Đằng sau những quy tắc – Tâm sự của cao thủ Robert Steven

Đằng sau những quy tắc – Tâm sự của cao thủ Robert Steven

Robert Steven nói:

“In my intuition I find myself,
In myself I find freedom;
In nature I find the rule,
In the rule I find the wisdom.”

Tạm dịch
Trong tiềm thức tôi thấy bản ngã
Trong bản ngã tôi thấy tự do
Trong tự nhiên tôi thấy quy tắc
Trong quy tắc tôi thấy những lời thì thầm

Rõ ràng, các quy ước trong nghệ thuật bonsai đều bắt nguồn từ những khái niệm cơ bản của nghệ thuật thị giác nói chung (có lẽ các bạn có tâm huyết với bonsai sẽ tìm thấy vài điều bổ ích từ seri bài dịch của Andy tại đây, seri nói về tính nghệ thuật của bonsai. Nhưng seri này không dành cho những người mới chơi.) Đó là những quy ước về “dòng chảy thị giác” (hay hướng mà ánh mắt sẽ đi qua, hoặc tập trung vào), màu sắc, kết cấu, bố cục, cân bằng, thành phần, kích thước. Sự hiểu biết các quy ước này sẽ cho phép chúng ta tự do sáng tạo bởi chúng ta hiểu được bản chất của nghệ thuật. Hơn nữa, một sự hiểu biết vững chắc về kỹ thuật làm vườn và các quy tắc tự nhiên là rất quan trọng để ta có thể mô tả một cái cây già nua một cách thuyết phục.

Dựa vào các nguyên tắc thẩm mỹ chung có thể dễ dàng giải thích các quy ước trong bonsai. Danh sách các lỗi được mô tả trong sách nên được coi là các nguyên tắc căn bản hơn là những điều tuyệt đối phải tuân theo. Những nguyên tắc này nên áp dụng với từng cây bonsai riêng lẻ chứ không phải áp dụng vô tư không phải nghĩ cho tất cả các cây. Mục tiêu chúng ta là tạo ra một cây cảnh hấp dẫn chứ không phải là 1 cây theo đúng sách giáo khoa (ông Robert đang nói về cây bài của Việt Nam hay sao ấy nhỉ!). Thiên nhiên luôn hoàn hảo trong sự không hoàn hảo. Cái gọi là sự không hoàn hảo là diễn giải sai của con người về bản chất của cái đẹp; mỗi đường nét của cái cây trong tự nhiên không hình thành bởi phép lạ, luôn có lý do của nó. Ta nên tạo ra một cây bonsai có hồn hơn là một cây bonsai “đúng”. Nhiệm vụ của người làm bonsai là khám phá ra tính cách của cái cây và tạo tác nó theo hướng mà cái cây đó phù hợp nhất. Điều đó làm cho làm bonsai khác với các nghề thủ công khác như đan chiếu hay làm giấy!

Tóm lại là, trong một tình huống cụ thể thì một chỗ “lỗi” là có thể chấp nhận được và nó được bù đắp bởi tổng thể. Dưới đây là vài ví dụ.

Vài ví dụ về lỗi chấp nhận được

Một cành chọc thẳng vào mặt thường là gây cảm giác khó chịu cho người xem. Nhưng trong trường hợp này (hình dưới) là cần thiết để lấp đầy khoảng trống xấu xí trong cấu trúc:

Một cành đan chéo thân hoặc cành khác là lỗi bởi chúng gây ra sự xáo trộn trong “dòng chảy thị giác”, khiến người xem bị phân tâm nhưng nó lại thường là cần thiết trong bonsai dạng văn nhân hay gió đùa (hình dưới)

Các nhánh song song là lỗi bởi nó nhìn có vẻ nhân tạo, nhưng có thể bỏ qua trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ ở trường hợp dưới, sự song song của 2 cành lớn bị khỏa lấp bởi nhiều chi tiết nhỏ khác (bạn có thể đặt câu hỏi cành khá nhỏ, chắc dễ uốn sao không uốn 1 tí cho nó khác đi? Mình (Thiện) thì thấy không cần thiết, đơn giản là vì “thế là vừa mắt rồi” )

“Rễ đầu gối” bị coi là xấu, nhưng nó là yếu tố giúp cân bằng lại cái cây trong trường hợp dưới đây:Một thân cây hình cánh cung (cây chữ C ) bị coi là xấu và đơn điệu, nhưng cây dưới đây thì không xấu do nó có những nét bổ trợ được bố trí 1 cách thông minh.

Các chi nhánh trái-phải-trước-sau là một cách xếp đặt cành thích hợp. Nhưng trong một số phong cách, cách đặt chi nhánh về hết 1 phía tạo nên tác động thú vị và khác biệt (có thể hiểu là cái cây này ở nơi gió thổi miết về 1 chiều, khiến các cành ngược gió không mọc nổi)

Những cành bên dưới phải lớn hơn cành bên trên, và cành phải xếp thưa dần từ trên xuống dưới. Nhưng ví dụ dưới đây không tuân theo cả 2 nguyên tắc trên nhưng vẫn thú vị.

Thân cây phải côn mới đẹp, nhưng sự phân tâm bởi các chi tiết nhỏ khiến cho cái cây dưới đây không côn nhưng vẫn thú vị.

Kết luận, để tạo ra một cây bonsai tốt không có quy tắc nhất định phải làm theo. Áp dụng cứng nhắc các quy tắc giống như thành ngữ Trung Quốc “nuốt quả óc chó mà không phá vỡ vỏ”. Phá vỡ quy tắc trong bonsai không phải là phá hoại.

Robert Steven – nghệ nhân bonsai Indonesia, nhà sưu tầm và giáo viên, người đã du hành khắp thế giới để giảng bài, trình diễn, hội thảo và đánh giá. Sở hữu một khu trưng bày cây cảnh ở Jakarta, Indonesia với hơn 500 tác phẩm bonsai và đã giành được hơn 200 giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Nổi tiếng với cách tiếp cận thẩm mỹ và nghệ thuật của mình trong nghệ thuật bonsai. Cuốn sách bonsai gần đây của ông “Vision of My Soul” đã được bán chạy nhất và được giới thiệu rộng rãi như là một trong những nguồn tài liệu tham khảo tốt nhất cho việc dạy nghệ thuật bonsai.

Tác giả Robert Steven

Trả lời

0988110300
chat-active-icon