Chia sẻ cách nhân giống cây Thu Hải Đường – Begonia bằng lá

Chia sẻ cách nhân giống cây Thu Hải Đường – Begonia bằng lá

Begonia (Thu Hải Đường) là một chi thực vật khổng lồ. Nếu tính các loài và giống (species and cultivars) đã được ghi nhận thì số lượng phải hơn 1000. Cả nhà có thể xem danh sách gồm tên khoa học và ảnh của hơn 1000 loài đó tại bài này ạ: Tra cứu tên khoa học của các loài cây thuộc chi Begonia (chi Thu Hải Đường) bằng hình ảnh

Các loài và giống Thu Hải Đường Begonia tương đối dễ chăm. Yêu cầu chung của các loài Thu Hải Đường là độ ẩm cao, đất hơi ẩm một tý và đặt cây ở nơi có ánh sáng từ khá thấp cho đến rất cao (mình đã thử trồng một số giống Begonia ở sân thượng không có mái che, cây hưởng ánh nắng mặt trời trực tiếp cả ngày trong mùa hè Hà Nội và cây không có dấu hiệu cháy lá, có lẽ do qua nhiều đời F2, F3, F4,… càng ngày cây càng giữ được đặc tính “thuần nắng”). 

Có rất nhiều cách nhân giống Thu Hải Đường Begonia như cắt cành (cuttings) cắm nước, cắm đất; tách các cụm cây con. Các cách đó khá tương đồng với các loài cây khác, tuy nhiên riêng Thu Hải Đường Begonia có một cách nhân giống khá đặc biệt và vô cùng thú vị: Nhân giống bằng lá (không phải lá có cuống mà một phiến lá không cuống được chia thành nhiều mảnh và giâm nhiều mảnh đó xuống đất, mỗi mảnh sẽ mọc thành một cây độc lập). 

Mình đã áp dụng cách này cho khoảng chục loài Thu Hải Đường Begonia và kết quả khá tích cực. Có 4 giống sau mình thấy tốc độ mảnh lá đâm rễ và mọc chùm cây con có xu hướng nhanh hơn các loài, giống khác:

  • Thu Hải Đường CeliaBegonia Celia
  • Thu Hải Đường Harmony’s Pink Satin – Begonia Harmony’s Pink Satin
  • Thu Hải Đường Rex Tiger – Begonia Rex Tiger
  • Thu Hải Đường African Jungle – Begonia African Jungle 
Thu Hải Đường Celia - Begonia Celia chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) tại Hà Nội 10/2020
Thu Hải Đường Celia – Begonia Celia chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) tại Hà Nội 10/2020
Thu Hải Đường Harmony's Pink Satin - Begonia Harmony's Pink Satin chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) tại Hà Nội 10/2020
Thu Hải Đường Harmony’s Pink Satin – Begonia Harmony’s Pink Satin chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) tại Hà Nội 10/2020
Thu Hải Đường Rex Tiger - Begonia Rex Tiger chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) - 10/2020
Thu Hải Đường Rex Tiger – Begonia Rex Tiger chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) – 10/2020
Thu Hải Đường African Jungle - Begonia African Jungle chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) - 10/2020
Thu Hải Đường African Jungle – Begonia African Jungle chụp tại nhà mình (Dũng Cá Xinh) – 10/2020

Và hôm nay mình xin chia sẻ các bước cũng như các vấn đề cần lưu ý khi nhân giống Thu Hải Đường Begonia bằng lá:

Nhân giống Thu Hải Đường Begonia nói chung bằng lá

Mình xin mượn một số hình ảnh của website SunBadger để minh hoạ cho dễ hiểu ạ. 

Chọn lá

Một trong những phương pháp nhân giống ít được biết đến là tận dụng khả năng “đặc biệt” mà một số cây sở hữu: Ví dụ ở Begonia Thu Hải Đường, một trong nhiều chi thực vật vô tính có thể phát sinh rễ từ các gân lá (leaf veins).

Việc đầu tiên phải làm là chọn một chiếc lá để làm “mẫu vật nhân giống”. Đừng chọn một chiếc lá quá non và mềm, nhưng cũng đừng chọn một chiếc lá già và ít năng lượng (lá nhiều hơn 2 tháng mình coi là lá già). Một chiếc lá ở vị trí bất kỳ với kích thước khoảng 70 – 80% so với lá lớn nhất của cây, đã phát triển hoàn toàn và không quá 2 tháng tuổi theo cá nhân mình là lý tưởng. Những lá như thế này sẽ có sức sống tốt nhất và cũng không quá mỏng manh (những lá già hơn mình đã thí nghiệm, cũng có thể sinh rễ, nhưng tốc độ chậm hơn hẳn).

Good = lá hoàn hảo để làm "mẫu nhân giống". "Too old" là lá quá già, vẫn dùng được nhưng tốc độ bung rễ thường chậm hơn. "Too young" là quá non, xác suất thối không bung rễ cao.
Good = lá hoàn hảo để làm “mẫu nhân giống”. “Too old” là lá quá già, vẫn dùng được nhưng tốc độ bung rễ thường chậm hơn. “Too young” là quá non, xác suất thối không bung rễ cao.

Cắt lá thành nhiều mảnh 

Tiếp theo, anh chị em hãy lật chiếc lá lên để có thể nhìn thấy rõ mặt dưới của lá. Bằng cách này chúng ta có thể xác định rõ các đường gân chính (veins) của lá. Ngay cả ở những loài Begonia (Thu Hải Đường) màu sắc rực rỡ, các gân lá vẫn có xu hướng nhô lên đáng kể so với bề mặt lá và dễ dàng có thể cảm nhận được.

Dùng một dụng cụ cắt vô trùng (kéo, dao nhúng nước sôi hoặc cồn pha loãng), sắc bén, cắt lá thành các đoạn nhỏ hơn. (Mình luôn nhấn mạnh phải vô trùng dụng cụ cắt và phải dùng đồ cắt sắc để tránh vết cắt bị nhiễm trùng hoặc bị dập dẫn đến thối). Anh chị em muốn cắt thế nào không quan trọng: Tròn, tam giác, chữ nhật, …. Điều quan trọng nhất là mỗi đoạn phải bao gồm một gân lá chính. Đây chính là nơi mà gốc rễ sẽ phát sinh.

Mình cũng hay cắt lá thành 5 hoặc 6 miếng như hình bên dưới. Cắt thành hình vuông có thể được nhiều mảnh hơn, nhưng mình có xu hướng cắt thành các mảnh lớn hơn với niềm tin các mảnh lớn hơn sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn cho sự phát triển ban đầu của rễ (có thể mảnh lớn với tiết diện lớn sẽ có nhiều diện tích quang hợp hơn và từ đó có nhiều năng lượng dồn xuống gốc gân khiến gốc gân bung rễ nhanh hơn và mạnh hơn).

Úp lá xuống sẽ dễ dàng nhìn ra các đường gân chính của lá. Mình hay cắt lá thành các mảnh như hình với mỗi mảnh đều chứa gân chính của lá.
Úp lá xuống sẽ dễ dàng nhìn ra các đường gân chính của lá. Mình hay cắt lá thành các mảnh như hình với mỗi mảnh đều chứa gân chính của lá.

Ngâm hóc môn kích rễ và giâm mảnh lá

Bước tiếp theo mình thường làm là nhúng phần cuối của mỗi mảnh chứa gân lá vào hormone kích rễ (có nhiều loại khác nhau, nhưng em do tài chính khá eo hẹp nên hay dùng N3M của Việt Nam có bán trên shopee) dạng lỏng (hoặc bột). Bước này có thể được bỏ qua, nhưng mình thấy nó có thể làm tăng cơ hội ra rễ và khiến quá trình ra rễ xảy ra sớm hơn. Một chú ý là nên pha với liều lượng chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 khuyến cáo ghi trên nhãn và chỉ nên nhúng 2,3 giây, không nên lâu hơn đối với phương pháp nhân giống bằng lá này.

Có thể dùng các loại hóc môn kích rễ để tăng tốc độ bung rễ. Một chú ý là nên pha với liều lượng chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 khuyến cáo ghi trên nhãn và chỉ nên nhúng 2,3 giây, không nên lâu hơn đối với phương pháp nhân giống bằng lá này. Sau 2,3 giây ngâm hóc môn thì cắm các mảnh vào giá thể nhẹ, thoát nước tốt và giữ ẩm tốt (nhiều mùn dừa)
Có thể dùng các loại hóc môn kích rễ để tăng tốc độ bung rễ. Một chú ý là nên pha với liều lượng chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 khuyến cáo ghi trên nhãn và chỉ nên nhúng 2,3 giây, không nên lâu hơn đối với phương pháp nhân giống bằng lá này. Sau 2,3 giây ngâm hóc môn thì cắm các mảnh vào giá thể nhẹ, thoát nước tốt và giữ ẩm tốt (nhiều mùn dừa)

Tiếp theo, ấn nhẹ vết cắt khoảng 0,5cm – 1 cm vào bầu giá thể đã được làm ẩm trước. Đảm bảo rằng các phần gốc mảnh chứa gốc gân (phần đã được ngâm hóc môn) được chôn chặt dưới giá thể. Có nhiều cách trộn giá thể, nhưng mình thường dùng hỗn hợp: 8 phần mùn dừa – 1 phần phân trùn quế – 1 phần đá perlite (hoặc pumice). 

Mình cũng đã thử nghiệm cách đặt các mảnh lá chứa gân kia lên giá thể theo chiều ngang (như kiểu đặt tờ giấy lên bàn) thay vì để dựng đứng và cắm một phần mảnh lá vào giá thể như trên hình. Phương pháp đặt bằng phẳng có vẻ hợp lý hơn khi cắt lá thành các mảnh hình vuông. Nhưng sau nhiều lần thí nghiệm, mình nhận thấy rằng tỷ lệ các mảnh bị thối rữa ra cao hơn hẳn. 

Để không bị dập phần gốc mảnh, có thể đặt dựng đứng rồi đổ thêm giá thể xung quanh làm sao cho ngập phần gốc mảnh này và giúp cho phần gốc mảnh đứng vững, không lung lay. 

Sống còn để cành giâm này bung rễ là không được quá khô và cũng không được quá sũng. Quá khô mảnh lá sẽ héo và quá sũng nước mảnh lá sẽ ủng và thối rữa hoặc bị nấm mốc mà chết. 

Cái này rất khó chia sẻ chính xác vì cần theo dõi độ ẩm môi trường, nhiệt độ, tốc độ bốc hơi của nước, tốc độ gió xung quanh. Có lẽ anh chị em phải thí nghiệm nhiều lần để ra được quy trình chính xác. Sẽ có một tỷ lệ mảnh lá bị thối rữa nhất định, điều này là chắc chắn. Em đã làm đi làm lại nhiều lần và vẫn luôn có xác suất mảnh lá chết, rất khó để đạt tỷ lệ 100% khi không có môi trường phòng thí nghiệm. 

Vấn đề nhiệt độ

Nhiệt độ là một vấn đề quan trọng. Theo nhiều tài liệu và kinh nghiệm của bản thân, khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C (60 độ F) thì tốc độ bung rễ trở nên chậm hẳn. Khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C (50 độ F) thì gần như các mảnh lá sẽ dừng bung rễ. Có một “trick” nhỏ, cực kỳ hữu hiệu đối với việc nhân giống Thu Hải Đường (Begonia), đó là tăng nhiệt độ đất cao hơn nhiệt độ không khí. Chỉ cần làm cho giá thể, đất cao hơn nhiệt độ không khí khoảng 3,4 độ C thì rễ sẽ bung khá nhanh (miễn là nhiệt độ không khí không thấp hơn 10 độ C). Trong điều kiện nhiệt độ khoảng 20 – 25 độ C mình thấy rễ bung nhanh không cần dùng các phương pháp tăng nhiệt độ đất. Khi nhiệt độ >25 độ C, điều kiện đất ẩm trong nền nhiệt này dễ làm sản sinh ra một số loại nấm bệnh và côn trùng có hại (khá giống các loài sâu bệnh hay gặp ở cây Hương Thảo Rosemary, anh chị em xem thêm ở bài này ạ: Các vấn đề thường gặp khi trồng Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis): Cách xử lý, nguyên nhân và cách phòng tránh). 

Đặt bầu giá thể vào các thảm nhiệt (heating pad) (giá dao động 500 - 1 triệu) và luôn đo nhiệt độ của không khí cũng như của đất một cách riêng biệt để dễ dàng điều chỉnh nhiệt của thảm.
Đặt bầu giá thể vào các thảm nhiệt (heating pad) (giá dao động 500 – 1 triệu) và luôn đo nhiệt độ của không khí cũng như của đất một cách riêng biệt để dễ dàng điều chỉnh nhiệt của thảm.

Vấn đề độ ẩm & ánh sáng

Độ ẩm cũng là một yếu tố rất cần lưu ý. Độ ẩm cực kỳ quan trọng khi nhân giống các loại Thu Hải Đường Begonias, đặc biệt là các giống Begonia Rex. Không khí ấm áp mà không có độ ẩm sẽ làm mất độ ẩm của mảnh lá giâm trước khi chúng có cơ hội mọc rễ. Điều này vẫn đúng ngay cả khi bạn giữ ẩm cho đất, các mảnh lá vẫn quang hợp và thoát hơi nước vào không khí. Không khí quá khô cơ bản sẽ giết chết mảnh lá từ trên xuống dưới. Nên phun sương vào mảnh lá để giữ ẩm. 

Hầu hết anh chị em không có môi trường nhà kính, nhưng cả nhà có thể dễ dàng tái tạo môi trường nhà kính  chỉ bằng cách: Bọc chậu và giá thể có mảnh lá vào một túi ni lông trong suốt và giữ bọc này ở nơi ấm áp, có ánh sáng gián tiếp trung bình (Thi thoảng vẫn cần phải cho mảnh lá thở bằng cách bỏ túi ni lông ra, không khí thoáng sẽ hạn chế nấm mốc phát triển). Trong tự nhiên, Các loài Thu Hải Đường Begonias mọc dưới tán các cây cao hơn, anh chị em cố gắng tái tạo môi trường có ánh sáng tương tự. Thu Hải Đường chịu được ánh sáng tương đối thấp, mình để chúng trong nhà xa cửa sổ, cây vẫn rất ok, không có biểu hiện stress. 

Thời gian để mảnh lá bung rễ

Với điều kiện thích hợp, thường mình sẽ nhìn thấy các cây con nhú lên sau khoảng 4-5 tuần. Tùy thuộc vào môi trường mà quá trình bung rễ này có thể mất ít hoặc nhiều thời thời gian hơn. Quá trình chậm hơn thường do nhiệt độ thấp hoặc thiếu ánh sáng. Đừng lo lắng! Miễn là cành giâm lá không bị thối rữa và có vẻ còn sống, mọi thứ sẽ ổn. Cứ để cho mảnh lá tự “hồi sinh”! 

Sau 4 tuần thì các mảnh lá thường bung rễ đủ để phát triển thành một cây độc lập
Sau 4 tuần thì các mảnh lá thường bung rễ đủ để phát triển thành một cây độc lập

Sẽ mất thêm 1,2 tuần hoặc lâu hơn trước khi cả nhà có thể nhìn thấy cây con. Cây con khởi đầu khá chậm chạp, nhưng tăng trưởng rất nhanh khi bung lá to ra. Khi trưởng thành và bắt đầu quang hợp, chúng sẽ tạo thức ăn cho riêng chúng thay vì dựa vào mảnh lá mẹ. 

Sẽ phải mất thêm 1 hoặc vài tuần để các lá con xuất hiện và bắt đầu phát triển.
Sẽ phải mất thêm 1 hoặc vài tuần để các lá con xuất hiện và bắt đầu phát triển.

Khi cả nhà đã nhìn thấy cây con, đó là thời gian để điều chỉnh lại độ ẩm môi trường và độ ẩm của đất. Lúc này mảnh lá giâm đã có bộ rễ khá tốt để có thể tự lấy nước và không cần phải bổ sung một cách thủ công (phun sương). Vào lúc này có thể bổ sung phân bón nhẹ để kích thích cây phát triển. (chú ý là cực kỳ ít thôi không lại thành cháy cây do phân). 

Khi chúng đã cao khoảng 3 – 5cm, anh chị em có thể nhẹ nhàng bưng chúng ra trồng ở chậu độc lập. Tuy Thu Hải Đường Begonia ưa ẩm nhưng vẫn sẽ chết nếu để cây “ngồi trong nước”, vẫn nên áp dụng quy tắc tưới nước của người Trung Quốc: “Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu” ạ. 

Khi các lá con cao tầm 3cm có thể tách riêng ra để trồng chậu như một cây độc lập.
Khi các lá con cao tầm 3cm có thể tách riêng ra để trồng chậu như một cây độc lập.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon