Chuyên đề: Làm cây Bonsai theo phong cách tự nhiên (Phần 4)

Chuyên đề: Làm cây Bonsai theo phong cách tự nhiên (Phần 4)
Đánh giá

Khi làm cây ta cần chú ý tới rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt như cọng cỏ, rêu, độ cao khi trưng bày v.v chỉ một cọng cỏ mọc ngược hướng gió thôi là đương nhiên tác phẩm gió đùa mất ngay tính tự nhiên.

Một vài chi tiết phá hỏng tính tự nhiên của tác phẩm

Ví dụ 1:
Cây Thanh Hao (sa tùng, tên khoa học là Baeckea frutescens) này mình chụp ở triển lãm cây Ninh Bình đợt hè 2014 vừa rồi. Cây của bác Hùng xiếc ở Hà Nội. Lần đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh mảnh của sa tùng, mình thực sự rất ấn tượng. Nhưng sẽ còn tuyệt hơn nữa nếu như:

  • Cái chậu màu xanh bóng loáng rõ ràng là không hợp với vẻ cổ lão của cây. Tuổi chậu cần phải tương đồng với tuổi cây, nhìn sao cho giống như cây đã mọc trong chậu tự thuở nào rồi. Theo mình chậu ovan làm bằng đất nung màu nâu đỏ hoặc màu nâu đen có điểm thêm vài chấm trắng nhạt sẽ hợp với cây này (lúc ra hoa).
  • Tán lá hình vòm được cắt tỉa bằng chằn chặn như cắt tóc không phù hợp với phong cách tự nhiên. Tuy vậy nếu xét từ tiêu chuẩn bonsai thì vẫn ổn.
  • Túi phân bón đặt trên mặt chậu thì rõ ràng là không ổn rồi!

Ví dụ 2:
Bạn có thấy cây Đỗ Quyên dưới đây đẹp không? Hoa đầy kín, xinh như một nàng công chúa. Nhưng nếu bê nguyên cây thế này đi triển lãm thì sao? Chắc chắn bị loại. Tại sao vậy? Vì có ít nhất 2 điểm gây mất tự nhiên ở đây:

  • Sợi dây cố định gốc trồi lên khỏi mặt đất.
  • Đất rõ ràng mới được thay, còn mới tinh. Nên trồng ít cỏ lún phún hoặc phủ rêu lên bề mặt. Mà phủ rêu cũng có mẹo nhé, để rêu cố định trong chậu được chắc chắn thì nên bẻ sợi dây đồng mỏng hình chữ U và ghim mảng rêu chắc chắn vào trong đất (nhớ giấu phần dây đồng bên trên ở trong rêu). Tại vì ở Việt Nam khi đi triển lãm mà rêu rời rông rổng, thổi nhẹ cái là bay thì sẽ bị loại.


Ví dụ 3:
Cây này của tác giả Nguyễn Quang Phú quận Gò Vấp. Tên tác phẩm là “Cuồng phong”, cái tên đủ nói lên rằng tác phẩm mô phỏng cảnh gió rất dữ. Riêng phần cây thì mình rất thích, cây già nua khắc khổ, gốc rễ vững vàng, cành oằn mình trong gió dữ. Nhưng trong cảnh gió dữ này có đôi điều chưa hợp lý rất dễ nhận ra:

  • Gió dữ vậy mà có 2 ông cụ ngồi ung dung đánh cờ, quả là cao nhân ngoại thế, khác thường.
  • Con cò trắng tha thẩn kiếm ăn trong khung cảnh này cũng không hợp.
  • Lùm cỏ xanh mướt cũng không hợp với cảnh này, nếu có trồng cỏ cũng phải làm sao cho cỏ cũng oằn mình trong gió mới tài.

Ví dụ 4:
Cũng vẫn tác phẩm “Cuồng phong” ở hội hoa xuân Tao Đàn năm 2012, lúc này đã có một diện mạo mới. Rõ ràng là nhìn đẹp hơn rất nhiều, núi non trùng điệp rất hợp với điều kiện gió thổi miết theo hướng từ phải qua trái. Cây cũng đẹp hơn hẳn: phần lá bên dưới được tỉa lại làm lộ xương tăng vẻ già nua. Điều này rất hợp lý vì những lá bên dưới không nhận được ánh sáng sẽ dần bị đào thải. Tuy nhiên theo mình vẫn có một chi tiết không hợp lý ở đây, đó là cái cây con ở bên trái tác phẩm (mình khoanh vòng tròn đen):

Gió mạnh tới mức bào mòn cả núi mà cây vẫn mọc ngược gió thì chưa hợp lý lắm, mặc dù trong tự nhiên vẫn có những vùng gió xoáy làm cây bị xô theo các hướng khác nhau. Cái cây đó phá vỡ hoàn toàn tính thống nhất của tác phẩm.

Lưu ý là chuyện cây con bị che sáng bởi cây to có thể bỏ qua do trên mặt phối cảnh thì cây con ở rất xa (nên nó nhỏ). Có điều khi chăm sóc có thể có chút bất tiện do cây con thiếu sáng. Nếu mình may mắn được sở hữu tác phẩm này, mình sẽ bỏ quách cây con đó đi là xong.

Đối với cả 2 ví dụ 3 & 4, nên trồng rêu thưa ở phía gió thổi với hàm ý gió mạnh quá bào mòn cả đất, cây nhỏ (rêu) không mọc nổi. Thêm nữa, rêu nên mọc thành từng đám sẽ hợp với khung cảnh khắc nghiệt hơn là kiểu rêu phủ kín, tốt um.

Ví dụ 5:
Đây là một cây 2 thân của Graham Potter. Tác giả mô tả một cái cây già cóc đế, mối mọt sương gió đục khoét thân tòe loe nhưng lại đặt trong một mảnh đất phì nhiêu cỏ cây tươi tốt. Bản thân cái cây cũng có tán lá tươi tốt mọi bề khiến chẳng thể tìm thấy ảnh hưởng của 2 cái bọng thân to uỵch ở chỗ nào cả. Nên chăng những cây lũa, bọng nhiều thế này được đặt trong khung cảnh xác xơ hơn 1 chút, tàn lá tiêu điều hơn 1 chút chắc là sẽ đẹp hơn nữa. (Mình bình luận thế thôi, đồng ý hay không tùy bạn. Nhưng được sở hữu cái cây này là ước mơ của đời mình đó, mình không phải kẻ ngạo mạn đụng đâu chê đó đâu nhé ^^)

Cây Privet 2 thân của Graham Potter

Trả lời

0988110300
chat-active-icon