Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 07)

Đánh giá

Yếu tố được người trồng Bonsai quan tâm thứ hai là thân cây.

Mặc dù vậy, thân lại là trung tâm của cái nhìn, chính cái hình ảnh, đường nét, chi tiết… của thân sẽ thu hút cái nhìn từ xa.

Hình dạng của thân có tác động lớn trong việc cảm thụ cái đẹp tổng thể của Bonsai.

Trong quá trình thiết kế và chọn lựa kiểu thức cho thân, nên lưu ý đến hướng lượn (dáng cơ bản), đường nét thể hiện của thân trong không gian, cùng với tính chất của nó. Nếu xác định được vấn đề này, thì việc xác định và chọn ra được phong cách của cây về sau tương đối dễ dàng và phù hợp.

Vẻ đẹp của thân vẫn được đánh giá cơ bản dựa trên hai tính chất quan trọng đó là tính cổ thụ và tính tự nhiên.

Xét về tính cổ thụ

Quan sát tự nhiên sẽ thấy, những cây còn non trẻ thân thường có hình ảnh thuôn dài, bộ gốc chưa nở rộng, do bộ rễ cọc phát triển mạnh.

Những cây lâu năm, thường có bộ rễ bàng phát triển, do đó bộ gốc nở ra trong trường nhìn, thân cây sẽ có hình ảnh “Gốc nở, ngọn thuôn” ấn tượng về tính thời gian là ở hình ảnh này.

Do đó, nếu xây dựng được hình ảnh thân có tiêu chuẩn “Gốc nở, ngọn thuôn”, sẽ tạo cảm giác cho người xem là cây đã già, dù thực tế tuổi của cây là chưa cao! (tuổi nghệ thuật).

Và ngược lại, dù cây có tuổi thực tế là rất già, nhưng không thể hiện được cái hình ảnh đầu voi đuôi chuột, sẽ làm cho người xem có cảm giác là cây còn non.

Tính thời gian trong nghệ thuật Bonsai, đôi khi cũng được xem xét ở khía cạnh này!

Một câu hỏi thường đặt ra ở người mới bắt tay vào công việc chế tác, là cái cây nên cao khoảng bao nhiêu là vừa? cho phù hợp với việc thu nhỏ cái cây theo tiêu chuẩn Bonsai, và thỏa mãn tính cổ thụ.

Để giải quyết câu hỏi này, thì lời khuyên đầu tiên là nên dựa vào tỷ lệ vàng.

Tỷ lệ vàng, nói rộng hơn là cái tỷ lệ đẹp, mà mắt chúng ta đã quen nhìn và cảm nhận được sự hài hòa từ những hình ảnh tồn tại trong thế giới tự nhiên, nó đã được đúc kết từ lâu, và cũng là cơ sở cho nhiều bộ môn nghệ thuật tham khảo học hỏi.

Để đơn giản hóa và dễ hiểu, tạm gọi là nguyên tắc 1/3.

Đường kính gốc/ chiều cao của cây khi hoàn thành có thể là 1/6 (con số này là 1/2 của tỷ lệ vàng).
Ví dụ cây có đường kính gốc là 1 phần, thì chiều cao có thể là 6 phần.

Nhưng không phải lúc nào chiều cao cây cũng theo con số đó!

Có những loài cây, hoặc có thể là do phong cách thể hiện của tác phẩm, chúng ta vẫn cảm nhận là cây rất già, nhưng cái tiêu chuẩn đầu voi đuôi chuột 1/6 kia lại không thấy thể hiện rõ nét trên cây.

Đây chính là do những cảm nhận tinh tế của người chơi cây có nghề; trước một kiểu thân cụ thể, họ sẽ cảm thụ được cái cây có bộ gốc, kiểu thân như thế này, sẽ được thiết kế cao hay thấp… như thế nào?

Cho nên, cũng cần nói lại cho rõ, cái tỷ lệ đó chỉ mang tính chất tham khảo, để giúp chúng ta dễ dàng định dạng sơ bộ chiều cao cái cây mình đang thiết kế, chứ không phải cứ thụ động tuân theo một cách khô cứng.

Một tác phẩm đẹp, có thể vượt qua những chuẩn mực cơ bản, miễn sao bộc lộ được cái đẹp, gây ấn tượng cho người xem.

Vấn đề đặt ra ở đây, là làm sao có được cách chọn lựa tối ưu nhất cho từng trường hợp cụ thể? Việc này thật là khó trả lời!

Chìa khóa để mở, chính là cái cảm giác thẩm mỹ tự thân. Người sáng tác cần phải tự mình rèn luyện, tự xây dựng được cái cảm quan tinh tế và nhạy bén của trước một hình ảnh cụ thể.

Xét về tính tự nhiên

Tính tự nhiên của thân biểu đạt ở ấn tượng có được trên hình thể, đường nét, chi tiết. Cảm nhận tốt những vấn đề này, giúp cho người tạo tác xác định đúng phong thái của cây trong tương lai, và nếu giải quyết tốt bài toán cảm nhận về tính tự nhiên, thì thần thái của cây thể hiện rõ ràng.

Hình thể, đường nét cây có thể là quy tắc, có thể bất quy tắc, không theo một khuôn thức nào.
Nhưng điều cốt lõi là hình ảnh thể hiện đó đừng quá phi tự nhiên, quá nhân tạo.

Phong thái thể hiện của cây phụ thuộc nhiều vào tính tỷ lệ của thân. Ví dụ như:

  • Cây có chiều cao thấp, dáng thường thô hình ảnh thể hiện vững chắc như đại thụ.
  • Cây có chiều cao trung bình, hình ảnh cây khỏe khoắn, mạnh mẽ, vươn lên.
  • Cây có thân cao, gầy, hình ảnh thanh thoát, nhẹ nhàng…

Những hình ảnh cảm nhận và được chọn lựa để xây dựng đó, có tự nhiên hay không tự nhiên, là do khả năng cảm nhận thẩm mỹ cá nhân, chẳng ai giống ai, nên khó có mẫu số chung!

Nhìn chung, là làm sao đừng quá đơn điệu, đều đều về đường nét.
Thân nên có những nét: mạnh – yếu, dài – ngắn, lớn – nhỏ..v..v… thì hình thể của thân sẽ gây ấn tượng tự nhiên tốt hơn.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta cảm nhận tốt về tính chất của đường nét, sẽ giúp cho việc xác định phong thái của cây thêm chính xác hơn trong tương lai, tránh chuyện bất hợp lý, sự khó chịu trong hình ảnh mà cây thể hiện.

Ví dụ như:

  • Nét thẳng, mạnh mẽ, cứng cáp…. cây có phong thái mạnh mẽ, như vậy bộ cành sẽ thiết kế mạnh mẽ.
  • Nét cong, uyển chuyển…. cây có phong thái mềm mại, linh hoạt.
  • Nét gấp, khúc khuỷu…. cây có phong thái sinh động, bất quy tắc.

Sự thuận nhiên trong khi thiết kế cấu trúc thân, sẽ làm cho tính tự nhiên của cây càng bộc lộ rõ nét.

Nét cây thẳng, dáng cây thẳng… cứ mạnh dạn thiết kế cây thẳng. Đừng nên cố gò ép nó theo cái kiểu nghiêng mà mình đang thích. Không có kiểu nào đẹp hơn kiểu nào! Vấn đề là có khai thác hết được cái thần thái, mà cái cây còn ẩn giấu sau các hình ảnh mà ta nhìn thấy đó không.

Nhiều người chưa cảm nhận tốt vấn đề này, thường ép cây vào một kiểu dáng mà mình thích thú, dẫn tới hình ảnh cây bị gượng ép, không thật tự nhiên.

Theo tôi, thì chúng ta nên chú ý cho thật kỹ đến cái cấu trúc, hình ảnh, phương của bộ rễ mà phối hợp với trục của thân cho thật hài hòa, cho thật hợp lý, thì chính sự thuận nhiên sẽ làm cho hình ảnh thân được tự nhiên! Tự nhiên như nhiên!

Xác định được vấn đề này chính là xác định được dáng cơ bản của cây, và khi xác định được dáng cây rồi, thì việc bố cục bộ cành như là cao- thấp, dài- ngắn, lớn- nhỏ, động- tĩnh… sẽ không còn là điều quá khó khăn.

Một vài quy tắc:
Lưu ý khi thiết kế, tránh chọn hướng mà phần thân ở dưới, cong ưỡn về phía trước, làm cho cái nhìn khó chịu.
Tránh những vết cắt xấu, sẹo xấu phô diễn về phía trước.

Một vài kiểu thân xấu:

  • Thân cong như cánh cung.
  • Thân uốn lượn dích dắc đều đặn.
  • Thân uốn lượn như lò xo.
  • Thân có bộ gốc bị teo nhỏ.
  • Thân hình ống thuôn đều…..

Lời bình của người biên tập cho bạn đỡ phải nghĩ: đây là một cây có đường thân xấu, cong quẹo đều đều như chữ S, không có khúc gập nào đột ngột để có thể xếp vào hàng cây quái hòng gỡ gạc lại tí giá trị. Thân thuôn đều đều không vót, có sẹo xấu hướng mặt tiền. Nếu là mình, mình sẽ dùng cảo kéo để kéo gập dần dần co đầu tiên lại càng nhiều càng tốt, đồng thời làm Shari cái sẹo cho dài ra dọc thân để xóa nét đều đặn của đường thân.

Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon