Phần 12 – Chương I: Nguyên tắc sử dụng thuốc (Sách Kỹ thuật Bonsai)

Sách Kỹ thuật Bonsai

Bonsai vẫn có thể mắc phải những loại bệnh và cũng bị các côn trùng phá hoại như những cây trồng trong tự nhiên.

Qua việc chăm sóc cây hằng ngày, bằng cách quan sát các dấu hiệu xuất hiện trên cây như: hình dạng, màu sắc lá có bình thường không? các lá non, ngọn non có bị biến dạng không?… sẽ giúp chúng ta có thể nhận biết cây có triệu chứng bị bệnh hay bị côn trùng phá hoại mà phòng trừ kịp thời.

Cần phải xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây hại, để tìm ra biện pháp khắc phục đúng nhất.

Thông thường, vào mùa nắng ấm cây tăng trưởng mạnh, cây có nhiều chồi non, đó là thời điểm mà côn trùng phá hoại mạnh nhất. Vào mùa mưa ẩm độ cao, cây rất dễ bị bệnh. Đó chỉ là một quy luật của tự nhiên.

Có thể bằng phương pháp thủ công để diệt sâu ăn lá, như dùng tay bắt sâu, hay diệt trứng. Có thể phun xịt nước ở dưới mặt lá để phân nào loại trừ được bọn rầy, rệp hút chích nhựa, thường sống tập trung bám dưới mặt lá. Hoặc kiểm tra, cắt bỏ những lá, cành bị bệnh để tránh lây lan.

Nếu sâu và bệnh phát triển mạnh, thì biện pháp phun thuốc hoá học để bảo vệ là biện pháp tốt nhất và triệt để. Tuy nhiên, khi sử dụng cách này, cần lưu ý vì thuốc có khả năng gây ảnh hưởng cho môi trường, gây ngộ độc. Cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc.

A. Nguyên tắc sử dụng thuốc

  • Đúng thuốc: cần chọn đúng thuốc để bảo vệ cho cây, thuốc trừ sâu không trị được bệnh và ngược lại. Cần xác định rõ đối tượng gây hại để chọn cho đúng loại thuốc sử dụng, để tránh những hậu quả không đáng có do nhầm thuốc.
  • Đúng lúc: hiệu quả tác dụng của thuốc sẽ cao khi sâu còn non, hoặc nấm bệnh chưa xâm nhập sâu vào trong cơ thể của cây. Do đó cần thco dõi thường xuyên để phát hiện sớm. Dùng thuốc phòng trị khi sâu, bệnh còn ở diện hẹp thì dễ dàng khắc chế nó, sẽ hạn chế được sự lây lan và tác hại của nó nhanh hơn
  • Đúng liều lượng: không nên sử dụng thuốc quá nồng độ hướng dẫn. Tuy rằng có tiêu diệt sâu bệnh triệt để hơn, nhưng lại có thể gây ra hiện tượng cháy lá, ngộ độc cho cây và nguy hiểm nhất là gây ra sự lờn thuốc.
  • Đúng cách: mỗi loại thuốc nên pha chế đúng cách, theo sự chỉ dẫn của người sản xuất. Tùy từng loại sâu, bệnh mà phun cho đúng cách. Ví dụ như để diệt rầy, rệp cần phun ở mặt dưới của lá mới hiệu quả cao.

Phun thuốc vào lúc trời mát, tránh lúc nắng nóng hoặc mưa nhiều, có thể làm giảm đi hiệu lực của thuốc. Nên phun theo hướng gió để bảo đảm an toàn.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon