Từ người bán cây cảnh rong trở thành một vị tỷ phú

Bán cây cảnh rong trở thành tỷ phú

Năm 1999, mỗi sớm anh Nguyễn Văn Chí đều đạp xe chở cây cảnh đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Hà Nội, đến nhọ mặt người mới thấy anh trở về làng, chỉ mong ngày kiếm được 20 ngàn đồng. Bảy năm sau, anh đã vụt trở thành một ông chủ lớn.

Vẫn là những cây cảnh ấy, nhưng anh chỉ cần ngồi nhà, mỗi năm tiền buôn đi bán lại đã lên đến cả chục tỉ đồng. Cây giá 30 triệu, anh Chí cho “đệ tử” đi bốc về, anh chỉ xuống tay những cây có giá từ 40 triệu đổ lên. Chuyện như một giấc chiêm bao, khi những ngày tháng khốn khó vẫn còn in đậm trong tâm trí anh.

Bữa trưa giá 2.000 đồng

Bà hàng nước ở vườn hoa Pasteur (HN) đến giờ vẫn chưa quên hình ảnh anh thanh niên gày gò, trưa nào cũng đạp chiếc xe cà tàng chở đầy những chậu hoa, cây cảnh nhỏ phía sau, ghé đến ghế đá ngả lưng. Bữa trưa có khi là ổ bánh mỳ “không người lái” nhưng thường là bún đậu: “Mà cũng chỉ dám ăn 2.000 thôi, chia đều cho cả bún và đậu” – Nguyễn Văn Chí kể. Có những hôm vừa cầm miếng đậu lên thì dân phòng tới, thế là tay bún đậu, tay dắt xe chạy vòng quanh vườn hoa… để trốn.

Gần chục năm về trước làng Cơ Giáo (xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Tây) quê anh Chí còn nghèo lắm. Cũng như nhiều thanh niên trong làng, anh Chí phải lao về Hà Nội kiếm sống. Bạn bè làm đủ thứ nghề, nhưng riêng anh chọn nghề buôn bán cây cảnh, cũng bởi phần nào anh thích cây cảnh từ nhỏ. Cứ nghe ở đâu có cây là anh tìm đến, trước tiên là xin chủ nhà, xin không được thì mua rẻ. Chỉ vậy thôi, chứ không có tiền mua cây đắt. Cây xin được, mang về nhà anh cắt tỉa sơ sài, đem đi bán rong, gọi là lấy công làm lãi.

Chí nhớ lại phi vụ làm ăn lớn nhất của anh khi ấy là một cây Sanh (Là một trong 5 loại cây cảnh bán chạy nhất: Xanh, Đa, Lộc vừng, Tùng, Bách). Bằng tất cả vốn và kinh nghiệm hơn 1 năm tích luỹ được anh liều mua cây với giá 4 triệu đồng. Mang cây về nhà, anh phải nói dối là giá chỉ có 1 triệu để gia đình đỡ xót ruột. Hôm sau, anh phải đi tỉnh để tìm cây, hôm sau nữa về đến nhà, vợ hớn hở chạy ra khoe với chồng là có khách mua cây, bán lãi được 600 ngàn đồng, tổng cộng những…1,6 triệu. Nghe tiếng vợ mừng mà chồng chán chết chôn chân.

Cả làng đi buôn cây

Anh Chí không ngờ mình giàu nhanh đến thế. Sau này khi bắt đầu thông thạo đường bước trong nghề, có những cây anh xin không mất tiền mà ra khỏi vườn nhà chủ đã biết có lãi vài chục triệu đồng.

Người làng, kể cả người trong gia đình ban đầu không thể hiểu nổi vì sao anh ngày đêm mê mẩn với đống cây cảnh, và họ cũng không thể hình dung được một cây có thể bán lãi từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Người ta đồn thổi Anh Chí giàu không phải từ buôn bán cây cảnh. Biết mình đang đi đúng hướng, kệ mọi người bàn tán anh cứ làm. Đùng một phát, anh mua miếng đất trị giá đến gần 2 tỉ, xây nhà và phòng khách 300 triệu. Lúc này thì trong làng râm ran tiếng đồn thằng Chí buôn…hêrôin.

Thực ra không phải mình Chí giàu, “buôn có bạn, bán có phường” lúc này 4 người bạn cùng làng với anh, cũng từng rong ruổi đi bán cây cảnh rong đều đã trở thành tỉ phú, gồm: Nguyễn Văn Chí (sinh năm 1973), Nguyễn Văn Tuấn (1970), Ngô Xuân Giang (1971) và Nguyễn Văn Hiệp (1972). Chí là người có nhiều vốn nhất, theo anh tự nhận, khoảng 6,5 tỉ đồng, người ít nhất là Hiệp cũng phải có khoảng 3 tỉ, còn lại Tuấn và Giang người 4 tỉ, người 5 tỉ.

Điều đáng quý là họ hề không giấu nghề, thấy làng còn nghèo khó, 4 tỉ phú bèn truyền nghề cho mọi người. Thế là cả làng rùng rùng…cùng nhau đi buôn cây cảnh. Làng Cơ Giáo có 150 nóc nhà thì 100% đều đi buôn cây, mà buôn có qui củ, lớp lang đàng hoàng.

Một Hội sinh vật cảnh được thành lập do anh Giang làm hội trưởng, Chí làm hội phó, thêm một đội quân khoảng 50 anh em toả đi khắp mọi miền đất nước săn cây cảnh, lại có những người chuyên làm các loại chậu cảnh, và cả những người người chuyên chạy xe “bọ xít” (một kiểu xe công nông đầu ngang). Ai vào việc nấy.

Kết quả cực kỳ khả quan, chỉ sau 3 năm làng Cơ Giáo thay da đổi thịt hoàn toàn, cả làng không còn ai bị đói nghèo. Người thu nhập thấp nhất từ việc chăm sóc cây cảnh ngay tại làng cũng đạt 900 ngàn đồng/ tháng. Nhà “nghèo” nhất cũng có khoảng 100 triệu tiền cây, họ chỉ cần mua những cây Xanh giống giá 4.000 đồng về chẵm bẵm để rồi 1,2 năm đã bán lãi cả chục triệu. Chí tự hào “Cả làng tôi giờ bói không ra một thằng nghiện”.

Những phi vụ buôn cây tiền tỉ

Giáp Tết Bính Tuất, chúng tôi về làng Cơ Giáo. Cứ ngỡ thời điểm này, người mua kẻ bán phải tấp nập như đào Nhật Tân, quất Quảng An, nhưng hoá ra không phải. Chơi cây cảnh phải bền chí, có khi phục hàng năm mới mua nổi một cây.

Nguyễn Văn Chí đã từng phục một cây Xanh cổ thụ 80 tuổi suốt từ năm 1999 (khi mới vào nghề) đến tháng 10/2005 mới mua được. Đó là cây của anh Thắng ở Mai Dịch (HN), năm đó chủ ra giá 40 triệu đồng khiến Chí chỉ có nước đứng ngắm; năm 2000 chủ ra giá 60 triệu anh trả 40 triệu; năm 2001 chủ đã đẩy vọt lên 120 triệu, Chí nghiến răng trả 90 triệu: vẫn không mua được cây… dây dưa mãi đến năm 2005, cây này được đem trưng bày ở triển lãm Vân Hồ, vì cảm phục độ “chì” của anh mà chủ đồng ý bán với giá là 350 triệu.

Cây cao nhất anh đã từng bán là 700 triệu đồng. Cây này vốn là của một tay địa chủ xa xưa, được ông Hân ở Nam Định mua lại, năm 2003 bán cho Chí với giá 80 triệu. Một năm sau, Chí bán lãi ròng 620 triệu. Hiện nay, anh Chí còn có một cây Xanh đã 115 năm tuổi, có người đã t rả đến 780 triệu và xin chất đủ tiền ngay mà chủ nhân đủng đỉnh “chưa muốn bán”, ngoài ra còn có khoảng 300 cây khác trong khu vườn rộng đến 1600m2.

Chỉ tính riêng năm 2005, tiền mua bán cây của anh đã lên đến trên 10 tỉ đồng, trong đó có những khách hàng tiềm năng như anh Minh ở Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, HN) mua 1,5 tỉ; anh Nguyễn Gia Thọ ở 89 Nghi Tàm mua 2 tỉ…

Và những tỉ phú khác

Về Cơ Giáo chúng tôi cũng gặp được tỉ phú Nguyễn Văn Tuấn. Anh vừa mua miếng đất lớn giáp con đường liên thôn khang trang đang làm, để làm chỗ kinh doanh.

Dẫn khách vào nhà, vừa đi anh vừa chỉ một cây Đa thế Ngũ Phúc bên lối đi: “Bữa trước thiếu tiền mua miếng đất đó, tôi bán non cây này lấy 65 triệu, người ta đặt tiền rồi nhưng chưa bứng đi, thì mình lại có người đến trả nợ. Lập tức tôi phải xin chuộc lại với giá 70 triệu, thế là lỗ ngay 5 triệu trên vườn nhà mình”.

Trước kia anh cũng trải qua đủ thứ nghề, từ chăn nuôi, làm đậu đến lên Hà Nội là thợ bọc cửa…Giờ thì  Tuấn chuyên về phôi cây (những gốc cây được cắt đi hoàn toàn để tạo dáng mới).

Anh bảo: “Phôi cây của mình giá không cao bằng vườn anh Chí, đắt lắm chỉ trên 100 triệu. Nhưng bù lại, mình luôn bán được với số lượng lớn, có ngày vài chục phôi”. Hỏi chuyện “thợ cây” mới thấy nhiều chuyện kỳ lạ: Có khi chỉ cần đụng sai nhát kéo tỉa cành là có thể đi đứt 50- 60 triệu; Lại có khi mua cây chỉ 10 triệu nhưng phải đền bù tiền phá bếp, phá cổng cho gia chủ đến gấp 3 để đảm bảo an toàn cho cây.

Anh Tuấn không nói, nhưng chúng tôi biết anh còn vừa thuê dài hạn vài chục ngàn mét đất nông nghiệp với giá cả trăm triệu để tiếp tục lấy mặt bằng kinh doanh cây cảnh, mà nhìn chung xung quanh làng Cơ Giáo vào thời điểm này càng lúc, càng có nhiều vườn cảnh rộng vài ngàn mét vuông liên tục ra đời.

Không chỉ Cơ Giáo, những xã khác ở Thường Tín cũng đang bắt đầu có những “đại gia” cây cảnh như anh Mười (xã Thư Phú, có khoảng 2,5 tỉ); anh Quang (xã Tân Minh, mới làm 1 năm đã có vốn 1 tỉ)… Một làng quê đang thực sự bắt đầu thay da đổi thịt.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon