Trải nghiệm người chơi: Maiden Hair Fern (Dương xỉ Tóc Thần Vệ Nữ) – Người tình õng ẹo!

Trải nghiệm người chơi: Maiden Hair Fern – Người tình õng ẹo!
Đánh giá

Gần đây, tôi có tình cờ lướt instagram và xem được những hình ảnh rất “xanh” của một bạn có tên là khurungcuatuan. Sau khi theo dõi insta một thời gian, tôi thấy rằng Tuấn không chỉ chụp những tấm hình rất đẹp về khu vườn của bạn ấy, mà còn tìm hiểu khá sâu về từng loại cây, thông qua những bài chia sẻ cùng với những trải nghiệm rất thật.

Nói thật, nếu lướt Instagram hoặc Pinterest, tôi có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều plantlover từ khắp nơi trên Thế giới, nhưng để bắt gặp một người như Tuấn ở Việt Nam đúng là “hàng hiếm có”, đó là lý do tôi quyết định inbox và nhờ bạn ấy chia sẻ một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân về một loại cây nào đó yêu thích. Và tất nhiên, Tuấn không ngại ngần gửi cho tôi và toàn bộ các bạn đang theo dõi blog của NOTH bấy lâu nay, những chia sẻ rất thật từ Maidenhair Fern – người tình mà Tuấn đã gắn bó bấy lâu nay.


Nếu ai đó hỏi mình về “Fall in love” là như thế nào, mình sẽ kể về cây Tóc thần vệ nữ, a.k.a Maidenhair Fern. Tên khoa học của em gái này là Adiantum capillus-veneris, thuộc họ Dương xỉ. Lần đầu tiên mình gặp em Maidenhair là ở trên chợ cây cảnh phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, minh đã không thể rời mắt khỏi một sinh vật xinh đẹp, có tán lá xanh ngắt, mỏng nhẹ đang đung đưa trong làn gió xe cộ. Quyết định rước em Maidenhair về nhà chỉ vì quá thích nhưng không biết cách chăm sóc đã làm em ấy hẹo trong vòng 1 tháng.

Đó là thời điểm năm 2012 khi mình chưa tìm hiểu gì về cách chăm sóc cây, thích cây nào, mang cây đó về và tích cực tưới nước… Những năm sau đó thì mình tiếp tục mua về thêm nhiều cây Maidenhair nhưng thật khó để chăm sóc cho những em cây õng ẹo này, vấn đề mình gặp nhiều nhất là lá cây ngày càng bị khô, lá mới ra bị nhỏ và cây yếu dần đi. Sau đó mình không mang thêm em nào về nữa vì sợ lại làm chết các em ấy.

Tới năm 2017, năm mà mình bắt đầu tìm hiểu kĩ về cách chăm sóc cây, thì tận cuối năm mình mới dám rước 2 em Maidenhair về nhà thêm một lần nữa. Cũng là cây mua tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, mình đưa về Vinh được mấy ngày thì 2 em cũng có dấu hiệu khô lá như những em trước đây. Nhưng lần này đã khác, sau 2 tuần dạt dẹo tưởng chừng đã hẹo, 2 em Maidenhair đều bắt đầu ra lá mới và đến nay là sau 4 tháng, đã ra được 4-5 lá mới và xanh mượt xinh đẹp. Sau đây là bí kíp:

1. ĐỘ ẨM KHÔNG KHÍ

Đây là thứ quan trọng bậc nhất nếu muốn chăm sóc Tóc thần vệ nữ, những thứ khác có hay không, không quan trọng (đùa đấy). Một trong những lý do hàng đầu khiến em gái õng ẹo này hay bị khô lá đó là độ ẩm không khí thấp. Vậy nên, hãy đặt Maidenhair ở nơi có độ ẩm cao như bếp, nhà tắm (cần có cửa sổ lấy sáng), nếu không, hãy đặt một khay chứa nước ở đáy chậu, và giữ cho khay nước luôn có một lượng nước cao khoảng 0.5-1cm. Điều này nghe thì có vẻ hơi sai sai vì theo lý thuyết là sẽ làm chậu hút ngược nước lên làm úng rễ cây, nhưng bạn đừng lo, Tóc thần vệ nữ là loài mê ẩm ướt, càng ướt át các em ý càng thích!

2. ĐẤT TRỒNG

Trong tự nhiên, những cây dương xỉ như Maidenhair Fern thường mọc trên những bề mặt ẩm ướt chứ không hẳn là cần đất, thậm chí là mọc trên lớp lá mục rữa lâu năm, nên mình dùng các vật liệu organic để làm chất trồng bao gồm: vỏ thông vụn 0.5-1cm, lá thông cắt nhỏ, rêu khô, rêu tươi, xơ dừa, một chút phân trùn quế hữu cơ. Hỗn hợp này đa phần có tiết diện lớn và giữ nước, nên sẽ tạo ra độ thông thoáng và ẩm ướt cho rễ cây. Tuy nhiên tránh sử dụng hỗn hợp này cho các cây khác vì quá ẩm ướt.

3. TƯỚI NƯỚC

Vì mình để khay nước ở dưới đáy chậu nên mình chỉ thêm nước vào khay cho chậu tự hút nước lên chứ không tưới trực tiếp vào chậu hay xịt sương lên lá. Sự thật là xịt sương lên lá chỉ làm tăng độ ẩm không khí trong khoảng 15 phút, không xi nhê nên các bạn hạn chế xịt bất cứ thứ gì lên lá nhé.

4. ÁNH SÁNG

Đặt cây ở nơi có ánh sáng mạnh nhưng không phải là nắng trực tiếp, cây sẽ phát triển mạnh nhất. Nếu không thì có thể đặt ở chỗ tối hơn nhưng bắt buộc là phải có ánh sáng tự nhiên chiếu vào.

5. BÓN PHÂN

2-3 tháng mình sẽ thêm 1-2 thìa cà phê phân trùn quế hữu cơ vào chậu, Tóc thần vệ nữ không cần quá nhiều phân bón để phát triển.

Tóm lại thì, yêu cây thôi là không đủ, hãy tìm hiểu kĩ đặc tính của cây và cách chăm sóc trước khi mang cây về nhà với bạn. Chăm sóc Tóc thần vệ nữ thực ra không khó, để ý chút về độ ẩm không khí là được. Chúc các bạn may mắn!


Còn bạn, bạn có “người tình” nào sâu đậm và khó chiều nhất không, hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn tới NOTH và những bạn trẻ yêu cây tại Việt Nam nhé.

Bạn cũng có thể theo dõi Tuấn tại instagram @khurungcuatuan.

0988110300
chat-active-icon