Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 06)

Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 06)

Bộ gốc-rễ là tiêu chuẩn chọn lựa quan trọng đầu tiên đối với người chơi Bonsai.

Câu thiệu “Nhất hình – Nhì thế – Tam chi – Tứ diệp” của người chơi cây từ xưa cũng đã nói lên sự nhìn nhận và đánh giá vẻ đẹp của cây theo trật tự này.

Tuy nhiên, quan niệm này cũng nên xét lại ở một số khía cạnh. Bởi vì, vẻ đẹp của tác phẩm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố phối hợp, chứ không đặt nặng vào một yếu tố nào.

Nhiều người cho rằng, một bộ rễ có kích thước lớn, số lượng nhiều, lan tỏa đều ra các hướng, hình ảnh ngoằn ngoèo, kỳ lạ… là một bộ rễ đẹp!

Người làm Bonsai có được một cây với bộ rễ như thế là thích thú lắm rồi, mà để có được bộ rễ như thế, cũng không phải là dễ dàng gì.

Tuy nhiên, chưa hẳn một bộ rễ như thế đã là rễ đẹp!!! Vì còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá đúng mức, mới có thể kết luận đó là một bộ rễ đẹp.

Để đánh giá một bộ gốc rễ đẹp, cần xem xét các vấn đề sau:

Yếu tố đầu tiên là tính “cổ thụ” của bộ gốc rễ

Hãy xem xét, phân tích thật rõ hình ảnh, cấu trúc, của bộ gốc rễ đó, có thỏa mãn được tính thời gian hay chưa?

Theo quy luật thiên nhiên, khi một cây còn non trẻ, bộ rễ (rễ cọc) phát triển thường đâm sâu vào lòng đất, để giúp cây đứng vững, và phát triển chiều cao. Do đó, bộ rễ sẽ ít lộ trên bề mặt đất, bộ gốc thuôn đều hai bên, ít nở rộng trong trường nhìn.

Khi cây đã già, chiều cao cây không phát triển nữa, bộ rễ không cần đâm sâu, rễ cọc sẽ tự tiêu biến, lúc này bộ rễ bàng sẽ phát triển rất mạnh, và lan rộng trên bề mặt đất (nguyên nhân là do: nước, sự trao đổi khí, và dinh dưỡng hầu như chỉ nằm trên lớp đất mặt).

Sự phát triển mạnh của bộ rễ bàng theo thời gian, sẽ làm cho bộ gốc nở rộng về hai bên trong trường nhìn, lúc này tính “cổ thụ” của bộ rễ sẽ thể hiện rõ nét.

Như vậy, khi xây dựng được hình ảnh một cây có bộ gốc nở rộng trong trường nhìn, bộ rễ có sự lộ căn, thì cho dù tuổi của cây chưa cao, nhưng vẫn gợi lên được cho người xem cái hình ảnh của một cây lâu năm, cảm giác về tính cổ thụ sẽ có được.

Và ngược lại, một cây dù tuổi thực tế rất cao, nhưng hình ảnh thể hiện của nó là gốc thuôn đều, rễ ít có sự lộ căn, sẽ đưa tới cảm nhận cho người xem là cây còn non trẻ, chưa già.

Tính “cổ thụ” ở đây là cổ thụ của nghệ thuật, là hình ảnh biểu đạt tính cổ thụ, chứ chưa hẳn là cái thời gian tính trong thực tế.

Nên có cái cảm nhận về “tuổi nghệ thuật” và “tuổi thực tế” cho đúng trong một số trường hợp, để tránh những nhầm lẫn không đáng có.

Có những chủng loại sự phát triển bộ gốc và rễ bàng rất nhanh (như sanh, si, bồ đề…) nhưng lại có những loài, sự phát triển đó là rất chậm và khó ( như thông, tùng, kim quýt..). Do đó, cần phải xem xét đến sự chi phối của tính chủng loại lên kiểu hình của bộ gốc rễ khi so sánh và đánh giá.

Yếu tố thứ hai cần xem xét là “tính tự nhiên” của bộ rễ

Hình ảnh của bộ rễ gợi lên cho người xem cảm giác tự nhiên, không lộ ra sự sắp đặt, sự nhân tạo.

Hình dạng, cấu trúc, sự sắp xếp… của bộ rễ là sự sắp xếp rất ngẫu nhiên bất kỳ, không nên quá đối xứng.

Một bộ rễ đẹp, về mặt hình ảnh nên có rễ lớn, có rễ nhỏ, và có sự phân chia chi tiết rõ ràng trên bề mặt chậu.

Sự phân chia của rễ chính, rễ phụ, rễ lớn, rễ nhỏ trong một diện tích rất nhỏ của chậu, là dấu ấn của công phu và kỹ thuật nuôi trồng rất lâu năm. Để đạt được điều này, thực sự là một khó khăn, phải trả giá bằng thời gian và công phu kỹ thuật, chứ chẳng đơn giản chút nào!

Sự thể hiện tính chất bám vững chắc vào mặt đất của bộ rễ, cũng là một yếu tố được cân nhắc, khi đánh giá và so sánh vẻ đẹp của bộ rễ giữa các cây với nhau.

Đa số cây của chúng ta thường chưa đạt được cái yêu cầu này. Nhìn vào bộ rễ, có cảm giác như bộ rễ chỉ được cắt gọn cho vừa, và đặt vào cái chậu!

Hình ảnh các rễ lan tỏa và như bấu chặt vào mặt đất là một thách thức lớn cho nghệ nhân.

Về mặt kích thước, rễ nên có độ lớn hài hòa so với kích thước của gốc.

Rễ quá lớn tạo ra cảm giác thô kệch, rễ quá nhỏ tạo cảm giác mất quân bằng.

Rễ chính không nên quá lớn, kích thước của nó nên nằm trong khoảng 1/3 so với đường kính gốc, là tương đối hài hòa. Các rễ phụ cũng thế, nên có kích thước hài hòa so với rễ chính.

Một vài điều nên chú ý

Không nên bố cục những rễ có kích thước quá lớn, có hình dáng thô kệch, mà lại đâm thẳng về phía trước, tính thẩm mỹ sẽ không cao.

Rễ chỉ nên lộ ra trên mặt đất ở mức độ vừa phải, chỉ cần thể hiện được tính chất bám vững chắc vào đất. Không nên đôn bộ rễ lên quá cao trong tầm nhìn, làm cho mất tự nhiên.

Cân nhắc kỹ lưỡng, tránh những vết cắt xấu, sẹo thô ở phía mặt tiền.

Một vài hình ảnh của bộ rễ xấu:

  • Rễ mọc xoắn lại với nhau.
  • Rễ mọc song song.
  • Rễ mọc cao từ trên thân.
  • Rễ mọc chồng lên nhau.

Với những bộ rễ như thế, cần có sự xữ lý tinh tế về mặt kỹ thuật, để làm sao hình ảnh và tính chất của bộ rễ bộc lộ cao nhất vẻ đẹp của tính cổ thụ và tính tự nhiên.

Các bạn có thể tìm ảnh minh hoạ cho

  • Bộ gốc gây ấn tượng, nhưng hình ảnh và tính chất đẹp chưa thể hiện được rõ nét.
  • Kích thước rễ lớn, thô, chưa có sự phân chia hài hòa.
  • Cây như cắm vào chậu, chưa thể hiện tốt đặc điểm cổ thụ.
  • Có được hình ảnh cổ thụ, nhưng kích thước rễ thô, quá lớn và có rễ bắt chéo.

Nguồn caycanhvietnam, tác giả Thái Văn Thiện

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon