Tên cây Lan (Nguyễn Thiện Tịch – Lan Việt Nam – P3)

Tên cây Lan (Nguyễn Thiện Tịch – Lan Việt Nam – P3)
Đánh giá

Trong suốt bộ sách này chúng tôi sử dụng tên khoa học cho tất cả các loài Lan vì đa số trường hợp chúng chưa có tên Việt Nam, hơn nữa tên khoa học được sử dụng ở tất cả các nước, ở tất cả mọi trường hợp. Tuy vậy lắm lúc bạn đọc chưa quen với các nguyên tắc gọi tên này cho nên cần bàn bạc ở đây.

Loài (Species)

Mỗi cây Lan có những đặc điểm riêng biệt giúp ta dễ dàng phân biệt chúng, ta nói mỗi cây Lan là một loài (species) – Loài là đơn vị phân loại cơ sở, chỉ rõ những cây Lan cụ thể, có thật trong thiên nhiên. Các cây Lan giống y như nhau sẽ được mô tả đồng nhất và được mang cùng một tên của loài đó.

Như vậy mỗi loài có nhiều cá thể giống nhau. Hai hay nhiều loài lại có những đặc điểm chung nhau và khác với các nhóm loài khác. Các loài giống nhau có thể gộp thành những nhóm nhỏ mà ta gọi là giống hay chi (genus) – Như vậy mỗi giống có thể gồm từ một cho đến nhiều loài: ví dụ: Loài lan Thủy tiên trắng: Dendrobium farmeri, loài Lan Báo hỉ: Dendrobium secundum, cùng nằm trong giống Dendrobium. Nhiều giống tập hợp trong một Họ (Familia).

Trong trường hợp ở họ Lan (Orchidaceae) có quá nhiều giống nên ta chia nhỏ ra thành họ phụ (Subfamilia) và tông (tribus), tông phụ (subtribus).

Như vậy các đơn vị phân loại ở mức độ trên loài là không có thật trong thiên nhiên, chỉ do con người đặt ra cho dễ trình bày, dễ sắp xếp. Nhưng sự sắp xếp ấy phải phản ảnh mối tương quan họ hàng giữa chúng, cũng như phản ánh sự tiến hóa của chúng.

Trong thực tế không dễ gì xác định đâu là giới hạn của nó. Nhiều giống rất khác biệt gồm những loài hầu hết tương tự nhau và không giống bất kỳ cây nào khác. Nhưng nhiều trường hợp có những nhóm loài khá lớn có vài đặc điểm chung, không rõ rệt để phân chia ra những nhóm nhỏ. Ở đây có sự chọn lựa: hoặc là tất cả nhóm lớn ấy được gọi là một giống hay mỗi nhóm nhỏ trong chúng là một giống. Các nhà thực vật thường bất đồng ở điểm này. Khuynh hướng hiện nay là phân chia các giống cũ ra. Điều đó thường đúng, ví dụ ở giống Vanda nay được tách ra nhiều giống như: Vandopsis, Papilionanthe, Vanda…

Mỗi khi đã tách ra giống mới thì tên loài Lan phải thay đổi cho nó gắn với tên giống mới ấy.

Mỗi loài Lan có một tên riêng bằng từ ngữ La tinh gồm 2 chữ: một tính từ viết kèm theo một danh từ, danh từ chỉ tên giống, tính từ chỉ tên loài ấy. Danh từ chỉ giống phải viết hoa, tính từ không viết hoa dù để chỉ tên địa phương, đất nước hay tên người. Đằng sau tên loài cần viết kèm theo tên tác giả đã công bố loài ấy đầu tiên, tên ấy được gọi là tên gốc (Basionym). Nếu tác giả công bố trước chưa đầy đủ, người sau bồ sung vào thì tên người sau được viết theo sau tên tác giả trước với chữ ex. đứng giữa tên hai tác giả. Nếu tác giả công bố trước có sai sót, tác giả sau sửa chữa mà vẫn còn giữ lại 1 trong 2 chữ của tên loài đó thì tên tác giả trước còn tồn tại trong dấu ngoặc đơn ở đằng sau tên mới và người công bố sau sẽ được ghi tên ngay sau người công bố trước đó. Nếu tác giả sau sửa chữa mà bỏ hẳn tên cũ và lập tên mới thì tên tác giả cũ không còn tồn tại ở tên mới. Tất cả tên cũ được xem là đồng danh (Synonyma). Đôi khi cùng một loài nhưng có nhiều tên do nhiều nhà thực vật học đặt ra. Trong trường hợp như vậy theo bộ Luật Quốc tế về Danh pháp Thực vật, công bố năm 1954 ở Paris, thì ưu tiên cho tên công bố trước, nhưng thường thì không phải tên xưa nhất được sử dụng nhiều nhất mà nó phải phù hợp với các nguyên tắc và qui luật của bộ luật này. Đôi khi cũng có bàn cãi các tên ấy có phải cùng chỉ một loài hay không, vì vậy Bộ Luật danh pháp này còn đòi hỏi việc công bố một loài phải theo nguyên tắc mẫu danh pháp, nghĩa là phải có tiêu bản thực vật kèm theo. Việc làm tiêu bản này chúng tôi sẽ đề cập ở cuối cuốn sách này. Như vậy ở mỗi loài, ngoài tên đúng và các đồng danh nếu có, còn có tên tác giả, năm công bố và các tài liệu liên quan đi kèm. Để tránh lập lại nhiều lần tất cả các tài liệu liên quan, chúng tôi tập trung vào phần Tổng quan tài liệu ở cuối tập sách này. ở mỗi loài chúng tôi chỉ nêu tên loài, tên tác giả và năm công bố cùng con số chỉ trang tài liệu đã công bố loài đó, căn cứ vào tên tác giả, năm công bố, bạn đọc dò theo ở phần Tổng quan tài liệu để biết rõ chi tiết của thư mục. Ở phần Tổng quan tài liệu chúng tôi liệt kê theo thứ tự A, B, C của tên tác giả. Ở mỗi tác giả chúng tôi liệt kê theo năm công bố. Để khỏi lập lại, chúng tôi thay thế tên tác giả bằng một gạch ngang (-) trước năm công bố. Nếu cùng trong một năm có nhiều tài liệu của cùng một tác giả được công bố thì chúng tôi sắp kèm theo sau con số năm đó các mẫu tự a, b, c.

Tên của tác giả Việt Nam được ghi theo thứ tự họ rồi tên như bình thường.

CHÌA KHÓA VÀ CÁCH SỬ DỤNG.

Một khi đã dễ dàng xác định giới hạn của giống và cũng dễ dàng xác định sự phân chia lớn hơn trong Họ thì có nhiều hệ thống phân chia được đề nghị, thiết lập ra những chìa khóa phân loại.

Chìa khóa là lối trình bày ngắn gọn, giúp bạn đọc dò theo để tìm kiếm tên cây Lan của mình. Trong bộ sách này, chúng tôi trình bày chìa khóa đi từ họ phụ đến giông rồi đến loài. Muốn sử dụng nó bạn phải lần lượt đi qua, theo thứ tự, họ phụ rồi đến giông, cuối cùng là loài. Tuy nhiên nếu bạn đã quen, đã biết nó nằm trong giông nào rồi thì bạn chỉ cần tra cứu chìa khóa loài thuộc giống đó mà thôi.

Mỗi chìa khóa có từng cặp số theo thứ tự 1a, 1b, 2a, 2b, 3a, 3b… Trong mỗi cặp số như vậy sẽ chứa đựng những đặc điểm tương phản, khác biệt nhau theo lối đối nghịch giúp bạn chọn lựa những số nào có mang những đặc tính giống cây Lan của mình nhất. Trong nhiều trường hợp ở mỗi số lại được phân chia ra những cặp số kế tiếp thì sau khi quyết định chọn số nào rồi bạn hãy đi tiếp đến cặp sô kế và cũng quyết định chỉ chọn một trong hai số đó mà thôi và cứ thế tiếp tục cho đến cuối cùng, tìm đến tên cây Lan của mình. Ví dụ trong chìa khóa họ phụ: trước hết bạn hãy chọn lựa ở cặp đặc tính số 1: hoa có 2 – 3 nhụy đực thụ (1a) hay có 1 nhụy đực thụ (1b). Giả sử cây Lan của bạn có 2 nhụy đực thụ, là đặc tính phù hợp với 1a thì bạn chọn đường 1a đế đi tiếp đến cặp đặc tính số 2 kế dưới, ở đấy ta lại xem cây Lan của mình có lá xếp theo nhiều lằn dọc (2a) hay xếp theo một lằn dọc (2b). Nếu nó có lá xếp theo một lằn dọc (2b) thì cây Lan của bạn thuộc họ phụ Cypripedioideae. Bạn hãy theo đến họ phụ Cypripedioideae để tìm giống và loài, (trong ví dụ trên, họ phụ Cypripedioideae ở Việt Nam chỉ có một giống Paphiopedilum mà thôi, nên bạn đi ngay vào chìa khóa của giống Paphiopedilum để định tên loài (tức là tên cây Lan của bạn).

Đôi khi đã sử dụng chìa khóa mà không tìm được tên cây Lan của mình thì có thế chìa khóa có thiếu sót hoặc có điểm không đúng (thường rất hiếm) hoặc vì bạn hiểu sai một hay nhiều điểm, hoặc loài Lan của bạn chưa có trong chìa khóa. Vì vậy ở mỗi ngã rẽ của chìa khóa (ngã ba: một hướng đang đi và hai hướng phải chọn một) thì nhất thiết bạn phải dò lại một cách cẩn thận các đặc điểm mô tả đã đi đến đó, xem thử nó có phù hợp với cây Lan trong tay bạn không ? Nếu thấy không đúng thì phải lập lại từ đầu một lần nữa để tìm xem đã bị sai lầm ở đâu. Nếu không có sai lầm thì cây Lan của bạn có thể chưa được thu mẫu trước đây, nghĩa là có thể đấy là một loài mới cho Việt Nam. Bấy giờ các cây Lan đã biết rõ ở các nước lân cận phải được tra cứu để tìm ra cây Lan hiện có của bạn là loài nào trong chúng. Giả sử như ta đã tham khảo một cách tỉ mỉ, cẩn thận và tường tận các tài liệu trên thế giới từ trước cho đến nay về nhóm lan ấy mà vẫn không tìm ra tên của nó thì ta hy vọng phát hiện ra loài Lan mới cho thế giới, cho khoa học.

Việc sử dụng chìa khóa thật ra cũng không đơn giản vì với câu văn ngắn gọn dễ đưa đến sự hiểu sai của người đọc, nhất là khi bạn đọc chưa hiểu hết các từ chuyên môn. Nội dung các chìa khóa cố gắng dựa vào những đặc điểm rõ ràng, dễ nhận nhưng tiếc thay các đặc điểm ấy lại thường quá giống nhau ở các cây Lan như đặc điểm về hình dạng, kích thước của lá, thân và ngay cả hoa nữa. Cho nên sự phân biệt giữa chúng đòi hỏi phải khảo sát sâu xa hơn, tỉ mỉ hơn ở bộ nhụy đực, trục hợp nhụy, các phụ bộ ở trên môi, bên trong túi của môi,… và trong trường hợp như vậy bạn phải có kính lúp phóng to nhiều lần để nhìn các chi tiết cho thật rõ. Dù vậy chắc hẳn cũng chưa dễ dàng để bạn nhận ra tên cây Lan của mình, cho nên chúng tôi sẽ cố gắng mô tả và kèm hình vẽ thật chi tiết ở mỗi loài để bạn có thể dựa vào đấy mà tìm hiểu tên cây Lan của mình dễ dàng hơn.

PHÂN LOẠI Ở HỌ LAN

Có vài hệ thống phân loại lan đã được đề nghị, trong đó năm 1981 Dressier đã đưa ra một chìa khóa thực dụng chia họ Lan ra 6 họ phụ. Tất cả khoảng 800 loài Lan Việt Nam hiện được biết đều có mặt ở 6 họ phụ ấy.

Sự phân biệt 6 họ phụ ấy như sau:

1a. Hoa có 2 – 3 nhụy đực thụ. Phấn hoa bầy nhầy chứ không dính thành phấn khối ……………….. 2

1b. Hoa có 1 nhụy đực thụ. Phấn hoa dính thành phấn khối ở cạnh nhau ………………. 3

2a. Lá xếp theo nhiều lằn dọc. Các phiến hoa gần như bằng nhau. Môi không có túi sâu. Nhụy đực lép nếu có thì không như cái lá chắn –> họ phụ Apostasioideae.

2b. Lá xếp theo một lằn dọc. Các phiến hoa rất khác nhau. Môi có túi to. Nhụy đực lép to như một cái lá chắn nằm ở giữa hoa –> họ phụ Cypripedioideae.

3a. Phần lớn là Địa Lan. Lá xếp theo nhiều lằn dọc hoặc cuộn tròn, không có khớp phân chia với bẹ thân. Phát hoa tận ngọn. Vách bao phấn không dễ tàn rụng. Phấn khối mềm, sần sùi như mụt cóc hay cắt xẻ ra …………………. 4

3b. Địa lan hay phong lan. Cọng trụ hay độc trụ. Lá xếp theo một lằn dọc, có khớp phân chia với bẹ thân. Phát hoa ở bên (rất hiếm khi ở tận ngọn). Vách bao phấn thường khô đi thành ra nắp dễ rụng. Bao phấn thường đè lên trên trụ. Phấn khối hiếm khi chia xẻ ………………. 5

4a. Cây có căn hành hay có củ. Bao phấn đứng hay hơi đè ở trên trụ. Phấn khôi gắn phía đỉnh với gót nhầy. Mỏ luôn luôn dài ra –> họ phụ Neottioideae.

4b. Cây có củ đặc sắc hay có thân rễ dạng củ. Bao phấn đứng hay gập lại, đáy gắn chặt vào gót nhầy. Mỏ thường nhô ra ở giữa –> họ phụ Orchidoideae.

5a. Phấn khối mềm như sáp, không có vỉ, hiếm khi có gót –> họ phụ Epidendroideae (quyển II)

5b. Phấn khối như sụn hay cứng như xương, luôn luôn có vỉ, thường có gót –> họ phụ Vandoideae (quyển III)

Trả lời

0988110300
chat-active-icon