Nét thẩm mỹ trong tác phẩm Bonsai: Mục tiêu và thử thách

Nét thẩm mỹ trong tác phẩm Bonsai: Mục tiêu và thử thách

Bạn muốn Bonsai của bạn truyền đạt điều gì đó tới người xem, phải không nào?

Đúng vậy, bạn đang cố chuyển đến người xem một điều gì đó qua cây Bonsai của bạn. Nhưng, có khi người xem chả nhận thấy điều gì cả. Có thể tại do Bonsai của bạn không hề có một nét thú vị nào hết?

Hỏi thì có một câu vậy thôi, nhưng bảo trả lời thì….có đến vô vàn câu khác biệt nhau. Lý do là mỗi người làm bonsai đều có phong cách riêng, lại thêm điều: chả bonsai nào giống bonsai nào.
Nói vậy thôi, chứ suy cho cùng ra thì mọi người làm công việc sáng tạo bonsai đều có vài mục đích căn bản rất giống nhau, thành thử những khó khăn để đạt được mục đích căn bản đó cũng tương tự nhau cho mọi cá nhân làm bonsai, và, cả cho mọi cây (bất kể là giống hay loài nào).

Nhấn mạnh

Một trong những mục tiêu thường thấy trong sáng tạo bonsai là ráng diễn tả một ý tưởng cao cả nào đó (như mức lý tưởng). Quả là thích thú nếu như người sáng tạo bonsai đang cố phát triển một kiểu mẫu (mới); mà ngay cả người ngắm cũng sẽ rất khoái chí khi thấy nó. Nhiều người trong số chúng ta đã chả từng ráng sức làm ra một cái cây thiệt ngon lành, ý là “trông nó thiệt đã”, “đã” hơn cái cây ngoài thiên nhiên. Tức là muốn tạo ra một “siêu tuyệt phẩm bonsai”.

Trong tập sách này, tôi không hề có ý đề cập đến kiểu “sáng tạo siêu tuyệt phẩm bonsai”. Thay vào đó, tôi chỉ đưa ra vài khuôn mẫu làm thí dụ cho vài loại cây hay là vài hình dạng cây nào đó mà thôi.

Nhận xét qua hình dạng cây Thích ba thùy ở trên, chúng ta thấy người làm cây Bonsai này vẻ như đã bỏ nhiều công sức khiến cho sáng tạo có thể đã bị quá lố. Thế nhưng mà, để việc truyền đạt dễ có hiệu quả, việc thiết kế tác phẩm lại phải biết dùng những chuyện “hơi lố một chút”. Trong nghệ thuật, cái sự cường điệu (hơi lố một tí ấy) trong việc thiết kế một tác phẩm được gọi là nhấn mạnh. Hay có bạn gọi là “điểm nhấn” của tác phẩm.

Như trong ngành điện ảnh chẳng hạn, khi đạo diễn muốn quay một cảnh diễn trong bóng tối, ông ta sẽ kiếm cách sao cho tạo được chút ánh sáng rọi vào mắt của diễn viên. Có như vậy, khi diễn viên biểu lộ nỗi đau buồn, vẻ sợ hãi hay thoáng kinh ngạc nào đấy trên gương mặt thì khán giả mới “thấy được” sự diễn tả “ăn khách ” này cho cảnh trong phim. Dẫu biết rằng ánh sáng ấy có chút gì đó “nhân tạo”, nhưng rõ là nó hết sức “có giá trị” trong việc truyền đạt cảm xúc tới khán giả xem phim.

Hoặc giả như trong hội họa cũng vậy. Khi họa sĩ muốn thực hiện hình ảnh một vị anh hùng dân tộc, họ chọn góc nhìn sao cho hình ảnh vị anh hùng như đứng vượt trội lên trên và đang nhìn xuống “người xem” thì mới tỏa lộ được “nét hào quang” của vị anh hùng đó. Đấy chính là cách mà họa sĩ dùng để truyền đạt được sức mạnh, quyền lực, cùng anh hùng tính của người trong bức tranh. Ở trường hợp này, “góc nhìn” để vẽ nhân vật trong tranh đã giúp việc thực hiện điểm nhấn.

Ngay như trong nghệ thuật chụp ảnh cũng thế. Nhiếp ảnh gia có thể gia tăng thêm “mức độ nhấn” cho khu vực chủ điểm bằng cách làm những những khu vực khác trong bức ảnh “hơi mờ nhòa”. Thế là chúng ta sẽ chú mục vào “khu vực rõ nét” trước, và đấy sẽ chính là “điểm nhấn”của bức ảnh.

Trong bonsai, việc “nhấn mạnh” thường là liên quan đến một số vấn đề như vầy (tuy không phải là luôn luôn liên quan): kích cỡ, góc nhìn (cách nhìn), chuyển động, mức thô mịn.

Vài thí dụ

Thí dụ 1

Ở hình ảnh dưới đây, sức mạnh và năng lực là điều được nhấn mạnh. Chính hình ảnh khối thân vừa đồ sộ vừa vót ngọn đã diễn đạt tính cách đó. Kiểu thiết kế như trên khá là phổ biến, được gọi là bonsai kiểu võ sĩ Sumo Nhật bản. Ngoài việc diễn dạt năng lực do kích cỡ và độ vót đường thân, hình ảnh cây kiểu này còn “miêu tả” rằng người xem đứng rất gần cây. Gốc to bè, thân lùn vót nhọn đã khơi ra cảm giác như thể bạn đang đứng ngay sát gốc (và ngửng đầu ngắm) một đại thụ vút cao đầy mãnh lực vậy. Kiểu thiết kế như những cây ở hình dưới đây được coi là diễn đạt sự kỳ lạ. Ngoài việc là một hình ảnh diễn tả về năng lực và kích cỡ, kiểu thiết kế chủ trên sự kỳ lạ này thường nhiễm vào ba cái chuyện cổ tích, thần tiên hoặc là phóng tác ra theo hình ảnh chuyện thần thoại nào đó.

Sự kỳ lạ vốn có một mãnh lực rất lớn tới người sáng tác, thành thử nhà nghệ sĩ sáng tạo bonsai rất thường bị cuốn hút vào “điểm nhấn” kỳ lạ cho bonsai. Biết bao nhiêu người chúng ta đã kỳ công ráng tạo ra những tác phẩm bonsai chính vì: chúng ta tìm thấy có vài điểm nào đó ở bonsai đã kích thích cái vụ: khoái sự kỳ lạ của chúng ta đó sao?

Sự kỳ lạ này một khi đã truyển cảm hứng cho chúng ta sáng tạo, thì nó lại hay dây dưa đến kiểu đường nét như tranh biếm họa (tức là vẽ sự vật không bình thường nữa: đầu thật to, chân tay ngắn ngủn ….). Thế là cái cây của chúng ta cũng đâm ra có hình ảnh kiểu cái cây trong biếm họa. Mà đã là kiểu như vậy thì nét tự nhiên và tính “đại thụ” của cái cây bonsai đã trở thành thứ yếu, vì điểm nhấn hàng đầu sẽ là nét kỳ lạ.



Thí dụ 2

Những bonsai dưới đây được thiết kế với điểm nhấn nhằm vào những tác động hung bạo, vùi dập đủ phương, của thiên nhiên vào đám cây này. Cả ba bonsai đều truyền đạt đến người xem rằng những cơn gió giật hung tợn đã làm cho cây cối xoắn lại thế nào, hay là u nần ra sao. Và, người xem cũng nhận ra sức chuyển động mạnh mẽ được gói gọn trong những bonsai ấy.


Thí dụ 3

Những thiết kế bonsai dưới đây nhấn mạnh vào sức giằng co giữa sự sống và cái chết đang xảy ra trên cái cây. Cây được mô tả cái cảnh đang bị vùi dập dưới sức cuồng nộ của trời đất, ấy thế mà cuộc sống vẫn cứ là “trường kỳ” bám trụ để vươn lên đấy!

Thí dụ 3 hơi khác thí dụ 2 một chút: cả 2 đều diễn tả sự vùi dập khốc liệt của tự nhiên, nhưng thí dụ 2 là những tác động đã xảy ra tương đối lâu rồi, cây hiện đã bình ổn-thể hiện qua tán lá tương đối tròn đầy. Còn thí dụ 3 là tác động của tự nhiên dường như mới đây thôi nên tán lá còn thưa. (Cảm nhận riêng của người biên soạn)


Một trong những chuyện khiến những hình ảnh trên trông hết sức thú vị và tỏ sức mãnh liệt, chính bởi chúng ngược hẳn với cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta. Mỗi khi ngắm những bức hình phô sức chống chỏi giữa sống và chết như vầy, đầu óc chúng ta lại thường suy nghĩ về chính chúng ta chứ không phải là về cái cây: đấy là lý do loại hình bonsai dạng này càng ngắm càng gây nỗi thích thú đến người xem, theo cái kiểu “trông cây mà ngẫm đến mình”. Thành thử, cứ mà so sánh thì, rốt lại, cuộc sống của chúng ta quả là trở nên vô nghĩa, chả là gì cả, trước những thể trạng đang cùng với tuổi thọ hiện diện ở mấy cây này.

Thí dụ 4

Chi cành của những cây dưới đây đang phô diễn những chuyển động nhẹ nhàng, mềm mại, ấy là truyền đạt vẻ đẹp và nét duyên dáng. Đường thân thanh mảnh kết hợp với nét tao nhã của chi cành quả là nêu bật đường duyên nét đẹp phái nữ. Cả đến lớp vỏ mịn màng cũng hòa vào việc gợi ra nữ tính và sắc đẹp.

Nhân cách hóa trong Sáng tạo Nghệ thuật

Qua những điều được trình bày ở phần trên, các bạn hẳn thấy rõ ràng là việc mô tả những hình ảnh có trong thiên nhiên cũng chính là việc diễn tả phẩm cách con người trong đó.

Qua rất nhiều trường hợp cho thấy, chúng ta đang xét đoán lại chính bản chất con người ngay trong chúng ta xem nó có tương đồng, hay nó thực sự khác biệt khi so với những điều chúng ta nhận ra trong nghệ thuật hoặc thẩm định nơi thiên nhiên. Thành ra, cũng chả có gì đáng ngạc nhiên khi bảo rằng: làm công việc sáng tạo trong Nghệ thuật cũng chính là đang cố đưa tính người vào tác phẩm. Nói khác đi: Nghệ sĩ đã áp dụng “nhân cách hóa” khi sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Hoặc là sáng tạo nghệ thuật được cố gắng trộn lẫn (tiêm nhiễm) những phẩm cách con người.

Ngay cả khi chúng ta chả hề cố ý đưa trực tiếp cái “tính người” ấy vào việc sáng tác đi chẳng nữa, thì chúng ta cũng thường dùng mặt trái ngược của sự việc để giải bày cái tính người trong tác phẩm. Như các bạn có thể thấy qua việc trưng bày những cổ thụ đang khoe ra những mảng gỗ chết trắng hếu, đấy chả phải là muốn nếu ra cái nét “kịch tính” trong cuộc sống đấy sao?
Mà ngay cả cái mức “già khú đế” của cây cũng chả phải là trái ngược hẳn với đời sống ngắn ngủn của chúng ta đấy ư? Còn chuyện chúng ta vẫn thường ngưỡng mộ những đường thân bệ vệ, dềnh dàng kiểu năm ba người ôm không xuể, thì có phải là bởi do chính ở sự “trái ngược” với dáng thân nhỏ bé của chúng ta?

Một khi mà tác phẩm nghệ thuật của bạn được coi coi là đạt mức thành công cao thì đấy cũng chính là do bạn đã đưa được “tính người” và “cảm xúc của con người” vào tác phẩm đó tới mức cao nhất. Thế nên tôi có thể nói: mức thành công ở tác phẩm tỉ lệ thuận với mức nhân cách hóa trong tác phẩm đó. Đa số chúng ta vẫn thường là khoái chí với “cái tôi” của mình, thành thử hễ mà bắt gặp chuyện gì trong đời là chúng ta sẽ lợi dụng công việc sáng tạo để cố đưa sự việc ấy ra qua cảm quan và kinh nghiệm cá nhân mình trong đó. Nếu như bạn mà dễ dàng đưa được “tính người” vào tác phẩm, chắc hẳn là bạn sẽ luôn cảm thấy hứng thú trong sáng tạo.

Chứ còn như bạn chẳng tìm thấy tí tẹo nào cái “tính người”, nhằm thể hiện cảm nhận của bạn, trong một tác phẩm nghệ thuật, thì chắc là bạn chả có mấy hứng thú hoàn thành nó.


Lấy thí dụ, bức hình do một nữ nhiếp ảnh gia lấy cảnh chiếc ghế trống ở công viên mùa đông, cô này đâu có phải là muốn “nắm bắt” cái hình ảnh “ghế trống công viên” đâu? Điều cô ấy muốn thâu vào máy hình là cái cảm xúc của con người, là những va chạm của con người với cuộc sống! Đương nhiên, cô ấy muốn diễn đạt cái cảm nhận của cô ấy khi thoạt thấy băng ghế chơ vơ như thế.

Ngay cả khi bức hình như thế không hề có bóng dáng con người, cũng chả có gương mặt u sầu nào trong đó, chả có cái gì gợi ra “tính người”, ấy thế nhưng bức hình đã diễn tả về sự cô đơn, về nỗi buồn. Đấy chính là “chuyện của con người”, nỗi cảm xúc của con người.

Đấy chính là Nghệ thuật!
Đấy chính là chuyện làm cho thấy được cái “vô hình”, thấy được cái thứ chỉ cảm nhận được…
Đấy chính là chuyện làm cho những thứ vốn vắng mặt lại lộ diện trong mắt chúng ta, như thể hứng lại được một hình ảnh phản chiếu từ những trải nghiệm trong đời của chúng ta vậy.

Vậy là, những lợi lộc chúng ta lụm được từ việc áp dụng “nhân cách hóa” vào trong sáng tạo nghệ thuật vốn cũng chả phải lúc nào cũng nhiều, nhưng dù sao thì việc áp dụng này khá là hiệu quả ở mức độ nào đó.
Việc “nhân cách hóa”, đưa cảm nghĩ của người sáng tạo vào tác phẩm, cứ coi như thêu thêm gấm thêm hoa cho những ý tưởng lấy ra từ thiên nhiên, cũng chỉ là một trong số những phương cách bạn có thể dùng để sáng tạo ra bonsai.

Tác giả Andy nói về nhân cách (tính người), chứ không phải nhân dạng (hình người), tác giả không bàn tới dáng dấp ở đây. Ông ấy nói tới sự cô đơn, sức mạnh, sự kiên cường, dịu dàng…

Những mẫu Thiết kế Đặc hiệu của một số Loài cây

Bạn có thể nhận thấy ngay có một loài cây dùng trong bonsai gần như chỉ dùng có mỗi một kiểu dáng. Nghĩa là cứ thấy cây đó là dễ dàng gặp cũng một dáng đó. Kiểu như cây Cryptomeria japonica thì bạn gặp toàn dáng thẳng đứng, chứ hiếm có dáng nào khác. Loài cây Zelkova serrata (Du Nhật bản) cũng tương tự: hầu hết là dáng chổi. Đấy là vài thí dụ cho việc thiết kế bonsai dựa vào dáng mọc của chính loài cây ấy ở ngoài thiên nhiên.




Các bạn cũng cần nắm một chuyện như vầy: những kiếu dáng cây mọc ngoài thiên nhiên không những chỉ là mẫu thiết kế các bạn nên theo, để sáng tạo cho một số loài cây đặc hiệu nào đó, nó còn là chuyện chỉ ra một điều gì đấy hết sức cơ bản.

Thường thì những dáng này được dùng, nhằm làm nổi bật một số đặc tính vượt trội của vài loài cây. Thành thử, mỗi khi bạn muốn khoe cái đặc tính của một trong những loài cây đặc hiệu này, mà bạn dùng đúng dáng của nó, thời đương nhiên, nó sẽ dễ hấp dẫn người xem.

Việc tránh không dùng những “nguyên tố thiết kế từ những tính chất đặc hiệu của loài cây” có thể coi như là một hành động không mấy khôn ngoan trong việc sáng tạo ra những mẫu mã không phù hợp thiên nhiên và cả chuyện không thuận với những cảm xúc hoặc những ưa thích của con người.

Chắc rằng chuyện “tránh né” như vậy thì cũng chả phải là luôn luôn dẫn tới thất bại, nhưng chí ít thì các bạn cũng nên để ý đến những “lệch lạc” có thể có trong mẫu thiết kế bonsai của bạn, nếu như nó có điều gì đó “không phù hợp với kiểu dáng thiên nhiên“.

Cái cây là thứ chúng ta quan tâm nhất trong sáng tạo bonsai thì nó lại chỉ là phần nổi, phần ngọn của vấn đề tạo hiệu quả và ý nghĩa cao trong sáng tạo. Kiểu cũng như tảng băng sơn trên biển, nó chỉ nổi trên mặt nước một phần nhỏ, phần chính yếu nằm chìm trong nước.
Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ đi khám phá vài chuyện khác.

 

Trả lời

0988110300
chat-active-icon