Điểm nhấn trong nghệ thuật cây cảnh Bonsai

Ảnh: Olivia Anderson
Đánh giá

Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.

Cạnh việc thiết kế ý tưởng cũng như xếp đặt bố cục, còn nhiều thứ chúng ta cần để ý trong quá trình tạo dựng tác phẩm. Những thứ này sẽ giúp:

  • Liên kết các phần tử trong bố cục hòa hợp làm một.
  • Hoặc bù đắp cho những khuyết điểm hay thiếu sót của tác phẩm.
  • Đồng thời, chúng cũng giúp “dẫn mắt người xem” thẳng tới điểm thú vị của bố cục.

Tránh Trạng Thái Phân Vân (bất đồng nhận thức)

Phân vân (bất đồng nhân thức) vốn là một trạng thái tinh thần nảy sinh trong nhận thức của một người khi có 2 khía cạnh xung đột nhau cho cùng một việc, xảy ra cùng lúc trong đầu.
Thí dụ như vầy:

  • Bạn khoái đường thân của một bonsai (bạn thích bonsai này).
  • Bạn lại nghĩ: cách xếp cành không hay lắm (bạn không thích bonsai này)

Vậy là bạn phân vân, bạn có xung đột tư tường (hay bất đồng nhận thức). Tức là: bạn thích bonsai ấy? hay bạn không thích nó?

Thực ra mà nói, người tới thưởng lãm tác phẩm của bạn, thiệt lòng chỉ muốn tìm xem có cái gì hay ho, đặc sắc trong cái bố cục bạn bày ra trước mắt họ hay không. Thành thử, hễ bạn mà giúp họ tìm thấy ngay cái điểm gây thú vị cho họ, trước khi họ kịp nhận ra những khuyết điểm ở tác phẩm của bạn, thế là họ có ngay quyết định (một cách có ý thức hay cách vô ý thức) rằng: họ khoái cái tác phẩm này. Mà hễ đã có ý nghĩ trong đầu (là khoái nó) rồi, thì sau đó có ai nói gì khác, họ cũng khó thay đổi.

Bất đồng nhận thức cũng thường gắn chặt với “cái tôi” trong con người mỗi chúng ta. Một khi chúng ta suy nghĩ và đã đi đến kết luận rồi, thì nếu có ai đưa ra những dữ liệu mới mà “có vẻ như ngược” điều chúng ta đã nghĩ (trong kết luận) là y như rằng chúng ta thấy khó chịu. Bởi chúng ta đâu có ưa những ý của ai đó cho rằng: “có thể chúng ta đã không đúng!”. Do đấy, thông thường nhất là chúng ta sẽ “vờ” đi, mấy thứ dữ liệu nào có vẻ với ngược ý nghĩ của chúng ta. Chả là chúng ta hay có khuynh hướng “tin rằng”: “mấy cái thứ ngược ngạo (trái ý mình) như vầy là không chính xác! Chả có gì phải bận tâm để nó trong lòng làm gì, một khi mình đã có “một kết luận chính xác”. Và rồi chúng ta sẽ thở phào (sau suy nghĩ và nhất quyết như thế): “Ày! Tốt rồi. Giờ thì mình thấy dễ chịu hơn”.

Thế nên, bạn hãy giúp cho người thưởng lãm thấy ngay được “điểm tốt đẹp” ở tác phẩm của bạn đi, chứ đừng khiến họ thấy (trước) những khuyết điểm ( Bonsai nào mà chả có một vài khuyết điểm ở đâu đó). Một khi đã nhận ra “chuyện tốt đẹp”, họ sẽ “khoái” mấy điểm đó. Thế là, dù cho mấy “khuyết điểm” sau đó có “xuất hiện” trong mắt họ, thì họ cũng “vờ đi”, coi như chuyện nhỏ, không đáng kể.

Điểm Thú Vị

Đôi lúc bạn bắt gặp một cây phôi có một điểm rất đặc sắc nào đó. Chứ những phần còn lại của cây phôi thì thường quá, hoặc giả chả có gì hứa hẹn là sẽ ngon lành. Thế nhưng, chỉ một điểm đặc sắc này thôi đã đủ để cây phôi đáng được bỏ công tạo thành bonsai rồi. Với những kiểu cây phôi (chỉ có một điểm đặc sắc) như vậy, khi bắt tay thực hiện mẫu thiết kế chúng ta phải nắm được điều quan trọng: làm sao để mọi chuyện “quy về” cái điểm đặc sắc ấy.

Một trong những cách “quy về” điểm đặc sắc là làm mờ nhạt sự xuất hiện, tới mắt người xem, của những chuyện khác trong tác phẩm. Nói vậy không có nghĩa là “bỏ qua những phần tử khác” , nhưng có nghĩa là tạo được thiết kế sao cho sự xuất hiện của những phần còn lại “ở mức căn bản nhất”, hay là “mờ nhạt”. Làm như vậy, ánh mắt người xem sẽ thấy ngay được chủ điểm của tác phẩm, và chả có gì ở tác phẩm gây rối mắt hay làm trở ngại việc chú ý vào chủ điểm đó.

Đặc điểm vật thể


Lấy thí dụ như vòm lá của cây Tùng Juniper (hình trên). Vòm lá này hiện diện như một khung hình. Khung hình vày vây quanh những đặc điểm của cây Tùng: những mạch sống và gỗ lũa hòa trộn nhau.

Vòm lá tuy đẹp đấy, nhưng lại tĩnh lặng, êm đềm quây thành một khung màu xanh lục khiến hiệu quả nổi bật nét mỹ thuật của đám mạch thân gỗ lũa trần trụi, quấn quít loạn xà ngầu.

Với thí dụ qua hình ảnh cây Phong Bonsai (hình trên), chúng ta thấy ngay bộ đế rễ chính là điểm nổi bật.
Do đấy, việc cắt tỉa những phần còn lại của cây (cành lá) chỉ cần thực hiện ở mức thông thường, mờ nhạt nhằm “quy chiếu” mọi thứ về chủ điểm: bộ đế. Thành thử, dù cho phần ngọn của cây Phong này có khuyết điểm đi nữa, thời việc đầu tiên khi chúng ta thoạt thấy hình ảnh cây này trước mắt thì cứ là suýt xoa: “Ái chà!” cái đã.

Màu sắc và Mức độ Tương phản

“Đối với tôi, màu sắc là ngày dài đầy nỗi ám ảnh, niềm vui, và những dày vò.”–Claude Monet (nhà danh họa trường phái ấn tượng, người Pháp, cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20)

Quả thực là chúng ta có thể một cách khác để “quy chiếu” về đặc điểm chính của cây Bonsai. Đó chính là màu sắc. Một đôi cách được trình bày dưới đây.

Như hình ảnh trên, vòm lá của cây chả có gì đặc sắc, nhưng đó lại chả phải là điểm nhấn của tác phẩm.

  • Nhà tạo dáng đã dùng bàn chải để “làm sáng” phần “vỏ ” của cây Tùng Shimpaku. Ông ta đã biến “vỏ” từ màu xám xỉn chuyển sang màu đỏ gạch non sáng ngời.
  • Mức độ tương phản rất thẩm mỹ cũng được lộ ra giữa màu trắng của lũa và màu xanh mượt mà của vòm lá.
  • Thêm một bước, màu đỏ của đường mạch sống lại hòa hợp với nét thú vị của chiếc chậu lưỡi liềm.

Hình nguồn từ tạp chí Bonsai Today.

Bởi thông thường thì chúng ta chả sao thay đổi được màu sắc trên lá hay trên vỏ của đa số các cây bonsai, nên chi chúng ta cần phải tìm những cách thức nào đó cho có tình nghệ thuật nhằm góp phần tạo nổi bật đặc điểm của tác phẩm.
Dưới đây là một ví dụ:

Với hình ảnh những cây Beech ở trên (Fagus, cây Cử) màu sáng của chậu, cùng màu xanh mướt của thảm rêu mặt đất trồng gây ra nét hòa điệu và tương phản với màu sắc sáng nơi đám chi dăm rất nhuyễn của những cành trơ trụi trong đám cây Cử này.

Màu hơi ngả vàng của chậu cũng giúp phô ra sắc đỏ hồng của những chồi non đang hé nụ.
Thế nhưng….

Nếu bạn để ý đến hình thứ nhì ở trên, có phải cái màu xanh rêu đậm đã đi ngược lại ước muốn thẩm mỹ của tác giả?

Màu tối của chậu tạo mức tương phản “quá gắt” và cũng khiến bố cục nhìn không mấy tự nhiên lắm, trông mạnh bạo quá.

Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Chuyện xấu

Ngụy trang những Khuyết điểm

Gần như chả có cây nào đưa vào bonsai mà không có chút khuyết điểm, hoặc là phẩm chất của cây chưa được đúng ý lắm. Thường thì bạn chả sao sửa những lỗi này ở cây được, thế là đành để nó vậy với điều gai mắt, bằng không thì cái cây này đã biến thành một bonsai ngon lành rồi.

Vậy chứ đôi khi bạn vẫn có thể đối đầu với cái thách thức “gai mắt” này, bằng một vài cách thuộc quy tắc sáng tạo nghệ thuật.

Đánh lạc hướng

Có một phương pháp tương tự cách thức chúng ta vừa đề cập ở phần trước, đôi khi bạn có thể dùng để đánh lạc hướng “đường nhìn của mắt người xem” giúp cho những điểm xấu trên tác phẩm được mờ nhạt đi.
Như trường hợp cây Du tàu (Ulmus chinensis) dưới đây.(Cây của tác giả)

Cây Du này vừa có bộ đế rễ chả ra gì, cộng thêm đường thân không đặc sắc. Chưa hết, vài cành lại còn đâm thẳng ra từ thân.

Nhắm chuyển đổi cái cây thành một bonsai ở mức hay ho nhất, nhà sáng tạo đã quyết định tạo một cục diện đầy kịch tính: phô ra cái nét dữ dằn của gió bão đè lên đám chi dăm của cây.

Điểm đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho người xem: hình ảnh cây lộ ra dưới cơn gió giật (thế là người xem sẽ bị “ấn tượng này” thu hút, nên chả còn “hơi sức” đâu để ngó vào bộ rễ rồi phán: “È! rễ gì xấu tệ!”). Kết quả là toàn bộ những điểm xấu đã được “cảnh tượng của cây” làm nhòe hết trơn.

Với thí dụ trên cây Spruce bonsai, (hình trên, Picea, Vân sam), đường thân vốn chả vót chút nào, nhưng tổng bóng của cây trông lại khá đẹp.

Ở đây, nghệ sĩ đã sáng tạo kiểu cành nhánh giúp làm nhạt đi điểm xấu (thiếu độ vót ) của thân. Ông ta đã dựng lên hình ảnh một vòm tàn đẹp. Màu xanh của đám rêu mặt đất phủ gốc cũng phụ họa cho tàng lá và giúp đường nhìn được liền lạc. Những điều này đã giúp người thưởng lãm “lờ đi” phần thân cây. Hình của Kurt Gagel cung cấp.

Cây Holly bonsai, (hình trên, Illex, cây Đông thanh), trông khá đẹp. Nhưng nét đẹp không phải do từ đường thân.

Đường thân thì thường quá, nếu không nói là chả bắt mắt tẹo nào. Thế nhưng cây được nuôi trồng đặc biệt, để dựng lên một hình ảnh rất tuyệt: đường thân mảnh với màu vỏ sáng làm bật lên màu đỏ của những chùm quả xinh xinh đỏ rực. Ai mà ngắm là sẽ nhất thời chả còn để tâm tới thân cây làm gì nữa.

Hình nguồn từ Tạp chí Bonsai Today.

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ thử xem những chuyện gì có thể khiến nỗ lực “diễn đạt tới người xem” của bạn bị tắt ngấm và những vấn nạn này có thể được hóa giải bằng cách nào có lợi cho bạn.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon