Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á
Đánh giá

Điều đáng chú ý nhất là các sách báo Trung Quốc viết về lan, chỉ chú trọng đến Địa Lan Kiếm, ít nói đến các loài Lan khác. Sách hướng dẫn nuôi trồng, phân loại, săn tìm và thưởng thức Địa Lan Kiếm được viết liên tiếp được bổ sung không ngừng.

Quân tử phải tu thân như khí tiết của Địa Lan Kiếm, là điều mà Đức Khổng Tử (551-497 trước Công nguyên) đã răn dạy. Dù ở thâm sơn cùng cốc mà vẫn toả hương khoe sắc. Các nhà văn lớn ở các triều đại Trung Quốc cũng rất ca ngợi lan như: Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, hay các vị Hoàng đế như Khang Hy đến các nhà cách mạng gần đây cũng làm nhiều tác phẩm ca ngợi Địa Lan Kiếm như Chu Đức, Trương Học Lương, Đổng Tất Vũ, Trần Nghị. Lan Kiếm có thể chia làm 2 loài,  loài bám trên cây,  gọi là phong lan Kiếm (Epiphytic Cymbidium) và có những loài mọc trên đất,  gọi là Địa Lan Kiếm (Terrestrial Cymbidium).

Đặc điểm của Địa Lan Kiếm:

– Lá lá nhỏ, dài, lả lướt, đầu nhọn.

– Ba cánh sát đài hoa xoè rộng, hai cánh hoa hơi úp lại, che phía trên của nhụy hoa. Cánh môi thường cong, có điểm các màu.

– Cành hoa thẳng từ dưới lên, có loài Lan cành hoa không cao hơn đám lá, nhưng nhiều loài hoa cao hơn đám lá.

– Hoa nở rất lâu, từ 10 đến 30 ngày, có mùi thơm dịu, không hắc như nhiều loài hoa khác.

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-2 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Cuốn sách viết về lan đầu tiên của loài người là cuốn Kim Chương Lan Phổ của Triệu Thời Khang, viết năm 1233 mô tả 30 loài Địa Lan Kiếm, chủ yếu là Mặc lan.

Cũng vào thời kỳ này Triệu Mạnh Kiên đã vẽ Xuân Lan Đồ (hiện còn được gìn giữ tại Viện Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh).

Địa lan Kiếm sống ở các thảm rừng núi chủ yếu là ở 16 tỉnh miền Trung và Nam Trung Quốc, vô cùng phong phú. Các nhà khoa học phân loại thành 28 loài trong đó 11 loài Lan Kiếm mọc trên đất (Địa Lan Kiếm). Nhưng chỉ có 6 loài được tôn vinh và chăm sóc như Quốc hoa: Xuân lan (Cymbidium Goeringii), Xuân Kiếm (Cym Longibracteatum) Kiến Lan (Cym. Ensifolium), Mặc lan (Cym Sinense), Hàn lan (Cym Karan).

Điều đáng chú ý  là các sách báo Trung Quốc viết về lan, chỉ chú trọng đến Địa Lan Kiếm, ít sách nói đến các loài Lan khác. Trong mười năm gần đây mới có sách viết về các giống phong lan lai đã nuôi trồng công nghiệp hoá như: Hồ điệp, Hoàng thảo, Cát lan.

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-3 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Địa lan Kiếm mọc trong rừng, được tuyển lựa đưa về các vườn Thưởng uyển do các quan phụ trách về lan chăm sóc. Sau đến dinh các vị quan lại, các mảnh vườn của các nhà văn hoá lớn, các nhà giàu có, dần dần thành một ngành trồng trọt trong dân, bên cạnh một ngành săn lùng lan trong rừng sâu, núi cao.

Sách hướng dẫn nuôi trồng, phân loại, săn tìm và thưởng thức Địa Lan Kiếm được viết liên tiếp từ đời này sang đời khác. Ngày nay không kể các sách viết về lan ở Trung ương mà các địa phương cũng viết rất nhiều sách về Địa Lan Kiếm. Nghệ thuật chụp ảnh hoa Lan đạt tới trình độ cao nên ảnh trong sách rất đẹp.

Nền giáo dục cổ xưa của Trung Quốc và các nước Đông Á như: Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam thường uyên thâm, trừu tượng, liên tưởng sâu sắc từ một sự kiện cụ thể, nhỏ nhoi nhưng bao giờ cũng đi tới những hiện tượng to lớn:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ tận tri thu

(Một chiếc lá ngô đồng rơi, cả thiên hạ đều cảm thấy mùa thu).

Ta thấy các sách viết về Địa Lan Kiếm đều hướng dẫn chiêm ngưỡng lan và giới thiệu các lời nói của các vị hiền triết cùng với các bài thơ hay nhất nói về lan.

Người ta phân biệt rõ việc chăm sóc lan là các hoạt động lí trí mang tính khoa học kỹ thuật, nhưng thưởng thức lan là hoạt động mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ, tình cảm. Thường người ta hiểu thưởng thức Địa Lan Kiếm trong 4 chữ:

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-6 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

– Hương: lan Kiếm được tôn là Vương giả chi hương, thiên hạ đệ nhất hương, vì hương của nó thanh, không hắc, đậm đà, khó quên, thoắt ẩn thoắt hiện, như gần như xa.

– Sắc: của  lan Kiếm là màu sắc của 3 cánh đài, của 2 cánh hoa, của cánh môi, của họng hoa, của lá. Thiên nhiên đã vô cùng tỉ mỉ tuyển lựa màu, tô vẽ cho các phần của hoa rất phong phú, nhưng thanh nhã không quá sặc sỡ.

– Tư: là dáng vẻ của cây Địa Lan Kiếm được đánh giá thanh cao cốt cách, phong độ hiên ngang, nhưng vẫn rung rinh trước gió, hài hoà giữa cương và nhu.

– Vận: đây là chỉ ý vị của Địa Lan Kiếm – Chiêm ngưỡng lan dần dần sẽ tự thấy có sự thống nhất cái đẹp bên ngoài của cây Lan với “cái thần”  bên trong, hình thành sự liên tưởng sâu sắc, cửa sổ trí tuệ văn hoá như được mở rộng, khơi thông thế giới tinh thần, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ.

Địa lan Kiếm đã chiếm vị trí độc tôn hàng nghìn năm trong văn hoá của người Đông Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, nên sự tuyển lựa và chăm sóc rất tinh vi đã hình thành các quan điểm, các học thuyết về thẩm định lan.

Với quan điểm Địa Lan Kiếm là “Bách hoa chi anh” nên phải có sự kết hợp của hoa Lan với nhiều loài hoa quý khác. Bằng các sự tuyển lựa chăm sóc đặc biệt nên đã hình thành rõ rệt bốn chủng lan có các cánh đài từ hình lá trúc tới hình cánh hoa sen, cánh hoa thuỷ tiên và cánh hoa mai.

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-9 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Các hình thái cánh hoa của Địa Lan kiếm.

Quan điểm vật hiếm được quý trọng nên các giống lan có biến dị được quý hơn vì hiếm có.

– Biến dị về vai: là vị trí cánh đài ở hai bên.

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-8 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Các dạng vai cánh (đài trên) của Địa Lan kiếm.

– Biến dị về lá, lá ngắn đi, có viền ở mép từ gốc tới đầu, lá có các đốm – thường là viền có màu trắng hoặc ngà.

– Biến dị về hoa, hoa có nhiều cánh hoặc hoa có 3 cánh môi.

– Quan điểm về thẩm định màu sắc.

Luận về ý nghĩa màu sắc của hoa Lan được ghi rõ như sau:

Màu trắng: thanh khiết, trang nhã, cao quý.
Màu trắng ngà: dịu dàng, thanh cao, duyên dáng
Màu hồng, màu đỏ: rực rỡ, nồng nhiệt, may mắn.
Màu lục: thanh tân, tao nhã, sống động, hấp dẫn.
Màu tía: yêu kiều, đằm thắm, dịu dàng, chân thành
Màu tím: thanh cao, đằm thắm, mộng mơ.
Màu vàng: trong sáng, thần bí, kiêu sa, thanh nhã.
Màu hồng đỏ: huy hoàng, hào hoa.
Màu đen: tráng lệ, uy nghiêm, thần bí, độc đáo.
Nhiều màu: sặc sỡ, phồn vinh – hoa lệ.
Pha lê trên cánh hoa (và trên lá): Kỳ diệu, lung linh, cao quý, trong sáng, ngọc ngà.

Bảng phân loại lan theo các quan điểm trên:

  Loại nhất Loại nhì Loại thường Không xếp loại
Mùi hương Thanh, đậm, bền Nhẹ, ít bền Nhạt lạ Không có hương
Hình cánh đài cánh hoa Cánh hoa mai Cánh hoa sen Cánh hoa thuỷ tiên Lá trúc
Tư thế vai Vai bình Vai bay Vai xuôi Vai rủ
Màu sắc Trắng, lục nhạt, pha lê Lục xẫm, cánh trả, hồng đào Da cam, đỏ xẫm Tím đen, nâu đỏ
Dáng lá Rủ vừa Dựng vừa Dựng đứng Rủ cong
Cánh môi Lưỡi đại như ý tròn to Tiểu như ý Lưỡi quăn, lưỡi nhọn Quăn nhiều, quăn treo dài

Gần đây nhiều nhà nghiên cứu về thẩm định lan đưa ra việc gắn sao cho các giống lan – từ 1 sao đến 5 sao, từ lương phẩm (loại thường) đến giai phẩm, quý phẩm – cao quý phẩm cuối cùng là cực phẩm (tinh phẩm).

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-7 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Các loại được xếp cực phẩm thường có nhiều biến dị về hoa và về lá và được gọi là lan nghệ thuật.

Nhiều sách của Trung Quốc cũng giới thiệu và đánh giá khá chi tiết về các giống lan ở Đài Loan, Nhật Bản và Triều Tiên.

Có 4 dòng Xuân lan nổi tiếng của Trung Quốc và người Nhật cũng ca ngợi các loài này là Tứ đại Thiên Vương của Quốc hoa Nhật. Người ta cũng so sánh thấy Xuân lan của Trung Quốc thơm hơn Xuân lan Nhật Bản, nhưng màu sắc Xuân lan của Nhật Bản lại phong phú hơn, có giống màu vàng, màu tím, màu đỏ, màu trắng hoặc đa sắc.

Cho đến nay hàng ngàn giống Địa Lan Kiếm của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được đạt tên trên cơ sở: loài Lan, cánh đài giống hoa sen, hoa mai, hay hoa thuỷ tiên, màu sắc, địa phương đặc biệt có loài hoa đó, hoặc một đặc điểm riêng Huệ lan hoàng thuỷ tiên, (Huệ lan cánh hoa thuỷ tiên màu vàng). Liên biện lan Vân Long Hoàng hà

Địa lan Kiếm có cành hoa thẳng, lá dài lả lướt rất thích hợp với nét vẽ mực mài bút lông nên các hoạ sỹ Đông Á có thể múa bút để biểu đạt ý tưởng, hình dáng và tinh thần gắn liền nhau với nhiều ý nghĩa rất sâu sắc.

Trong nhóm Bát quái Dương Châu (Trung Quốc) đặc biệt là Trịnh Nhiếp (tự là Bản Kiều) đã dành 50 năm của cuộc đời để vẽ về Địa Lan Kiếm (và tre trúc) để lại cho đời những tác phẩm vô cùng quý giá

Địa lan Kiếm phát triển tốt ở nhiệt độ từ 10°C đến 30°C. Ban ngày trên 25°C đêm lạnh xuống dưới 15°C là nhiệt độ thích hợp để hình thành mầm hoa. Do đó chỉ ở phía Bắc của Việt Nam mới có thể chơi Địa Lan Kiếm.

van-hoa-thuong-thuc-dia-lan-kiem-cua-nguoi-tq-va-nguoi-dong-a-5 Văn hoá thưởng thức Địa Lan Kiếm của người TQ và người Đông Á

Người nổi tiếng trong giới chơi lan của Việt Nam là vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIII), ngài có Ngũ Bách Lan Viên “Vườn 500 chậu lan”. Trong các thảm rừng ở Việt Nam tới ngày nay các loài Địa Lan Kiếm tồn tại chỉ có 5 loài, có tên khoa học: Cym Ensifolium, Cymbidium Cyperifolium, Cym Insigne, Cym Lancifolium và Cym Sinense. Chúng có các màu như màu tím sẫm, màu lục, màu trắng, màu vàng v. v… như: Hoàng Vũ, Thanh Trường, Bạch Ngọc, Đại Mặc v. v…

Địa lan Kiếm hoa nhỏ và không rực rỡ, hương thơm dịu nên chưa thể hấp dẫn nhiều người dân Việt Nam bằng các loại hoa hồng, hoa sen, hoa huệ, hoa cúc. Vì vậy các nhà thơ yêu lan thường tự hào với nhau về câu nói cổ xưa:

Thức giả thị bảo, Bất thức giả thị thảo
Biết thì quý như báu vật – không biết thì coi như cây cỏ.

Cũng lý do đó Địa Lan Kiếm không phải là loài cây hoa mang tính hàng hoá như: hoa cúc, hoa sen, hoa hồng, hoa huệ v. v… Mỗi gia đình yêu lan chỉ trồng độ 5, 10 chậu, sớm chiều nâng niu chăm sóc. Khi có hoa nở lại tụ họp, rượu ngon, trà quý, những bài thơ hay được mang ra bình phẩm thâu đêm. Địa lan Kiếm là vật biếu, quà tặng rất quý giá.

Trong các bài tạp văn, tuỳ bút của nhà văn Phạm Đình Hổ,  Nguyễn Tuân còn cho ta biết thú chơi lan rất trang nhã của các nho sỹ Việt Nam thời xưa.

Với tâm lý thích truyền thống, không ca ngợi đột biến, lai tạo nên các giống Địa Lan Việt Nam còn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên như cánh hoa lá trúc, lá một màu lục biếc – Vài giống có biến dị về lá như Ngân biên, Kim biên có viền trắng, viền vàng ở mép lá, không quý bằng Bạch Ngọc Đại Kiều, Mặc biên (có viền ở lá) không quý bằng Đại mặc v. v…

Cũng có một số người chịu ảnh hưởng của các lan hữu Trung Quốc như ca ngợi Vai bằng, Vai bay hơn vai xuôi.

Nhưng sự biến dị về hoa như cả 3 cánh hoa đều biến thành cánh môi, hoặc hoa có rất nhiều cánh thì hoàn toàn không được người Việt chấp nhận. Có lẽ cũng do tâm lý ưu truyền thống của người Việt từ nhiều năm qua.

Kiếm lan (Cym Emsifilium) được đưa sang Châu Âu vào đầu thế kỷ 18. Người Châu Âu không ưa Địa Lan Kiếm, chê là hoa nhỏ, màu xỉn, hương thơm gia vị. Nhưng họ nồng nhiệt đón tiếp các giống Cát lan từ Nam Mỹ tới hoặc lan Hài hồng (Paphiopedilum Delenatii) đưa từ Việt Nam sang.

Ngược lại, các nhà thực vật lại đánh giá cao Địa Lan Kiếm, do nó có khoảng nhiệt độ sống khá rộng (5°C-37°C) ít sâu bệnh và dễ lai tạo. Các nhà khoa học đã lai tạo ra các giống Địa Lan Kiếm lai, cây to hoa lớn, màu sắc sặc sỡ, rất hợp với sở thích người Châu Âu, thích hoa được cắt cành. Người Đông Á không thích các giống hoa Lan to này.

Ficus elastica – Cây Đa Búp Đỏ

Người Đông Á không có thói quen cắt cành hoa Địa Lan Kiếm để cắm lọ. Với quan điểm 11 tháng chơi lá, 1 tháng chơi hoa nên chậu Địa Lan Kiếm không có hoa vẫn là một vật trang trí lịch sự trong các phòng khách.

Trong các bài thơ về lan của Trung Quốc cũng như Việt Nam có hai điều đáng nói: không có bài thơ não nùng ai oán vì liên tưởng hoa thơm chóng tàn, người đẹp thì “bạc mệnh”, có lẽ do hoa Lan kiếm khá bền.  Nhà thơ đời Đường, Lưu Vũ Tích đã lo lắng hộ các cụ già, không còn được hưởng những cái đẹp trên đời, chỉ còn có hoa và nếu hoa biết nói:

Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai.
Buồn vì hoa nói lên lời
Rằng hoa chẳng nở cho người già nua

(Tản Đà dịch)

Khi chiêm ngưỡng hoa Địa Lan Kiếm cần có tâm hồn thư thái, ngồi lâu thấm thía  sắc nhã, hương dịu, dáng thanh. Rất thích hợp với người cao tuổi, nhàn nhã – như vậy Địa Lan Kiếm đã nở hoa phục vụ các vị lão thành rồi, can chi phải lo lắng hoa Lan nở cho ai!

Người Việt Nam cũng yêu quý lan lắm chứ:

Yêu mình một, quý lan mười
Chỉ một lần ngắm, trọn đời ngẩn ngơ.

Cũng vì yêu quá, quý quá nên người ta cũng trách lan như trách người yêu:

Hương lan, người ngọc hay lờ lững!
Chợt có rồi không đến ngỡ ngàng!

Gần đây có một nhận xét mà người nào có thú chơi lan cũng trẻ hơn lên:

Ai đã mê lan chẳng thấy già
Vị nào cũng trẻ, ngỡ mười ba.

Nói vậy là nói quá – nói cho vui thôi:

Sắc màu tươi thắm, lan sau trước
Hương ngát quanh năm, mãi chẳng già.

Về mặt tâm lý, người cao tuổi chơi lan luôn  thấy những bông hoa Lan này đang rực rỡ, luôn có các nụ lan sắp nở – và rồi người ta mong đợi ngày mai, không còn thấy những chuỗi ngày dài lê thê buồn, vì có lan nở và lan sắp nở bên mình.

Hiện nay ở Hà Nội, Địa Lan Kiếm chỉ chiếm khoảng 10% trong các vườn lan (30% là phong lan rừng, 60% là phong lan lai đã được nuôi trồng công nghiệp hoá). Việc nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng công nghiệp hoá Địa Lan Kiếm còn quá chậm nên các loài hoa này rất đắt. Một chậu Thanh Ngọc (5 thân, 3 giò hoa) đắt bằng 100 chậu phong lan Hoàng Thảo lai, hoặc 50 chậu phong lan Hồ Điệp lai.

Chúng ta mong rằng các nhà thực vật nghiên cứu về lan nhanh chóng làm cho mọi người Việt Nam đều có thể chiêm ngưỡng tất cả cái đẹp, cái quý của Địa Lan Kiếm truyền thống Việt Nam như: Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Đại Mặc, Trần Mộng, Tứ Thời hay Bạch Ngọc đại Kiều, Tiểu Kiều v. v…

Trả lời

0988110300
chat-active-icon