Giới thiệu về cây kéo
Cây kéo (Scissors) được người Ai Cập phát minh đầu tiên vào khoảng 1500 trước Công Nguyên. Ngày nay kéo được sáng tạo ra vài trăm kiểu phục vụ các mục đích khác nhau tuy nhiên về cơ bản vẫn không đổi. Đầu tiên mời bạn xem cấu tạo cơ bản của một cây kéo:
Những khái niệm này chỉ là để xem chơi cho biết, thực ra không phải là điều người chơi bonsai cần quan tâm. Cái chúng ta cần biết là loại kéo nào dùng cắt tỉa cây thì tốt? Dù người ta luôn nghiên cứu cải tạo cây kéo nhưng nó luôn ở 1 trong 2 loại chính sau đây:
Loại kéo lưỡi không sắc
Điển hình của kéo dạng này là chiếc kéo văn phòng dùng để cắt giấy. Cạnh của nó không sắc như dao mà chỉ được mài hơi vát, mặt tiếp xúc giữa 2 lưỡi kéo phẳng. Kéo dạng này sẽ cắt vật thể tại điểm T. Đối với những vật có đường kính hơi lớn chút (ví dụ cành cây đường kính 3mm) thì vật thể sẽ bị ép dập xuống trước khi tách làm đôi tại điểm T.
Loại kéo này thích hợp để tỉa lá, bởi lá bị dập ở chỗ cắt sẽ ít chảy nhựa hơn lá bị cắt quá ngọt. Tuy nhiên đối với mấy loại sanh-si-đa thì dù bạn cắt kiểu gì thì nhựa vẫn tuôn thành dòng!
Kéo có cạnh sắc như dao
Loại này có cạnh mài sắc như dao (cạnh ngoài lưỡi kéo mài vát nhiều hơn so với loại kéo cạnh không sắc), phần tiếp xúc giữa 2 lưỡi kéo chỉ là một đường mảnh sát lưỡi, phần còn lại của lưỡi kéo được làm cong sang 2 bên (hơi khó tả, nhưng bạn mua 1 cái kéo “mặt trong lưỡi không phẳng” về nhìn là hiểu ngay). Nhờ có lưỡi sắc nên vật thể được cắt ngay khi lưỡi kéo đi qua chứ không phải bị ép dập tới điểm T rồi mới tách ra. Loại kéo này có phần tiếp xúc giữa 2 lưỡi kéo thấp nên ma sát ít, tỉa cây lâu đỡ mỏi tay hơn.
Loại kéo này thích hợp để tỉa cành con có đường kính khoảng 3mm. Vết cắt sẽ ít bị dập và mau liền sẹo.
Để dễ hình dung hơn, mời bạn xem hình ảnh mặt cắt ngang lưỡi kéo dưới đây:
Chọn mua kéo tỉa bonsai
Bạn lấy cái hình dưới, đem ra thợ rèn nhờ họ làm cho 1 cái giống như thế là được. Đây là cái kéo rèn thủ công giá 150k. Cây kéo này dùng rất thích, cắt cành 5mm ngọt xớt, cầm nhẹ tay. Loại kéo này có thể bạn ra hàng sắt mua cũng có bán, tuy nhiên chất lượng không được tốt như hàng đặt làm, bạn có thể mua về và chỉnh lại một chút cho bén. Khi chọn mua, bạn nên lưu ý 3 điểm:
- Phải là loại kéo cạnh sắc, vuốt tay vào là chảy máu!
- Lưỡi kéo không nên dài quá như kiểu kéo cắt giấy, chỉ cần dài khoảng 5cm là đủ. Nếu dài quá cắt nhanh mỏi tay mà lại khó thao tác.
- Nên chọn loại có lưỡi kéo và cán kéo liền 1 khối (từ 1 thanh sắt rèn ra). Đừng chọn loại kéo có cán hàn vào lưỡi, sau này cắt mạnh thì cán sẽ bị uốn cong, lưỡi không khép kín được. Dù bạn có bẻ lại cán thì cắt vài lần nó lại cong như cũ. Cũng không nên chọn kéo có cán bằng nhựa. Nhựa sẽ dần bị giòn theo thời gian và khi cắt mạnh dễ gãy.
Như trên đã trình bày, nếu cẩn thận hơn thì bạn nên sắm thêm 1 cây kéo dạng cạnh vát (ví dụ kéo cắt giấy) để tỉa lá cho đỡ chảy nhựa.
Cách bảo quản kéo
Mình nói sơ qua về mặt cắt lưỡi kéo, hiểu nó thì bạn sẽ hiểu cách mài (nếu ngại thì bỏ qua luôn, đọc phần cách mài kéo cũng được)
Đầu tiên chúng ta thử xem mặt cắt ngang lưỡi kéo:
Phóng to hơn cho dễ nhìn:
Nếu như ta mài mặt ngoài lưỡi kéo, quả thật lưỡi kéo sẽ bén hơn khi chưa mài. Nhưng do mặt AC biến thành A1C (hình dưới) nên kéo kém sắc hơn trước một chút do góc anpha lớn dần.
Tới một ngày nào đó, bạn sẽ rất bất ngờ vì kéo không cắt được nữa, dù lưỡi kéo vẫn sắc đứt tay. Lý do là bởi bạn đã mài mất hoàn toàn mặt AB, do đó 2 lưỡi kéo không còn chạm vào nhau được nữa.
Còn nếu bạn mài mặt trong thì sao? Kết quả sẽ thấy tức thì: kéo không cắt được nữa do 2 lưỡi không chạm được vào nhau (hình dưới):
Mài trong không được, mài ngoài cũng không xong, vậy phải làm sao? Đây chính là điều thú vị nhất:
Kéo nên được liếc thường xuyên, tránh mài lưỡi kéo nếu như bạn không phải thợ sửa kéo.
Từ ngữ liếc = vuốt nhẹ 1, 2 lần (tạo cọ sát nhẹ 1 chiều), độ mòn gần như bằng không. Dụng cụ để liếc là những vật cứng nhưng nhẵn.
Từ ngữ mài = tạo cọ sát nhiều lần (gây độ mòn cao). Dụng cụ để mài là những vật nhám (đá mài, giũa)
Vật gì có thể dùng để liếc kéo? Bất cứ thứ gì quanh bạn có độ cứng cao hơn lưỡi kéo: Mảnh sành, miếng kính, cái mài dao tungaloy bán ở siêu thị, đá nam châm, cái giũa móng tay, mũi giũa.. (Nói về mũi giũa, mình chỉ khuyên bạn dùng phần trơn nhẵn để liếc trên lưỡi kéo, chớ dùng phần nhám của mũi giũa để liếc, hỏng kéo lại chửi mình xúi dại!)
Trước khi liếc kéo, bạn nên thử độ cứng của món đồ bạn kiếm được bằng cách vạch lên kéo xem nó có thực sự cứng hơn kéo không.
Dùng bất cứ thứ gì cứng và nhẵn đều được, nhưng để đưa ra một hình ảnh cho bạn dễ hình dung thì đó là miếng tungaloy được làm sẵn chuyên dùng để liếc dao kéo (có bán ở siêu thị)
Cách sửa kéo cho bén
Dụng cụ nên có:
- Miếng Tungaloy hoặc thứ gì tương đương dùng để liếc kéo.
- Giấy nhám nước 600 grit để bảo trì kéo mỗi ngày trước khi cắt. (mình không hiểu giấy nhám 600 grit là gì nhưng mình thấy thì giấy nhám mịn dùng để đánh bóng gỗ là quá thô ráp, không được, phải kiếm loại mịn hơn nhưng chưa biết ở đâu bán. Mình thay bằng vải có tẩm dầu để chùi kéo trước và sau khi dùng.)
- Cục đá mài vuông để chỉnh lại cạnh AB.
1. Chùi sạch kéo bằng khăn tẩm dầu, nhỏ dầu vào trục (cái đinh tán) của kéo.
2. Cắt thử. Ví dụ chiếc kéo dưới đây bình thường cắt không được, nhưng nếu lấy tay bóp nhẹ vào trục và cắt thì lại được: vậy ta kết luận rằng trục kéo bị lỏng. Chỉ cần lấy búa gõ vài cái cho khít lại là được. Nhưng nhớ rằng chỉ gõ nhẹ vài cái rồi cắt thử, rồi lại gõ, chứ nếu gõ quá tay kéo sẽ rất chặt, khó cắt.
3. Làm lưỡi kéo sắc trở lại.
Trước tiên cần lưu ý bạn rằng, có rất nhiều kiểu kéo khác nhau. Như số kéo dưới đây, gần như chẳng có cái nào có kiểu mài lưỡi giống cái nào. Cần quan sát thật kỹ để biết nên mài phần nào và góc độ mài như thế nào.
Tiếp theo là thử dụng cụ mài, tốt nhất là nên thử vài đường lên sống kéo để quen tay và biết được độ cứng của dụng cụ mài so với kéo là thế nào để điều chỉnh góc độ dụng cụ và sức mạnh khi ấn. Lưu ý rằng cần dùng phần cạnh sắc của dụng cụ để miết lên kéo, và góc nghiêng càng nhỏ thì tác động lên kéo càng giảm (mô tả kỹ hơi dài dòng, chắc bạn cũng dễ hình dung khi thực hành thôi) Chỉ sau 1,2 lần miết dụng cụ mài, bạn sẽ thấy ánh sáng kim loại hiện ra trên kéo, thế là được.
Tiếp theo ta sẽ chính thức mài lưỡi kéo.
Đầu tiên là sửa cạnh AC. Hãy mở kéo ra hết cỡ, dùng tay trái giữ kéo và đặt trên mặt bàn thật chắc chắn. Mắt bạn cần phải nhìn thật rõ bề mặt AC để ta đặt miếng tungaloy trùng khớp lên bề mặt đó. Vuốt nhẹ thử miếng tungaloy suốt từ trong ra tới mũi (không nên dùng lực quá mạnh trong lần vuốt đầu tiên). Vuốt thêm vài lần nữa cho tới khi thấy ánh thép sáng là được. Đừng vuốt mạnh quá, kéo sẽ có gợn giống như bị mẻ lưỡi.
Nếu liếc xong cạnh AC mà kéo cắt tốt thì xin chúc mừng bạn. Còn nếu vẫn chưa cắt được thì ta phải làm 1 việc khó khăn hơn nhiều, đó là sửa cạnh AB. Hãy úp mặt trong lưỡi kéo xuống 1 tờ giấy ráp mịn đặt trên mặt kính và đổ thêm chút nước lên (bạn có thể mài trên đá mài cũng được, nhưng nhiều khi đá mài không phẳng là hỏng kéo). Mài thật từ tốn với mục đích là đưa cả 3 điểm A, B, F đến 1 trục mới. Lưu ý quan trọng là lưỡi kéo phải đặt vuông góc với đường mài kéo trên giấy ráp để tạo các sọc răng cưa nhuyễn trên lưỡi kéo (chứ không phải mài dọc theo lưỡi kéo giống như liếc tungaloy). Sau đó lấy kìm bẻ nhẹ lưỡi sao cho 2 lưỡi kéo khít vào nhau (vì lưỡi kéo vừa bị mài sẽ vênh ra 2 bên, không tiếp xúc với nhau nữa.)
Hình vẽ dưới đây sẽ mô tả các lý do khiến kéo bị cùn:
(1): Điểm A đã bị mất. Tuy nhiên điểm B vẫn còn nên kéo có thể gắng gượng cắt được.
(2): Điểm A trùng B nhưng tụt vào trong mặt lõm. Kéo rất sắc nhưng không cắt được do 2 lưỡi không chạm được vào nhau.
(3): Mặt AB vẫn còn nhưng tụt vào trong, 2 lưỡi cũng không chạm được vào nhau.
(4): Là mục đích ta cần phải làm: đưa cả 3 điểm A, B, F đến 1 trục mới.
Cách sử dụng kéo
Như đã nói, điều chúng ta cần là một vết cắt ít bị dập nhất. Để đạt được điều này bạn hãy:
1. Hơi “rút” kéo về phía người một chút trong lúc cắt. Khi đó lưỡi kéo sẽ trượt trên vết cắt và ta có một vết cắt ngọt. Y như việc bạn cắt đậu phụ vậy, bạn thử 2 phương pháp sau sẽ thấy rõ sự khác biệt:
- “Ấn” lưỡi dao xuống cho đứt miếng đậu phụ.
- “Miết” (thái) lưỡi dao dọc theo chỗ cắt.
Rõ ràng là khi ấn dao thì vết cắt sẽ lôm côm hơn nhiều so với việc miết dao. Tuy nhiên, để rút kéo về trong khi cắt thì phải 1 tay giữ cành, 1 tay cắt. Hơi phiền phức nên chỉ áp dụng với những cành cứng.
2. Không nên dùng kéo để cắt cành trên 3mm, và không cắt cành khô. Cắt cành khô/lớn là việc của cưa và cạp.
Cách thử độ bén của kéo
- Thoạt đầu bạn dùng kéo cắt ngang mặt lá sao cho lưỡi kéo thẳng góc với gân chính của lá.
- Bạn cắt nhiều lần, mỗi lần một khoảng cách nhau chừng 5 mm. Bắt đầu từ ngọn lá.
- Bạn cắt từ tốn và căn sao cho chỗ lưỡi kéo cắt gân chính giống nhau mỗi khi cắt gân chính của lá.
Có thể ở vùng ngọn lá, bạn thấy lưỡi kéo cắt ngọt không hề khựng. Nhưng sau đó (thí dụ tới lần cắt thứ 5 gần giữa lá) bạn hơi cảm thấy lưỡi kéo khựng lại tí xíu khi đụng gân chính. Ta có thể gọi: kéo bén ở mức 5.
Sau khi mài kéo này, nếu bạn lấy chiếc lá đối xứng với lá cắt đầu tiên và cắt thử kéo, bạn sẽ thấy ngay kết quả. Nếu kéo mài (liếc) tốt, bạn sẽ cắt tới cỡ 7,8 mới thấy khựng.
Tác giả Vũ Hưng
Nguồn: caycanhvietnam.com