Sang chậu (repotting) để cứu một cây Bách Cali (Juniperus californica) hấp hối

Sang chậu (repotting) để cứu một cây Bách Cali (Juniperus californica) hấp hối
Đánh giá

Nguồn: Sưu tầm

Cây Bách Cali (Juniperus californica) này được một ông cụ quá cố người Nhật Bản đào vào 15/4/1994 ở đồi Jawbone (xem bảng nhôm khắc) tại sa mạc Mojave, tiểu bang California. Sau đó cây được Mr Frank, một nghệ nhân tại miền nam California mua lại, cắt rễ và cho vô chậu Bonsai ngày 26/2/1999.

  • Xem thêm bài Giới thiệu về cây Bách Cali TẠI ĐÂY!

Cây đã được sang tay nhiều nghệ nhân khác nhau cho tới 29/5/2014 thì tác giả bài viết đã mua được với giá rất rẻ. Đây là hình của cây vào thời điểm mua.

Sau khi về vườn chăm bón cây hơn một năm cho cây khoẻ lại thì tôi lên kế hoạch cho tiến trình tái thiết. Đây là bản vẽ phác thảo cho dự án 5 năm.

Mục đính của tác giả là sẽ làm cây Bách Cali (Juniperus californica) này thành dáng Bunjin (Văn Nhân) nên sẽ tách gỗ sống và chết (deadwood) để đưa ngọn về gần với phần giữa chậu, sau đó sẽ nuôi cành phóng trong 5 năm để cho nó đủ lớn và dài. Đây là hình sau khi tách gỗ phần ngọn & tạo dáng sơ khởi cho cây vào 14/8/2015.

Tới 27/5/2017 cây có dấu hiệu phục hồi tốt từ sau lần chẻ gỗ nên tác giả bắt đầu tháo kẽm, cắt tỉa và cuốn kẽm xếp lại tàn.

Đây là kết quả sau 2 tiếng cắt tỉa và xếp tàn

Theo lẽ thì từ giữa mùa Thu tới cuối năm tất cả những cây Bách Cali (Juniperus californica) trong vườn của tác giả sẽ phát triển rất mạnh, lý do khí hậu ở Vùng Vịnh San Francisco (bắc Cali) tương đối mát mẻ, cộng thêm lại là mùa mưa nên Bách Cali (Juniperus californica) ở vùng này có dấu hiệu phát triển rất mạnh. Tuy nhiên với cây này thì đã không có dấu hiệu phát triển gì từ lần cắt tỉa vào cuối tháng 5.

Tới thời điểm này tác giả có cảm giác cây có vấn đề gì đó trong rễ, và cũng nói thêm là từ khi về vườn tới nay cây chưa hề được thay đất sang chậu nên không biết chất trồng mà chủ cũ dùng có vấn đề gì nữa. Thành thử tác giả đã phải thay đổi và lên ý định thay đất cho cây ngay chứ không theo bản kế hoạch là sau 5 năm nuôi tàn rồi mới thay đất.

Khi lấy cây ra khỏi chậu, mọi việc đã không ngoài dự đoán của tác giả, cây rất ít rễ và một số đã đen lại. Rễ đen không phải bị úng nước (vì đất trồng cũ thoát nước rất tốt) nhưng đen vì cục đá mà chủ cũ đã dùng để chèn cây để cho cây đứng vững. Sau khi mang cục đá đi ngâm nước tác giả  đo độ pH lên đến 8.2 trong khi nguồn nước chỉ là 6.8.

Tác giả bắt đầu khoan lỗ để tìm cách luồn kẽm cột cây cố định vào chậu và không dùng đến đá. Các bạn hãy quan sát tấm hình này để biết rễ ít như thế nào sau 4 năm trong chậu (từ lần thay đất trước của người chủ cũ).

Để bảo đảm cho sự thông thoáng nhằm giúp cây phát triển tốt trong 5 năm tiếp theo tác giả đã dùng bốn vật liệu sau cho chất trồng:

  • 3 phần Akadama (đất sét nung Nhật Bản) với cỡ hạt 3/8″
  • 3 phần pumice (sỏi vụn) với cỡ hạt 1/4″
  • 3 phần lava (đá nham thạch, màu đen) với cỡ hạt 1/4″
  • 1 phần than củi với cỡ từ 1/4 đến 3/8″

Tất cả đã được sàng lọc kỹ để không còn bụi sót lại làm tắc nước sau này.

Nhân tiện tác giả đã đổi sang một cái chậu khác thích hợp với dáng của cây. Dưới đáy chậu đã được lót lưới vào lỗ thoát nước để cho đất không trôi ra ngoài, luồn kẽm số 4 để cột cây cố định vào chậu.

Trước khi tác giả bỏ cây vô chậu thì dưới đáy chậu đã được rải một lớp sỏi pumice lớn (hạt 3/8″) để bảo đảm sự thoát nước. Sau đó tác giả rải một lớp than rồi đến chất trồng đã trộn sẵn như trên… và cột cây cố định vào chậu. Vào đất và dùng đũa nén thật kỹ để đất vào mọi góc cạch của rễ.

Khi vào đất xong thì cây sẽ được tưới thiệt kỹ (đẫm nước) để rửa trôi đi những hạt bụi còn sót lại trong đất. Dùng xơ dừa vụn đắp trên mặt chậu để bảo đảm độ ẩm đề phòng khi hôm nào có gió thì đất trong chậu không bị khô. Xơ dừa sẽ được lấy bỏ sau vài tháng để đất được thông thoáng.

Cây được đem ra nắng vài tiếng để cho ráo đất trước khi tác giả bón thuốc thuốc kích rễ.

Vì quá ít rễ nên tác giả đã chọn dùng Root Excelurator của hãng Home & Garden để kích thích rễ. Đây là loại thuốc tốt và đắt nhất trên thị trường. Đãng lẽ ra với những cây khoẻ mạnh thì tác giả không cần đến nhưng ở hoàn cảnh của cây này tác giả phải cần đến sự trợ giúp của thuốc tốt để cứu cây hoặc tốt hơn nữa là nếu sống thì không bị mất nhánh nào (dieback).

Tuy vùng tác giả sống không bị bóng băng nhưng cũng có vài ngày trong mùa Đông nhiệt độ ban đêm sẽ xuống đến tầm 0 độ C. Nên tác giả chọn chỗ ấm nhất và khuất gió để cây. Dưới chậu tác giả để một miếng sưởi (heatmat) ấm rồi dùng áo phủ kín chậu… với cách này thì nhiệt độ trong chậu sẽ rất ấm và rễ có thể phát triển cho dù nhiệt độ không khí xuống dưới -8 C.

Máy đo nhiệt độ trong chậu và nhiệt độ không khí.

  • Nhiệt độ bên ngoài trời: 36,7 độ F, tương đương độ 2,6 độ C
  • Nhiệt độ bên trong chậu cây: 64,4 độ F, tương đương độ 18 độ C. (hơn ngoài trời đến 15 độ C, tuyệt vời!)

Nếu tới tháng 3 mà lá trên cây Bách Cali (Juniperus californica) vẫn còn tươi là dấu hiệu có sự sống. Tác giả sẽ cập nhật sau để các bạn biết kết quả.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon