Nguồn: cayvachau
Có một số bạn trong Hội Lá Kim hỏi tôi ‘top dressing’ là gì và có cần thiết không?
Trong trồng trọt có một thuật ngữ là ‘top dressing’. Đây là một lớp mỏng hình thành do phân bón trên bề mặt của đất kết tủa tạo thành. Nhưng trong Bonsai thì đây là một kỹ thuật mang tính nghệ thuật trang trí mặt chậu cây đậm chất thẩm mỹ và quan trọng nhất là duy trì độ ẩm của đáy và độ ẩm ở phần mặt chậu cân bằng với nhau.
Cần thiết hay không thì tuỳ theo quan điểm cũng như nhận thức của mỗi người, nhưng đối với tác giả thì đây là việc rất nên làm. Bởi vì tác giả quan niệm rằng khi chúng ta đưa cây trồng vào chậu cảnh thì không gian vốn dĩ đã chật hẹp, nếu bạn không vận dụng tối đa thì không gian đó sẽ bị mất đi 15% – 20%. Nguyên nhân đất ở lớp trên cùng, khu vực mặt chậu do tiếp xúc với nắng cũng như gió sẽ rất mau khô. Hơn thế nữa, khi chúng ta đưa cây lên chậu thường hay tận dụng phô diễn bộ rễ để cho cây trông có vẻ cổ tàn, vì thế phạm vi 15% – 20% này cũng là nơi có nhiều rễ nhất, sẽ rất nhanh bị khô héo do gió và nắng, ép rễ buộc phải tìm nguồn nước và dinh dưỡng phía dưới.
Với những cây mới thay đất nếu không có phần ‘top dressing’, khi tưới nước thì trọng lực (gravity) sẻ hút nước thật lực qua những lỗ thoát nước ở đáy chậu; đất trên mặt sẽ rất mau khô do nắng và gió, ở phần giữa thì đủ độ ẩm nhưng phần đáy chậu lại vẫn còn nhiều nước đọng lại. Nếu có ‘top dressing’ thì sẽ làm giảm trọng lực sức hút của nước một phần nào đó, khi nhiệt độ trong chậu gia tăng thì nước tụ dưới đáy sẽ bốc lên trên bề mặt làm cân bằng độ ẩm của trên và dưới.
Những vật dụng tác giả dùng để làm ‘top dressing’ gồm có:
- Dớn khô, xác rêu (Sphagnum moss), hoặc có thể dùng xơ dừa. Nếu chọn dùng dớn thì bạn hãy lựa loại có màu xám (grey) để giảm sự chói lọi gây xao nhãng chú ý của mắt người.
- Rêu tươi hoặc rêu đã được phơi khô (sau vài tháng rêu sẽ hồi sinh xanh tươi trở lại nếu đủ nước). Vào những mùa mưa khi độ ẩm lên cao, rêu sẽ mọc đầy ở những bờ tường, góc vườn hay bãi đậu xe. Đó là thời gian lý tưởng để thu lượm rêu đem phơi một hai nắng cho khô rồi bỏ bao nilon cất để sau này dùng dần.
Dớn hoặc xơ dừa cần sàng lọc loại bỏ bụi để đất không bị nghẹt nước, chọn những sợi khoảng 1/4″ đến 3/8″. Mục đích vì những sợi này sẽ đan vào với nhau tạo khe hở để cho không khí vẫn vào được trong chậu và hơn nữa là gió không thể thổi bay di được.
Rêu có thể gom từ những bờ tường, góc vườn, bãi đậu xe hoặc trên thân cây và cũng cần chà vụn để loại bỏ những đất dư thừa bám dưới rễ rêu.
Trộn rêu và dớn (hay xơ dừa) với nhau rồi rải một lớp thật mỏng trên mặt chậu. Tưới qua nước, và do dớn (xơ dừa) khô nên lần đầu cần tưới đẫm cho kỹ để dớn (xớ dừa) thấm nước.
Khi trời ấm lại, và sau một hai tháng do bón phân đầy đủ, lớp ‘top dressing’ trên mặt này sẽ mọc rêu nhìn rất tự nhiên và đẹp.
Với những dòng lá kim chẳng hạn như thông (pine) và tùng, bách thì tác giả chỉ đắp dớn (dớn không trộn rêu) sau khi mới thay đất sang chậu để duy trì độ ẩm, nhưng một khi cây đã phát triển trở lại thì phần này sẽ được gỡ bỏ để tạo sự thông thoáng.
Để dẫn chứng cho các bạn thấy ‘top dressing’ đóng vai trò quan trọng như thế nào, tác giả đưa ra cụ thể điển hình với ví dụ như cây Bách Cali (Juniperus californica) dưới đây. Chắc các bạn sẽ không lạ gì với loài Bách Cali (Juniperus californica), một loài cây có hệ rễ phát triển vô cùng chậm. Có thể nói phải ít nhất từ 6-8 tháng sau khi thay đất sang chậu mới biết thực sự được cây có bén rễ hay không (chết hay sống). Với kinh nghiệm cá nhân của tác giả thì đều đắp dớn để giữ ẩm, và chỉ tưới khi dớn trên mặt có dấu hiệu hơi khô. Cây Bách Cali (Juniperus californica) đã bén rễ trên mặt chậu sau hai tháng thay đất, một điều tưởng chừng như rất khó có thể xẩy ra đối với ai đã chơi qua cây bách Cali… bén rễ ngay trên mặt chậu gần với gốc (vùng shin).
- Xem thêm về cây Bách Cali (Juniperus californica) TẠI ĐÂY!