Kiểu dáng thẳng (Chokkan)
Cây phát triển ở điều kiện tự nhiên trống trải nhận được nhiều ánh sáng, yếu tố địa hình, dinh dưỡng, gió, … thuận lợi cho sự phát triển của cây đều về các phía. Thân cây thuôn dần từ gốc đến ngọn, cành vươn đều về mọi phía trong không gian.
Kiểu dáng thẳng ở bonsai, trục của thân vuông góc với mặt chậu, thân thẳng không có đoạn gãy khúc. Cành được phân bố đều ra các hướng, tán cây cân bằng qua trục thân, nhưng không đối xứng, tán cây thường là một hình tam giác.
Kiểu thân cân bất quy tắc (Moyogi)
Phương của cây vẫn là thẳng đứng. Nhưng trên thân có những đoạn cong mềm mại. Đây là kiểu thường bắt gặp trong tự nhiên và ở trong nghệ thuật Bonsai.
Kiểu hình này có được là do ảnh hưởng của môi trường tác động lên cây trong quá trình sống, như tác động của gió, hay cây bị che khuất ánh sáng, làm cho thân cây phát triển lệch hướng dân, xiêu vẹo, làm đổi hướng phát triển của ngọn.
Dáng cây được giữ cân bằng nhờ ngọn hướng vào trục thẳng tâm với gốc, cành đầu tiên được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, để tạo ra nét thăng bằng cho cây.
Thân cây về cơ bản là theo hướng thẳng đứng, độ nghiêng có thể lệch trong khoảng 15 độ so với trục thẳng đứng. Nét nghiêng của cây có thể được hướng qua trái hoặc phải nhưng không nên hướng về phía người quan sát.
Đây là dạng phổ biến nhất ở Bonsai, thân cây có độ cong vừa phải tạo ra nét lượn duyên dáng cho cây. Nhưng chú ý nét cong không nên thái quá. Kiểu thân này ít cần đến những tác động tinh tế vào thân hơn các kiểu khác, nên rất dễ dàng cho những người mới bắt đầu vào Bonsai.
Một số hình ảnh cây Bonsai đẹp:
Kiểu thân nghiêng (Sakan)
Trong tự nhiên kiểu này thường xuất hiện ở những cây mọc nơi có gió thổi mạnh, thân sẽ bị nghiêng theo hướng tác động của gió. Hoặc có thể cây mọc ở nơi bị che khuất ánh sáng ở một bên thân sẽ phát triển nghiêng dần theo hướng có ánh sáng.
Sự thăng bằng của cây được giữ bằng cách hướng dần ngọn gần về phía gốc, cành thứ nhất được uốn sửa theo nhiều góc độ khác nhau, có thể nằm ngang hay hướng xuống để tạo ra nét cân bằng cho cây.
Đỉnh ngọn và gốc cây không cùng trên một trục.
Phần rễ cây cũng là một đặc điểm của kiểu này. Bộ rễ thường phát triển mạnh ở phía ngược lại hướng nghiêng của thân, tạo ra cảm giác chắc chắn, ổn định cho cây, rễ ở phía hướng nghiêng còn gọi là rễ chống.
Có nhiều mức độ khác nhau về độ nghiêng của thân. Thông thường được chia làm 4 loại:
- Nghiêng < 30 độ
- Nghiêng từ 30 độ – 45 độ
- Nghiêng khoảng 45 độ
- Nghiêng lớn hơn 45 độ
Kiểu gió lùa (Fukinagashi)
Kiểu thức này trong tự nhiên thường ở những nơi có gió thổi mạnh và liên tục như bờ biển, trên đỉnh hay các sườn núi. Cành cây bị tác động thường xuyên của gió tạo ra cấu trúc khác lạ, cành bị xiêu dạt hẳn về một hướng.
Thân cây ở kiểu thức này có thể ở dáng nghiêng hoặc cả dáng thẳng, cành phát triển lệch về một bên theo hướng gió.
Có 2 kiểu gió lùa:
- Một kiểu cho thấy sự chuyển động gió đang thổi qua cây
- Một kiểu thể hiện kết quả sự tác động nhiều năm của gió.
Thân cây gió lùa không nên thiết kế nằm gần song song với trục ngang, sẽ không bộc lộ được ý tưởng rõ ràng.
Kiểu thác đổ (Kengai)
Kiểu này trong tự nhiên thường có ở các vách đá dựng đứng, cây chỉ phát triển theo một hướng có ánh sáng. Hoặc chịu những tác động của trọng lực như mưa lũ, gió, tuyết, làm cho cây bị tróc gốc, dẫn đến cây bị ngã rạp và phát triển lệch về phía dưới. Hoặc những cây mọc trên những bờ đá cạnh hỗ nước, do tác động của ánh sáng phản chiếu, làm cho các cành có xu hướng mọc vươn ra phiá mặt nước.
Cây thường có độ nghiêng từ 45 độ trở lên, thân uốn lượn mềm mại về hướng trái, phải và đổ xuống phiá dưới chậu.
Cây thác đổ thông thường ngọn được kết thúc ở phiá dưới chậu, tạo nên trục thẳng với tâm gốc, sẽ tạo ra được sự cân bằng tốt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp ngọn được đưa ra xa, không hướng về gốc.
Đỉnh cây được tạo nên bằng một cành gần gốc nhất, nó có chiểu cao ngắn hơn phần thân đổ xuống dưới. Cũng có nhiều cây đổ mà không cần có đỉnh ngọn trên cao, điều này còn tùy
theo nét lượn và cấu trúc của thân.
Khi trồng trong chậu, kiểu thác đổ thường phù hợp với kiểu chậu sâu, có tiết diện hẹp, vị trí cây được đặt ở giữa chậu, hay lùi về phía sau của chậu một ít, không nên để thân chạm vào thành chậu.
Bộ rễ nên lộ rõ trên mặt đất một cách hợp lý và tự nhiên, cần phải thể hiện rõ ràng và đúng đặc điểm bám vững chắc của cây trong trường hợp này. Đây là một trong những tiêu chuẩn thẩm mỹ của kiểu thác đổ.
Kiểu thác đổ là một kiểu tương đối khó khăn trong việc kiến tạo vì nó đi ngược lại quy luật phát triển tự nhiên của cây. Do đó về mặt kỹ thuật tạo tác, nuôi trồng và tính thẩm mỹ cần có một trình độ nhất định mới đạt được yêu cầu.
Kiểu văn nhân (Bunjingi)
Phong cách của cây giản dị, tao nhã, thường mô tả một cây thông đứng cô độc trên sườn núi, thân cao gầy với một ít cành phía trên ngọn, rụng bỏ hết những cành phía dưới, cây có những đường nét lạ, đôi khi biến đổi cả hướng cành và nét thân một cách đột ngột
Phong cách này ở Bonsai được cho là lấy cảm hứng từ những bức họa cổ của các danh họa Trung Hoa thời xưa và ảnh hưởng của nghệ thuật thự pháp. Dáng cây văn nhân khắc họa hình ảnh những ẩn sĩ, học giả, chối bỏ cuộc sống trần tục, sống ẩn cư trên núi cao, để trọm đời suy ngẫm vẻ triết lý sống, ngắm phong cảnh, lấy thơ văn và hội họa làm lẽ sống.
Kiểu văn nhân ở Bonsai rất tự do và phóng khoáng, có vẻ như nó đã phá bỏ mọi nguyên tắc, rào cản về hình thể của Bonsai, nó không có hình dạng và giới hạn cụ thể. Rất khó diễn tả, nhưng hình ảnh của nó lại khẳng định sự đơn giản và ấn tượng khi quan sát.
Một tính chất rất đặc trưng của kiểu này là hình dạng đó được tạo thành bởi tuổi tác và điều kiện sống khắc nghiệt.
Ở kiểu thân thẳng thông thường, nếu có một cành mọc ngược lại và vòng qua thân thì không thể chấp nhận được vì nó đi ngược với cảm nhận chung về Bonsai. Nhưng ở kiểu văn nhân thì có thể chấp nhận được, kiểu cành đó lại tạo ra được một ấn tượng về sự tự do, phóng khoáng đặc biệt, không chịu sự câu thúc.
Kiểu văn nhân là một kiểu thoạt tưởng đơn giản và dễ tạo, nhưng thật ra rất khó đạt được sự hoàn hảo, cần có óc thẩm mỹ cao, sự quan sát tích lũy và một kỹ thuật khéo léo mới tạo ra được ấn tượng cho tác phẩm.
Kiểu cành rũ (Shidae Zukuri)
Một số loại cây trong tự nhiên có cấu trúc cành mềm mại và buông rũ xuống tạo ra cảm giác linh động, uyển chuyển. Như cây Liễu chẳng hạn.
Những loại cây Bonsai có thể tạo kiểu thức này, cần có những đặc điểm của cành, nhánh phụ buông rũ tự nhiên, cây Thánh liễu thường được sử dụng cho kiểu dáng rũ.
Thân cây có thể ở dáng thẳng, hay nghiêng. Bộ cành được uốn rũ xuống dưới thấp, sát chậu. Không nên sử dụng chậu quá cạn trong trường hợp này, chậu nên sâu trung bình sẽ tạo ra ấn tượng ổn định, cho cái nhìn tốt nhất.
Những loài cây có cấu trúc cành mạnh mẽ, thô không nên tạo kiểu thức cành rũ, vì nét của chúng thô cứng không phù hợp cho kiểu thức này.
Kiểu cành chổi (Hokidachi)
Trong tự nhiên một số loại cây rụng lá, khoe ra bộ cấu trúc của cành rất đẹp mắt, thân thẳng đứng, các cành phát xuất gần như chụm vào nhau, có tính đối xứng, tán cây thường hình tròn, hình thuẫn.
Kiểu này thường phù hợp với cây rụng lá, có cành thon mảnh, không phù hợp với cây có dáng thân và cành mạnh mẽ, hoặc cây có dáng thô và xanh lá quanh năm.
Kiểu thân bộng bể (Sabamiki)
Thân cây bị hư hoại, mục ruỗng do những tác động của tự nhiên, hay côn trùng tàn phá … tạo ra những vết sẹo, bộng, minh chứng cho sự sinh tổn của cây một cách mãnh liệt trong điều kiện khó khăn.
Đối với Bonsai thông thường các sẹo xấu được giấu đi ở phía sau của cây. Đây là trường hợp ngoại lệ, các sẹo được xử lý, tạo tác một cách mỹ thuật để đem lại ấn tượng thú vị cho người quan sát.
Kiểu thân lột vỏ (Sharimiki)
Thân cây bị tác động của tự nhiên: Gió, bão, sét… bị gãy, tét thân, cành, phần vỏ bên ngoài bị rách, lộ rõ phần thớ gỗ bên trong, tạo ra ấn tượng chịu đựng để tồn tại trước phong ba bão táp của một cây già cỗi, phong trần.
Ở Bonsai thân cây được lột một phần vỏ, để lộ gỗ bên trong, phần gỗ lộ ra có thể thân, ngọn cây, cành.
Chỉ những loài cây có cấu trúc đặc biệt của vỏ như Thông, Tùng mới thực hiện được kiểu này.
Kiểu thân xoắn (Bankan)
Thân bị uốn vặn gấp khúc, các đường cong vặn xoắn vào nhau, kiểu dáng có vẻ phi tự nhiên so với các kiểu khác của Bonsai, kiểu này phù hợp với các chủng loại Tùng, Bách.
Kiểu rễ chân nơm (Neagari)
Cây có bộ rễ nhô cao lên khỏi mặt đất, đặc điểm của bộ rễ giống như cây mọc ở vùng đầm lầy, kiểu này hiện nay không còn phổ biến và được xem là có tính thẫm mỹ trong nghệ thuật Bonsai.
Kiểu bạch tuộc (Takozukuri)
Cây có bộ rễ lồi, trải đều trên mặt đất ở các hướng. Thân, cành uốn vặn, lượn cong ngoằng nghèo một cách phóng đại và mất trật tự, như vòi bạch tuộc. Tính thẩm mỹ của kiểu dáng này không co. Hiện nay, kiểu dáng bạch tuộc gần như không còn được chú ý trong sự thưởng thức của giới Bonsai.
Kiểu bám đá (Ishuzuki)
Đây là kiểu là cây mọc ở những bờ đá, vách đá. Để tồn tại rễ của chúng phát triển mạnh, bò lan trên đá dọc theo các khe nứt, đầu rễ đâm sâu vào khe đá hay đi xuống dưới thấp để tìm nguồn nước và đất. Vì bò trên mặt đá nên rễ của nó thường phình ra theo bề ngang và có cấu tạo cứng như thân, hình thể của nó rất ngoạn mục.
Bonsai được tạo theo kiểu thức này hình ảnh của nó giống như một cảnh sắc tự nhiên. Cây được chọn tạo nên kiểu này phải có sự phát triển mạnh của bộ rễ và dễ dàng thích nghi với điều kiện khó khăn.
Kiểu này mọc ở lưng chừng vách đá. Cành vươn dài ra một phía, như cây bán thác đổ hay thác đổ. Hướng của cây ở trường hợp này là do tác động của ánh sáng một phía.[/caption]