Bàn luận về việc trồng cây Bonsai trong rổ

Bàn luận về việc trồng cây Bonsai trong rổ

Nguồn Kỹ thuật trồng rổ nhựa, tác giả Vũ Hưng.

Tại sao dùng rổ nhựa

Khi ông Kusida Matsuo người Nhật bày ra cái vụ trồng Thông Đen Nhật Bản bằng rổ nhựa được phổ biến trên Bonsai Today số 17 đầu năm 1992, có lẽ đã có một số người Âu Mỹ theo đó thực hiện. Ấy là hồi năm 1992 mình đoán vậy, chứ lúc ấy chưa phải lúc Internet phát triển như bây giờ nên mọi hiểu biết rất hạn chế.

Cho đến năm 2000, khi Internet bành trướng và phổ cập đại chúng, mình mới ớ ra là chả mấy người biết cái chuyện “trồng rổ xưa cũ kia”. Thành thử khi mình lôi vài chục cây trong rổ lên chỗ Hội Bonsai gần nhà là bà con (đa phần lớn tuổi hơn mình) mới bảo: “trồng vầy thì chừng nào nó mới lớn?”. Vậy mà cũng đã hơn 20 năm với mấy cái rổ nhựa!

Chả là mình cũng hay táy máy thử trên nhiều thứ rổ: từ rổ lưới muỗi (cái sàng mè), đến những thứ không phải rổ nhưng có lỗ (khung nhựa đựng 12 chai nước ngọt), nhưng cuối cùng lại quay về với cái rổ nhựa.

Mình cũng đã từng chê cái rổ nhựa sản xuất tại Việt Nam (bán ở chợ Tàu bên này) là phẩm chất xấu. Đoán là họ dùng nhựa tái sinh nên mỏng, dòn, dễ gãy bể và tệ hại là phần lỗ nửa dưới cái rổ thường bị lớp nhựa cực mỏng bít rịt gây úng nước. Thế là bỏ thêm mỗi cái rổ 1 USD thành tổng cộng 2,5 USD cho mỗi cái rổ mua ở chợ Đại hàn cho thông lỗ, dày dặn, đỡ gãy bể.

Vài năm sau mới thấy rõ chuyện. Té ra không hẳn rổ dày rổ cứng là tốt. Rổ dòn, rổ mỏng nó cũng có tác dụng cực tốt cho việc trồng: dễ cắt bỏ, cắt xẻ rổ cho rễ chạy hay lúc đưa cây trong rổ vào chậu thì việc tách rổ khỏi rễ lại dễ dàng và an toàn hơn.

Thế nên, những chuyện lặt vặt trên là để thưa với các bạn rằng: chúng ta nên xài rổ nhựa loại nhựa xấu thì khi cần tháo bỏ hoặc xẻ thành rổ sẽ rất dễ dàng. Còn việc màng mỏng bít lỗ thì cứ việc học từ bạn Duonglieu: lấy lửa hơ qua lại là lớp nhựa mỏng chảy tan (coi chừng, cần làm thử trước vài cái để có kinh nghiệm không thôi nó chảy thành lỗ to, vì một khi nhựa đủ nóng là tự nó cháy).

Các bạn thấy Tây phương họ có một lô một lốc kiểu rổ thế này.

Nhưng xem hết một trang cả trăm kiểu rổ, các bạn sẽ chẳng thấy cái rổ nào giống kiểu cái rá vo gạo bên Việt Nam mình.

Có lẽ đó cũng có thể là lý do người Âu Mỹ họ đã không thành công trong việc trồng Thông bằng rổ. Bởi vì họ không thể kiếm đâu ra được thứ rổ thích hợp như kiểu rổ rá Việt Nam.
Tóm lại, giờ thì các bạn đã nắm được tại sao nên xài rổ nhựa.

  • Nó tốt cho việc trồng cây vì giá rẻ, dễ kiếm.
  • Nó tốt cho rễ vì nhiều lỗ thoát nước, rễ khó bị úng.
  • Nó tốt cho việc phân rễ vì nhiều lỗ nhỏ.
  • Nó không gây nấm mốc như rổ tre non (hay lồ ô = nứa)
  • Và còn nhiều chuyện nữa, mà quan trọng là : nó dễ bể!

Một số điểm nên biết về rổ nhựa

Các bộ phận của rổ

Để bạn dễ phân biệt, mình tạm giải thích tên gọi như sau:

  • Rổ: loại lỗ lớn để đựng rau, hạt gạo có thể chui lọt.
  • : loại lỗ nhỏ dùng để vo gạo.

Ta nên dùng rổ, bởi đã thống nhất ở trên là dùng đồ rẻ tiền nên rá thường có nhiều màng ở các lỗ (đặc biệt là phần đáy rá), dù có hơ lửa cũng không hết được nên dẫn tới phần đáy rá ẩm nhiều dễ gây nấm mốc. Cũng không nên dùng rổ có mắt quá to, bởi khi trồng trong đất (hoặc trong 1 rổ to hơn) thì rễ cây sẽ lớn (tương đương với đường kính mắt rổ) nên rổ sẽ không đủ sức bóp nghẹt rễ lại và rễ lớn thì khi tỉa rễ sẽ gây nhiều tổn thương hơn.
Để dễ thảo luận, mình tạm đặt tên 1 số bộ phân trên rổ như sau:

Khi nói đáy rổ các bạn hiểu cho là phần thấp nhất bên trong rổ. Còn như đế rổ lại là mặt bằng bên ngoài rổ. Phần đế rổ thường có chân đế rổ. Phần chân này thường rất ngắn nên cũng có thể sinh lắm tội. Vì chân đế rổ (loại rổ như rá vo gạo đăng hình ở trên) vốn rất ngắn (khoảng 2-3mm) và bằng mặt. Nếu không để ý, các bạn để rổ trên mặt bằng, sẽ có thể xảy ra tình trạng nước đáy rổ đọng lâu. Lý do là khu vực nước trong vòng tròn đế rổ và chân đế rổ không khô được. Nếu được bẻ một vài mảnh nhỏ ở chân đế và đáy rổ có dây mồi (kiểu cọng rơm) thì việc thoát nước “tồn đọng sau khi tưới” sẽ an toàn hơn.

Phần vành rổ trong bài viết gốc tác giả có hướng dẫn làm quai xách để không bị vỡ gây ra xáo trộn trong bầu đất. Tuy nhiên với thực tế của mình mua loại rổ 3.500đ/chiếc thì sau 1 năm rổ đằng rổ, vành đằng vành nên mình không làm. Để bầu đất không bị xáo trộn thì mình luồn tay xuống đáy rổ và nhấc lên. Nếu muốn làm quai xách các bạn tham khảo trong bài viết gốc.

Các khu vực trong rổ

Tầng đất dưới không chính thức là phần đất để rễ cây phát triển. Đó chỉ cần là một “gò đất” để toàn bộ hệ rễ nằm tựa trên đó. Bởi vậy, “gò đất” này nên thỏa 2 điều kiện:

  • Đất đai sạch sẽ, hoàn toàn không bị rã, giữ ẩm tốt.
  • Có hình nón.

Có bạn sẽ bảo: nếu để vài cục than củi là vừa sạch vừa trữ ẩm tốt. Đây là một ý kiến hay. Thế nhưng các bạn cần phải coi chừng. Nếu than củi hút hết khí CO2 phát sinh từ rễ thì đôi khi chả phải chuyện hay. Vì cây trồng (đại thụ) cũng cần sự có mặt của CO2 ở một khoảng thời gian nào đó trong đất và rễ để làm tương tự chất xúc tác, giúp rễ lấy được mốt số chất dạng ion.(Tức là loại rễ cây nằm trong đất hoạt động không giống rễ Lan).

Điều quan trọng là tầng đất dưới không để bị mủn trong suốt thời gian cây nằm trong rổ (có thể 5, 7 10 năm). Nếu để rổ trên mặt bàn, bạn có thể nghiêng rổ đổ bỏ một phần lớp đất trên (do lâu ngày khiến phân bón thành mùn). Nhưng bạn không nên làm vậy với lớp đất tầng dưới. Bởi vậy, nhắc lại lần nữa: nên dùng loại đất trồng không thể bị mủn nát cho tầng dưới (Diatomite là một lựa chọn tốt).

Tầng trên là vùng đất chính thức cho rễ phát triển. Loại đất trồng với hạt độ như thế nào sẽ được chúng ta bàn luận sâu thêm trong phần đưa cây vào rổ. Điều cần nêu trước cho các bạn nên có ý niệm rõ ở đây là việc “kinh nghiệm của bạn về đất trồng cho cây theo tỉ lệ nào ở chậu bonsai thì cũng nên dùng hệt tỉ lệ đó cho phần đất trên trong rổ”. Hoặc bạn cũng có thể làm điều ngược lại: dùng tỉ lệ hỗn hợp ở rổ cho một loài cây thế nào thì cũng hệt tỉ lệ cho cây ấy trong chậu bonsai. Lý do đơn giản: cây sẽ không hề bị sốc khi chuyển từ rổ sang chậu vì rễ không phải điều chỉnh cho phù hợp đất trồng mới.

Cọng mồi. Các bạn không thấy ghi ở mục tên các điểm quanh cái rổ, nhưng cọng mồi gần như là một vật không nên thiếu khi trồng rổ. Cọng mồi có thể là một cọng rơm, hoặc ít sợi dớn trồng lan (với mình thì sợi dây dù là thứ hợp lý và dễ kiếm), nói chung là những thứ mềm mại dẫn được nước và không hư mốc (vải vụn rất dễ gây nấm mốc).
Cọng mồi là phần nối từ đất trồng xuyên qua đáy rổ ra ngoài không khí (đó là lý do chân đế rổ cần hở). Sức mao dẫn của nước sẽ “giúp nước đọng” trong đất trồng thoát hết ra ngoài theo cọng mồi.

Tuổi thọ của rổ nhựa

Đương nhiên là rổ rẻ tiền thì tuổi thọ kém hơn rổ đắt tiền. Rổ rẻ tiền: mức rổ mỏng, phẩm chất nhựa xấu (% nhựa tái sinh cao nên kém đàn hồi). Thế nhưng có xấu thì loại rổ rẻ tiền cũng có thể trụ được 2,3 năm nếu nó được tưới nước thường xuyên ngày 2,3 lần. Các bạn cũng nên để ý: ánh sánh mặt trời là thứ biến chất trên nhựa mạnh nhất, kế đó là nhiệt độ. Bởi vậy, nếu trồng cây rổ mà tàn cây che chắn phần nào đó, thì rổ để ngoài nắng cũng trụ được lâu hơn. Nếu đặt rổ trên suối nước thì 10 năm sau mình thấy nó vẫn dùng được.

Tóm lại: rổ nhựa càng tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời (tia tử ngoại = cực tím) thì càng chóng trở nên khô giòn.

Rổ nhựa và các liên quan việc phát triển rễ

Có lẽ khởi đầu thì ông Cụ Kusida Matsuo chỉ nghĩ đến rổ nhựa vì nó thoát nước. Thế nhưng rồi sau khi nhiều người áp dụng, mới thấy phát sinh ra vô số chuyện hay ho.

Tất cả những chuyện hay ho đó luôn là khởi đầu từ hệ rễ. Đúng với chuyện: hễ rễ mạnh và ổn rồi thì phần thân cành bạn làm kiểu nào cây cũng khó chết. Chúng ta sẽ lần lượt rà lại xem từ khởi đầu cho đến sau này, kiểu trồng rổ đã đem lại những lợi ích gì cho rễ.

Mục đích ban đầu

Trong bài viết về Trồng Thông đen NB bằng rổ, Ông Kusida Matsuo hoàn toàn chỉ nói đến rổ nhựa như là một cái chậu cực tốt và rẻ: giúp thoát nước nhanh và thoát hết nước.

Bạn cũng đừng quên là việc đó chỉ xảy ra khi bạn dùng loại đất trồng có hạt độ tối thiểu cỡ hạt đậu xanh trở lên. Chứ mà bạn lấy đất vườn hay cát mịn cho vào rổ thì nước cứ là xuống chậm như thường, và có
khi còn không đủ nước để xuống (lòng đất tâm rổ) vì nước tràn ra lỗ thành rổ.

Thành thử, nếu là cây con cỡ cọng nhang (vốn cần đất mềm, mịn, thoáng, ẩm để giúp sớm ra rễ con) mà đem trồng vào rổ với loại đất hạt thô thì chưa chắc đã tốt. Bởi vậy, ông KM đã chờ đến khi cây Thông con được 2 tuổi. Bộ rễ đã hình thành và cứng cáp mới bắt đầu tỉa, xếp rễ vào rổ với đất trồng hạt độ khoảng 3-7 mm.

Mục đích đầu tiên: thoát nước nhanh, chính là giúp rễ Thông không bị úng nước/phân. Kế nữa, việc nước rút sạch giúp rễ Thông dễ cứng cáp (đất khô ráo) khiến việc tưới nhiều lần (để nhiều phân viên trên mặt) sẽ giúp rễ lấy được nhiều phân nhờ nhiều nước chảy. Đó là lý do trồng rổ giúp cây chóng lớn, rễ an toàn.

Ưu điểm nảy sinh thứ nhất:cây không bao giờ bị khựng

Từ ưu điểm thoát nước, cây Thông trong rổ lớn nhanh. Cứ bình thường thì khi rễ đầy chậu, chúng ta nên thay đất tỉa rễ để tránh trường hợp rễ bị bó chặt khiến nước không thể “chảy tốt” lên bề mặt các sợi rễ. Nếu để chuyện bó rễ (root bound) xảy ra lâu, cây sẽ rất yếu đến độ gần như không phát triển.

Điều cần là tỉa rễ thay đất để có thể trồng lại trong chậu cũ, vì chúng ta cần chóp rễ gần gốc để đưa cây vào chậu bonsai nên mới làm thế, mà thay đất tỉa rễ thì:

  • Cây lá bản phải tỉa bớt số lá (hoặc cắt mỗi lá nhỏ đi 1/2, 1/3)
  • Cây lá kim như Thông thì có thể khỏi cắt bớt lá (nhưng cũng có thể nhổ bớt lá hoặc cắt ngắn lá) mỗi khi chúng ta tỉa bớt rễ, thay đất.

Điều này khiến cây luôn luôn bị sốc, khựng lại một thời gian (để chấn chỉnh lại hệ thống rễ). Thời gian đứng khựng lâu mau thì tùy loài, giống cây. Có thể cây lá bản chỉ cần hơn 1 tháng là hồi phục. Nhưng như cây Thông thì tối thiểu cũng mất 6 tháng tới 1 năm để từ từ hồi phục và 16 tháng tới 2 năm để phát triển bình thường trở lại.

(Chứ nhà vườn thì họ không có mục đích chuyển cây vào chậu bonsai, nên họ cứ là nhấc cây có bàu đất chặt rễ ở chậu nhỏ và đặt cả bàu đất ấy vào chậu lớn hơn, thêm đất đầy chậu là xong. Dĩ nhiên, chậu lớn hơn
thì giá bán cao hơn.)

Từ chuyện đó cho thấy ưu điểm tuyệt vời của kỹ thuật trồng rổ: hễ rễ thò ra lỗ rổ thứ nhất thì cứ thế là đặt rổ thứ nhất vào rổ thứ hai (như nhà vườn đặt vô chậu lớn hơn). Thế là rễ lại tiếp tục có đất mới để phát.

Tình trạng đứng khựng không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, vì mục đích bonsai, cần rễ gần gốc vào phút chót (khi cây đủ lớn) cho nên chúng ta vẫn cần tỉa rễ. Chỉ là chúng ta sẽ không tỉa hết rễ một lúc như trồng chậu. Chúng ta chỉ việc lấy liềm, thọc vào ngoài thành rổ thứ nhất cứ đứt hết rễ ở khu vực 1/4 thứ nhất. Vậy là xong.

Mỗi 3 tháng bạn tỉa bỏ 1/4, sau 1 năm bạn tỉa hết rễ quanh gốc. Lượng Kích thích tố phát triển trao đổi giữa rễ và chồi lá (mình gọi là vòng luân chuyển Auxin) sẽ không bao giờ bị giảm đột ngột (do cắt nhiều rễ) khiến giúp cho cây phát triển liên tục. Chính nhờ vậy mà cây lớn nhanh.

Ưu điểm nảy sinh thứ nhì: Rễ sớm phân nhánh

Rõ ràng là khi ông Kusida Matsuo dùng rổ trồng Thông thì chỉ nghĩ đến việc thoát nước. Ông Kusida Matsuo đã không ngờ là việc này chính là một phát kiến mới cho vấn đề huấn luyện bộ rễ bonsai ngày nay.

Bình thường thì chóp rễ có vùng sinh trưởng, khi được kích thích từ đọt chồi lá rễ sẽ tăng trưởng nhanh. Sự tăng trưởng của vùng đỉnh rễ hoàn toàn chỉ ở chiều dài rễ. Vì vậy, nếu trồng trong chậu, chóp rễ vẫn tiếp tục nhận lệnh kích thích từ đọt lá thì nó vẫn cứ dài mãi mãi. Chỉ khi nào đọt lá không gửi tín hiệu thì nó mới dừng (hoặc chậm lại). Một trường hợp thứ nhì là nếu đọt lá tiếp tục gửi tín hiệu, nhưng vùng sinh trưởng chóp rễ không hoạt động, thì kích thích tố ấy sẽ “kích” lên “sinh mô dưới vỏ rễ” (vùng sinh mô này giữ nhiệm vụ tăng trưởng ngang, rễ mập ra). Vùng sinh mô dưới vỏ rễ khi bị kích thích tăng trưởng (tức là đọt lá bảo :”tụi tui cần nhiều nhựa!”) thế là thay vì sinh ra tế bào nhu mô để làm mập rễ, vùng này sinh ra tế bào sinh trưởng thành lập rễ mới. (chuyện này y hệt chuyện chúng ta khoanh vỏ ngang thân khiến vùng trên vết cứa bị ùn nhựa luyện khiến kích thích vùng sinh mô nảy ra rễ = chiết cành)

  • Từ nhận xét trên, chúng ta có thể nhận ra ngay tại sao rễ ở rổ nhựa khi ló ra khỏi lỗ rổ đã bị khựng lại. Vùng sinh trưởng ở chóp rễ đã không thể hoạt động. Điều này đưa tới việc kích thích tố từ đọt lá đưa xuống kích thích rễ nảy thêm nhiều rễ con phía trong. Những rễ con này lại tiếp tục bị khựng khi tiến ra thành rổ (nơi thoáng khí và có nước chảy mạnh nhất). thế là chu trình khựng rễ, phát rễ tiếp tục. Kết quả là rất nhiều chóp rễ dẫn tới cây lấy được nhiều nước + muối khoáng nên mạnh, chóng to.
  • Stangle: Kiểu rể quấn quanh gốc làm nghẹt sức phát của gốc thân (nên mới có tên: bóp cổ). Đây là kiểu rất thường thấy ở cây Thông trồng trong chậu mà suốt từ lúc nảy ra bởi hạt cho đến lớn không hề tỉa rễ. Mình hay gọi là gốc bị “cù néo”.
  • Twist: Rễ vặn. Cũng là xoắn vặn thành vòng, nhưng trường hợp này bản thân rễ không “tự vặn”. Bình thường thì nó mọc thẳng xuống, khi chạm đáy tròn thì nó vặn mình quanh đáy.
  • Crank handle: Rễ kiểu “tay quay”. Các bạn nhớ hình dạng cái tay quay nước giếng chứ nhỉ. Kiểu này dễ xảy ra cho những loài cây vốn có bộ rễ xòe ngang để dễ lấy “thức ăn” ở lớp đất mặt. Nhưng khi bị trồng vào chậu, rễ chạy ngang xong là cụp xuống theo thành chậu. (Loài cây Japanese Maple rất dễ bị kiểu này nếu ươm thẳng từ hạt).
  • Pot-bound: Rễ dày đặc trong chậu. Để ý các bạn sẽ thấy tình trạng này xảy ra mà cây vẫn sống không phải là rễ phát ra đầy các khu vực “bầu đất” cùng lúc. Ngược lại, khởi đầu rễ chạy ra hết thành chậu và phát triển, chia nhánh, đầy mặt ngoài bầu đất (mặt tiếp xúc thành chậu). Khi những rễ này già, chúng phát rễ mới. Đám rễ mới sẽ ép mớ rễ già, cũ vào trong (để lấy chỗ phát). Việc như thế tiếp diễn nhiều lần. Cứ rễ mới ép rễ cũ vào trong. Cuối cùng, chậu đặc nghẹt rễ với đất. Nhưng thực sự, chỉ có mỗi đám rễ ngoài thành chậu là còn sống.
  • Spiral: Rễ xoắn kiểu trôn ốc. Đây là kiểu đặc biệt của một số giống cây. Rễ cây Thông
    cũng có khuynh hướng tự xoắn như vậy (ở cả rễ cái lẫn rễ con. Đó là lý do dễ dẫn đến chuyện quấn vòng gốc = bóp cổ)
  • Well developed: Kiểu rễ phát tốt. Phát triển tốt ở đây có 3 ý nghĩa:
    a. hệ rễ phân nhánh liên tục khiến len vào mọi vùng đất trồng : dưới gốc, quanh gốc
    b. gần như các rễ cùng cỡ lớn và chiều dài.
    c. nhiều chóp rễ (lấy được nhiều nhựa nguyên).

Ưu điểm nảy sinh thứ 3: Thân cây mau lớn

Các bạn đã biết rằng cây có quá trình tích trữ dinh dưỡng vào thân và rễ (quá trình này đặc biệt mạnh vào mùa thu). Việc tích trữ này làm thân và rễ phình to ra. Vậy giờ rễ được tỉa thường xuyên để chỉ nhỏ (và nhiều chóp rễ hút dinh dưỡng) như hình dưới thì cây còn biết để dinh dưỡng vào đâu nếu không cất vào thân?

Vài đúc kết từ việc trồng cây trong rổ từ thực tế

Cây tùng cối có thể mọc tốt khi trồng rổ nhựa với chất trồng là xỉ than (không trộn thêm gì khác), dưới đây là hình ảnh so sánh cây sau gần 1 năm. Có thể bạn sẽ còn trồng tốt hơn nữa nếu chịu khó tưới phun sương nhiều vào buổi tối, và phân bón cho nó nhiều hơn mình.

Vấn đề rễ chạy trong rổ thế nào là chuyện cần suy nghĩ. Khi bạn đặt rổ xuống một mặt đất ẩm.

Để rễ chạy đều khắp bầu đất như ta mong muốn, trước tiên là chất trồng nên thoáng để khi tưới cây nước dễ dàng chạy khắp bầu đất. Tiếp theo là cần có 1 kế hoạch tỉa rễ hợp lý. Đối với trường hợp nhỏ là giâm cành thì phương pháp của mình là đặt cây lên những mảnh luồng ghép thế này (hình dưới). Gió & ánh sáng sẽ luồn vào dưới đáy rổ làm rễ dưới đáy rổ không mọc được (kiểu này không có tác dụng với sanh, si, đa vì rễ của chúng là rễ khí sinh. Để tỉa rễ ta buộc phải lôi cả cây lên cắt rễ thôi).

Rổ đặt trên luồng nghiêng ngả mất thẩm mỹ vậy chứ thực ra cũng có tác dụng thoát nước nhanh hơn, tránh úng. Mà mình chưa kiếm đâu ra cọng rơm mồi nên đành để nghiêng đi vậy. (có thể bạn cho là mình khuếch đại, việc này thừa. Nhưng sau trận mưa rào bạn cầm chiếc rổ để bằng trên đất nghiêng đi sẽ thấy nước chảy ra khá nhiều, lượng nước này với thông có thể là rất tai hại).

Với những cây bán thành phẩm, lời khuyên “Chậu huấn luyện cây nên có kích thước gần tương đương với chậu thành phẩm” tỏ ra hữu ích, bạn sẽ không cần băn khoăn về việc tỉa rễ dưới phần đáy chậu thế nào (bạn sẽ cần làm việc này nếu trồng trong chậu sâu hơn chậu thành phẩm)

Thử nghiệm lót túi nilon vào rổ, mục đích là để rổ lâu mục, dùng được nhiều lần (cho đỡ tốn tiền!). Kết quả: không ăn thua! Luôn tiềm tàng nguy cơ úng nước, khó thay rổ và không có khả năng cắt rễ bằng không khí (air pruning)

Trồng chậu nhỏ trong chậu to rất tiện trong việc cắt rễ và thay chậu sau này.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon