Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 05)

Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 05)
Đánh giá

Ở phần trước, chúng ta đã sơ bộ thấy được cách đọc ra cái đẹp ẩn giấu của cây. Theo kinh nghiệm riêng, tôi muốn nói thêm với các bạn: nên chú ý kỹ vấn đề này, để đưa ra quyết định cho chuẩn xác.

Nhiều người cho rằng mình đã lĩnh hội được các yếu tố này, nhưng khi bắt tay tạo tác lại vướng lỗi này một cách hồn nhiên.

Và một khi đã cân nhắc xong, nên dứt khoát theo đuổi cái mình đã quyết, tránh sự lan man, nửa vời… làm cho phong cách cây không bộc lộ rõ ràng.

Trên một cây cụ thể, sẽ có nhiều phong cách được thể hiện, chứ không hẳn chỉ là một cách như thường thấy trên những quy ước căn bản.

Vậy thì dựa vào cái gì giúp cho chúng ta chọn ra được hình ảnh và phong cách của cây một cách hợp lý?

Lấy một ví dụ: dựa vào tính Động – Tĩnh.

Hãy đặt câu hỏi tại sao cây này hướng “động” về phía trái mà không về phía phải? phần nào động, phần nào tĩnh? căn cứ vào đâu để giúp cho ta xác định được nó?

Có thể giải quyết được chuyện này dễ dàng nếu: ở điểm nhìn, của trường nhìn, các bạn cảm nhận và phân tích cho được cái xu thế chuyển động, nét mạnh – yếu của cây, cùng với sự phối hợp hài hòa hình ảnh, tính chất của rễ và thân nữa, thì ta dễ dàng có cơ sở để đi tới quyết định cuối cùng.

Hay một vài ví dụ nữa cho rõ: Ẩn cái gì? – Hiện cái gì? Cái gì Chính – Cái gì Phụ? Nặng phần nào – Nhẹ phần nào?…….

Khi mà từ chính diện đọc được “cái tự nhiên” đó của cây, dù mới là ở dạng phôi nguyên liệu, người làm cây cũng hình dung dễ dàng ra cái hình ảnh và phong cách cuối cùng của cây trong tương lai.

Đến đây lại xuất hiện thêm một điều, là nên tạo hình cái cây thuận nhiên theo những điều mình cảm nhận, để đạt tính tự nhiên cao nhất? Hay là nên đưa thêm cái sở thích, cái cảm giác thẩm mỹ cá nhân vào?

Thật là khó có câu trả lời chung nhất, nghệ thuật mà!!! cái này đòi hỏi bản lĩnh, trình độ tay nghề và cảm giác thẩm mỹ tự thân thôi.

Điều này tôi không có lời đáp, tùy các bạn, làm gì thì làm, miễn sao thỏa mãn được điều kiện của Bonsai là: tái hiện tự nhiên ở mức cao nhất!

Một vài hình ảnh minh họa để các bạn tự chọn cách thể hiện.

  • 1. Thuận nhiên.
  • 2. Sáng tạo theo thẩm mỹ cá nhân.
  • 3. Động bên trái.
  • 4. Động bên phải.
  • 5. Cảm nhận riêng của tác giả.
  • 6. Bố cục cân bằng.
  • 7. Động về phải.
  • 8. Cảm nhận riêng của tác giả.

Theo tôi, các bạn nên luôn tự hỏi và tìm cách trả lời cho những vấn đề đối lập như:

Nên theo nghi thức, hay là bất nghi thức.

Nên theo phong thái trẻ trung mạnh mẽ, chứ không nên cổ lão suy tàn.

Nên có phong cách thanh thoát, chứ không nên nặng nề thô mộc.

Hình ảnh thể hiện cuối cùng đó là cây đứng giữa bình nguyên, hay là cây ở bên sườn núi. v.v……

Từ đó, sẽ xuất hiện cách giải quyết cụ thể cho bố cục cây nói chung, cũng như cách thiết kế bố cục của bộ cành, thanh thoát hay nặng nề, thưa thoáng hay dày đặc, vươn lên hay hạ xuống, theo trọng lực hay phi trọng lực. v.v….

Khi cảm nhận tốt điều này, ta sẽ thấy rằng đâu có cây nào giống cây nào, thì làm sao chỉ có chuyện chỉ bắt chước khuôn mẫu là được. Nếu không trang bị tốt cảm giác thẩm mỹ này, thì hình ảnh cây dễ bị rập khuôn, khô cứng và máy móc là chuyện bình thường thôi!

Để tìm hiểu thêm về cách đánh giá tính nghệ thuật trong tác phẩm cây cảnh, mời bạn đọc bài viết những quy tắc nghệ thuật trong tác phẩm bonsai

Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện

Trả lời

0988110300
chat-active-icon