Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 08)

Đánh giá

Bộ cành là bộ phận trên cây thể hiện rõ nét nhất dấu ấn của mỗi nghệ nhân về sự cảm nhận, về sự khéo léo và trình độ tay nghề. Sự tinh tế, hay là sự khô cứng của hình ảnh bộ cành được thể hiện tùy vào sự cảm thụ riêng, đây chính là kinh nghiệm thẩm mỹ tự thân, rất khó lý giải.

Bố cục, hình ảnh của bộ cành được thiết kế hợp lý với dáng cây sẽ tạo nên phong thái đặc trưng cho cây.

Vấn đề quan trọng trước khi bắt tay vào việc thiết kế bộ cành, chính là sự cảm nhận tốt về hình ảnh, tính chất và phong cách của cây.
Khi xác định rõ điều này, thì việc thiết kế bộ cành sẽ tương đối dễ dàng.
Ấn tượng về vẻ đẹp của cây phần nào phụ thuộc vào việc thiết kế bộ cành có hợp lý hay không.

Việc xây dựng bộ cành là một vấn đề mà các nghệ nhân thường hay tranh luận và hay có những quan điểm trái chiều nhau.

Nhưng dù muốn phát triển bộ cành theo cách nào đi chăng nữa, thì cũng cần phải có những am hiểu nhất định về quy luật phát triển của bộ cành trong thiên nhiên, về cái tính tự nhiên trong nghệ thuật, để từ đó xây dựng bộ cành cho thật hài hòa và hợp lý.

Điều quan trọng là khi xây dựng bộ cành, cần chú ý đến hình ảnh mà bộ cành biểu đạt, cùng với tính chất của nó phải thật đúng và gần gũi với thế giới tự nhiên, tránh bị xa rời thực tế.

Những sai lầm trong thiết kế bộ cành, thường là do sự cảm nhận chưa tốt về hình khối không gian, đường nét, hình thể…, hoặc là do quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, phô diễn thái quá, dẫn tới hình ảnh, cấu trúc bộ cành thể hiện bất hợp lý và phi tự nhiên.

Một bộ cành đẹp là bộ cành phải thỏa mãn quy luật thẩm mỹ và cũng phù hợp với quy luật tự nhiên.

Vấn đề cần quan tâm ở bộ cành:
-Bộ cành cũng phải thể hiện tính chất cổ thụ.
-Bố cục của bộ cành hợp quy luật tự nhiên, cũng như hợp quy luật thẩm mỹ.
-Tránh sự nhân tạo thái quá trong nghệ thuật tạo tác.
-Luôn chú ý hình ảnh của bộ cành trong tổng thể được biểu đạt như thế nào?

Xét về tính cổ thụ

Quan sát ngoài tự nhiên, khi cây già đi, chiều cao cây sẽ không vươn lên cao nữa. Ngọn cây hơi tròn đầu. Các cành thường có xu hướng dài ra, phương của cành thường nằm ngang hoặc hơi nghiêng xuống thấp.

Do đó, khi thiết kế hình ảnh: bộ cành vươn ra, nằm ngang hay hơi nghiêng xuống, tạo cảm giác là cây rất già, dù tuổi thực tế của cây còn rất non. Cảm giác cổ thụ ở đây là cổ thụ của nghệ thuật.
Bộ cành có góc cành hoặc chi tiết cành có xu hướng vươn lên, tạo cảm giác là cây còn non trẻ, mặc dù tuổi thực tế là cây rất già.

Xét về tính tự nhiên

Trong tự nhiên, do mọc trên các địa hình khác nhau, do tác động của các yếu tố như ánh sáng, áp lực của gió, mặt nước, vật cản… mà cấu trúc, hình ảnh của tán cây có sự sai khác trong từng điều kiện cụ thể. Cần có những quan sát và cảm nhận tinh tế về những vấn đề này, mới thể hiện đúng tính chất của cây khi thiết kế.

Bộ cành ở ngoài tự nhiên thường phát triển rất tự do, các cành có thể mọc rất lộn xộn, không theo một trật tự nào cả. Vị trí, số lượng, khoảng cách, chi tiết của cành là rất ngẫu nhiên.

Nhưng bộ cành ở Bonsai khi thiết kế, cần có sự chắt lọc và chọn lựa vừa đủ để biểu đạt, chứ không phải là copy nguyên bản các hình ảnh đó của tự nhiên.

Tính “tự nhiên” thể hiện ở bộ cành là sự thuận nhiên trong thiết kế, chứ không phải là một bộ cành thuần nhiên.

Vì tác phẩm Bonsai được quan sát rất gần, cho nên bộ cành cần được thiết kế đơn giản và hợp lý, tránh sự rườm rà, rối rắm, giúp cho người xem cảm nhận vẻ đẹp tốt hơn.

Cách thiết kế cơ bản một bộ cành

Bộ cành được quan sát và cảm nhận ở không gian ba chiều, do đó khi thiết kế cần quan tâm ở 3 chiều: trái-phải, trên-dưới, trước-sau.

Cành thứ nhất có thể mọc hướng về phía trái hay phải so với thân cây, điều này phụ thuộc vào hướng lượn của dáng thân trong không gian. Theo quy luật tự nhiên nó sẽ là cành lớn nhất.

Cành thứ hai mọc theo hướng ngược lại so với cành thứ nhất, để tạo thế quân bằng, tạo nét đối trọng trong bố cục của tán cây.

Cành thứ ba mọc hướng ra phía sau, cành này sẽ tạo ra chiều sâu cho tán cây.

Các cành khác phía trên sẽ tiếp tục sắp xếp luân phiên, xen kẻ lên đến ngọn. Càng lên đến ngọn cành càng nhỏ dần về kích thước, và khoảng cách của các cành cũng được xếp lại gần hơn.

Nhìn chung, về bố cục bộ cành được sắp xếp theo khối tam diện, các cành được bố trí theo đường xoáy trôn ốc từ gốc lên ngọn, và hướng ra các phía của không gian khác nhau.

Việc sắp xếp bộ cành như thế nhằm giải quyết việc thiết kế hình khối của tán cây một cách hợp lý và gần gũi với tự nhiên.

Nếu xét về không gian của khối tán cây, thì các cành sẽ không che chắn lẫn nhau trong trường nhìn (phương ngang), cũng như việc các cành sẽ không che chắn ánh sáng lẫn nhau trong không gian (phương dọc), giúp cho từng tán lá đều quang hợp tốt, không có sự cạnh tranh lẫn nhau.

Bộ cành được sắp đặt như thế, chẳng những hợp quy luật thẩm mỹ mà còn hợp quy luật tự nhiên trong sự phát triển của cây.

Khi thiết kế bộ cành nên chú ý các quy ước thẩm mỹ sau:

-Cành không nên mọc đối xứng nhau qua trục thân.
-Cành dưới thấp không nên mọc hướng ra phía trước, làm hạn chế tầm nhìn.
-Cành không nên mọc vòng qua thân chính (mượn cành).
-Cành không nên mọc ở chổ lõm của thân ( cành mọc âm).
-Các cành không nên che chắn ánh sáng lẫn nhau, cũng như che chắn nhau trong trường nhìn.
-Bộ cành cũng không nên để quá nhiều sẽ gây ra cảm giác rườm rà, nhưng cũng không nên để quá ít sẽ gây ra cảm giác trơ trọi.

Những cành xấu, cành lỗi nếu không có khả năng sửa chửa được, thì nên loại bỏ sớm, không nên giữ lại. Nếu không dám cắt bỏ những cành sai, cành không hợp lý thì khó mà có một tác phẩm Bonsai đẹp.

Một cành đẹp cần phải có trục cành chính, cành phụ thứ cấp, mạng xương cành dày, nhiều chi tiết, các đốt cành khúc khuỷu tự nhiên. Điều quan trọng, là hình ảnh của các cấp độ cành đó được nhìn thấy và cảm thụ tốt trong không gian của tán cây, khi quan sát từ trường nhìn.

Để đạt được điều đó, nên thiết kế sao cho hình ảnh của bộ cành thể hiện được tính chất ba chiều trong tầm nhìn, cũng phải có trước-sau, trên-dưới, trái-phải, xa-gần, ẩn hiện…

Đa số bộ cành cây của chúng ta thường thấy mắc lỗi là hình ảnh của nó cứng nhắc, khô khan, không tự nhiên.
Nếu quan sát kỹ từ trường nhìn chính diện, chỉ thấy tán lá được cắt sửa hợp thành một phiến mỏng, phẳng, một khối dày đặc, các chi tiết của các cấp độ cành không phô diễn rõ ràng trong không gian. Tính chất không gian ba chiều trong một cành thể hiện không được rõ(giống như tán lá của cây thế).

Sự cảm nhận về không gian của tán lá trông như là chỉ có một lớp, do đó nó sẽ làm cho người xem không cảm nhận được cái phối cảnh trước sau, xa gần, trên dưới…

Mặc dù chi tiết bên trong cành cũng được tỉa tót rất công phu, nhưng vì không gian của tán lá chỉ có một lớp, không có nhịp điệu, không có tiết tấu… dẫn tới cảm giác tán lá trông rất là… không tự nhiên!

Không gian của từng tán lá nên được xây dựng thành nhiều lớp, có nhịp điệu, ở cả ba chiều. Nếu giải quyết tốt điều này thì không gian của cành, chi tiết của cành sẽ được cảm nhận tốt về mặt hình khối và sẽ gần gũi với tự nhiên hơn.

Thêm điều nữa, hình dạng của từng tán lá trên cây được cắt tỉa gần như theo một khuôn dạng giống nhau (cứ tròn tròn, đều đều), mà cái hình ảnh giống nhau cứ đều đều lập lại trên một tác phẩm để đưa tới cảm giác đơn điệu nhàm chán và như là không tự nhiên! tính nhân tạo lộ ra quá rõ.

Nên tránh xây dựng cái hình ảnh những cành cây giống nhau như thế! Hãy xây dựng hình ảnh của mỗi cành là riêng biệt, độc nhất, nhưng hài hòa với tổng thể.

Bên cạnh đó, sự phân chia khoảng cách giữa các cành từ dưới lên trên của cây, được phân bổ đều đều, nhìn như gần như bằng nhau…thì cảm giác nhân tạo, xa rời tự nhiên lại càng hiển hiện!

Khi thiết kế nên lưu ý các cành bên dưới có khoảng cách rộng, càng lên cao đến ngọn khoảng cách của cành càng nhỏ dần, như thế sẽ hợp tự nhiên hơn.

Nếu khoảng cách của hai cành là quá lớn, nên hạ góc cành trên xuống, hoặc tách tán, phân bổ các nhánh rời ra không cùng mặt phẳng, để xử lý không gian, và cũng chính những chi tiết này làm cho tính chất khối, không gian, nhịp điệu của tán cây thể hiện rõ ràng hơn.

Góc của cành cũng ảnh hưởng đến sự cảm nhận tính chất của cây rất rõ, cần chú ý đến vấn đề này.

Góc cành vươn lên tạo cảm giác cây còn trẻ, mạnh mẽ, vươn lên.
Góc cành nằm ngang, hoặc hơi thấp xuống tạo cảm giác là cây đã già.

Một số cây hiện nay khi quan sát chúng ta thấy rằng, có nhiều cây cứ hạ góc cành xuống thấp một cách vô tư, thái quá, mà không cần biết là nó có phù hợp với tính chất của cây hay không! có lẽ muốn thể hiện là cây già chăng?
Nếu để tâm quan sát kỹ, sẽ thấy có gì đó gượng ép, khiên cưỡng, không phù hợp. Một lần nữa tính tự nhiên lại xa rời thêm!

Để giúp chúng ta quyết định được tính chất của cành, góc của cành như thế nào? các bạn hãy xác định thật rõ tính chất của bộ rễ và thân, từ đó sẽ nghiệm thấy rằng góc cành như thế nào? sẽ là phù hợp!

Chú ý thêm khi thiết kế nên lấy góc của cành chính làm chuẩn, các cành khác trên cây nên thiết kế có góc gần tương đồng với gốc cành chính, tính đồng bộ và hợp lý sẽ rõ ràng hơn.

Nhưng nếu trên một cây, góc của các cành lại cứ đều đặn như nhau cũng gây cảm giác đơn điệu nhàm chán, nên chú ý làm cho các góc cành có ít nhiều biến động, thì sẽ bắt mắt hơn, nhưng cũng không nên quá lạm dụng hoặc thái quá.

Về kích thước của cành cũng là một vấn đề tạo ra giá trị riêng cho cây.
Hình ảnh và kích thước của bộ cành đẹp cũng phải thể hiện rõ ràng tính cổ thụ và tính tự nhiên. Người chơi cây có nghề luôn đánh giá cao vấn đề này.

Cành cũng có hình ảnh đầu voi đuôi chuột.

Tỷ lệ lý tưởng về kích thước của một cành là: chân cành nên có kích thước khoảng ⅓ so với kích thước của thân, tại vị trí của cành đó mọc ra.
Cành thứ nhất có thể lớn hơn tỷ lệ đó một chút, nhưng cũng không nên quá lớn gần bằng kích thước thân.
Kích thước của cành lớn quá, sẽ mất cân đối với kích thước thân, trong trường hợp này nên thay đổi hình ảnh và kiểu dáng của cây.

Tuy nhiên, cũng có khi cành trên lại có kích thước hơi lớn hơn cành bên dưới. Điều này cũng tự nhiên thôi, vì hướng phát triển mạnh (hướng động) của cây là hướng đó. Nhưng những cành ở trên cao gần ngọn thì nên có kích thước nhỏ dần.

Đường nét của cành tạo cảm giác đẹp mắt, tạo ấn tượng cho người xem. Một cành đẹp nên có những đường nét theo tự nhiên, gần tự nhiên, không quá nhân tạo.
Chi tiết bộ cành đẹp là kết quả của công phu cắt tỉa lâu dài.

Để xây dựng được một cành có chi tiết đẹp, cần có những cảm thụ tốt về nét như lớn-nhỏ, mạnh-yếu, thẳng-cong, dài-ngắn, cứng-mềm…. Một cành đẹp, thì đường nét của nó phải thể hiện được các tính chất đối lập đó trên hình ảnh. Chính hình ảnh ngẫu nhiên, bất kỳ đó sẽ làm cho tính tự nhiên của cành hiện ra dễ dàng!

Lối quấn dây để tạo đường nét, định hướng cho bộ cành thường bị vướng phải một lỗi rất khó chịu, đó là kiểu uốn lượn hình sin đều đặn! Thêm nữa là, những đường lượn đó chỉ phô diễn ở một phương ngang, do đó cái tính chất ngẫu nhiên, bất kỳ của đường nét trên cành càng không thể hiện được một cách rõ ràng.

Đây chính là điểm yếu trong việc uốn sửa tạo chi tiết cho bộ cành của nhiều người. Không phải cứ quấn dây uốn sửa thật chi tiết, là sẽ đạt được những đường nét như tự nhiên. Điều quan trọng, là sự cảm nhận tinh tế các chi tiết của đường nét tự nhiên vốn có trên cành, và tận dụng nó một cách tốt nhất, đừng quá áp đặt và cho rằng cứ uốn lượn tỉ mỉ là sẽ có một bộ cành đẹp như tự nhiên!

Để đạt được điều này, về mặt kỹ thuật là do sự kết hợp giữa việc cắt và uốn định dạng cành rất lâu dài.

Chính những chổ cắt chuyển về lâu dài sẽ tạo nên những góc cành khúc khuỷu ấn tượng và rất tự nhiên, nếu chỉ việc quấn dây đơn thuần thì sẽ rất khó lòng mà có được hình ảnh này.

Khi thiết kế bộ cành cũng cần chú ý đến hướng của các cành một chút. Nhiều cây khi định hướng trục cành trong không gian rất có vấn đề! rất cứng nhắc!

Quan sát thực tế nhiều cây có lối thiết kế quá đều đặn về hướng của bộ cành, cứ như là xếp ngay ngắn thẳng hàng theo trục đông tây, nam bắc!!! việc định hướng trục của bộ cành như thế càng làm cho sự chết cứng, đơn điệu, thô thiển càng lộ ra, và làm cho tính nhân tạo càng có chổ hiện hữu!

Hãy xữ lý linh hoạt và uyển chuyển các hướng của bộ cành một cách mềm mại, hãy cảm nhận không gian và xu thế chuyển động của cây mà xác định hướng của cành cho thật hợp lý.

Ấn tượng về tính tự nhiên của bộ cành chính là ở chổ giải quyết được những vấn đề này.

Chúc mọi người vui vẻ!

Hỏi: nói theo kiểu cành âm là sai, cành trên to hơn cành dưới là sai thì em cho là không có sự thuyết phục. Vì em đã thấy có rất nhiều tác phẩm đã sử dụng cành âm và cành trên to hơn cành dưới mà những tác phẩm đó vẫn đẹp như thường. Thậm chí ngoài thiên nhiên cũng không thiếu những chung cây có lối mọc như trên.
Đáp: Cành đúng, sai ở đây là xét về mặt thẩm mỹ thôi, chứ thiên nhiên là phát triển tự do không theo một khuôn khổ nào hết.
Nhiệm vụ của người tạo hình là biết giữ lại cành nào và loại bỏ cành nào, dựa vào sự phân tích và nhận định không gian của khối tán cây sẽ biểu đạt như thế nào?

Cành mà gọi là đúng thực ra cũng là dựa vào sự chọn lựa hợp lý, vừa đủ, xét về mặt thẩm mỹ, để thể hiện khối, không gian, của tán cây như trong tự nhiên. Chứ tự nhiên làm gì có các ước lệ đó, thiên nhiên không có đúng hay sai!

Trên tán cây nếu cứ để cành phát triển tự nhiên quá, những cành như mọc đan cài, mọc chụm tại một vị trí, cành mọc song song cùng phương rất gần nhau, cành thừa, cành rối, cành vượt….. là những cành bất hợp lý, mà mình gọi là cành sai ( có lẽ gọi là sai thì không chính xác, dễ hiểu nhầm! hay là mình gọi là cành lỗi vậy).

Gần đây quan sát thực tế trên một số cây của nhiều người, mình nhìn thấy rất nhiều cây xuất hiện lối để cành tự do,thoải mái như thế, chỉ e rằng có người lại cho rằng đó mới là tự nhiên, là đẹp thì sẽ không biết sẽ như thế nào nữa!!!

Còn cành âm (ngoài tự nhiên cành âm là chuyện rất bình thường, không ai buộc nó cả), còn ở trong Bonsai tùy vào trường hợp mà xét.

Nhiều cây có cành âm thì hình ảnh của nó không có gì là xấu, mà lại hợp lý. Theo mình hãy thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu không có cành đó, thì khối không gian của bộ cành cây đó sẽ như thế nào?
Nếu phân tích sâu hơn nữa sẽ thấy, những cành âm hợp lý đó thường ở trên những cây mà đường nét thân có xu thế chung là cong mềm về một hướng, do đó cành âm lúc này rất phù hợp (xét trên khía cạnh thẩm mỹ).

Nếu là một cây có trục thẳng, hoặc hơi nghiêng, trên thân có một vài đường cong đẹp, mà vị trí này lại để một cành mọc ra, nó sẽ làm cho đường cong đó bị hẹp lại, bị chia hai nhìn rất khó chịu! không đẹp mắt thế thôi.

Còn trường hợp có khi cành trên lớn hơn cành dưới là có. Nhưng đó là trường hợp mà cây có xu hướng động mạnh về phía đó, cho nên hướng đó cành phát triển mạnh, chứ một cây phát triển cân bằng mà kích thước cành như thế là không ổn, không hợp tự nhiên cũng như quy ước thẩm mỹ.

Cây trồng trong chậu thường xuất hiện lỗi này, do ưu thế ngọn, cho nên cành dưới thường chậm phát triển và mất ưu thế so với các cành non ở trên.

Ràng buộc này còn là một phần minh chứng cho trình độ tay nghề kỹ thuật của nghệ nhân! Chứ không phải xếp đặt đủ bộ cành cho tán cây là được rồi!

Theo thời gian, càng chăm sóc tốt cành trên càng lớn, và cành dưới lụi tàn dần!

Theo tôi, nếu không hiểu rõ về kỹ thuật nuôi trồng, sinh lý cây nuôi trồng trong chậu, thì chuyện ràng buộc cành dưới lớn hơn cành trên là chuyện làm khó cho nghệ nhân, theo tôi giá trị (kinh tế, thẩm mỹ) của một bonsai còn phụ thuộc vào yếu tố này rất lớn!

Cây trong hình này vừa có cành âm, lại vừa có cành dưới to hơn cành trên, tại sao nó vẫn đẹp? Cành âm lúc này ở một đoạn cong nhẹ nên không tạo những ảnh hưởng xấu vốn là lý do mà người ta ghét cành âm (làm mất khúc co đẹp, trong khi khúc co này đơn điệu chả đẹp tí nào! hoặc chỗ tiếp xúc cành âm với thân thường phù to trông rất xấu, nhưng đoạn này cong nhẹ nên không bị phù). Còn cành trên (cành buông) to hơn cành dưới bởi khối lá của cành buông lớn, đương nhiên nó phải to hơn, đó là hợp tự nhiên. Nói chung những nguyên tắc trong bài tác giả chỉ dùng chữ “nên” chứ không dùng chữ “phải” thật là sâu sắc. Những nguyên tắc cơ bản này nếu bạn giỏi rồi thì có thể bỏ qua, nhưng lại rất hữu ích với người mới, tránh những hiểu lầm và ngộ nhận dẫn tới sự lạc lối trong tạo hình cây cảnh.

Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon