Garner và Allard (1920) đã phát hiện ra hiện tượng quang chu kỳ ở thực vật nhờ sự kiểm soát khả năng ra hoa của cây Thuốc lá. Cây muốn phát triển bình thường thì cần có tỷ lệ về thời gian chiếu sáng ban ngày và thời gian tối ban đêm nhất định gọi là quang chu kỳ. Tuy nhiên, chỉ cần tác động quang chu kỳ thích hợp trong một quãng thời gian nhất định trong chu kỳ sống của cây thì nó vẫn ra hoa kết quả bình thường mà không cần tác động quang chu kỳ ấy trong suốt chu kỳ sống của nó.
Theo tính cảm ứng quang chu kỳ của cây mà người ta chia thực vật thành nhóm cây ngày dài (từ 12 – 14 giờ/ngày), nhóm cây ngày ngắn (9 – 12 giờ/ngày), nhóm cây trung tính.
Ngoài độ dài chiếu sáng, chất lượng ánh sáng cũng có ảnh hưởng đến giai đoạn này. Ánh sáng có bước sóng dài (ánh sáng đỏ) thúc đẩy sự phát triển của cây ngày dài và làm chậm sự phát triển của cây ngày ngắn.
Thực vật thường phản ứng với các thay đổi nhiệt độ và quang chu kỳ, vì thế trong tự nhiên điều kiện môi trường chính là yếu tố kiểm soát lên sự ra hoa tự nhiên của chúng. Những cây chịu ảnh hưởng của quang chu kỳ thường được xếp vào nhóm chịu đáp ứng bởi độ chiếu sáng trong ngày, hoặc đáp ứng với độ dài đêm.
Các nhà nghiên cứu đã phân lập được một sắc tố nhạy cảm ánh sáng trong thực vật được gọi là Phytochrom. Phytochrom là một protein được tìm thấy trong nhân tế bào chất của tế bào thực vật với nồng độ rất nhỏ. Phytochrom thường hiện diện dưới hai dạng: một dạng hấp thu ánh sáng đỏ (Pr) và một dạng hấp thu ánh sáng đỏ đậm (Pfr). Khi Pr hấp thu ánh sáng đỏ, chúng nhanh chóng chuyển thành Pfr và ngược lại sự hấp thu ánh sáng đỏ đậm bởi Pfr nhanh chóng đổi thành Pr.
Dạng Pr là dạng bền vững hơn, trong tối một số Pfr trở lại dạng Pr và một số bị tiêu hủy bởi enzym. Vì ánh sáng mặt trời và ánh sáng đèn điện thường chứa nhiều ánh sáng đỏ hơn ánh sáng đỏ đậm nên phần lớn Pr trong ngày sẽ biến đổi thành Pfr. Tuy nhiên, ban đêm Pfr chuyển thành Pr hay bị enzym tiêu hủy đi. Tỷ lệ Pfr/Pr là dấu hiệu cho cây nhận ra ngày hay đêm. Nếu hầu hết sắc tố là dạng Pfr thì là ngày, nếu tỷ lệ trên giảm đi thì là đêm.
Việc xử lý ánh sáng cũng là biện pháp có hiệu quả nhằm điều khiển sự phát triển của cây trồng và có thể rút ngắn hay kéo dài thời gian sinh trưởng. Điều đó có ý nghĩa trong việc nhập nội giống cũng như trong điều khiển ra hoa.
Lan Dendrobium, Oncidium là cây ngày dài, chúng sinh trưởng, phát triển tốt ở cường độ ánh sáng 15.000 – 30.000 lux và ra hoa tốt khi thời gian chiếu sáng trong ngày đạt >12h . Trong điều kiện mùa đông khu vực đồng bằng Bắc Bộ, cường độ ánh sáng yếu, thường chỉ đạt 6.000 – 8.000 lux và thời gian chiếu sáng trong ngày chỉ đạt 10 – 11h nên không thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển và ra hoa của các loài Lan này. Do vậy trong sản xuất cần chiếu sáng bổ sung cho cây để kéo dài thời gian tiếp nhận ánh sáng liên tục trong ngày nhằm giúp cây phân hóa mầm hoa và ra hoa, đặc biệt vào các dịp lễ Tết.