- Lá xòe rộng, dễ hứng nhiều sương đêm giúp lá dễ phát.
- Từ những cành lá kim này, cây dễ phát sinh thêm lá vảy.

Nhóm lá vảy
Juniperu chinensis (Tùng sà, Tùng cối)
Đây là chủng loại hay gặp và quan trọng nhất trong bonsai. Chúng được phân làm nhiều loại nhỏ hơn, trong đó có thể kể tới vài loại hay gặp ở Việt Nam:
- Juniperus chinensis Sargentii (Shimpaku)

- Juniperus chinensis Torulosa (Hollywood Juniper)

- Juniperus chinensis Blaauw (Blaauw Juniper)

- Juniperus chinensis San Jose (San Jose Juniper)

Dòng Juniperu chinensis có hầu như mọi “đức tính” để làm bonsai:
- Dễ làm lũa
- Cành mềm dễ đẽo gọt
- Lá nhỏ xanh quanh năm
- Thích hợp mọi dáng thế trừ kiểu tàn chổi (bloom)
Ta điểm qua một vài loại Chinensis đã được con người lai tạo:
Shimpaku (mình thấy ở Việt Nam mọi người gọi là Duyên Tùng)
Đây là tiếng Nhật của loài Juniperus chinensis Sargentii mọc tại Nhật Bản. Shimpaku màu lá xanh đậm mạnh mẽ, cây vừa có nét mỹ thuật cao ở đường nét cong, vừa có tính mạnh mẽ do những uốn gập, và nhất là màu đỏ ở thân (sau lớp vỏ mỏng) dễ nổi bật màu sắc khi so với những thớ gỗ chết (lũa) trắng xám bên cạnh. Kiểu lá vảy của Shimpaku nhìn già dặn hơn so với các loài khác có lá kim. Một điểm đáng tiền khác nữa là lá chúng phát dày đặc.

Juniper chinensis Blaauw
Đây là chủng nhân tạo chưa phổ biến lắm. Lá của chúng có lẽ đẹp không thua gì Shimpaku tuy nhiên không được ưa chuộng bằng, có lẽ vì chúng không có xuất xứ từ Nhật.

Juniperus chinensis Torulosa (Hollywood Juniper)
Loài J.chinensis Tolorusa thường được biết dưới tên dân gian là Hollywood Juniper. Lá của Hollywood J. rất đẹp, nhưng ngặt nỗi thân của loài này phát triển mạnh quá cho nên cành nhánh của cây thường thẳng tắp như kiểu mọc của cây lá bản, chứ không có kiểu xoắn vặn như những loài Juniper ở núi. Người ta thường dùng loại này để tạo rừng bonsai, tuy nhiên khó lộ được nét già nua bởi cây phát triển nhanh (nếu so với Kim Tùng – Needle Juniper)

Juniper chinensis San José
Loại này lá hơi xấu cho nên thường dùng làm gốc ghép lá Shimpaku. Gốc của chúng phát rất mạnh.

Juniperus horizontalis
Đúng như tên gọi, loài này thường có khuynh hướng bò ngang (horizontalis tức là ngang). Lá loài này thường có màu hơi xanh lơ. Chúng được gọi là thảm màu xanh.

Juniperus prostrata
Tuy màu sắc, kiểu lá của Protrasta không mấy hấp dẫn, nhưng đây là loài Juniper rất khỏe, chóng mập gốc. Do đấy, được nhiều người chuộng.Đây cũng là loài được chọn để làm gốc ghép cho những giống Juniper lá đẹp vào đó.

Duyên tùng Đài Loan
Mình không chắc tên quốc tế của nó là gì, nhưng dân Việt Nam gọi vậy. Giống này lá thưa hơn duyên tùng Việt Nam và hơi ngả vàng. Gỗ của duyên tùng Đài Loan thì dẻo và dễ uốn hơn so với duyên tùng Việt Nam. Nếu 2 cây cùng một độ lớn gốc thì cành của tùng Đài Loan nhỏ hơn so với tùng Việt Nam, tức là khi để mọc tự nhiên độ vót của tùng Đài sẽ nhiều hơn so với tùng Việt.

Duyên tùng Việt Nam
Duyên tùng Việt Nam (mình cũng không biết tên quốc tế là gì luôn) có mật độ lá dày hơn và xanh đậm hơn duyên tùng Đài Loan. Cả duyên tùng Việt và Đài đều có chung một đặc điểm là chồi trên cùng ít phân nhánh hơn so với các dòng tùng khác.

Tùng cối
Dân Bắc gọi tùng cối bởi nó hay bung lá kim (tức là bung cối). Loài này nếu để mọc tự nhiên thì thân nó thẳng tuột, gỗ khá cứng và khó uốn. Với khí hậu miền Bắc Việt Nam thì loài này sinh trưởng rất tốt. Có một cách phân biệt tùng cối so với duyên tùng là nhìn vỏ cây. Vỏ tùng cối màu xám xám, trong khi duyên tùng thì vỏ nó màu đen, và duyên tùng khi bóc đi lớp vỏ ngoài thì nhu mô nó màu đỏ sậm trong khi nhu mô tùng cối màu đen nhiều hơn và chỉ pha chút đỏ.

Nhóm lá kim
Juniperus communis
Ở mình gọi là cây Bách Xù thuộc họ Hoàng Đàn. Cây trong tự nhiên có thể cao 15m, cành non yếu có nhiều vòng lá, hoa đực màu vàng, hoa cái màu xanh, quả hình cầu. Cây này được dùng để chiết xuất tinh dầu.
Đây là loài tương đối phổ biến ở nhiều khu vực Bắc bán cầu. Lá tuy không đẹp, nhưng chậm lớn, thân dễ vặn nên khá được ưa chuộng . Cây này mà ra quả thì đầy cây.

Juniperus procumben
Loài Juniper này thường có khoảng 70% lá kim thôi. Đặc điểm của chúng là có một thân hoặc một cành gần gốc xà ra xa khá mạnh . Do đó dân bonsai dựa vào tánh này để tạo thế “nửa thác đổ”. Cây này thường được uốn thành một đôi đặt trước cửa gọi bằng “Nghinh khách tùng”. Loại này thân to nhưng ít vặn xoắn. Lá thì không đẹp lắm nên có nhà vườn đem ghép lá Simpaku vào loại này.

Juniperus procumbens Nana (dân ta gọi là tùng xà / ngọa tùng)
Giống như loại trên nhưng lùn hơn. Đây là loại được giới trồng bonsai ưa chuộng bởi phát triển nhanh, dễ trồng, dễ cắt tỉa, chồi nhiều. Chỉ cần mặt đất ẩm và hứng đủ sương đêm là cây phát chồi đầy thân. Thường chúng chỉ cao 20 cm và bò lan ra mặt đất. Đây là giống tùng rất phù hợp để làm bonsai mini, có điều gốc chúng rất chậm lớn.

Juniperus rigida (Kim tùng)
Lưu ý: Juniperus foemina được coi như là Juniperus rigida
Loài này thường mọc thẳng đứng. Cây ít vặn vẹo trong 10 năm đầu và chậm lớn. Khi già cây sẽ bong lớp vỏ mỏng để lộ phần nhu mô màu đỏ hồng. Khi đã bẻ ngang thân rồi thì cây hầu như không còn sức phát triển chiều cao nữa, chỉ thay đổi chút ở tàn lá. Do đó mà khi đã vào chậu làm cây thành phẩm thì hầu như cây không phá thế. Loài này có khoảng 70% là lá kim, khi đưa vào chậu thường người ta sẽ ngắt hết lá vảy bởi lá kim có khả năng hứng sương cao nên cây dễ sống hơn.
Kim tùng có một “khả năng tiềm ẩn” (pathogen) gây chết khá mạnh trong cây. Cho nên khi đưa một cây Kim tùng vào bonsai, nếu rễ không được tỉa ngắn và sạch thì khả năng gây chết tiềm ẩn sẽ lấn khả năng sống rất nhanh. Cho đến nay, hình như vẫn chưa có tài liệu nào cho thấy rõ về chuyện này của Kim tùng. Kinh nghiệm riêng của mình với Kim tùng: Càng nhiều rễ khi chuyển chậu thì cây càng dễ chết (ngặt một điều là phải 2-3 tháng sau mới biết cây đã chết vì lá vẫn cứ xanh rì!).

Tác phẩm rừng Goshin nổi tiếng của cụ John Naka tạo bởi 11 cây kim tùng. Xem thêm về tác phẩm kinh điển này tại đây!
Lưu ý: Một số cây thuộc họ Hoàng đàn (hay bách, Cypress) có lá giống như tùng (Juniper). Cách phân biệt là hầu hết các loại tùng đều có vỏ bong tróc, còn hoàng đàn thì có vỏ trơn láng. Cần lưu ý điều này bởi các loài Cypress thường khó đưa vào chậu bonsai chưa kể kiểu vỏ trơn láng thường kém giá trị do không thể hiện được vẻ già nua của cây.
(sưu tầm)