Bonsai và thiên hướng thêm nhiều yếu tố nghệ thuật

Bonsai và thiên hướng thêm nhiều yếu tố nghệ thuật
Đánh giá

Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.

Những thứ vô dụng ở Thiên nhiên

Hẳn là bạn sẽ thốt lên: Chuyện tầm bậy! Vô phép! Vô thiên!
Thực ra thì nghệ thuật bonsai được tạo ra từ cảm xúc của các nghệ sĩ nhiều hơn hẳn so với nghệ thuật lấy thẳng từ hình tượng ngoài thiên nhiên. Đấy chính là tiền đề hết sức quan trọng, mà bạn nên làm quen với nó ngay đi, nhằm để tạo thêm được nhiều tác phẩm bonsai đầy ý nghĩa hơn nữa.
Bạn đừng quên: nghệ sĩ không làm cái việc sao chép chuyện trước mắt, nghệ sĩ thực hiện việc diễn dịch và mô tả.

Bạn cứ gom hết cái danh sách “những cái lỗi trong tạo dáng bonsai” rồi ra ngoài trời, khu lân cận, công viên hay bìa rừng là bạn sẽ thấy ngay mấy thứ mà sách vở bonsai bảo :”đừng làm thế này, đừng để thế kia” thì nó xuất hiện đầy trên mấy cái cây bạn gặp trên đường đi.
Quan trọng là bạn nên hiểu thật rõ những kiểu mọc rành rành trên cây cối ngoài thiên nhiên như thế kia thì thực sự “phần lớn” nó lại chả ăn nhập gì tới những nỗ lực sáng tạo của bạn: chúng là thứ vô dụng.

Những thứ được gọi là hữu dụng chính là những kiểu phát triển ở cây bonsai truyền đạt được tới người xem, hoặc chả truyền đạt được gì cả và những thứ đó có hỗ trợ cho mục tiêu của thiết kế hay là đi chệch ra ngoài mục đích sáng tạo.

Thực sự là những kiểu mọc, mà sách vở bonsai gọi là “lỗi”, thì chúng vốn không phải là những “lỗi” do cây cối tạo ra trong thiên nhiên, hoặc do những quy tắc bảo vậy, nhưng là do chúng đã không hoàn toàn góp phần vào việc giúp cho chuyện truyền đạt có hiệu quả, hay làm cho bố cục tác phẩm thêm súc tích. Chúng thường đi ngược lại với mục tiêu mà nghệ sĩ muốn truyền đạt. Nói rộng ra thì những kiểu phát triển này không phải
là những “chi tiết” đạt mức mỹ thuật tối thiểu, dưới mắt chúng ta (nên chúng ta coi là lỗi).

Lưu ý: Đây chỉ là những tiêu đề đại cương, chứ chả có ý bảo: thấy cây ngoài thiên nhiên có kiểu phát cành nào không hay thì cứ theo đó cắt bỏ ở cây bonsai của bạn. Mặc dù thực ra thì điều ấy là đúng. Trong sáng tạo nghệ thuật thì cũng lắm cách để xài mấy thứ “không mấy hoàn hảo ngoài thiên nhiên”. Mấy thứ không hoàn hảo này trông thì có vẻ là “phạm lỗi” theo quy tắc bonsai thật, nhưng bảo dùng quy tắc bonsai để giải thích tại sao nó lỗi thì e là chả dễ gì. Ấy thế nhưng nếu “mấy thứ không hoàn hảo này” lại giúp cho cây bonsai nhìn thấy hay hơn thì có phải là những quy tắc bonsai nên “xem lại” mấy thứ này.

Hiểu được những chi tiết “không hoàn hảo này” đã biểu lộ sự diễn đạt như thế nào tới người xem, thì ắt là bạn sẽ thấy những hữu dụng của nó nhằm giúp thiết kế bonsai thành công. Muốn thành công, rõ là cần sự hiểu biết thấu đáo.

Những yếu tố “nhìn không tự nhiên” trong Nghệ thuật sáng tạo Bonsai

Có thể bạn sẽ thấy một chuyện kỳ cục: trong khi bạn dồn nỗ lực để ráng tạo ra hình ảnh một cái cây thật ngon lành thì lại nhận được những lời khuyên như vầy: “tránh đừng có theo mấy kiểu phát cành, phát chồi của mấy cây thường thấy ngoài thiên nhiên”.
Ấy, mấy lý do để có những lời khuyên như vậy lại chính là “sáng tạo để lộ nét đẹp thiên nhiên”! (Thế mới chết chứ! Xin lỗi cho việc chơi chữ ở đây).

(1) Tinh giản hóa cuộc sống

Tinh giản là một trong những điều cơ bản trong việc sáng tạo nghệ thuật. Lý do cần xài việc tinh giản, chính bởi cách nhận biết sự việc của con người.

Cũng bởi thế, mà sự thật là vậy, nên nghệ sĩ sáng tạo đã chỉ làm cái việc khêu gợi ý nghĩ trong nhận thức người xem, và diễn dịch cái điều mình mô tả, chứ không phải là “sao chép lại’ hình cái cây ngoài thiên nhiên.

(a) Thoạt tiên, cây cối vốn là một sinh vật với cơ cấu phức tạp. Mà rồi chúng ta sáng tạo trên một cây bonsai thì cỡ của nó lại nhỏ quá, thành thử chúng ta phải tinh giản bớt mới đưa ra được một cấu trúc, một cái dáng cây căn bản nào đó. Lý do đơn giản là chúng ta làm gì có đủ nhiều “cơ cấu vật chất”, như cái cây to
đùng ngoài thiên nhiên, để làm ra cái dáng cây đâu. Vậy nên: việc thu nhỏ cái cây thành bonsai dẫn đến việc cần thiết phải tinh giản.

(b) Chuyện kế tiếp khiến phải tinh giản: bạn chả thể nào “ôm đồm để diễn tả” được hết mọi thứ mà người xem có thể “sẽ thấy ra” khi ngắm tác phẩm của bạn.

Để tôi lấy một chuyện rất tuyệt, diễn giải cho điều nêu trên. Khi ông Steven Spielberg, đang là một đạo diễn nổi tiếng trong ngành điện ảnh, được hỏi trong buổi phỏng vấn :”Rất nhiều đoạn phim bị “bỏ lửng”, sao không
chi tiết hóa thêm?”. Ông ấy đã trả lời, ở đây là tôi đang diễn dịch lại ý ông SS, rằng: “Bởi vì khi khán giả xem phim, họ sẽ gom đủ thứ , đã và đang xem, để tưởng tượng tiếp ra nhiều thứ (sau đoạn phim bỏ lửng) mà chúng ta không đủ sức thực hiện (nên không cần thực hiện việc chi tiết hóa thêm).

Điều ông Steven Spielberg gợi ra ở trên mà đưa vào Bonsai thì có phải: chúng ta mà đưa hết các “chi tiết” của cây ra bonsai thì có thể là chúng ta lại chả đạt hiệu quả cao trong việc truyền đạt ý nghĩa tác phẩm được. Thế nên, chúng ta cần tinh giản để chỉ làm cái việc gợi ý, còn chuyện tưởng tượng (câu chuyện quanh tác phẩm) thì để dành cho người xem họ tự thỏa.

Các bạn cho phép mình diễn dịch ý niệm của đạo diễn Steven Spielberg đưa ra ở trên. Hy vọng các bạn nắm rõ hơn về cách dùng tinh giản.

Hẳn các bạn xem phim thường thấy rất nhiều phân đoạn, câu chuyện không quay những diễn tiến tiếp theo, mình gọi là: “đoạn phim bị bỏ lửng”.

Thí dụ như cảnh hai anh chị ngồi cạnh nhau, tỏ tình, anh ghé mặt lại gần, còn chị thì nhắm mắt hé môi, và cảnh từ từ mờ dần rồi mất, sau đó chuyển sang cảnh khác!

Như vậy, đạo diễn họ để khán giả xem phim “tự tưởng tượng” ra chuyện gì sẽ tiếp sau cái cảnh anh sắp hôn và chị đang nhắm mắt chờ. Có phải là đạo diễn họ đã làm cái việc “gợi ý” để người xem “tự tưởng tượng”.

Ông Andy muốn nhắc chúng ta: chỉ gợi chuyện (thí dụ tạo một cành rơi trên cây, hay đặt thêm một cậu hoa cúc bé xíu cạnh chậu bonsai….), còn thì người xem sẽ thả hồn ngắm cây rồi “tưởng tượng” ra cái cảnh cây già, lòng thòng lả vài cành, hay đại thụ vào đầu Thu với bãi cỏ điểm vài bông cúc vàng…

(Vòm lá ) rối như tơ vò

Xếp sắp chi cành, đọt chồi, trong Bonsai vốn là chuyện hết sức quan trọng trong việc cắt tỉa chăm chút để tinh giản tác phẩm. Bạn ra ngoài thiên nhiên ngắm thử mấy đại thụ xem. Có phải cành nhánh của mấy cây này nó phát “loạn xà ngầu”. Kiểu cành nhánh mọc ở bất cứ chỗ nào thuận tiện cho cái cây. Như vậy thì đúng là rơi vào kiểu “cành lỗi” như sách vở kỹ thuật đề cập.

Ấy thế nhưng, nếu bạn đứng xa xa một chút mà ngắm toàn cây thì lại thấy sao “tổng bóng toàn vòm cây” trông nó “thon thả, mượt mà” và “hấp dẫn” thế nhỉ?
Bạn cứ thử áp dụng cái kiểu “mọc lộn xộn” ấy, cho cây bonsai của bạn xem. Có khi cái cây lại lộ ra một hình ảnh hấp dẫn hơn không chừng.

Khi cắt tỉa mấy cái đọt của đám chi dăm, bạn phải tính sao cho nó “có vẻ như” lộ được chút trật tự, có tầng có lớp. Đó cũng chỉ là một cách để tinh giản đấy thôi. Lý do thêm nữa, bạn muốn tỉa sao cho mấy đọt lá này nó hợp với ý thiết kế của bạn. Bởi rõ là, mấy cái chi cành, đọt chồi này sẽ giúp cho việc truyền đạt ý tưởng mà bạn đang nhắm tới; chứ còn để mớ đọt cành mọc lung tung thì chỉ đâm rối và ắt là sẽ kém gợi ra được chuyện bạn muốn.

Thêm một bước nữa: chuyện dễ gây bực mình về “tỉ lệ của lá cây”. Cây ngoài thiên nhiên chúng to đùng, thành thử dù là lá bản hay lá kim, thì lá của cây cũng quá nhỏ so với thân cành. Trong bonsai thì lại chả được vậy.
Đấy chính là lý do chúng ta phải cắt tỉa sao cho lá trên cành gom lại thành” tàng” (tàn lá). Những tàng lá này khiến người xem không còn mấy chú tâm vào cái “sự thật” là lá to, hay dài quá, so với cái cây. Tàng lá cũng giúp cho việc hình thành “tổng bóng” toàn cây được hợp nhất, chứ chả phải là rời rạc từng tàng một.

Bạn xem cây Thông dưới đây thử.

Đám lá kim ở cây Thông trên (hình trước và sau khi tái thiết kế) có cùng cỡ dài ở cả 2 hình. Thế nhưng, lá ở cây Thông bên phải (đã thiết kế lại) trông có vẻ ngắn hơn, do việc thành lập những tàng lá. Những tàng lá này đã gây chú ý cho người xem khiến họ chú tâm vào “tổng bóng”, chứ chả còn dán mắt vào từng cái lá nữa.
Vậy chúng ta có thể nói: Cây có lá được xếp thành tàng sẽ giúp “dấu được” bớt tỉ lệ về cỡ lớn, dài của lá.

Chuyện đơn giản như xếp cành 1,2,3

Trong nghệ thuật sáng tạo, việc xếp đặt thứ tự cành nhánh bonsai, cũng là một ý niệm quan trọng. Chính vì hiểu sai ý niệm này, hoặc không nắm được lý do tại sao lại cần có việc xếp sắp như thế, đã khiến dẫn tới việc “cây bonsai nào cũng có cành 1, cành 2, cành 3” như nhau ráo. Ý niệm “1-2-3” này là chuyện ngắm một cái cây lý tưởng để có 3 cành ở thế: trái-phải-lưng hay là trái-lưng-phải.

Cái kiểu thiết kế 3 cành như trên vốn thuộc một phần trong nghệ thuật sáng tạo cho loại sản phẩm “nghệ thuật thị giác”: tuân thủ theo “hướng nhìn” và “nhịp chuyển” của ánh mắt người xem.

Sắp xếp các cành quanh thân một cách máy móc theo thứ tự như vậy, cốt là để “dẫn dụ” người xem cây, đưa mắt vào đường chuyển động của thân và sau đó là bố cục toàn thân. Bởi thế nên, thực sự thì các cành chả cần phải theo thứ tự trái -phải-lưng hay trái-lưng-phải gì cả, miễn sao mắt người xem “chuyển hướng nhìn, sao cho hợp lý” tới từng cành một. Bằng không, hoặc là mắt người xem sẽ “bỏ sót” một vùng nào đó, hoặc là bị khựng lại, và chả biết sẽ tiếp tục ra sao nữa.

Nói một cách đơn giản: xếp đặt cành nhánh không hay, khiến gây cho tác phẩm chả còn thú vị.
Cành ngang đôi: là 2 cành mọc ngang, vị trí mọc cùng độ cao và đối nhau trên thân. Lấy thí dụ như hai cành ngang đôi đã khiến mắt người xem ngừng lại và người xem sẽ phân vân không biết nên dõi mắt hướng nào (như đứng trước ngã tư đường vậy). Trên thực tế thì mắt người xem vẫn tiếp tục chuyển tia nhìn, tuy nhiên rõ là mắt có hơi bị khựng, gây bực mình vì đường nhìn không còn được trơn tru, tự nhiên tới từng phần và rồi tới toàn thể cây.

Một cây có cành ngang đôi trông như thể là 2 cây: một cây từ cành ngang đôi trở xuống, cây kia từ cành ngang đôi trở lên. Nếu nói chuyện kiểu lý thuyêt sách vở một chút thì có thể bảo: bố cục không trọn vẹn (hai phần rời nhau, thay vì 1 toàn cục).

Chính cành đôi ngang đã tạo ra một “đường chân trời” giữa thân cây. Thế là nó làm lệch hướng phát triển của gốc thân so với mặt đất trồng. Điều này cũng có nghĩa rằng cành đôi ngang này đã gợi ra một đường chân trời hay một mặt đất trồng nào đó, chả ăn nhậu gì tới cái cây bonsai của chúng ta cả.
Chi cành là những thứ chúng ta dùng để “dẫn dụ” mắt người xem, dõi theo hướng chuyển và nhịp điệu của bố cục cây bonsai. Trong khi đó, hai cành đôi ngang lại dẫn tới chuyện làm mắt người xem phải ngừng lại!

Xét riêng về mặt thẩm mỹ và cả mặt nuôi trồng cây cối, người ta cũng tránh để tình trạng cành đôi ngang xuất hiện trên thân. Về lâu về dài, chỗ phát hai bên thân của hai cành đôi ngang sẽ gây tình trạng “đốt thân phù” khó coi. Để ý là một hai năm thì chỗ phù này chưa sao, nhưng lâu dài thì thiệt là coi không được. Vậy nên: chả có lý do gì để cành đôi ngang xuất hiện, làm hư dáng đẹp một cây bonsai.

Cây Phong (Thích Nhật Bản, hình trên) bị giảm nét thẩm mỹ vì sự hiện diện của đôi cành ngang, bằng không nó thực sự rất đẹp. Vùng thân, có đôi cành ngang, đã bắt đầu phù. Càng ngày, vết phù này sẽ càng xấu tợn.

Về mỹ thuật, đôi cành ngang (hình trên) như vẻ đã phân chia cây thành 2 phần. Đôi cành này tạo ra một đường cắt gây khó chịu vì làm lệch hướng của cơ cấu toàn cây. Cả đến cái cành bên trái trông cũng thẳng đơ quá, nhìn nó lộ liễu, chả ăn nhập gì với mấy cành khác của cây Bonsai.

Là nghệ sĩ tạo tác bonsai, chúng ta có nhiệm vụ mời gọi người xem hướng mắt vào bố cục tác phẩm, đồng thời chúng ta cũng cần “dẫn” đường mắt của họ chuyển trên tác phẩm theo một mức nhịp độ nào đó. Điều này vốn thực sự cần cho mọi thể loại nghệ thuật.
Muốn làm được vậy, cấu trúc của một bonsai cần một cách sắp xếp nào đó (thực hiện bố cục).
Nếu bạn chả phô diễn được yếu tố quan trọng này (mời gọi và tạo hướng đường nhìn) qua bố cục tác phẩm, việc sáng tạo của bạn sẽ thiếu nét thú vị và thế là ắt hẳn sẽ giảm sức hấp dẫn tới người xem.

Cây Thông trắng Nhật Bản này (hình dưới) đã khá già tuổi với sức phát triển tới mức, thế nhưng nó lại có một bố cục nghèo nàn quá. Các cành tạo ra một hình ảnh không thuận mắt và cũng chả tự nhiên vì cân xứng đều. Cách xếp cành giống kiểu lấy mấy cái bánh tráng phồng (bánh đa nướng) chồng lên nhau: từ to đến nhỏ dần lên ngọn.
Dẫu cành hai bên thân có cao thấp lệch nhau, nhưng người sáng tạo cây này lại cắt tỉa khiến nhìn tàng lá hai bên thân ngang nhau, thành thử trông như những đôi cành ngang. Có thể nói đây như thể là hình ảnh của những thanh gỗ hàng rào vậy.

Khoảng cách (độ cao) giữa các cành bên trái so với bên phải nên xa nhau thêm thì hay hơn.

Cây Thông đen Nhật Bản này (hình dưới) có cách xếp cành nghèo nàn. Kiểu : trái, trái-phải, phải (kèm theo nhiều khuyết điểm khác ở cây) khiến bố cục tác phẩm mất hẳn nét thú vị.

Kết luận

Trong nghệ thuật có bao nhiêu quy tắc sáng tạo thì cũng có bấy nhiêu cách phá quy tắc nhằm đạt kết quả nghệ thuật. Tuy nhiên, muốn đến trình độ phá bỏ quy tắc thì việc đầu tiên chúng ta cần là phải đạt được mức tuân thủ quy tắc cái đã.
Quy tắc, bản thân nó chả phải là “chuyện quan trọng” gì. Thế nhưng, quan trọng là “quy tắc ấy” được dùng để “biểu lộ” tính mỹ thuật nào.
Là một nghệ sĩ, bạn có thể “chế ra” phương cách nào đó để “diễn đạt”vấn đề. Thế nhưng, dĩ nhiên, bạn chỉ làm được chuyện đó, một khi bạn đã hiểu rõ vấn đề.

Những yếu tố tạo thành bố cục tác phẩm được nêu trong chương này vốn là những chuyện cơ bản, thường thấy trong hầu hết sách vở kỹ thuật bonsai cho nhiều trình độ. Nghiên cứu sâu thêm về những quy tắc này, đồng thời thực hiện nhiều sáng tác sẽ giúp bạn hiểu ra được: những quy tắc này cũng chỉ là những điểm cơ bản để giúp cho cả việc sáng tạo tác phẩm lẫn cả việc chăm sóc cây cối được hoàn thành đạt mức yêu cầu.

Là một nghệ sĩ, bạn có thể tìm ra được cách thức riêng để giải quyết những hậu quả do các quy tắc này tạo ra. Đấy chính là khả năng, là tay nghề trong sáng tạo nghệ thuật.

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ thử nghiệm một số cách thức nhằm trực tiếp liên hệ tới người xem, đồng thời cũng nhắm dẫn dụ họ, để mắt vào những điểm chúng ta muốn, và “vờ đi” những điều không hay trong thiết kế bonsai của chúng ta.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon