Chia sẻ phương pháp làm chi dăm dày trong Bonsai

Chia sẻ phương pháp làm chi dăm dày trong Bonsai
Đánh giá

Cây khỏe, rễ nhiều

Rễ nhiều

Bạn có tin không, về mặt triết học, một chủ thể luôn tồn tại 2 mặt đối nghịch nhau. Mình cũng thích phật học, có nghe qua một vài bài giảng kinh. Pháp sư Tịnh Không giảng: “Phật và Ma là 2 mặt của một bản thể, nói cho thông suốt, không phật cũng không ma”. Người phương Tây thì có câu nói “we are what we think” – chúng ta là hiện thân của những gì ta nghĩ.

Ứng dụng vào cây cảnh, mình thấy thật đúng. Cây là 1 chủ thể có 2 phần gốc & ngọn. Bạn muốn ngọn đẹp mà không chăm gốc thì không được. Nhiều nghệ nhân khẳng định rằng, phần cây trên mặt đất là hình ảnh phản chiếu của bộ rễ. Nếu bạn thấy một cái đọt vượt dài ngoằng, chắc chắn dưới đất cũng có một cái rễ dài ngoằng tương ứng.

Cho nên, để có một bộ tàn đẹp thì bạn cần lên kế hoạch để tạo một bộ rễ đẹp. Kiến tạo bộ rễ là một quá trình lâu dài chẳng kém việc nuôi cây, tốt nhất là nên lên kế hoạch ngay từ khi cây còn nhỏ. Mời bạn tham khảo 2 bài viết “tìm hiểu về đặc điểm sinh học của rễ cây” và “thực hành xử lý rễ” để có một vài khái niệm về bộ rễ. 2 bài viết ngắn này chưa thể nói hết về những vấn đề xung quanh bộ rễ, nếu bạn có thắc mắc gì xin đừng ngại đặt câu hỏi, mình hoặc ai đó sẽ rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bạn.

Cụ thể, bạn thường thấy người nước ngoài trồng những cây thông-tùng bán thành phẩm vào chậu khá nhỏ, gần như bằng kích thước chậu cây khi thành phẩm. Điều đó chứng tỏ bộ rễ của cây dày, nhiều chóp rễ và ngắn. Bộ rễ như vậy sẽ mang tới một tán lá cũng dày, nhiều chi và cành ngắn.

Cây khỏe

“Người khỏe có trăm ngàn ước muốn, người ốm chỉ có một ước muốn, đó là sức khỏe”. Cây cũng vậy, trước khi uốn nắn sửa sang bất cứ cây nào bạn cần chăm cho cây khỏe đã. Cây yếu, bạn bấm tỉa/ép lá/cắt nước nó càng yếu. Cây cũng khó lại sức bởi nếu không phát đọt thì rễ cũng ngưng phát triển luôn.
Khi đã chắc chắn cây của bạn khỏe mạnh, mời bạn thử vài phương pháp bên dưới.

Tách bao lá

Chuyện về cái bao lá rất mới mẻ ở Việt Nam, mình la cà ở các diễn đàn cũng nhiều mà chưa từng nghe các nghệ nhân chia sẻ vấn đề này. Người đầu tiên phổ biến chuyện này là bác Vũ Hưng trên diễn đàn caycanhvietnam.com. Mình đã áp dụng thử và thấy hiệu quả trông thấy.
Bao lá là tín hiệu an toàn để lá và cuống lá tiếp tục dài ra. Khi mất bao, lập tức lá ngưng phát triển và cứng lại để chịu các ngoại lực bên ngoài, đốt (lóng) lá cũng ngưng dài ra.
Do mọi loài cây đều có ưu thế phát triển vùng đỉnh cho nên khi chồi ngọn đang dài ra thì các chồi ở nách sẽ được lệnh ngưng phát triển, hoặc phát chậm. Khi chồi ngọn ngưng phát, chồi nách ở chân cành lại có cơ hội bung ra.
Bởi vậy, tách bao lá có 3 cái lợi:

  • Chồi sát chân cành phát mạnh hơn
  • Đốt (lóng) chồi ngắn
  • Lá nhỏ

Công việc tách bao lá cần thực hiện liên tục mỗi ngày trong suốt thời kỳ cây phát đọt (chồi). Cách tách bao lá là ta dùng một que tăm bẻ ngược bao lá và kệ nó tự rụng. Những chồi hơi mở bao lá ra một chút như hình dưới là có thể tách bao lá, nếu muộn hơn chút nữa thì không có hiệu quả.

Tỉa lá, bấm đọt

Phương pháp tách bao lá rất có lợi cho anh em trồng sanh, si, bồ đề, đa.. Nhưng ai thích chơi mai chiếu thủy, tùng la hán.. không có bao lá cũng đừng ghen tị, bởi cây của các bạn lá nhỏ dăm dày sẵn từ lúc mới sinh rồi!
Dưới đây là một vài phương pháp ép chi dăm dày cho nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh chia sẻ. Những phương pháp này có thể áp dụng với mọi loại cây, có bao hoặc không bao!

Ép dăm cây lá bản(gân hình mạng)

a. Cây rụng lá như khế, mai chiếu thủy kim giòn, sơn liễu, sam núi..: Loại này cần chú ý theo dõi thời điểm cây vàng lá. Khi lá vàng khoảng 30% thì tuốt sạch toàn bộ lá, kể cả lá còn xanh. Sau khi lá mọc ra khoảng 3 ngày thì bón thúc phân hữu cơ đậm đặc cho cây. Các mầm non sẽ mọc dài ra, ta lại tiếp tục chọn chi thích hợp để tạo cành thứ cấp tiếp theo. Nếu bạn tạo tới chi cấp 5 thì cây của bạn đã đạt chuẩn ISO, nhưng thông thường làm tới chi cấp 3 thì cũng đã đẹp rồi.

b. Cây có lá xanh quanh năm như thanh mai, sanh, đa, si..: Chỉ cần bấm đọt, nhặt lá sát chân cành là chồi mới sẽ mọc ầm ầm. Hoặc những cây lá to như sanh thì có thể dùng kéo cắt nửa lá cũng kích thích chồi mới bật ra.

Những cây cực khỏe như mai chiếu thủy/sanh thì có thể vặt toàn bộ lá và tỉa đọt vượt, sau một thời gian chồi mới sẽ vọt ầm ầm. Tuy nhiên có một lưu ý rất quan trọng ở đây là chỉ lặt sạch lá ở những tán cây chính, nhưng vẫn phải để lá tại một vài nhánh phụ cho cây hô hấp. Việc vặt trụi lá 100% cũng giống như bịt mũi cây vậy, rất dễ khiến cây chào bạn mà đi.

Ép dăm cây lá kim, lá dài (gân song song)

Khi lá già đồng bộ, bạn tỉa hết ngọn đi (vạn niên tùng thì dùng kéo, tùng cối và thông thì dùng tay). Nhặt bớt một đoạn lá ở sát chân cành, nếu có cành thứ cấp thì cũng lặt lá ở chân cành thứ cấp. Tuyệt đối không ngắt toàn bộ lá vì như thế chắc chắn cây sẽ chết, bởi vì cây lá kim không có khả năng hô hấp qua thân cành như cây lá bản (Thật vậy, bạn có thấy cây lá bản vỏ nó có tí màu xanh không? đó là diệp lục, có thể giúp cây hô hấp mặc dù rất yếu.)

Đối với loài tùng (Juniper), việc ép lá phải thực hiện thật từ tốn, không bón phân quá nhiều, không thay chậu, không tỉa lá quá 30%. Bởi nếu bạn làm một trong các việc trên, cây sẽ bung lá kim nhìn không đẹp (trừ cây Needle Juniper có khoảng 70% lá kim và khi thành phẩm họ ngắt bỏ hết lá vảy)

Ép dăm cây phi lao (dương)

Phi lao là một loài cây đặc biệt, tuy là cây lá bản nhưng lá lại giống hình kim, lại có các nốt sần chứa vi khuẩn có khả năng cố định đạm như cây họ đậu. Phi lao là loài ưa nước nhưng chịu hạn tốt.
Để phi lao phát triển mạnh và nhiều dăm, cách tốt nhất là đặt cả chậu cây trong một khay nước mỏng sạch và thoáng.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon