Những thách thức đi kèm với tính Nghệ Thuật của cây cảnh Bonsai

Những Thách Thức đi Kèm Với Tính Nghệ Thuật Của Cây Cảnh Bonsai
Đánh giá

Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.

Những bài học rút ra từ lối vẽ Tranh Phong Cảnh
Họa sĩ vẽ tranh phong cảnh cũng gặp một lô những khó khăn hệt như những thách thức chúng ta phải đối mặt khi sáng tạo bonsai vậy. Rút lại là vầy, họ “được tiếng” là vẽ tranh phong cảnh nhưng thực ra không phải “cái cảnh thiên nhiên”, bởi vì trên khung vải chỉ là mấy đường nét từ cọ quẹt xuống!
Nếu chỉ dùng nét cọ trên vải để diễn đạt điều gì đó tới người xem thì rõ ra là gây khó cho mấy nghệ sĩ này. Bởi vì họ vừa phải làm sao:
-diễn tả được cái cảm xúc của họ, khi cảnh sắc thiên nhiên “đập” vào mắt họ.
-trong khi cái cảnh này thì lại quá “thường”, vì quá quen thuộc, đối với người xem.
-đã thế, họ lại không được dùng những chất liệu “nguyên tố thiên nhiên ” đang hiện diện ở cái khung cảnh mà họ định mô tả.
-và cả đến chuyện: vẽ sao cho người ta thấy cần phải xem bức tranh, hoặc cảm thấy bức tranh có ý nghĩa.
Muốn làm được mấy chuyện như thế, thời phải biết xài những qui tắc trong Sáng tạo Nghệ thuật.

Vài sự thật quan trọng bậc nhất mà nghệ sĩ cần hiểu thấu đáo

1. Nếu họa sĩ vẽ bức tranh y hệt từng chi tiết thấy ngoài thiên nhiên thì chuyện truyền đạt có thể chả có mấy. Vẽ kiểu như vậy thì coi như cho ra một ‘bức tranh chết”. Bức họa sẽ chả gợi được mấy chuyện, bởi vì bố cục không có, cũng chả có chủ điểm, diễn đạt hay cảm xúc gì cả…, nói chung là “không có chuyện gì liên quan thân phận con người” ở đây ráo trọi.
Các nghệ sĩ cần phải mô tả và cung cấp cho người xem một quan điểm của con người, (tức là phô diễn sự vật dưới một góc nhìn nào đó để thấy sự vật dưới một khía cạnh nào đó), chứ đâu có phải nghệ sĩ là chỉ làm cái việc sao chép y hệt nguyên bản.

2. Tranh phong cảnh (và rất nhiều loại hình nghệ thuật khác) đa phần là chú tâm vào những “chuyện của con người”. Mỗi phần của một bức họa, một tác phẩm điêu khắc, hoặc cả một khúc nhạc hay ngay cả bonsai sẽ chẳng thể ra hồn nếu như không có chút liên hệ gì đến “những thứ dính dáng đến tính người”- tỉ như: trải nghiệm cuộc sống,cảm xúc, phẩm chất …của “con người”.

Thành thử, nếu như bạn chả học được chuyện gì trong thời gian bạn nghiên cứu Nghệ thuật, thì cứ học hai chuyện nêu trên là được.

Nếu một tác phẩm nghệ thuật chả diễn đạt được chút cảm xúc nào của người làm ra nó, hoặc không nói lên được điều gì người sáng tạo muốn gởi gấm, muốn chia sẻ tới người khác, thì thôi, đâu có lý do gì để vẽ bức tranh, soạn khúc nhạc hay chụp tấm ảnh ấy đâu?
Những người sáng tạo nghệ thuật là “làm ra” một câu chuyện. Câu chuyện của họ kể ra phải truyền đạt tới người xem, hay người nghe, những thứ “về con người”. Bạn đưa mắt vào một bức tranh phong cảnh sẽ thấy: một dòng suối trong thung lũng.
Có phải bức họa chỉ được sáng tác chính vì họa sĩ muốn truyền lại cho người xem: ông ta đã “thấy” gì ở thung lũng ấy, qua hình ảnh dòng suối, hoặc có khi là điều gì ông ấy cảm nhận khi ngắm cảnh sắc này.
Thung lũng và con suối, chúng chỉ là những thứ trong thiên nhiên, chúng ta vẫn dùng như một “nguồn dữ liệu” để khám phá ra thế giới quanh ta, chứ còn thông điệp từ tác giả-tức chủ điểm của bức tranh- là chuyện người làm nghệ thuật sẽ phải dùng những phương cách từ các quy tắc Nghệ thuật để làm nó nổi bật lên.

Các quy tắc trong sáng tác nghệ thuật thì cũng chỉ là những kỹ thuật, được nghệ sĩ dùng cho việc xử lý các phần tử trong cảnh sắc trước mắt, sao cho nổi bật được cái chuyện họ muốn người xem hiểu: “cái này là quan trọng” đây! Thành thử cái cảnh thực tế đang hiện diện ngoài thiên nhiên kia chỉ đơn thuần là những dữ liệu, được nghệ sĩ dùng để “chế ra” một câu chuyện có ý nghĩa gì đó, hay là một kinh nghiệm cảm xúc của chính tác giả.
Vậy nên, câu chuyện đó, hay nói cách khác: những nguyên tố làm dữ liệu tạo nên câu chuyện ấy, không phải là cây cối, dòng suối, dốc đồi hay trời mây non nước trong bức tranh đâu.

Những chuyện nêu trên không hẳn là toàn bộ những thứ dùng để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, thế nhưng bạn cũng thấy chúng chiếm một phần rất lớn trong số những thứ mà một nghệ sĩ cần phải có trong tâm trí (hoặc đơn giản là làm một cách tự nhiên, chả nghĩ ngợi gì cả) khi đang thực hiện cái việc sáng tác nghệ thuật.

Trở lại chuyện Bonsai

Vậy có phải là chuyện cho họa sĩ tranh phong cảnh ở trên nó cũng hệt thế cho người sáng tạo bonsai với mấy món đồ chơi : cây, chậu, mớ phụ kiện. Kết cuộc thì những mẫu thiết kế bonsai thành công, chả phụ thuộc nhiều lắm vào cái thân cây, mớ cành nhánh, hoặc vòm lá. Nhưng mức thành công lại nằm ở câu chuyện và cái cảm xúc do người làm bonsai muốn truyền đạt: những chuyện thuộc “con người”. Mà “chuyện con người” thì rõ là thứ có thể truyền đạt được.

Dùng bonsai để mô tả trọn vẹn ý nghĩa một cảnh tượng thiên nhiên, coi vậy chứ chả dễ dàng gì. Chuyện là cây bonsai trong chậu thì bé tí tẹo chứ có to đùng như mấy cây mọc ngoài đồng hay trên núi đâu, thành thử nó dẫn tới hàng lô những khó khăn, thách thức trong việc sáng tạo nghệ thuật, chả khác gì chuyện họa sĩ phải dùng vết cọ, mảng mầu thay vì người thật, cây thật, núi non thật. Hay như nhà soạn nhạc cũng vậy, ông ta phải dùng nốt nhạc và âm thanh từ hàng chục thứ nhạc khí thay cho việc diễn đạt bằng lời nói, thay cho việc dùng hình ảnh mô tả câu chuyện.

Nhắm mục đích tạo sự hài hòa, ăn khớp nhau bằng cách gia giảm những khác biệt quá lớn về kích cỡ, góc nhìn, môi trường sống và tuổi tác của cây, người làm bonsai cần phải biết vận dụng một số kỹ thuật sáng ý một chút, một số cách truyền đạt, và đôi khi phải biết hơi “ăn gian” một tí. Những kỹ thuật này được gọi chung là “những cách giả vờ trong việc sáng tạo nghệ thuật” để có thể mô tả được hình ảnh mà người làm bonsai muốn người xem tác phẩm “thấy” được hoặc “cảm” được.
Cái cách dùng “giả bộ” để tạo ra hình dạng, hoặc “giả bộ” để kết cấu ra một bố cục trong bonsai có thể coi như “biết cách đặt chữ ra câu” khi dùng “ngôn ngữ của Nghệ thuật” vậy.

Những đặc điểm trực quan

Kích cỡ

Kích cỡ chính là điểm khác biệt rõ nhất giữa một cây bonsai và một cây thường thấy ngoài thiên nhiên. Cây Bonsai thì cũng chỉ khoảng cỡ dưới 90 cm. Chúng ta thường làm bonsai để mô tả hình ảnh một cái cây to đùng. Chuyện như vậy sẽ xuất hiện một lô khó khăn, thách thức tới người làm bonsai. Những thách thức đó là chuyện chúng ta cần giải quyết hòng có thể thành công trong việc trình diễn một bonsai mà người xem tin được rằng “nó rõ là một đại thụ”. Sau đây sẽ là một vài cách thức giải quyết vấn đề này.

Cho cây ngả về phía trước một chút

Biết lợi dụng đường thân để cây Bonsai của bạn nghiêng về phía người xem một chút (nhất là ngả tàn vòm lá ) thì góc nhìn của người xem tới cây sẽ thay đổi , khiến tạo ra cảm giác là cái cây cao vút và đang xòe tàn ra như thể trùm lấy họ.
Thường thì chúng ta hay ngắm cây, rồi để cái cây xuất hiện trong tầm nhìn, ở cái kiểu đứng ngay dưới vòm tàn hoặc gần gần cái cây. Tương tự như vậy, chúng ta tạo cho người xem có góc nhìn hệt như đang rất gần ngay dưới cái cây, thế là cây bonsai của chúng ta sẽ xuất hiện như thể một đại thụ vậy.

Góc nhìn từ dưới lên tạo cảm giác cây cao vút và xòe tàn che người ngắm. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm cây hơi nghiêng như vậy, mà phải tùy vào ý đồ bạn đã xác định từ trước. Ví dụ dễ hiểu nhất là hình dưới, người ngắm đứng từ xa nhìn lại, cây thẳng đứng, tán hẹp, thân dài mô tả 1 cây cao vút mây xanh.

Tỉ lệ cành (so với thân)

Cây Kim Tùng Juniper (hình dưới) lộ ra vẻ một cây cao ngất ngưởng do tỉ lệ giữa đường kính thân so với chiều cao thân, rồi hình ảnh những cành nho nhỏ(khi so với cỡ lớn của thân), và cả đến việc ngắn nhặt dần ở các đốt cành trên thân suốt từ gốc lên ngọn.

Một đặc điểm thường thấy ở những cây nhỏ, non trẻ là chúng có cỡ cành khá lớn, nếu bạn so tỉ lệ của cành với đường kính và chiều cao thân. Ở những đại thụ thật già lão (cũng tùy giống, loài) thường có cỡ cành tỉ lệ nhỏ so với cỡ thân và chiều cao cây.
Trong bonsai của bạn, bạn có thể làm người xem có ấn tượng hơn về mức to lớn của cây bằng cách giảm cỡ lớn của cành sao cho hợp với cỡ lớn và cao của thân.

Bạn cũng nên lưu ý là chuyện này cũng đúng cho cả chiều rộng của vòm lá trên cây. Cành càng ngắn thì cây càng có vẻ như cao thêm.

Cây Thông đen Nhật (hình trên) này khá già với lớp vỏ sần sùi. Thế nhưng đám cành thì vừa dài, vừa to, khiến cho người xem “cảm” ra rằng nó còn non trẻ và có vẻ là cây nhỏ.
Cũng vẫn là cây Thông đen Nhật trên, nhưng đã được định dáng lại. Bạn có thấy cái cây trông “to” hẳn ra?
Dẫu rằng (vừa mới cắt tỉa) cái cây chưa tới mức “đang phát triển trở lại”, ấy thế mà đám cành trông đã ở mức tỉ lệ hợp lý hơn (so với thân, cho cây già). Rõ ra cái cây Thông này đã được cắt tỉa đúng mức.

Làm đốt cành trên thân nhặt dần lên phía ngọn cây

Thường thì chúng ta hay tới gần để ngước nhìn lên cây, ở vị trí thuận tiện đó, chúng thấy cành cây có vẻ như “sít lại gần nhau” hơn về phía đỉnh cây. Đấy chính là chuyện khá phổ biến ở cây cối. Ngay chính góc nhìn của chúng ta tới cây lại càng “phóng đại” cái chuyện các cành càng cao càng “sít” lại nhau. Điều này cho thấy như các đốt cành trên thân đã ngày một ngắn dần theo đường nhìn của mắt người xem.

Trong bonsai, chúng ta có thể hơi “phóng đại” cái chuyện nhặt dần đốt cành ở thân lên một chút, nhằm gia tăng mức ấn tượng rằng cái cây có vẻ to hơn, cao hơn.

Góc nhìn

Bởi chúng ta thường ngắm cây (nhất là khi bạn muốn ngó nó kỹ một chút) ở vị trí khá gần và theo kiểu từ dưới ngước lên, thế nên phần gốc cây sẽ là to nhất vì gần chúng ta nhất. Còn thì phần thân cao sẽ xa hơn, vượt lên cao hơn chúng ta. Chính cái khoảng cách gần tới cây và góc nhìn từ mặt đất lên ngọn cây đã khiến dẫn đến hình thức vót ngọn thân cây. Thân cây có vẻ thon vót rất nhặt, đã thế góc nhìn của chúng ta lại còn làm cho cỡ thân có vẻ to hơn so với chiều cao.

Hơi “phóng đại” một chút về cỡ lớn và độ vót của thân

Chúng ta có thể làm cho người xem có cùng góc nhìn, như chúng ta lúc làm cây, bằng cách gia tăng mức phóng đại về cỡ lớn và độ vót đường thân lên hơn một chút. Đó chính là điểm khiến những nguyên tắc thường được trích dẫn (trong sách bonsai), có liên quan đến tỉ lệ giữa cỡ thân với chiều cao cây bonsai, trở nên hữu dụng.

Độ vót của thân cây Thích ba thùy đã được phóng đại khiến cho thấy :góc nhìn rất gần. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Sau đây sẽ là một thí dụ cho thấy tỉ lệ cỡ thân/ chiều cao ở cây đã có ảnh hưởng tới góc nhìn như thế nào.

Cây Phong Sycamore (hình dưới) hiện ra trước mắt hơi xa một chút. Ở góc nhìn này, chúng ta thấy các tỉ lệ xuất hiện “trong mắt” chúng ta sẽ rất gần với tỉ lệ thực sự của cây. Chúng ta có thể nhận tỉ lệ giữa cỡ Thân/ chiều cao (T/cc) ở khoảng 1:19. Trong bonsai, xem ra chỉ có mấy cây ở dáng văn nhân là có tỉ lệ T/cc cỡ như vậy thì đạt. Chứ còn cây bonsai bình thường thì tỉ lệ ở khoảng 1:3 đến 1:12 là thường được áp dụng, bởi đó là mức trông hay nhất ( nhưng không có nghĩa là luôn luôn trông hay nhất).
Chúng ta dùng mức tỉ lệ như vậy (1:3- 1:12) bởi chúng ta muốn đưa ra hình ảnh những cây ngon lành và muốn dùng chính những cây chúng ta thường gặp, với góc nhìn rất gần, khi đi bộ qua nhà hàng xóm, qua công viên hay len vào cụm rừng thưa.
Cũng cây Phong Sycamore (hình dưới) nhưng được nhìn gần hơn, tỉ lệ rút còn 1:10 (còn gần nửa của trước: 1:19). Chúng ta thấy: cũng cái cây ấy, mà giờ thì xuất hiện đường thân đầy năng lực, độ vót thân nhặt hơn, khi cây được nhìn gần hơn. Cảm nhận này thấy hơi giống kiểu chúng ta thường cắt tỉa uốn nắn một cái cây, rồi sắp xếp cành nhánh, định dáng, tạo bố cục cho nó thành một bonsai vậy.

Trong những hình phác thảo ở dưới đây, bạn có thể rất dễ nhận ra rằng: cả ba là cùng một cây, chỉ khác nhau về khoảng cách đứng nhìn. Từ trái qua phải: xa nhất, gần hơn, gần sát. Để tâm mấy dạng cây như vậy khi bạn định tạo dáng cho bonsai của bạn.

Bạn nên cẩn thận, tránh đừng có ráng áp dụng một cỡ tỉ lệ thân/ chiều cao nào đó cho mọi cây bonsai. Tỉ lệ cỡ thân và chiều cao là hoàn toàn tùy thuộc vào hình ảnh bạn muốn miêu tả, chứ đâu có phải là phụ thuộc vào một công thức đâu! Tỉ lệ thân/ chiều cao chỉ là một “công cụ” dùng cho việc diễn đạt của bạn qua cái cây.
Còn giả như cây bonsai nào bạn cũng xài cùng 1 tỉ lệ thân/ chiều cao , thì hiệu quả mà bạn mong muốn khi dùng cái tỉ lệ thân/ chiều cao cho lộ ra cái ý nghĩa muốn diễn tả trong từng bonsai của bạn sẽ là con số không.

Tỉ lệ thân/ chiều cao thấp là nhắm biểu lộ: khoảng nhìn gần, năng lực, tuổi cây, sức mạnh…Tỉ lệ thân/ chiều cao cao là nhắm phô diễn: tầm nhìn từ xa, vẻ đẹp (của thiên nhiên) hoặc môi trường quanh cây, hay cũng có khi là cho cây ở dáng văn nhân (bunjin).

Hãy học cách dùng từng mức tỉ lệ thân/ chiều cao sao cho hợp với từng loại bố cục bonsai. Bạn hãy làm sao cho tỉ lệ thân/ chiều cao trở thành công cụ giúp bạn tăng thêm sức mạnh truyền đạt thông điệp bạn gởi gấm, đồng thời bạn cũng cần làm sao cho các yếu tố khác của tổng thể bố cục cùng hỗ trợ cho việc dùng tỉ lệ này (chuyện này sẽ chi tiết hơn trong phần ‘ Mức trọn vẹn của mẫu thiết kế”)

Tuổi cây

Chúng ta vẫn thường tạo dáng và giúp cây phát triển sao cho lộ ra cái vẻ: cây đã nhiều tuổi. Mà bonsai thì, như đã từng đề cập, vốn là thường miêu tả những kiểu mẫu lý tưởng. Cho nên bất kỳ là loài cây gì, chúng có đặc tính nào chăng nữa, việc làm lộ ra nét già lão ở cây vẫn gần như là điều cần có trong thông điệp gởi tới người xem.
Vậy nhưng, đa số cây chúng ta làm lại thường ở mức non tuổi. Dẫu sau nhiều năm cây phát triển sẽ từ từ giúp lộ ra những dấu hiệu chỉ tuổi già, thế nhưng chúng ta vẫn thật sự muốn cái cây non trẻ của chúng ta sớm lộ ra là một cây già chát.
Thế nên, chúng ta rất cần phải áp dụng những kỹ thuật, trong sáng tạo nghệ thuật, để giúp cây lộ vẻ già nua.

Trong kiểu bonsai “một nhóm nhiều cây”, bạn có cơ hội dùng một số cây với các độ tuổi khác nhau (tuổi cây ở đây theo kiểu: trông có vẻ già hay có vẻ còn trẻ) cốt để phô diễn cái nét biến động trong bố cục tác phẩm. Chuyện này thì cũng chả khác gì kiểu các nhà soạn nhạc hay nhạc sĩ, họ hạ nhẹ những phần nhạc êm dịu hoặc là đưa thêm những nốt lặng vào khúc nhạc cốt để bùng lên những đoạn nhạc vang dội, dồn dập. Còn trong kiểu “một nhóm nhiều cây”, những cây non trẻ, sẽ lộ ra cái tính năng động cùng với nét thanh xuân của chúng, thế là làm nổi bật lên cái nét “cổ lão” của mấy cây to trong nhóm.

Hạ góc phát của cành xuống

Hạ thấp góc phát triển của cành là một cách làm cho cây bonsai trông già thêm. Chả là khi cây cối đã lão, cành cây to và dài thêm khiến dáng nó oằn xuống. Đã thế, cái chuyện khối tuyết rơi mỗi năm đọng trĩu trên cành hết năm này sang năm nọ lại càng làm cành xệ xuống. Đặc điểm này vốn là vẫn thấy ở nhóm Tùng Bách, thế nhưng những cây rụng lá (lá bản) cũng chả hiếm khi xảy ra.

Phát triển hệ rễ lộ trên mặt đất

Vốn là cây càng già thì phần rễ trên mặt đất càng lồi rõ hơn cây lúc non trẻ. Thế nên người xem mà thấy cây nào lộ rễ to, nhiều lên trên mặt đất là chắc mẩm cây ấy nó già (kiểu như cái cây có đế rễ ở hình dưới).

Phóng đại cỡ thân lên

Rất nhiều dịp chúng ta gặp những cổ lão đại thụ có khối thân quá đồ sộ, nếu như so sánh với chiều cao của cây. Tương tự như chuyện chúng ta đã từng đề cập về “góc nhìn” ở phần trên, cái “đặc điểm” khối thân to đùng này quả là làm tăng ấn tượng về tuổi tác của cây.

Cây Long não có thân mập phì. Hình do Michael Martino cung cấp.

Một cây Phong bonsai ra cái vẻ già lão quá thể, do phần cỡ thân được khuếch đại lên tí.

Làm thoáng vòm lá

Một vòm lá dày đặc xanh mướt trùm lên hết thân cành thì là kiểu một cây còn trẻ, mà ngay cả một cây vừa ở mức trường thành thì vòm lá cũng thế. Nhưng kiểu vòm lá um tùm như vậy lại hiếm thấy ở những cây thật già.

Một khi cây đã bước vào giai đoạn cổ lão, vòm lá của cây trở nên thưa thớt, chi cành xòe ra rộng hơn. Bởi vậy, một khi chúng ta làm thoáng và nới rộng vòm lá thì chuyện này có thể sẽ kết hợp với một số đặc điểm khác để phô ra được cái “khí thế” của một bonsai cổ lão.

Làm lộ rõ hơn đường thân và cành

Những cây trẻ tuổi thường có bộ tàn đầy lá xanh mướt với khuynh hướng che kín toàn bộ vài cành nhánh thưa thớt. Ấy nhưng, một khi cây già lão dần, thì chi cành cũng phát tới mức trưởng thưởng thành, và rồi đặc điểm tuổi tác toàn cây được phô ra. Cũng lúc đó, vòm lá chuyển thành thưa thớt đi khiến chúng ta thấy rõ hơn phần thân cành của cây.

Chúng ta vốn hay có khuynh hướng cứ là kết hợp hai chuyện trông thấy ngoài thiên nhiên, “cây già lão” và “lộ rõ thân cành”, làm một, thành thử khi tạo dáng cho cây bonsai, nếu chúng ta làm sao cho chi cành và thân lộ ra hơn, thời sẽ giúp người xem tăng thêm cảm giác về mức già chát của cây.

Cây Thông trắng Nhật bản ở trên trông có vẻ cổ xưa vì nhiều yếu tố, nhưng một lý do đặc biệt là chuyện: chúng ta có thể thấy một lô những cành già nua đáng tiền ngay dưới vòm và cả ở khoảng giữa tàn cây. Cũng cái cây này, giá như được thiết kế cho trùm kín hết cành nhánh thì hẳn sẽ lộ ra vẻ: vẫn còn trẻ trung lắm!

Những vết tích của sự tàn phá

Suốt cuộc đời của những đại thụ, chúng thường xuyên chịu đựng những tình huống khắc nghiệt trong thiên nhiên; những đợt tàn phá gây tổn thương cho cây cối xảy ra theo chu kỳ, do cuồng phong, giá lạnh, đến cả những kiểu đục khoét của côn trùng hay gãy chết cành nhánh vì bệnh tật…Nếu biết kết hợp những điểm hay ho kể trên vào việc thiết kế định dáng bonsai thì mục đích muốn làm cho cây ra vẻ cổ lão hơn sẽ có thể đạt.

Bạn cũng nên lưu ý là đừng có đem khoe mấy cây mà vết thương chưa khép miệng. Kiểu đó chứng tỏ là vết thương mới được tạo ra. Muốn “dẫn dụ” được người xem về chuyện già lão, thì những vết thương cần phải liền thẹo. Cũng nhớ là vết thẹo chả nên có hình tròn, nên hơi bất thường (kiểu giọt nước) thì hơn. Phần gỗ lũa cũng cần phô ra thớ gỗ, đường gân, tức là nắng gió làm già đi;chứ đừng đưa ra cái kiểu mới gọt vỏ xong. Ngay như phần lũa trên đỉnh cây cũng vậy, bạn nên làm sao cho có vẻ cái ngọn đó bị (sét) đánh gãy, rồi cây đã từng vọt ra một ngọn khác, nhưng lại bị đánh gãy tiếp. Có thế nó mới ra vẻ cây già!

Vỏ sần sùi-mức ổn định của vỏ (tùy loài cây)

Cây mới phát thường có vỏ láng ở thân. Đa phần, khi càng có tuổi, lớp vỏ càng sần sùi, hay bong nứt. Cùng với tuổi đời phát triển, từng vùng trên thân sẽ xuất hiện những kiểu vỏ già của cây, còn trên cành thì vẫn láng nhẵn. Một khi cây đã là cổ lão thì mức ổn định kiểu vỏ sẽ thấy ở mọi chỗ trên toàn thân và cành; chỉ ngoại trừ mấy chi dăm mới phát là vỏ vẫn láng mịn.

Cây Thông đỏ Nhật Bản (hình trên) thấy cổ xưa, đó cũng là do toàn bộ mọi phần vỏ cây đã nổi sần chả chừa chỗ nào. Ngay cả những cành bé xíu cũng có kiểu vỏ như ở thân vậy. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Cây Styrax japonica (một loại cây có hoa trắng rủ như Mai chiếu thủy) để lộ cảm giác là cây đã rất nhiều tuổi. Đấy cũng do một phần vì cây này vốn đã trưởng thành, phần nữa là do kiểu màu vỏ đã xuất hiện ở mọi phần thân cành. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Tuy cây cối thì cần thời gian để phát triển, để lộ ra vẻ già nua tuổi tác, thế nhưng rõ là những cây nào lộ được “nét toàn diện”, tức là kiểu vỏ sần hiện ra ở mọi phần thân và cành, thì trông nó vẫn già hơn so với cây không có vỏ sần; kể cả so với những cây chỉ có một vài phần vỏ sần sùi, ở thân hay ít đoạn cành. Dẫu rằng có đôi cách làm giúp vỏ cây chóng sần sùi, thế nhưng hiệu quả nhất, xem ra chỉ đơn giản là “thời gian”.

Môi trường quanh cây

Kể ra một câu chuyện, đấy có thể là một phần quan trọng của nghệ thuật bonsai. Một phần không thể thiếu của câu chuyện lại là vấn đề cần quan tâm vào cái cảnh sắc do cây bonsai và những phụ kiện của nó gợi ra. Cây sống trong thiên nhiên vốn là có cái cảnh sắc quanh nó. Còn như cây bonsai lại bị tước bỏ mọi thứ chung quanh rồi được đem về trồng trong cái chậu. (Thế là chả còn cảnh kiếc gì bên nó nữa). Là nghệ sĩ bonsai, chúng ta cần phải đưa nghệ thuật vào cây, nghĩa là gợi ra được cái cảnh sắc nào đó cho cây, hợp với câu chuyện cây bonsai ấy muốn kể.

Phụ kiện đồng hành trong trưng bày bonsai

Có nhiều kiểu cách giúp gợi ý ra cảnh sắc quanh cây. Phần lớn những kiểu cách này được quy về những vật liệu căn bản thừơng dùng trong truyền thống trưng bày bonsai kiểu đầy đủ “lễ nghi” đàng hoàng. Chỉ cần một cây cỏ xuất phát từ “khu vực cảnh sắc” bạn muốn diễn tả là đã đủ gợi ý cho người xem cái cảnh bạn muốn đề cập. Cũng từ ý đó, tấm liễn (treo ở phông) phô cái cảnh quan núi non trùng điệp, hay vùng bờ nước, mưa gió bão bùng, hay chỉ là một đỉnh núi mờ xa, cũng đã có thể gợi ra điều người xem có thể dựa vào đó để hiểu câu chuyện.

Chiếc kệ dùng riêng trong trưng bày bonsai vốn là có vài mục đích:
-Trước tiên, chiếc kệ là một yếu tố để chỉ ra sự đĩnh đạc, đàng hoàng. Việc trưng bày một tác phẩm nghệ thuật thường cần trân trọng. Chính chiếc kệ đã giúp thể hiện ý niệm này.
-Kế nữa, ở nơi trình diễn, chiều cao của kệ sẽ rất thuận tiện để chỉ ra độ cao cần có hoặc vùng miền cây bonsai đang sống (giúp người xem dễ hiểu câu chuyện). Đây cũng chính là một phần của sự trang trọng trong trưng bày.

Tỉ dụ như, một cây cỏ phụ kiện có thể đặt trên cái kệ thấp, nhưng cây bonsai lại được đặt trên kệ cao hơn, vì cây bonsai là chủ điểm của khung trưng bày.
Ngược lại, trong khi một bonsai biểu hiện là cây ở vùng đồng cỏ được kê bằng kệ thấp, thì viên đá phụ kiện của cây, có dáng dấp rặng núi xa xa, lại được đặt trên kệ cao. Đấy là chỉ ra cách xếp đặt thuận với tự nhiên của từng “yếu tố” cho câu chuyện xảy ra ngoài thiên nhiên.

Ở hình trên, chậu cỏ phụ kiện giúp gợi ra một cảnh sắc đặc biệt (dĩ nhiên, đấy là vùng đầm lầy hay đồng cỏ). Hơn thế nữa, màu sắc thân cỏ cũng làm rõ thêm về mùa (Thu) vốn được mô tả qua cây bonsai rụng lá trơ cành. Hình do Silvya Smith cung cấp.

Có rất nhiều chuyện về mặt trưng bày trang trọng trong nghệ thuật bonsai. Chủ đề này là chuyện “sống còn” để phô diễn tác phẩm nghệ thuật bonsai, và chủ đề này lại nằm ngoài phạm vi của tập sách. Tôi hết lòng đề nghị các bạn hãy cố quen thuộc với những nguyên tắc trưng bày trang trọng này bằng cách nghiên cứu thêm trong sách vở, nơi học tập (như trường Kiến Đồ, hay các buổi trình diễn về nghệ thuật trưng bày), đồng thời ráng tập “trưng bày” nhiều nhiều cho quen.

Chậu

Cỡ chậu và hình dáng chậu có thể ảnh hưởng tới việc lộ ra cảnh sắc quanh cây bonsai. Dưới đây sẽ chỉ là một vài cách xài chậu cho lộ ra ý muốn chỉ về cảnh sắc ấy.

Lưu ý: phần bài viết này không có ý nói đến chuyện căn bản về chọn chậu sao cho phù hợp với cây. Những khái niệm nền tảng trong việc chọn chậu cần được hiểu rõ trước khi bạn dự định áp dụng những nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật được nhấn mạnh ở đây.

Tả ra một cây mọc ở khe núi

Một chậu đất nung cao (chiều cao gấp vài lần chiều ngang) có thể giúp gợi ra cảnh trí vách núi cao với cây mọc ở khe đá. Điều này rất lợi hại nếu bạn áp dụng dáng đổ cho một cây có cỡ thân hơi mảnh.

Một dạng chậu khác cũng mô tả cảnh sắc khe núi: chậu hình lưỡi liềm. Chậu lưỡi liềm thường được làm bằng vật liệu (như xi-măng) để có kiểu nhấp nhô bề mặt như vách núi và cái “thế” mà chậu lưỡi liềm có cái kiểu như bao lấy phần đế cây càng khiến nổi rõ hơn hình ảnh cây mọc trong khe núi.

Vậy chứ còn một cách khác, mô tả cây mọc ở khe núi chính xác hơn nhiều : trồng thẳng cây lên tảng đá. Bạn có thể thực hiện chuyện này ở cả hai kiểu:
-hoặc là rễ cây choàng qua đá chui vào đất ở chậu = cây mọc ở khe núi.
-hoặc là cây và rễ nằm hết trên đá = rễ nằm gọn trong lủm đất trên tảng đá.






Cây mọc ngoài đồng trống

Nhằm gợi rõ hơn hình ảnh cây mọc ở đồng trống (trảng cỏ), loại chậu có miệng vành bè ra có thể gợi được cảm giác vùng đất kéo dài. Ở kiểu hình ảnh này, tốt nhất chúng ta dùng những giống cây vốn hay thấy mọc ở vùng đồng cỏ. Khi tạo dáng, nên áp dụng kiểu dáng chổi (dáng chổi thân thẳng hay dáng chổi thân không thẳng).


Những bonsai trên trông có vẻ như “bứng” thẳng từ ngoài đồng trống về. Cả kiểu phát không bình thường của cây, lẫn kiểu chậu trồng, đều nhắm vào việc khơi ra hình ảnh cây ngoài trảng rộng. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Cây mọc ở vùng gió lộng đồng cỏ hay đất gò

Trồng cây lên một khay dẹt, rộng có thể giúp tăng mức cảm nhận về hình ảnh một cây gió thổi (bạt phong). Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Cụm rừng ở sườn đồi

Việc dùng một chậu cạn hình bầu dục hoặc một khay rộng, mặt cong vồng sẽ rất hiệu quả trong việc gợi hình ảnh một sườn đồi với một cụm rừng ở đó. Trong trường hợp này, bạn nhớ đánh vồng mặt đất trồng lên một chút để phụ thêm cho việc gợi ra vùng đất đồi.

Kiểu trồng những cây Du này trông rất gợi cảm. Hình do John Romano cung cấp.

Nhóm cây Phong (Thích ba thùy) này xem ra hết sức tự nhiên. Hình nguồn từ Bonsai Today.

Rêu

Nhiều loại rêu vẫn thường được dùng để phủ mặt đất trồng ở những Bonsai khi trưng bày tại các buổi Triển lãm. Một thảm rêu xanh mướt phủ mặt đất trồng có thể tạo cảm giác như đang thấy một thảm cỏ xanh. Riêng việc nhìn đám thảm rêu đã thấy chúng hấp dẫn dẫn rồi, nhưng nếu bạn lại còn biết vài cách dùng để nó thành trợ thủ đắc lực cho bố cục tác phẩm bonsai thì càng tuyệt.

Rêu có thể giúp gây cho người xem có cảm tưởng:
-tuổi cây (= cái cây rất già)
-tính liên tục (= có vẻ là cây đã rất lâu trong chậu)

Bạn có thể vừa mới sang chậu cho cây tuần trước, nhưng nếu bạn biết cách đặt rêu trên mặt đất cho ngon lành, là bạn có thể khiến người xem nghĩ ra cái cây này sống trong chiếc chậu này đã cả đến chục năm, thậm chí trăm năm không chừng. Còn như, bạn trồng rêu sao cho nó có đủ thời gian mọc lan lên trên mặt lớp rễ lộ hoặc một ít lên thân thì sẽ hết sức hiệu quả về cảm nhận thời gian cây ở chậu.
Bạn cũng nên lưu ý là chả phải lúc nào rêu mọc phủ rễ hay bò lên thân cũng sẽ cho ra hình ảnh như vừa nêu. Lại nữa, cái kiểu để rêu mọc phủ cây như vậy có khi làm hư cả lớp vỏ sần quý giá.

Một cây Thông già với rêu: thấy rõ là rêu đã phát triển khá lâu trên mặt đất trồng và bò phủ cả lên mặt mớ đế rễ lộ.

Khi nhiều loài rêu khác nhau cùng được dùng trên một tác phẩm bonsai, chúng có tạo ấn tượng về hình ảnh vùng đất nhấp nhô sườn núi hoặc như thể một hốc núi mượt rêu.
Từng mảng rêu nhỏ cạnh nhau (kiểu chắp vá) sẽ rất hiệu quả trong việc phô diễn một khu vực có môi trường khắc nghiệt, trong khi một thảm rêu mướt đều lại khoe ra một khu vực mưa thuận gió hòa.

Một thảm rêu liền lạc hiện ra cảnh an bình. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today

Từng mảng rêu các loại phô ra một môi trường khắc nghiệt. Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Nếu bạn thấy đám rêu trêm mặt đất trồng phát hoa như kiểu một rừng cờ, bạn cần chắc ăn là mấy cái “cờ rêu” này ngả củng về một hướng. Kỹ hơn một chút, bạn cần xếp sao cho mấy cái “cờ rêu” này ngả cùng chiều với hướng chuyển động phát triển của cây bonsai trong chậu. Chính cái chi tiết nhỏ này sẽ giúp hoàn chỉnh hay phá vỡ cái tính “trọn vẹn” của bố cục tác phẩm.

Dùng những thứ hơi xác thực như rêu, khiến dễ liên hệ đến thiên nhiên, có thể sẽ dẫn tới những hiệu quả cao trong việc truyền đạt tới người xem của nghệ thuật bonsai. Tuy nhiên, cũng có một số những nguyên tố thiên nhiên chả tốt lành gì trong thiết kế bonsai, chúng ta sẽ đề cập chuyện này ở chương kế tiếp.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon