Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 02)

Chuyên đề: Vẻ đẹp của Bonsai – Thái Văn Thiện (phần 02)
Đánh giá

Với những câu hỏi ở trên về Đạo, triết lý trong cây cảnh, và phong cách tạo hình trên Bonsai, tôi có vài ý khái quát về các vấn đề này như sau:

Để có cái nhìn tổng quan về các lối tạo hình trên cây Bonsai, chúng ta cũng nên xem xét một vài điều về tư tưởng của phương Đông cũng như của phương Tây có gì khác biệt không? bởi vì chính các điều này sẽ chi phối sự cảm nhận trong quá trình sáng tạo, cũng như cái nhìn đối với thế giới tự nhiên. Các bạn thử xem mình có cái nhìn như thế nào?

Phép nhìn của người phương Tây về cái đẹp của Bonsai rất rõ ràng về tính trực quan và tổng thể. Họ thường quan tâm đến những điều nhìn thấy thực tế, thường thiên về tả thực, tôn trọng tính tự nhiên cao.

Một cây đẹp đối với họ thì hình ảnh của nó được tạo tác phải có dáng vẻ giống như một cây ở ngoài thực tế. Phong cách của cây rất thoải mái, chỉ cần giống như tự nhiên là đủ, ít cần quan tâm đến các chi tiết và tính chất hàm ý. Nếu để tâm quan sát, đôi khi có những chi tiết quan trọng, mà chúng ta những người làm cây rất quan tâm ví dụ như bộ gốc rễ, thì cái nhìn của người phương Tây cũng rất đổi bình thường! vấn đề của họ là tổng thể tác phẩm nhìn có giống như tự nhiên không?

Ngay cả cách cắm hoa của họ cũng thể hiện rất rõ điều này, một bó có rất nhiều cành, được cắm thẳng vào một cái bình hoa. Trong khi đó việc cắm hoa ở phương Đông là cả một nghệ thuật, hàm chứa cả một triết lý sống ở trong đó.

Cho nên, khi thấy cách tạo hình cây cảnh nói chung, và nhất là hình ảnh cây thế của chúng ta, việc cảm thụ vẻ đẹp của cây đối với họ là rất khó! Chẳng trách gì đã từng có phát biểu của một vài nghệ nhân Bonsai nước ngoài về những cây của mình chỉ ở cấp độ cây phôi!!!

Phép nhìn của người phương Đông có sự sai biệt, bên cạnh vẻ đẹp hình thức phù phiếm ở bên ngoài, mỗi sự vật còn có một vẻ đẹp ẩn chứa ở bên trong rất quan trọng. Người phương Đông có một cái nhìn khác sâu lắng vào bên trong sự vật, họ quan tâm đến những nội hàm về tinh thần của sự vật, mà điều này lại rất khó có khả năng cảm nhận hết được. Hình ảnh chỉ cần biểu đạt đơn giản, vừa đủ nhận thấy, quan trọng là sự vật đó còn gợi lên điều gì?

Hình ảnh của nước là một ví dụ, nó là một yếu tố quan trọng của sự sống ai cũng thấy, đó là điều ta thấy hữu hình. Với cái nhìn bên trong vô hình, người phương Đông cho nước là khuôn thước cho người có phẩm hạnh: rất mềm mại nhẹ nhàng, bình an với cái mình có, thủ phận, ở bầu thì tròn ở ống thì dài (tùy duyên), nhưng cũng có khi rất mạnh mẽ phá vỡ cả những thứ cứng hơn như sắt, đá, dập tắt cả lửa……

Cái vẻ đẹp vô hình này là một điều khó có thể cân lường, khó có thể nhìn thấy bằng con mắt thông thường, mà chỉ cảm nhận được bằng con mắt của tinh thần (Đạo). Ngôn ngữ khó mà diễn đạt được điều này (vô ngôn), dùng tư tưởng kiến giải thì nó bất khả tư nghì!

Một bên là hiện thực, hữu hình, cụ thể, xem trọng tính thực tế; Một bên là ý tưởng, ấn tượng, thiên về việc tôn trọng tư tưởng bên trong, hơn là vẻ đẹp của hình thức bên ngoài. Chính vì phép nhìn đó, màu sắc văn hóa của hai nền văn hóa, dẫn tới việc sáng tạo nghệ thuật có sự sai biệt. Dấu ấn này biểu lộ rõ trong việc tạo hình của Bonsai.

Triết lý trong nghệ thuật phương Đông tôn trọng sự đơn giản nhưng vừa đủ. Chân lý của cái đẹp là sự toàn thiện và đơn giản!

Người phương Đông khi tạo tác cây cảnh hay Bonsai, ngoài việc mô tả cái đẹp của tự nhiên, họ còn muốn gửi gắm nhiều điều vào đó, ngoài việc cảm thụ cái đẹp bằng con mắt trần gian, còn có cả việc cảm thụ bằng con mắt của tâm hồn.

Một cổ thụ tự nhiên ngoài thực tế thường có rất nhiều cành, mọc lộn xộn, thậm chí có những cành mà chúng ta sẽ cho là lỗi, điều này là tự nhiên, do điều kiện sống của cây. Nhưng trong nghệ thuật cây cảnh hay Bonsai, có những qui ước thẩm mỹ hãy tạo ra một cây trông rất già nua, nhưng càng ít cành lại càng hay.

Một cây được đánh giá cao, được xem là đẹp, thì các cành nhánh sẽ được chọn lọc chỉ vừa đủ. Nhưng vấn đề ở đây là: làm sao chỉ với số lượng ít của cành, mà vẫn biểu đạt đầy đủ được khối tam diện trong không gian? thể hiện được tính chất của một tán cây như trong tự nhiên theo quy luật của nó?

Điều này thường gây khó khăn không ít trong việc sáng tạo cụ thể trên từng tác phẩm, phải có trình độ tay nghề kỹ thuật, trình độ cảm thụ nghệ thuật Bonsai nhất định mới giải quyết được bài toán này.

Giới hạn giữa sự đơn giản và sự rườm rà là rất mong manh, khó cân đo được, chỉ biết rằng nếu thêm vào một chi tiết là thừa, mà bớt ra thì thiếu. Đây chính là bài toán minh chứng cho sự tài hoa của người tạo ra tác phẩm.

Nên nhớ rằng không bao giờ có hai cá thể giống nhau hoàn toàn, dù hình thể, dáng cây na ná như nhau, nhưng tính chất, phong thái của cây là khác nhau, cần cảm thụ tốt vấn đề này, để tránh sự sao chép rập khuôn hình thể một cách máy móc, làm mất đi cái thần thái riêng biệt của cây.

Vì chưa thực sự cảm thụ tốt những vấn đề trên, cho nên khi tạo hình cây dẫn đến việc bắt chước một cách máy móc, có cây được tạo nên bởi một tán lá dày đặc, rối rắm (tả thực), có thực mà không có hư. Lại cũng có rất nhiều cây được tạo nên bởi bộ tán lá rời rạc, thưa thớt (tả hư), có hư mà không có thực, trông rất xa rời tự nhiên. Giải quyết bài toán này cần có cái nhìn tốt: về khối, không gian, sự sắp đặt, tính tỷ lệ…cùng với cảm nhận tốt về tính tự nhiên.

Gần đây mọi người thường tranh luận về vấn đề này, cái nào đẹp hơn cái nào? theo tôi vấn đề nằm ở chổ khả năng cảm nhận phong thái thể hiện của cây ra sao? điều này phụ thuộc vào sức cảm thụ, tay nghề của các nghệ nhân, nó còn là vấn đề của vốn sống, của sự chiêm nghiệm, khó mà có mẫu số chung cho tất cả!

Có một số ý kiến cho rằng những cây (cây bài bản?) được tạo tác rất căn bản về bộ cành, thỏa mãn được tính chất hình khối của tán lá, thì không được đẹp!
Một cây đẹp, theo họ thì bộ cành nên được thiết kế phóng khoáng, và tự do hơn, không cần tuân thủ quy luật.

Thực ra về bản chất, dù cho tán cây có được thiết kế như thế nào đi chăng nữa, khi ngắm nhìn và cảm nhận, nó cũng vẫn phải thỏa mãn quy luật về phép nhìn tam diện của hình khối trong không gian: có trái – phải, trên – dưới, trước – sau.

Vấn đề tế nhị ở đây, chính là sự cảm nhận và thể hiện về tính tự nhiên chưa tốt, sự tinh tế trong tay nghề của nghệ nhân chưa đạt tới độ chín muồi, cho nên khi tạo tác bộ cành thường mắc những lỗi như nặng nề, cứng nhắc, thô cứng, xa rời tự nhiên…

Theo quan điểm của bản thân, tôi cho rằng một cây được xem là đẹp, thì phải hoàn hảo về các chi tiết, không nên có các chi tiết thừa. Một nghệ nhân giỏi sẽ biết biến các cành được chọn lọc vừa đủ, để tạo nên một tán cây trông như tự nhiên. Đây chính là sự đơn giản, một trong những thuộc tính cơ bản của cái đẹp.

Thơ lục bát có vần điệu, âm luật, rất đơn giản như văn nói, khi diễn đạt một nội dung nào đó, nhiều người vẫn có thể cùng đi đến một cảm nhận chung (dĩ nhiên điều này còn tùy thuộc vào cảm thụ cá nhân). Nhưng nếu thể hiện nội dung đó bằng văn nói thì cách diễn đạt lại rất khác nhau, có thể rất dài dòng, còn tùy theo đối tượng mà nói, và lúc này không rõ sự phát triển các chi tiết sẽ đi tới đâu? Cùng một nội dung, nhưng hình thức biểu đạt là khác nhau, kết quả sẽ là không tương đồng, tính độc đáo của nghệ thuật nói chung là tính chất này.

Nghệ thuật là việc bắt chước, chắt lọc cái đẹp tự nhiên và làm cho nó toàn thiện hơn trong mắt người xem. Chứ không phải là sao chép, mô phỏng hoàn toàn như tự nhiên, giống như cách thể hiện của một bức ảnh chụp!

Nói rộng hơn, vấn đề không chỉ là các kỹ xảo, tài nghệ của bàn tay con người, mà sâu hơn nữa là hình ảnh thể hiện đó dẫn tinh thần đi đến chổ vô ảnh, vô thể nhưng lại cảm thụ được, nắm bắt được những cái rất khó có thể nắm bắt!

Cuộc sống trên thế gian có hai mặt hữu hình và vô hình.

Về phương diện hữu hình thì không bao giờ có hai cái giống nhau hoàn toàn như hai con người, hai cái hoa, hay hai cái cây. Điều này các giác quan dễ dàng phân biệt, so sánh được. Nhưng để cảm nhận được phương diện vô hình thì phải có sự chiếu sáng từ bên trong, chính điều vô hình này làm cho sự cảm nhận trở nên đồng nhất . Hình thể có thể có sự sai khác, nhưng tinh thần của cái đẹp là như nhau, nhưng lại khó có cảm thụ tương đồng.

Ông sư là ông sư, lão đánh cá là lão đánh cá, cả hai vẫn thành phật như thường!

Tác giả Thái Văn Thiện, nguồn caycanhvietnam

Trả lời

0988110300
chat-active-icon