Chi Ctenanthe có khoảng 40 loài (species) và giống lai tạo (hybrid cultivar) được ghi nhận. Trong đó chỉ có khoảng dưới 10 loài và giống phổ biến và được mọi người nuôi trồng nhiều.
Cả nhà có thể tham khảo danh sách tất cả các loài và giống thuộc chi Ctenanthe TẠI ĐÂY ạ.
Trong bài này mình (Dũng Cá Xinh) xin tổng hợp các vấn đề về giới thiệu chung, chế độ chăm sóc (đặc biệt là ở khu vực Hà Nội, miền Bắc Việt Nam) cũng như cách nhân giống các cây thuộc chi Ctenanthe này.
Giới thiệu chung
- Tên khoa học: Ctenanthe
- Tên tiếng Anh thường gọi: Never Never Plant
- Tên tiếng Việt: Hay bị gọi chung với các cây thuộc chi Calathea hay Maranta là các loại cây Đuôi Công.
- Tên tiếng Trung: 竹芋 (Zhú yù) – Chúc Vu
Đây là một chi thực vật gồm các cây bản địa của các khu rừng mưa ở Brazil. Nếu như các bạn sống ở nước ôn đới trồng các loại cây này với sự khó khăn nhất định, thì anh em mình ở Việt Nam trồng các loài Ctenanthe thực sự là quá EZ luôn. Các cây Ctenanthe trong tiếng Anh hay được gọi là “Never Never Plant”. Ctenanthe phát âm là Tee-nanth-ee, là một từ La Tinh bắt nguồn theo một từ Hy Lạp kteis-anthos (với nghĩa là “comb flower” – hoa lược, dựa theo hình dáng hoa của các cây Ctenanthe có hình giống như một chiếc lược nhỏ. Xem hình bên dưới ạ).
Còn về cái tên thông dụng Never Never Plant. Thực sự có quá nhiều ý kiến khác nhau. Có một ý kiến cho rằng vì ngày xưa người ta trồng cây này mà nó quá hiếm khi ra hoa, thậm chí là không bao giờ (với một số người) nên họ đặt luôn cái tên là “Never Never Plant” với ý nghĩa loài cây này “never” ra hoa. (Khá thú vị ^^). Có ý kiến khác cho rằng trước đây nhiều vị khoa học cãi nhau quá nên sau mọi người thống nhất đặt luôn tên là “Never never plant” để ám chỉ “Never Never Discussed Plant” (Cây đừng bao giờ bàn luận)! ^^. Còn thực tế chính xác tại sao thì mình chưa tìm được tài liệu nào đề cập, rất mong sẽ có anh chị nào chia sẻ thêm ạ.
Chi Ctenanthe thuộc họ thực vật có hoa Marantacea. Họ thực vật này bao gồm các cây lâu năm thường xanh (evergreen perennials) và đa số đều là cây bản địa đến từ những khu rừng mưa nhiệt đới của Brazil, chỉ có một lượng nhỏ được phát hiện tìm thấy ở các khu vực khác ở Trung Mỹ, thường là ở các vùng rừng nhiệt đới của Costa Rica. Thoát ra môi trường bản địa, hiện nay các loài cây này đã được nuôi trồng và bán làm cây cảnh rộng rãi trên toàn thế giới nhờ màu sắc độc đáo và tuyệt đẹp trên lá của chúng.
Bởi vì đều là cây nhiệt đới, các loài Ctenanthe khá nhạy cảm và dễ tổn thương bởi băng giá, theo kinh nghiệm của mình và nhiều tại liệu thì khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, các cây thuộc chi Ctenanthe đều bị ảnh hưởng ít nhiều, và thường đó là những tổn thương khó có thể chữa lành được.
Với những vùng ôn đới hay thậm chí Hà Nội vào những ngày đông giá rét cực đoan khi nhiệt độ xuống dưới 10 độc C, theo mình nên cho cây vào trong nhà hoặc bọc túi ni lông để che gió lùa vào cây. Đến khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên thì lại đem cây ra ngoài hoặc bỏ bọc ni lông.
Đặc điểm của các loài và giống cây thuộc chi Ctenanthe
Khi được trồng trong điều kiện phát triển thích hợp, mấy cây Never Never Plant có thể phát triển với kích thước tối đa lên đến 7 feet (hơn 2 mét) trải rộng theo chiều ngang, trong khi chiều cao thường không quá 18 inch (50cm). Một số loài có thể phát triển lá hình bầu dục dài tới 16 inch (40 cm) và dĩ nhiên có rất nhiều mảng hoa văn tương phản cực đẹp trên đó.
Kinh nghiệm của mình cho thấy cây có xu hướng phát triển kín chậu. gần như tất cả khoảng trống của chậu sẽ được lấp kín bởi cây to và các cây con được sinh ra. Chậu to đến đâu thì cây mọc phủ kín ra đến đó. Vì thế nếu muốn có nhiều cây con để tách ra nhân giống, tốt nhất là trồng chúng vào chậu rộng và không cần quá sâu.
Chế độ chăm sóc các cây thuộc chi Ctenanthe
Đây là tổng kết nhanh dựa trên kinh nghiệm cá nhân và các tài liệu nghiên cứu ạ:
- Đất: Đất phải thoát nước thật tốt.
- Tưới nước: Luôn tưới để đất ẩm nhưng không nên để đất bị sũng. Áp dụng công thức: Tưới khi bề mặt đất hơi khô – Đã tưới là phải đẫm – Tưới xong nước PHẢI thoát hết.
- Ánh sáng: Ánh sáng từ trung bình đến cao. Nhiều tại liệu nói không nên cho cây nhận ánh sáng mặt trời trực tiếp (direct sunlight), tuy nhiên cá nhân mình trồng rất nhiều cây thuộc chi Ctenanthe này ở sân thượng không có che chắn ở phía Nam Hà Nội nhiều mùa hè thì thấy không có vấn đề gì xảy ra, có vài lá bị cháy nhưng không là gì so với việc cây ra vô số lá non mới là size lá to lên thấy rõ.
- Độ ẩm: Độ ẩm nên duy trì ở mức cao (>70%)
- Nhiệt độ: Nhiệt độ nên duy trì trong ngưỡng 15 – 29 độ C để cây phát triển nhanh nhất, theo kinh nghiệm cá nhân thì cây chịu nắng nóng thoải mái, có thể hơn 42 độ C miễn là được cung cấp độ ẩm và nước.
- Bón phân: Nên bón phân hàng tháng để cây phát triển nhanh và khoẻ mạnh. Mình thấy dùng phân lỏng, phân hoà tan trong nước (water-soluble fertilizer) là hiệu quả nhất.
- Cắt tỉa: Chỉ nên cắt bỏ các cành lá chết hoặc cắt để giữ form cây. Nếu để cây mọc tự do chúng sẽ mọc lan và cao thành bụi to về mọi hướng.
- Hoa: Hoa ra như hình cái lược màu trắng, vàng, màu sắc không rực rỡ. Thời gian ra hoa không cố định, có thể vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm khi được trồng trong điều kiện tốt. Cá nhân mình trồng đủ kiểu không ra hoa, có lẽ đúng với ý kiến của bác nào ở trên (Never Never ra hoa).
- Nhân giống: Nhân bằng cách tách các mầm con (division) hoặc bằng hạt (seeds)
- Các loài nổi tiếng nhất trong chi: Ctenanthe burle-marxii, Ctenanthe oppenheimiana, Ctenanthe marantifolia
- Sâu bệnh thường gặp: Chi này chống sâu bệnh tự nhiên rất tốt. Tuy nhiên trong môi trường quá ẩm thấp và thiếu sáng, cây dễ dính nấm Botrytis cinerea (Botrytis cinerea là tên của một loại nấm mốc gây ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật. Tuy nhiên người ta chỉ biết đến rằng nó làm hại loại nho dùng để ủ rượu. Trong nghề trong nho, nó còn có tên gọi là “chùm botrytis mục nát” còn trong nghề làm vườn thì nó được là “mốc xám”. – Wiki). Cũng ở môi trường ẩm và ít sáng, cây có thể dính rệp sáp (mealybugs), bọ trĩ (thrips) và ve nhện (spider mites).
- Chứa chất độc: Chi này cũng như các chi Đuôi Công Calathea, Maranta không có độc và không gây hại với trẻ con và vật nuôi.
Và đây là một số phần chi tiết hơn:
Ánh sáng
Hãy cùng hình dung môi trường tự nhiên của cây Never Never Plant này ở môi trường quê hương nó: Rừng mưa nhiệt đới Brazil. Dưới đây là ảnh chụp lại một quần thể Ctenanthe kummeriana mọc trong tự nhiên. Có thể xem ảnh và rút ra một số kết luận sau:
- Cây có thể sống tốt ở môi trường từ ánh sáng yếu đến cực cao (nắng trực tiếp)
- Trong môi trường ánh sáng thấp, lá cây có xu hướng đậm hơn, màu xanh đậm hơn.
- Trong môi trường ánh sáng cao, nhiều nắng, lá cây có xu hướng sáng hơn, màu xanh sáng hơn và các mảng màu sáng cũng phát huy tối đa. Tuy nhiên phản ứng phụ là các đường hoa văn bị mờ đi.
- Ở môi trường ánh nắng gián tiếp (tức là có cây ở trên che) và chỉ đón nắng một thời gian nhất định trong ngày là cây sẽ đẹp nhất.
- Nếu ở môi trường nắng trực tiếp nếu thiếu nước cây sẽ quăn lá lại. Đây là đặc điểm mà cả các cây đuôi công Calathea và Maranta, Stromanthe đều có. Chính đặc điểm này nên nhiều người đều gọi chung mấy chi thực vật này là cây Prayer Plants (tức là các cây đến tối cụp lá lại và khi có ánh sáng sẽ xoè ra) trong khi chỉ có duy nhất chi Maranta mới là Prayer Plants thực sự.
- Nếu cây bị đọng nước trên lá và gặp nắng trực tiếp có thể sẽ gây cháy lá ở những chỗ đọng nước và cháy lá. Điều này giống với nhiều chi cây khác, đặc biệt là các loài thuộc chi Epipremnum (Việt Nam hay gọi là Trầu Bà).
- Ánh sáng khác nhau sẽ tạo ra màu sắc lá khác nhau. Đây chính là một trong 3 nguyên nhân kinh điển gây đổi màu trên các cây thuộc chi Caladium (tham khảo thêm TẠI ĐÂY ạ).
Và các kết luận tạm ở trên khá giống các thống kê của nhiều website và diễn đàn Garden. Vậy nên anh chị em cứ chú ý các kết luận trên để tối ưu phần ánh sáng đối với các cây “Never never ra HOA” này nhé ^^.
Tưới nước
Như đối với tất cả các loại cây khác, việc tưới nước đúng cách là điều cần thiết để giúp cây SỐNG và phát triển. Mặc dù các loài cây thuộc chi Ctenanthe thường chịu được các độ ẩm khác nhau của đất, nhưng theo kinh nghiệm của mình thì cần đảm bảo không bao giờ để cây bị khô, tức là phần bề mặt của đất luôn ẩm là tốt nhất. Khi bề mặt đất vừa khô thì nên tưới nước luôn. Chế độ tưới khá giống với các cây thuộc chi Caladium (tham khảo thêm TẠI ĐÂY ạ), Calathea và Maranta.
Quan trọng nhất vẫn là đã tưới là phải tưới đẫm và sau khi tưới nước phải thoát ra hết khỏi các lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Kinh nghiệm tưới nước “lười” của mình là nhúng cả chậu cây vào xô nước rồi nhấc lên, chờ ráo hết nước thì để về vị trí cũ. Làm cách nào thì làm, tuyệt đối không để phần rễ cây sũng nước.
Nếu đầu lá chuyển nâu hoặc vàng thì có thể là dấu hiệu cho việc cây bị bị tưới quá nhiều nước. (Xem thêm bài 7 dấu hiệu khi cây bị vàng lá). Nếu thấy hiện tượng này thì phải điều chỉnh ngay trước khi cây bị thối rễ (root rot), nguyên nhân hàng đầu và chí mạng khiến các loài thuộc chi Ctenanthe tử vong.
Nhiệt độ
Với nguồn gốc từ rừng nhiệt đới Amazon, các loài thuộc chi Ctenanthe được hiểu là chỉ sống được ở môi trường nhiệt độ cao. Tuy nhiên các loài và giống cây được thương mại hoá hiện nay thường đã được cải tiến về sức chịu đựng cũng như thuần với các vùng khí hậu có nền nhiệt độ thấp hơn. Theo kinh nghiệm trồng của mình và theo nhiều tài liệu, miễn là nhiệt độ không thấp hơn 10 độ C, cây sẽ cực kỳ OK.
Tuyệt đối tránh để cây ở các khu vực có sương giá và gió lạnh lùa vì khi đó dù nhiệt độ có lớn hơn 10 độ C, cây vẫn sẽ bị bỏng lạnh mà chết.
Đất và hỗn hợp giá thể
Mình đã thử nghiệm trồng một số loài Ctenanthe (Burble Marxii và Setosa) bằng khá nhiều hỗn hợp đất khác nhau. Từ các loại đất vườn và đất sông hồng trộn trấu (công thức đất Văn Giang, xem thêm TẠI ĐÂY ạ) cho đến các công thức đất thoát nước tốt hơn có hạt đất sét nung, cát vàng, vỏ gỗ thông, … thì thấy cây đều sống được miễn là đủ độ ẩm và ánh sáng trung bình. Tuy nhiên với hỗn hợp đất thoát nước tốt, cây phát triển nhanh, đặc biệt là nảy cây con rất nhiều.
Sâu, bệnh
Các loài thuộc chi Ctenanthe có khả năng thiên bẩm trong việc chống lại nhiều loại bệnh và sâu bệnh. Tuy nhiên, ở một số khu vực, đặc biệt với môi trường nóng và ẩm cao, nấm Botrytis cinerea, rệp sáp (Xem thêm về mealybugs), bọ trĩ và ve nhện (Xem thêm về spider mites) có thể là những vấn đề lớn.
Nhân giống cây thuộc chi Ctenanthe
Có nhiều cách nhân giống, nhưng với cái chi cây mà nó có tên Never Never Ra Hoa này thì chờ nó ra hoa ra hạt chắc tóc mình bạc nên cách nhân giống bằng hạt mình chưa thử nghiệm được. Cấy mô mình cũng đã nghe qua nhưng Ctenanthe ít người dùng cách đó mà hay dùng 2 cách dưới đây:
- Nhân giống Ctenanthe bằng cách tách cụm cây con (division) và trồng vào nước
- Nhân giống Ctenanthe bằng cách tách cụm cây con (division) và trồng vào đất.
Với các loài thuộc họ Marantaceae như Calathea, Maranta, Stromanthe và Ctenanthe thì mọi người hay để ý đến khái niệm cụm cây nhỏ (division), đây là một cụm gồm nhiều (nhiều chứ không phải 1) thân cây con mọc sát gốc cây to hoặc có thể tách rời ra. Các division này liên kết với nhau khá mỏng manh và cực kỳ dễ tách ra để trồng thành cây độc lập. Anh chị em xem một vài ảnh bên dưới là hiểu liền.
Về đất để trồng các cụm division nhỏ này, anh chị em có thể tham khảo thêm trong bài này ạ: Caladium Strawberry Star – Cây Môn Kem Dâu Tây: Cách chăm sóc, nhân giống và các vấn đề thường gặp
Em chúc cả nhà có thể trồng các loài và giống thuộc chi Ctenanthe này khoẻ nhất, đẹp nhất và nhân giống ra vô số cây để có một khu vườn Ctenanthe tuyệt đẹp nhé!!!
P/S: Hiện nay vẫn rất nhiều loài được xếp lẫn lộn ở 4 chi Calathea, Maranta, Ctenanthe và Stromanthe. Vẫn còn nhiều tranh cãi chưa có hồi kết về vấn đề này, vì thế ở Tây họ gọi chung các loài và giống thuộc 4 chi này là Prayer Plant hoặc cây thuộc họ Marantaceae, đồng thời khi trồng thường xuyên xen kẽ các cây thuộc cả 4 chi này. Ở Việt Nam thì mọi người cũng hay gọi chung là Đuôi Công hết! ^^