Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 03)

Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 03)
Đánh giá

Chúng ta đang trao đổi với nhau về cái đẹp của Bonsai, và làm sao để nhận ra điều này. Giải quyết câu hỏi tưởng rằng dễ dàng, nhưng qua trao đổi dần lộ ra một số cách nhìn, làm cho vấn đề trở nên tắc nghẽn.

Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có sắc thái và ngôn ngữ riêng của nó, muốn hiểu được tận tường, cần phải học hỏi trau dồi mới cảm thụ được một cách tinh tế. Có ba yếu tố quan trọng của một loại hình nghệ thuật giúp cho chúng ta cảm thụ, và từ đó xây dựng cảm nhận về cái đẹp đó là: Chất liệu cảm – Hình thức cảm – Nội dung cảm.

Nghệ thuật Bonsai cũng thế. Khi nói đến tác phẩm đẹp, nên cảm thụ tất cả những vấn đề này, nếu không chúng ta sẽ rơi vào cái nhìn phiến diện.

Như vậy, đơn giản nhất cũng phải biết về nuôi trồng, đặc điểm sinh lý, sinh thái, phải biết những giới hạn của kỹ thuật, khi tác động lên một cơ thể sống.

Về mặt kỹ thuật, cũng phải hiểu nó được tạo tác như thế nào? làm sao thực hiện những kỹ thuật đó?

Về mặt nghệ thuật, thì hình ảnh xây dựng được từ những tương tác kỹ thuật, từ những kỹ năng trong tạo tác, có giúp cho người xem cảm nhận được vẻ đẹp? Cái đẹp đó có sắc thái gì? v.v…. và v.v….

Cái học hỏi về căn bản này sẽ là nền tảng, và khi thuần thục sẽ biến thành kỹ năng.
Khi đạt tới kỹ năng nhất định, sẽ giúp cho người học cách giải quyết vấn đề của thực tế cùng với cái nhìn thấu triệt.

Những người mới tiếp cận với Bonsai, nếu không có những hướng dẫn cơ bản chắc chắn sẽ rất lúng túng, sẽ không biết bắt đầu từ đâu? và luôn băn khoăn tự hỏi: không biết mình làm thế này là đúng hay sai?

Việc để cành trái – phải, trước – sau, trên – dưới là căn bản của việc tạo khối của không gian tán lá. Việc nghiên cứu tỷ lệ tạo hình là giúp cho việc định hình trong thiết kế bố cục cái cây trong tương lai sẽ như thế nào?…. và còn rất nhiều vấn đề khác nữa cần phải nghiên cứu. Người làm Bonsai cần phải có những tư duy này, tôi cho rằng đây là cái tư duy thẩm mỹ, và cái tư duy thẩm mỹ này sẽ làm cho một ông nghệ nhân khác hẳn một ông thợ làm vườn!

Và thêm điều này rất dễ chạm tự ái nhau, đâu phải ông nghệ nhân nào cũng có cái vốn tư duy thẩm mỹ cao vòi vọi, cho nên cái sản phẩm làm ra bị khô cứng, máy móc, vô hồn là chuyện bình thường, để làm ra được một tác phẩm đúng nghĩa thì con đường thật là khó khăn! trong hàng trăm cây mới có được vài cây gọi là.

Chứ cái cơ bản, cái nguyên lý… để người làm Bonsai nghiên cứu học hỏi, dựa vào đó mà sáng tác, có gì là sai, mà phải bài xích!!!

Thật ra việc sáng tạo trong nghệ thuật Bonsai đâu có bắt phải dựa vào những nguyên tắc chết cứng, nó đâu phải là công thức toán học bắt buộc 2+2= 4, mà lúc nào cũng cứ nhất nhất tuân thủ. Nó chỉ là phương tiện giúp ta đi tới mục đích. Khi đã đạt tới một trình độ tay nghề nhất định, trình độ cảm thụ nghệ thuật cao, thì đâu cần phải rập khuôn như các nguyên tắc căn bản đã học. Qua sông rồi, hà cớ gì phải vác cái bè theo khi lên núi!

Nhưng cũng cần nói thêm cho rõ, không phải sáng tạo là muốn làm gì thì làm, muốn ra sao cũng được, mà phải nắm rõ, và dựa trên những qui ước thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật mình đang làm, để từ đó mà phát triển cho hợp lý!
Cái độc đáo, cái sáng tạo của nghệ thuật là ở chổ này nghe như là nghịch lý, và nó không có biên giới rõ ràng.

Các bạn đang mắc kẹt ở chổ: nên theo cái nguyên tắc cơ bản, hay là tự do, chẳng cần cơ bản gì hết?
Từ đó dẫn đến bài xích kiểu này, ca ngợi kiểu kia!!!

Có ai cấm sự sáng tạo của các bạn đâu? Cứ tự do mà sáng tạo, muốn làm gì thì làm, nhưng chỉ cần lưu ý chuyện nhỏ này: đừng quá chủ quan, xa rời cái đẹp đã được thẩm định của loại hình mà mình đang theo.

Nghệ thuật thì có sự cách điệu và ước lệ, vấn đề là sự biểu đạt của hình ảnh có gây rung cảm cho người xem.

Tôi nêu lại quan điểm của tôi rằng: dù có sáng tạo theo kiểu gì, thì cái cây của mình cũng phải tuân theo quy luật của “Tự nhiên”. Bởi vì tôn chỉ của Bonsai là tự nhiên. Các bạn hãy chú ý cái ngoặc kép của chử tự nhiên, tự nhiên được xem qua lăng kính của nghệ thuật!

Các bạn đừng quá nặng nề trong việc sáng tạo, là phải nên theo kiểu này, phải nên theo cách kia… mà nên để dành tinh thần quan sát thật kỹ cái cây của mình đang có, tìm cho ra được phong cách, cái đẹp còn ẩn giấu của cây.

Có vài hình ảnh cho các bạn tự chọn: khi nào thì mặc đồ truyền thống? khi nào thì mặc đồ thể thao?….và còn cả phong cách riêng, có cần phải bắt mình phải theo một lối mòn nào không?

Niềm vui của việc sáng tạo Bonsai nằm trong quá trình tìm kiếm cái đẹp, cái đẹp của Bonsai không phải là bất biến, nó luôn biến thiên theo thời gian, và không bao giờ hoàn thành.

Ngắm một tác phẩm đẹp là bằng cảm xúc chứ không phải bằng sự cân lường, cảm xúc thì không có rào cản, cái khó là làm sao đưa nó vào tác phẩm, hãy thực sự quan tâm đến điều này.

Tác giả Thái Văn Thiện, nguồn caycanhvietnam

1 thoughts on “Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 03)

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon