Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 04)

Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 04)
Đánh giá

Việc quan trọng đầu tiên trong việc tạo tác một cây Bonsai là cần phải tìm ra cho được cái đẹp còn đang ẩn giấu của cây. Nó nằm ở chổ nào?

Người trong nghề đều hiểu rất rõ một vấn đề cơ bản, đó là phải tìm ra chính diện của cây.

Ở chính diện, cây sẽ khoe hết vẻ đẹp của nó cho người xem.

Nhưng chính diện là chổ nào, vị trí nào của cây? Vì cây sẽ được quan sát ở 360 độ., làm sao xác định được nó?

Chính diện là vị trí mà cây phô diễn hết vẻ đẹp của bộ rễ và vẻ đẹp của thân một cách hài hòa.

Nếu nhìn cảm tính, phiến diện, theo một trong hai yếu tố: hoặc phô diễn rễ, hoặc quá chú ý đến thân, sẽ trả giá cho sai lầm là khi cây hình thành, vẻ đẹp của cây sẽ không lột tả hết cho người xem.

Tôi muốn nói thêm điều này, nếu không tìm ra được chổ này, vẫn có thể tạo dáng cho cái cây một cách bình thường theo đúng quy ước, nhưng nó chỉ không hợp lý, và không đẹp, thế thôi!

Có người thích khoe ra bộ rễ ấn tượng, có người lại thích khoe các đường nét độc đáo của thân…nếu không tìm được cái đẹp hài hòa chung giữa rễ và thân, kết quả cuối cùng hình ảnh cái cây được tạo tác rất là khiên cưỡng.

Không nên rập khuôn hình ảnh cây một cách cảm tính.

Nhiều người thường dựa trên các hình ảnh mà mình từng biết, từng thấy, hoặc là một kiểu dáng mà mình rất yêu thích, để ép kiểu dáng của cây theo ý thích. Đây là một sai lầm đáng tiếc!

Việc đầu tiên cần phải “đọc” cho được vẻ đẹp của rễ.

Vị trí đẹp của rễ trong trường nhìn là vị trí mà rễ sẽ khoe được cấu trúc, chi tiết, và hình ảnh của nó thể hiện như thế nào trên mặt chậu.

Tiếp theo là cân nhắc vẻ đẹp của thân.

Trong trường nhìn, thân khoe được hình thể, cấu trúc, chi tiết, cùng với hướng lượn đẹp mắt.

Chính diện, là vị trí mà đôi khi bộ rễ chưa có khả năng thể hiện tối ưu nhất về hình ảnh, cũng như cấu trúc, nhưng bù lại ở vị trí này, lại thể hiện hết vẻ đẹp tối ưu của thân trong trường nhìn. Hoặc là ngược lại.
Đây là vị trí dung hợp tốt nhất vẻ đẹp của Gốc rễ với thân.

Xác định được điều này là sẽ xác định được trục của cây trong không gian, nghĩa là sẽ xác định được dáng cơ bản của cây.

Một khi xác định được dáng cơ bản của cây, thì hệ quả của việc định dạng bố cục bộ cành tất nhiên phải tuân theo phương, dáng của cây.

Nghe qua thì đơn giản như thế! nhưng để đạt được khả năng này cần có những cảm nhận thật tinh tế, đòi hỏi sự quan sát tự nhiên tốt, cùng với tư duy thẩm mỹ nhất định, mà điều này thì không ai giống ai! Thật phức tạp.

Như vậy đây là tiên đề, nếu tiên đề đúng kết quả sẽ đúng. Có thể nói rằng, xác định đúng điều này sẽ giúp cho người còn bở ngỡ trong tạo tác đi được một nửa chặng đường trong thiết kế!

Tuy nhiên, những việc trên chỉ mới dừng lại ở mức độ cơ bản, vẫn chưa giúp được gì cho người tạo tác khai thác hết vẻ đẹp tiềm ẩn của cây!

Để đi sâu hơn nữa trong việc khai thác cái đẹp của cây, các bạn cần phải rèn luyện cho mình sự phân tích cái đẹp rất không cụ thể, nó như là trừu tượng hơi khó nắm bắt. Ví dụ như:

  • Hình ảnh, cấu trúc của bộ rễ đó gợi lên đặc điểm, tính chất gì của cây trong thế giới tự nhiên?
  • Tính chất của bộ rễ như thế, sẽ gợi cho mình cách thể hiện phong cách của cây ra sao?
  • Phân tích cho đúng sự biểu cảm của hình thể, đường nét, chi tiết, xu thế của thân và những chi tiết đó bộc lộ tính chất gì của thân? v.v…
  • Bên cạnh đó, đừng bao giờ bỏ quên sự dung hợp của bộ rễ với thân về mặt tính chất một cách thống nhất.

Bởi vì, những vấn đề này khi cảm nhận tốt, sẽ giúp người tạo tác quyết định đúng phong cách của cây trong tương lai.

Việc bố cục, xây dựng ý tưởng thiết kế bộ cành như thế nào, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bước đầu tiên, nhưng rất quan trọng này! Bởi vì cấu trúc, tính chất, cách biểu đạt của bộ cành phải hoàn toàn tương hợp với hình ảnh và tính chất của gốc và thân.

Như vậy, khi xác định đúng “tính chất” của cây, sẽ giúp cho người thiết kế mạnh dạn chọn cách giải quyết của mình, dám vượt qua các ước lệ ban đầu mà không ngần ngại, miễn sao cây bộc lộ đúng phong cách.

Có những cây cấu trúc rễ và thân không thực sự kinh điển về cái đẹp ( đâu phải cây nào cũng hoàn toàn đẹp) thì đôi khi tạo tác giống như nguyên bản một cây mà mình thấy trong tự nhiên, tôn trọng tự nhiên ở mức cao nhất, và có thể chấp nhận cả những chi tiết mà nhiều người cho là lỗi! lại tạo ra cái đẹp thật tự nhiên!

Với những cây mang vẻ đẹp kinh điển về tính chất, thông thường đa phần người thiết kế luôn chú ý và tôn trọng sự tối giản của nghệ thuật Bonsai! Kiểu hình ta thấy là gần giống nhau, ít có sự phóng túng. (nhiều người cho rằng điều này sẽ là sợi dây trói buộc sự sáng tạo).

Theo tôi, các bạn hoàn toàn tự do trong chuyện này, không có gì bắt buộc phải như thế này hay như thế kia!

Các quy ước chỉ là định dạng căn bản, để cho người mới học hỏi tránh bớt những sai lầm không đáng có trên cây.

Cuối cùng, điều mà chúng ta hay trao đổi và hay chỉ trích nhau, đó là vấn đề sở thích và sự cảm nhận.
Mỗi người đều khác nhau về vốn sống, về cảm nhận và sự yêu thích. Cho nên hình ảnh của cây thể hiện sẽ rất là theo cảm tính riêng. Khó mà giải quyết rốt ráo và có tiếng nói chung cho chuyện này.

Không có một cái đẹp hoàn hảo chung cho tất cả mọi người.

Cái chuyện “Tình nhân nhãn lý xuất Tây thi” khó nói lắm!!!

Đầu tiên cần biết các quy ước căn bản, để học cách làm Bonsai.

Sau đó, đến lúc cao hơn sẽ biết trong trường hợp nào thì nên “quên” bớt đi, và làm theo sự cảm nhận riêng của tâm hồn, chính chổ này làm nên sắc thái riêng cho tác phẩm và cho tác giả!

Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon