Việc cắt tỉa cây, tạo dáng cho cây cảnh, không những giúp cây có dáng đẹp, nâng cao giá trị thưởng thức, mà còn có thể điều chỉnh, không chế sự sinh trưởng phát triển của cây, giúp cho cây tươi tốt, nhiều hoa, sai quả. Trong quá trình cắt tỉa cây và tạo dáng cho cây cảnh, Quang Cảnh Xanh xin lưu ý bạn nên tập trung vào một số công việc sau:
1. Tỉa ngọn
Tỉa ngọn hay còn được gọi là bấm ngọn dùng để chỉ việc ngắt chồi ngọn của cành chính hoặc cành bên để khống chế độ cao của cây. Bấm ngọn có thể hãm sự sinh trưởng của cành chính, thúc đẩy cây mọc nhiều cành bên hơn, đồng thời làm cho cây có xu hướng thấp xuống, to khỏe, dáng vẻ đầy đặn, tăng thêm số lượng và vị trí ra hoa. Ngoài ra, việc bấm ngọn còn có thể làm trễ thời kỳ ra hoa, hoặc thúc cho cây ra hoa một lần nữa.
Cây thường tập trung chủ yếu phát triển chồi ngọn để cao lớn lên, do đó các chất điều hòa sinh trưởng tập trung ở đỉnh sinh trưởng, kích thích sự phát triển của chồi ngọn. Nếu ta bấm chồi ngọn đi, hàm lượng chất kích thích phát triển chồi ngọn giảm đồng thời chất kích thích chồi bên tăng. Do vậy, các chồi bên phát triển, làm cây có nhiều cành nhánh hơn.
Rất nhiều loại cây cần phải tiến hành cắt ngọn trong quá trình sinh trưởng như hoa mõm soái, ớt ngũ sắc,… đợi ngọn cây mọc khoảng 10cm thì tỉa ngọn để chất dinh dưỡng có thể tích lũy được trong thân cây, giúp cành cây mọc đều, chỉnh thể cây phát triển đồng đều.
Tuy nhiên cũng có một số loại cây không phù hợp với bấm tỉa ngọn, đặc biệt là các loại hoa như hoa mào gà, hoa cúc tây,… vì cành nhánh của chúng khỏe, khi hoa nở rộ rất bền nên dù không tỉa ngọn thì cũng không sợ cây phát triển chiều cao nhanh chóng, ngược lại tỉa cành còn có thể làm hoa nhỏ đi.
2. Tỉa cành
Trong quá trình sinh trưởng của cây cảnh, từ thân cây mọc ra nhiều cành nhánh không hợp với ý đồ khi tạo thế cây, nó vừa phá vỡ hình tượng tổng thể vừạ làm tiêu hao dinh dưỡng của cây và ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ ánh sáng và thông gió của cây. Tỉa thưa chính là biện pháp thường xuyên được sử dụng để giải quyết vấn đề này. Công việc này được tiến hành suốt thời kỳ sinh trưởng của cây.
Tỉa thưa là cắt những cành không cần thiết, vị trí cắt thường ở sát thân cây, chủ yếu là cắt bớt những cành mọc quá dày đặc, cành vượt, cành mọc đan xen vào nhau, càng già yếu, cành bị sâu bệnh. Mục đích là để cho cành phân bố đều, cải thiện điều kiện thông gió hoặc để ánh sáng lọt vào cây nhiều hơn, điều tiết quan hệ giữa sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh sản, khiến cho dinh dưỡng được cung cấp một cách tập trung cho những cành được giữ lại, thúc đẩy cây ra hoa và kết trái.
Khi tỉa cành không nên cắt quá dài, vết cắt không nên quá lớn, cắt xéo 45 độ là lý tưởng nhất. Sau khi tỉa cành, những loài hoa sẽ được phân tầng rõ ràng, giúp cây quang hợp tốt.
3. Cắt ngắn cành
Cắt ngắn cành dùng để chỉ việc cắt ngắn bớt những cành đã mọc được 1 năm. Dựa trên độ dài được cắt ngắn có thể chia làm 2 dạng là cắt ngắn ít và cắt ngắn nhiều.
Trong thời kỳ sinh trưởng của cây cảnh, việc cắt ngắn cành phần nhiều là cắt ngắn ít, tức là cắt ngắn từ một nửa trở xuống chiều dài của cành. Mục đích là thông qua việc cắt ngắn cành, để phân bổ lại chất dinh dưỡng, khiến cho cây có nhiều cành ngắn và cành trung bình. Đồng thời, còn làm cho các cành đều hóa gỗ trước khi mùa đông đến, cây hình thành nên mọc chòi nách, chồi hoa khỏe.
Trong thời kỳ cây ngủ nghỉ, việc cắt ngắn cành đa số là cắt ngắn nhiều, tức là cắt ngắn từ một nửa trở lên chiều dài của cành. Đối với những loại cây cảnh có khả năng đâm chồi mạnh, đôi lúc có thể cắt gần hết cành, chỉ để lai 2 ~ 3 chồi bên ở phần dưới, để kích cho cây ra cành khỏe mạnh hơn, từ đó có lợi cho việc ra hoa.
4. Tỉa nụ hoa
Để đảm bảo dưỡng chất có thể cung cấp tập trung cho nụ trên ngọn ra hoa to và đẹp, thì cần sử dụng phương pháp tỉa nụ hoa, cắt tỉa cây bớt những nụ ở nách lá. Thời điểm thích hợp để tỉa nụ thường là khi nụ hoa có kích thước bằng hạt đậu.
5. Tỉa quả
Tỉa quả là tỉa bớt quả trên cây, mục đích là tập trung chất dinh dưỡng cho những quả còn lại trên cây, tránh hiện tượng cách năm cây mới ra quả.
6. Ngắt chồi
Ngắt chồi là ngắt bớt các chồi bên, khoét bớt chồi gốc. Mục đích là ngăn ngừa trường hợp cây mọc ra quá nhiều cành, khiến cho dinh dưỡng bị phân tán, đảm bảo cho cành chính nhận được đầy đủ dinh dưỡng, nhanh chóng sinh trưởng và ra nụ, ra hoa. Đối với những loại cây cảnh có khả năng đâm chồi mạnh, thì ngắt chồi còn có tác dụng ngăn ngừa cây phát triển thành dạng bụi, từ đó làm giảm vẻ đẹp cũng như giá trị thưởng thức của cây.
7. Ngắt lá
Trong quá trình sinh trưởng của cây, nên thường xuyên hái bớt lá, mục đích là thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thúc đẩy cây mọc chồi mới, giảm bớt lượng nước bay hơi, giúp cho cây có dáng đẹp, cân đối. Đối với loại cây cảnh thường xanh và loại cây cảnh được di dời trong mùa sinh trưởng, đều cần phải ngắt bớt lá.
Ngắt bớt lá nhằm mục đích thúc đẩy cây trong một năm mọc mới vài lần lá. Khi cây mọc lá mới sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ cho cây. Ngắt lá ngoài mục đích kéo dài thời gian thưởng ngoạn còn làm cho cây mọc thêm chồi cành mới, thay đổi bộ mặt cho cây.
Trước khi ngắt lá, cần tưới phân đạm 1-2 đợt, chuyển chậu cây ra nơi có đủ ánh nắng để cây quang hợp tốt, có đủ sức ra lá mới. Chỉ cắt bỏ phiến lá còn cuống lá thì giữ lại. Với những cây phát triển mạnh, có thể ngất bỏ một lần những lá già. Với những cây tương đối yếu có thể bắt đầu từ ngọn đi xuống, cắt bỏ 2/3 giữ lại 1/3 để lá còn quang hợp được và cây vẫn có thể ra lá mới.
Lá cây đã bị cắt bỏ, trên cây chỉ có các cành, lượng hơi nước bốc hơi trên mặt lá giảm đi, cần khống chế thích hợp độ ẩm gốc cây, tránh ẩm ướt quá mà ảnh hưởng đến sinh trưởng. Khoảng 20 ngày sau, cây sẽ mọc lá trở lại.
8. Cắt rễ
Một công việc quan trọng trong quá trình nuôi trồng cây cảnh là cắt rễ. Khi thay chậu, cần phải cắt bớt những rễ già yếu, rễ khô, rễ bị thối mục, rễ bị sâu bệnh và rễ con mọc thừa. Đồng thời cần phải cắt ngắn bớt những chiếc rễ dài, rễ bị tổn thương và rễ bên, để thúc đẩy cây mọc nhiều rễ chùm hơn. Mục đích của việc cắt rể là để phần rễ khỏe mạnh tập trung dinh dưỡng, phát triển tốt, hoa nở to, đậu nhiều quả.