Đi tìm mỏ vàng
Ai thấy cây vàng lá, yếu ớt, cũng nghĩ cây thiếu “ăn” (mà thiếu ăn thiệt! nhưng là không ăn được vì “đồ ăn chưa được nấu nhuyễn”- gọi là “thực phẩm tươi sống” cho nó văn vẻ, chứ không phải không có “đồ ăn”), bèn tống phân vô chậu cây.
Phân đọng trong chậu gây cho nước trong đất “đặc hơn”. Mà nước đặc thì hút nước loãng. Thế là nước đặc ở đất cứ từ từ hút nước trong rễ cây ra xài. Thêm đám nấm vú em cũng “hút máu” từ rễ cây ra đặng sống mà không lấy được nước và “đồ ăn” từ ngoài vào mớm cho rễ. Thế là tứ bề thọ địch, rễ kiệt hết nước, lăn đùng ra chết. Ô hô! bèn than: phân làm cháy rễ. Rễ chết, Mycorrhizae chết, chỉ béo cho mấy con khuẩn gây thối. Đất thối càng thêm thối. Nhổ cây chết lên thấy rễ thối, nước ướt sũng, kết luận: tưới nhiều chết cây, lần sau nhớ bớt tưới. Mà bớt bao nhiêu thì vừa cho cây sống? KHÔNG BIẾT!
Khoảng cuối năm 2002, có hai người khách tới chỗ mình làm. Một cậu người Mỹ to con trẻ tuổi và một ông cụ nhỏ người có lẽ là Nhật Bổn. Chiếc vận tải nhẹ (pick up truck) có mấy dụng cụ làm vườn vứt lỏng chỏng ở thùng sau. Xe bị hư một máy nên rung và thường chết máy ở đèn đỏ. Họ cần tìm bệnh và sửa chữa ngay. Giấy tờ ký nhận xong, khách ngồi phòng đợi đọc báo chờ sửa. Công việc có thể kéo dài tới 2 tiếng. Ông cụ không ngồi trong phòng nhưng ra bãi cỏ trước tiệm ngồi ngó xe qua lại.
Thấy mình đi ngang tay cầm tờ tạp chí bonsai, ông cụ bắt chuyện hỏi thăm. Té ra ông ta là chủ nhân vườn ươm cây cách chỗ mình làm khoảng 10 cây số. Ông mời mình có dịp, ghé vườn cây của ông. Vườn của ông có một khu đặc biệt phía sau dùng để chăm sóc riêng những cây con mới tượng rễ, đồng thời cũng là chỗ chứa những cây lâu ngày chưa bán được. Theo ông, những cây phế thải này sẽ có thể biến thành những cây bonsai giá trị nếu chúng được vào tay chủ nhân đích thực của chúng. (nguyên văn: These junks will turn to be real valuable bonsai trees in hand of their Master.) Thiệt là gừng càng già càng cay. Ông cụ xài chữ Master này thiệt là tài. Vừa có ý nói là chủ nhân đám cây, lại vừa có ý bảo mình là Master.
Mình nghe thích quá, phổng mũi, nhắm mắt bước ngay vào bẫy, nghĩ bụng: phen này đào trúng mỏ vàng. Thế là sau đó, mỗi tuần tôi ghé vườn cây của ông, Bloomfield Nursery thành phố Cypress, tha về kìn kĩn. Cây già, cây cỗi chậu 5 gallons cứ đổ đồng 5$/chậu (thay vì 15 $/chậu).
Đám cây cối đặt ở phía sau nhà. Muốn tới được, phải đi xuyên hết vườn chính trước nhà, qua một cổng nhỏ, đi ngang hông nhà ông chủ là tới. Gần chỗ cổng nhỏ, trong khuôn viên nhà riêng ông chủ vườn, có một cụm đồng hồ nước lộ thiên nằm trong một thùng sắt mà cánh cửa thì lúc khép lúc mở, không khoá. Mỗi lần chất đủ 5, 7 cây lên xe đẩy, cậu người Mỹ dẫn đường lại giúp tôi đẩy xe từ vườn sau, qua hông nhà, ngừng ở cổng để cậu ta mở cổng rồi đẩy xe ra vườn trước tính tiền.
Chính cái phút dừng xe đẩy ở cổng đã khiến mình lơ đãng nhìn đám đồng hồ nước trong thùng, qua cánh cửa mở toang. Tại sao ống nước lại có ba cái cục màu xanh kẹp vào ống mà chẳng có dây nhợ lòng thòng nào đi kèm? Ghé mắt lại gần nhìn, thấy dòng chữ: Magnetizer / Industrial Technologies,Inc.
Á! đây mới thiệt là mỏ vàng.
Tác dụng của cục nam châm đối với nước
Thế là vội vội vàng vàng lái xe về nhà. Sà ngay vào computer đọc lấy đọc để mọi thứ trong cái web của Magnetizer.
Gọi điện thoại đặt hàng ngay (thời này ngưới ta tránh đặt hàng trên web vì chưa có hệ thống bảo đảm an toàn dữ kiện cá nhân). Giá 125$ một bộ. Khoảng mươi ngày sau, nhận hai cặp nam châm nhân tạo, vỏ sơn màu đỏ.
Chắc họ đổi kiểu, đổi màu sơn từ xanh dương sang đỏ cho nó thêm bắt mắt. Được rồi, xanh đỏ không thành vấn đề, nó cứ” works” là được.
Theo chỉ dẫn trong giấy, mình kẹp hai cặp nam châm dọc ống nước chính bên hông nhà. Ống nước nằm giữa lòng hai chữ U nam châm này. Như thế nước chảy trong ống sẽ phải đi ngang một từ trường rất mạnh.
Theo trong web của Magnetizer, chỉ vài hôm sau khi đặt nam châm, những teng sét trong ống nước sẽ bị tách khỏi thành ống khiến cho nước xài mới mở lúc sáng sẽ có màu vàng. Hiện tượng đúng như mô tả, có nghĩa là cục nam châm đã “làm việc”. Mà nó làm tốt nữa chứ!
Mình lại đặt mua 60 cái vòi phun sương mới, thay hết mớ cũ bị nghẹt. Phun cả tháng trời không thấy nghẹt ngóc gì nữa. Bạn có thể tưởng tượng cái cảnh hả hê của tôi những phút ngồi ngoài vườn ngắm cây với bụi nước phun mù trời ngày này tháng nọ.
Hết nghẹt rồi!
Ấy thế mà vẫn nghẹt! nhưng cả năm sau mới bắt đầu nghẹt. Gọi điện thoại chỗ đặt hàng “mắng vốn”. Anh chàng người Mỹ bán hàng (mình đoán là Mỹ trắng, hãng ở tận miền đông nước Mỹ) cười cười hỏi (đoán là anh ta đang cười ngạo, vì biết lại có người sắp sụp bẫy):
“Vậy chứ cái cục Magnetizer của ông màu gì? “. “Màu đỏ” mình trả lời.
“Màu đỏ là loại dùng cho cư dân. Nếu muốn mạnh hơn cho vườn tược thì nên dùng loại dùng cho cơ sở thương mại màu danh dương. Loại xanh dương giá 175$/ bộ hai cặp, còn muốn chắc ăn thì mua thứ xanh dương 215$/ bộ ba cặp “(tức là kiểu thấy ở Nursery).
Mình đòi đổi lại thứ đang xài, bù tiền mua loại xanh dương ba cặp.
Anh ta (lại cười cười?) không chịu, lấy cớ đã quá 30 ngày.
Đành bóp bụng mua thêm loại xanh dương hai cặp thôi chứ biết sao.
Thế là hai tuần sau, mọi chuyện khổ sở về nước nôi được giải quyết êm đẹp. Không còn lo nước cứng nước mềm gì nữa. Thiệt là đã!
Hết nghẹt, hết vụ vôi đọng mặt lá, hết lo vôi đóng thành chậu.
Hèn chi ở Nursery họ cũng tưới cây như mình mà cây của họ cứ mơn mởn. Trong khi cây của mình cứ vàng lá rồi ngủm.
Theo hình vẽ lý thuyết của Magnetizer giải thích trong trang web của họ (trang web này của thời 2003, nay xóa bỏ, thay bằng trang web mới không còn hình vẽ giải thích).
Tất cả mọi phân tử vật chất trong nước khi đi ngang từ trường sẽ tự động xoay dọc cực +/_ theo đường sức từ trường. Thế là tình trạng “vón cục” của nước và các vật chất (kể cả clo) trong nước (do các phân tử ôm cứng nhau trong tình trạng hỗn độn) bị phá vỡ các mối nối.
Thoát khỏi khu vực từ trường, tất cả các phân tử xếp hàng đứng cạnh nhau, cùng chiều +/_. Y hệt như từ một đám đông ô hợp, túm năm tụm ba, đi qua cửa ải huấn luyện là thành một đội binh hàng ngũ chỉnh tề cùng quay mặt về một hướng, anh này đứng cạnh anh kia chứ không còn ôm nhau xà nẹo.
Chính cái đội binh hàng ngũ chỉnh tề này sẽ bị phá vỡ hàng ngũ rất dễ dàng vì những mối phân tử liên kết chúng với nhau hết sức lỏng lẻo. Cho nên, những vật chất trong nước khi ngang qua từ trường không bị mất đi, nhưng được sắp xếp lại dưới dạng phân tử rời có cùng hướng +/_, tức là bị xé nhỏ, giúp cây cối chỉ cần “khều nhẹ” là có thể dễ dàng lấy mớ khoáng chất vào rễ.
Thì cũng hệt như đồ ăn thức uống để vào lò vi sóng vậy. Dòng điện cực ngắn của lò vi sóng(Vi ba ) đi qua các phân tử đồ ăn, những phân tử này sẽ tự đông xoay hướng +/- cho hợp với chiều +/_ của sóng điện. Nhưng không phải chỉ xoay một lẩn rồi thôi như ở ống nuớc. Chúng sẽ xoay qua xoay lại 10,000 lần /một giây cho hợp với chiều âm /dương của sóng điện. Xoay bạo như thế thì phải nóng phát sốt vì sự cọ sát thôi. Thế là nước sôi, cơm chín!
Cũng theo lý thuyết của Magnetizer, khi tất cả các phân tử dưới dạng ion (tĩnh điện) được xếp cạnh nhau, sẽ không còn em nào vơ vẩn tự do lang thang trong vòng cấm địa, nghĩa là nước trở thành pH=7 .
Mọi loại nước chua (pH < 7 )vì nhiều em H+ lang thang hay nước lợ (pH > 7) vì lắm em OH- tự do sẽ đều bị đưa vào “hàng ngũ” sau khi đi qua từ trường.
Có nghĩa là từ lực đã giúp các loại nước chua (pH thấp) và nước lợ (pH cao) chuyển về pH trung tính, tạm gọi là nước ngọt. (Nước lợ dùng ở đây không phải là nước ngọt pha nước muối ở vùng cuối sông ven biển).
Hèn gì hồi mới học nghề xe hơi, thấy nhiều xe họ gắn những cục nho nhỏ bằng bao quẹt chung quanh ống xăng. Hỏi chủ xe, họ bảo thấy quảng cáo nói kẹp cục này vô ống xăng sẽ giúp tiết kiệm xăng. Hỏi thêm: có thấy bớt được tí xăng nào không? Mọi người đều trả lời: không biết, thấy rẻ (5$ /cục) thì mua thử, bớt hay không cũng chả hại gì. Lúc mới nghe, mình nghĩ thầm: trên đời sao lắm người dại dột hơn mình. Cái cục khỉ gió nằm ngoài ống xăng thế kia mà lại giúp bớt xăng thì đúng là chuyện khó tin, thế mà cũng bỏ tiền mua.
Vậy chứ sau cái vụ mua Magnetizer cho ống nước, thấy cái hay của từ trường, mình bèn gọi điện thoại đặt mua luôn một bộ Magnetizer cho xe hơi.
Họ gởi tới ba cặp nam châm.
Một để kẹp vào ống xăng, một vào ống nước (giải nhiệt) và một vào ống hút gió (air duct) của máy xe.
Tức là tất cả các vật chất ở thể lỏng và thể khí đều được chạy ngang qua từ trường để toàn thể các phân tử vật chất được xếp theo hàng lối, giúp cho sự pha trộn hỗn hợp xăng + gió đồng đều hơn nên dễ nổ máy hơn.
Tình trạng xăng dư, do không đốt được, giảm đi, giúp tiết kiệm xăng.
Chả biết tiết kiệm được bao nhiêu, nhưng sáng sáng “đề máy” thấy máy nổ ngay dễ dàng, dù trời lạnh (xe mình thuộc loại cũ), thế là thích rồi.
Còn nam châm bọc quanh ống nước giúp các phân tử nước vào hàng ngũ. Không còn những em ion +/- tự do đi lang thang để phá hoại thành ống nước cao su hoặc đóng cặn trong két nước nên hơn 10 năm nay mình chẳng phải thay ống nước xe hay két nước gì cả. Mỗi năm mở ống nước ra coi, thấy ống vẫn tốt nguyên.
Mặt trong ống không bị nứt nẻ ( khiến bị phù to rồi bể) như trước kia sau mỗi 5 năm. Thế là yên tâm. Cảm thấy có lời.
Lúc đó nghĩ lại mới thấy mình ngu hơn ai hết. Người ta chế ra và xử dụng từ lực hàng mấy chục năm rồi mà bây giờ mình mới biết. Lại còn nghĩ người ta khờ!
Có điều những thỏi nam châm của hãng Magnetizer bán là loại nam châm nhân tạo, có sức mạnh (không nhớ đơn vị đo sức mạnh nam châm) vài ngàn lần hơn nam châm thiên nhiên nên những kết quả thấy được tương đối nhanh và rõ nét.
Về sau, khi có dịp, mình mò vào nghĩa địa xe hơi, đóng 2 $ vào cửa, tự tháo món gì thì tháo, mang ra cửa tính tiền.
Đồ cũ rẻ thúi. Phần mình, chỉ tháo lấy loa. Mỗi xe có từ 2 tới 4 loa radio. Phần cuối của loa là cục nam châm tròn như cái bánh cam bánh vòng bên mình. Lấy búa nhỏ, đầu rìu, đập cái bốp là tách cục nam châm khỏi loa. Cầm 20 cục nam châm với 2 cái loa còn nguyên ra ngoài tính tiền. 5 $/loa, nam châm cho không. Tổng cộng 10 $ + 2 $ vào cửa = 12 $. Có đồ chơi rẻ mang về nhà nghịch. Thế là để nguyên bảy cục xếp dính chặt nhau và xỏ dây ống nước qua lỗ nam châm.
Giỏi ghê! suối nước dưỡng đường cũng có thêm nam châm để tránh chuyện mấy phân tử nước được bơm lên bơm xuống vòng lại dính nhau xà nẹo. Sức nam châm tuy yếu nhưng bù lại khoảng nam châm dài và tốc độ
nước chảy trong ống không cao nên chắc cũng có tác dụng tốt.
Cứ thế này xài suốt đời thì sướng quá. Đâu phải tháng tháng thay lọc nước lỉnh kỉnh, lại còn đắt nữa. Mà máy lọc còn cản lấy hết những kim loại cây cần phát triển, thì lại thêm tốn tiền bón phân vi lượng. Trong khi nam châm không làm mất thứ gì trong nước mà chỉ sắp xếp (xé nhỏ) các phân tử cho cây dễ xài.
Sao rồi, các bạn có thấy một chuyên kinh người về nước nôi như thế lại được giải quyết thật ngắn gọn phải không?
Nguồn từ caycanhvietnam, tác giả Vũ Hưng