Hướng dẫn bằng hình ảnh cách nhân giống Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis): Phương pháp cắm xuống nước

Hướng dẫn chi tiết chăm sóc và nhân giống cây Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis)

Bài trước mình đã chia sẻ cách nhân giống Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis) bằng cách cắt cành (cuttings) và giâm vào hỗn hợp đất nhẹ (cách số 3 bên dưới). Hôm nay mình chia sẻ thêm một cách mà các nhà vườn thường không làm vì nó mất nhiều công hơn, nhiều dụng cụ hơn, thời gian đâm rễ lâu hơn và không phù hợp với điều kiện vườn đất. Tuy nhiên khi trồng trong quy mô nhỏ (< 100m2) với số lượng nhỏ (<100 cây), cá nhân mình thấy cách này cũng không lâu lắm, khá nhanh, tỷ lệ chết cành cuttings thấp và cảm giác nhìn được rễ nó bung ra mỗi ngày đúng là rất khó tả, vô cùng phấn khích. Cách đó là cách 4 và cách 5 bên dưới.

  • Cách 1: Nhân giống bằng hạt cây
  • Cách 2: Nhân giống bằng cách chiết cành to (khi cành đã hóa gỗ)
  • Cách 3: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và trồng vào đất (xem thêm TẠI ĐÂY ạ)
  • Cách 4: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và cắm vào nước
  • Cách 5: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và cắm vào hỗn hợp nước có pha hóc môn kích rễ.

Cách này mình tổng hợp theo kinh nghiệm cá nhân và sử dụng một số hình ảnh minh hoạ của một người bạn Facebook là chuyên gia

Thêm một hình ảnh về một thân cây Hương Thảo hơn 20 năm tuổi tại Bắc Mỹ. Cây ở tự nhiên có dấu hiệu sắp chết được một người chơi mang về trồng và các cành đã bắt đầu ra lá lại.
Thêm một hình ảnh về một thân cây Hương Thảo hơn 20 năm tuổi tại Bắc Mỹ. Cây ở tự nhiên có dấu hiệu sắp chết được một người chơi mang về trồng và các cành đã bắt đầu ra lá lại.

Mình vẫn nhấn mạnh cây mà mọi người hay mua thực ra chỉ trên dưới 1 năm tuổi, Hương Thảo ngoài tự nhiên có thể sống đến 30 năm. Đây là một cây thân gỗ thường xanh sống tương đối lâu, nên sức chịu đựng của nó vô cùng mạnh mẽ. Hãy cứ mạnh dạn thử nghiệm các cách trồng và nhân giống, khi nó thuần rồi thì có những cây sống được ở những điều kiện không tưởng ^^. 

Cần có

  • Cây Hương Thảo non có nhiều cành đang đâm chồi non (và chưa ra hoa). Chồi non có màu xanh nõn. Hãy chọn những cành có đầu cành có màu xanh nõn vì đó là những cành cuttings rất khoẻ. Theo mình nên chọn cây đã ổn định một thời gian, tránh các cây mới sang chậu hoặc mới chuyển từ xa về.
  • Dao sắc hoặc kéo sắc. Nên chọn kéo thật sắc và nhất định phải vô trùng kéo. Nhiều bác nói cần gì phải vô trùng. Nhưng mình ví dụ thế này: “Ngày xưa các bà đỡ vẫn đỡ được các bà mẹ sinh con bình thường, đâu có cần vô trùng dao, kéo, panh, nhíp, … Tuy nhiên tại sao bác sĩ đỡ hoặc mổ buộc phải sát trùng toàn bộ dụng cụ. Bởi vì tỷ lệ xảy ra nhiễm trùng khiến cả mẹ và bé gặp nguy hiểm là rất cao nếu không vô trùng dụng cụ.” Vì vậy nếu như mình chỉ cần vô trùng mà giảm được tỷ lệ cành chết do thối vết cắt thì tại sao không làm? Vô trùng nghe có vẻ hoa mỹ, thực ra chỉ là luộc kéo, hoặc ngâm đầu kéo vào nước sôi hoặc cồn pha loãng. 
  • Một số loại hóc môc kích rễ (Hormone rooting powder) (cái này là không bắt buộc ạ, lý do là nếu không quen cách pha rất dễ làm cháy vết cắt) (mình hay dùng N3M)
  • Bình thuỷ tinh trong suốt (trong để dễ theo dõi nước đục hoặc khi cành cuttings bị thối để có thể nhanh chóng xử lý) 

Bước 1

Vào sáng sớm, hãy chọn những cành có chồi non không có hoa. Dùng kéo sắc vô trùng cắt thật ngọt các cành có ngọn đó với chiều dài tầm 10cm. Nếu chưa kịp cho việc nhân giống, hãy cho chúng vào túi ni lông, buộc phồng lên và để ở nơi râm mát và cố gắng thực hiện việc nhân giống sớm nhất có thể để tận dụng sự tươi mới của các cành vừa cắt. 

Nên chọn các cành như hình, nhìn căng khoẻ, nhiều lá, có chồi non xanh, không có hoa và cành vẫn là thân thảo chưa hoá thân gỗ. Không nên chọn cành ít lá hoặc đang bị bệnh, nấm, côn trùng
Nên chọn các cành như hình, nhìn căng khoẻ, nhiều lá, có chồi non xanh, không có hoa và cành vẫn là thân thảo chưa hoá thân gỗ. Không nên chọn cành ít lá hoặc đang bị bệnh, nấm, côn trùng

Bước 2

Sử dụng dao hoặc kéo sắc vô trùng để cắt bớt các phần có vẻ hơi già của cành cuttings, mục đích là giữ phần ngọn và một đoạn thân còn non để tăng cơ hội ra rễ. Kiểm tra nếu các vết cắt có vẻ không ngọt thì cắt tiếp để ra các đường cắt ngọt để tránh dập vết cắt dễ gây ủng và thối 

Đây là những cành cuttings hoàn hảo dùng để làm nguyên liệu nhân giống
Đây là những cành cuttings hoàn hảo dùng để làm nguyên liệu nhân giống

Bước 3

Cắt các chồi trên cành với chiều dài 10 – 15cm. Để tránh lá bên dưới thối do ngập đất sau này và để giảm sự thất thoát độ ẩm trong thân, hãy loại bỏ tất cả các lá già bên dưới để có một cuống trống trơn, gọn gàng không lá.  

Bên trái là cành cutting chưa xử lý. Bên phải là cành giâm cuttings đã loại bỏ hoàn toàn lá bên dưới bằng kéo sắc ngọt vô trùng.
Bên trái là cành cutting chưa xử lý. Bên phải là cành giâm cuttings đã loại bỏ hoàn toàn lá bên dưới bằng kéo sắc ngọt vô trùng.

Bước 4

Bước này có thể bỏ qua. Tuy nhiên nếu đã có kinh nghiệm pha hỗn hợp hóc môn kích rễ thì bước này sẽ làm tăng đáng kể tốc độ đâm rễ của cành cuttings. Có rất nhiều loại thuốc kích rễ, loại thông dụng là N3M. Kinh nghiệm cá nhân là luôn pha với tỷ lệ thấp hơn so với khuyến cáo ghi trên nhãn. Ví dụ N3M ghi để ngâm hạt giống thì thì pha 20g/1 lít nước sạch thì mình chỉ pha 10g/1 lít nước sạch (nên là nước RO). Lý do là N3M chủ yếu dành cho việc giâm cành các cây thân gỗ, tiết diện vết cắt lớn nhưng cành cứng, không dễ bị cháy như các cành cuttings các loại cây thân thảo. Nhúng các cành cuttings vào hỗn hợp đó trong 10 phút rồi nhấc ra. 

Ở Tây họ không dùng N3M, họ dùng các chế phẩm hóc môn kích rễ khác. Ví dụ như trong ảnh thì Adam Duxbury đến từ BBC Gardeners’ World Magazine dùng root hormone powder nhãn hiệu FastRoot của Miracle-Gro
Ở Tây họ không dùng N3M, họ dùng các chế phẩm hóc môn kích rễ khác. Ví dụ như trong ảnh thì Adam Duxbury đến từ BBC Gardeners’ World Magazine dùng root hormone powder nhãn hiệu FastRoot của Miracle-Gro

Bước 5

Cắm các cành cuttings đã xử lý vào bình thuỷ tinh như trong hình. Cố gắng không để cho bất kỳ lá nào ngập nước nhé (ngập sẽ úng, úng sẽ thối, mà thối sẽ lây sang thân). Để ở nơi có ánh sáng mạnh, nhưng nên tránh ánh nắng trực tiếp có thể khiến các cành cuttings bị stress. Chú ý là ánh sáng mạnh nhé, chỗ không có ánh sáng là cây sẽ ngừng phát triển, thân ngập nước sẽ thối. 

Chú ý đặc biệt là đoạn này là nước sạch không có dư Clo, Flo. Nước RO là tốt nhất. Đặt bình nước ở nơi có ánh sáng mạnh.
Chú ý đặc biệt là đoạn này là nước sạch không có dư Clo, Flo. Nước RO là tốt nhất. Đặt bình nước ở nơi có ánh sáng mạnh.

Bước 6

Hãy để ý quá trình ra rễ của cây. Nếu nước đục thì phải thay ngay. Nếu thấy phần thân nào thối thì phải đem ra cắt đi ngay và cắm phần còn lại xuống (sau khi cắt hết lá bên dưới). Sau tầm 3 tuần đến 1 tháng nếu cuttings phát triển thì bạn sẽ có bộ rễ như trong ảnh. 

Nước trong và rễ ra đều thì cố gắng không di chuyển bình thuỷ tinh. Càng ít động vào càng tốt, cây cần yên tĩnh để dồn sức ra dễ.
Nước trong và rễ ra đều thì cố gắng không di chuyển bình thuỷ tinh. Càng ít động vào càng tốt, cây cần yên tĩnh để dồn sức ra dễ.

Bước 7

Đây là hình ảnh chùm rễ mọc ra sau 5 tuần kể từ khi bắt đầu cắm cành cuttings xuống nước. Khi rễ ra nhiều và dài thế này bạn có thể đem ra trồng vào đất độc lập như một cây giống. 

Đây là kết quả sau 5 tuần nhân giống bằng nước
Đây là kết quả sau 5 tuần nhân giống bằng nước

Bước 8

Đây là giai đoạn chăm sóc cây giống, cách chăm sóc giống ở BÀI NÀY

Hãy chăm sóc cây giống như cây thương mại: Cây cần nhiều nắng, ưa đất khô hơn là quá ẩm, chỉ tưới nước khi đất khô và khi tưới xong phải để nước thoát hết
Hãy chăm sóc cây giống như cây thương mại: Cây cần nhiều nắng, ưa đất khô hơn là quá ẩm, chỉ tưới nước khi đất khô và khi tưới xong phải để nước thoát hết
Chúc cả nhà nhân giống được Hương Thảo theo cách dùng nước như thế này thành công ạ! ^^
 

Trả lời

0988110300
chat-active-icon