luôn phiên giữa các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon