Tạo dáng thành công một tác phẩm Bonsai là như thế nào?

Tạo dáng thành công một tác phẩm Bonsai là như thế nào?
Đánh giá

Nguồn: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.

Các bạn khoan tưởng tượng ra một cây Bonsai với đế rễ nổi gồ ghề và xòa đều quanh gốc. Hượm đấy, hãy xem lại những căn bản cái đã. Bạn nên quên đi những chi tiết đơn thuần trên cái cây của bạn, và hãy suy nghĩ về nét mỹ thuật tổng thể thì hơn. Những điểm nào bảo cho biết rằng việc tạo dáng Bonsai của bạn thành công?

Có thể liệt kê ra một số điểm như sau:

  • *Gợi cảm: cây của bạn tạo dáng khêu gợi được cảm xúc nơi người xem (buồn, vui, háo hức…)
  • *Gợi ý: dáng được tạo của cây đã khiến người xem suy nghĩ ( liên tưởng đến hình tượng khác trong cuộc sống)
  • *Tự nhiên: dáng cây trông như thể nó tự mọc ngoài thiên nhiên vậy (không có bàn tay người đụng vào)
  • *Liền lạc: toàn bộ tác phẩm là một khối liền lạc;(sự nối kết của các phần) trông hợp lý (giữa chậu, rễ, thân, cành …)
  • *Thú vị: dáng cây có điểm đặc sắc khiến lôi kéo người ta tới xem.
  • *Sinh động: cây tạo dáng có được cả hai: khoe sức sống mạnh mẽ, hé lộ khả năng sinh tồn cao (tiềm ẩn).
  • *Kể chuyện: điều gì đó trong dáng cây khiến nó muốn kể cho bạn biết tại sao nó ra hình dạng vậy: môi trường, vị trí mọc…
  • *Sức bật: dáng cây cho thấy nó đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống như thế nào.
  • *Nhịp điệu và chuyển động: dáng cây chả nên để nó đơn điệu, nhưng cũng chớ để nó rối mắt.

Nếu nói: mẫu thiết kế chính là một sáng tác nghệ thuật, thì sao nhỉ?
Chỉ một câu (với hàng chữ tô đậm ở trên) là đủ diễn tả cả 9 điểm chúng ta đề cập ở trên. Là một Nghệ sĩ, bạn cần phải truyền đạt hết cả 9 điểm ấy tới người xem.

Tỉ dụ như vầy: Bạn muốn mô tả cảnh tượng yên bình, tươi đẹp của một cây Phong hay một cây Du trên thảm cỏ xanh. Lúc đó bạn sẽ chọn “những chất liệu thiết kế” nào có tính êm dịu cho sự yên bình, thanh thoát cho sự tươi đẹp, tĩnh lặng cho thảm cỏ xanh.
Còn giả như bạn muốn tả cái cảnh bị nắng gió vùi dập, sức chống trả thảm cảnh của một cây Lạc diệp tùng đang mọc ở dáng thác đổ nơi vách núi với gió rít từng cơn, thì có phải bạn sẽ dùng “những chất liệu thiết kế” biểu lộ sự hỗn độn, miêu tả sức mạnh, và cả đến kiểu dập dình của vòm cành lá dưới cơn gió (cạnh những dấu vết chứng tích trên thân cành mà người xem nhận ra mức vật lộn đến độ thập tử nhất sinh của cây với nắng gió).

Rồi! thế bây giờ bạn bảo :”Thực sự thì tui phải làm cách nào ?”
Ấy! Mục đích là sự truyền đạt của bạn phải có hiểu quả (tức là người xem hiểu được ý bạn muốn mô tả) vậy thì bạn phải dùng ngôn ngữ của việc sáng tạo nghệ thuật thôi.

Bạn còn nhớ không?
Tôi đã từng nói: những quy tắc áp dụng trong bonsai chỉ là một số những quy ước Nghệ thuật nhằm giúp “tăng tiến” và “đơn giản hóa” phần hình ảnh, do người nghệ sĩ sáng tạo, để chuyển tới người xem vẻ đẹp, ý nghĩa và gợi cảm trong tác phẩm.

Thế nên những chuyện tiếp theo trong các chương dưới đây sẽ chi tiết hóa “những chất liệu thiết kế trong sáng tạo nghệ thuật”. Kế tiếp chúng ta sẽ cùng thảo luận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, kết hợp với góp ý của các bạn nhằm giúp chúng ta xài được những chất liệu ấy cho ngon lành.

Lưu ý
Giả như bạn bảo: “Tui chả cần phải xài bất kỳ căn bản sáng tạo nghệ thuật nào cả”.Được thôi!
Vậy thì không chừng bạn chả thành công trong việc truyền đạt ý bạn tới người xem. Bạn cứ thử làm vầy coi: bạn trả lời “không” cho bất kỳ một điểm nào trong số 9 điểm nêu trên (Thí dụ ở điểm cuối cùng: Thiết kế không có nhịp điệu mà cũng không có chuyển động thị giác kiểu như dòng chảy). Thiết kế của bạn có thể sẽ thiếu tính sắc nét.

Còn giả như bạn trả lời không cho 2, 3 điểm trở lên, thì thiết kế của bạn sẽ ỉu xìu như bánh bao chiều.

Diễn tả với khán giả bằng ngôn ngữ nghệ thuật

Nhắm mục đích nhuần nhuyễn trong việc tạo ra những mẫu thiết kế với bố cục đầy tính Mỹ thuật trong thú chơi Bonsai, các bạn phải hiểu rõ cách dùng những “chất liệu xây dựng trong sáng tác Nghệ thuật”. Chúng ta bắt đầu với một số “những chất liệu căn bản”, mà nhà sáng tạo nghệ thuật dùng để truyền đạt, bằng cách xem kỹ lại một vài tác phẩm bonsai thứ thiệt dưới đây.

Phần này sẽ chi tiết hóa ý nghĩa của những chất liệu sáng tạo nghệ thuật đó trong những mẫu thiết kế. Rồi bạn sẽ “thấy”, chính mấy cái chất liệu cỏn con đó sẽ xác định sản phẩm của bạn ngon lành hay không. Dù cho bạn có thích những chất liệu ấy, hay không thích chúng, thì chúng vẫn là “điều đương nhiên”.
Một khi đã nắm vững những căn bản này, bạn sẽ chủ động trong việc dùng các chất liệu này cho mục đích diễn đạt ý bạn ở mẫu thiết kế bonsai. Còn giả như bạn chả hiểu được những căn bản này, thời mẫu thiết kế của bạn có thể tiến tới tình trạng uổng công.

Những điều căn bản được tôi trình bày dưới đây, kể cả những ý nghĩa ẩn trong đó, vốn được dùng trong vô vàn hình tượng nghệ thuật, tính cả đến những sản phẩm thủ công, kiểu như kiến trúc, âm nhạc, hôi họa , khiêu vũ, in ấn, và cả cho bonsai.

Đương nhiên là tôi chỉ làm cái công việc giới thiệu đến các bạn một ý niệm mới, với một số điểm. Chứ còn chi tiết hóa ra thêm từng phần nhỏ của vấn đề thì nhiều vô kể. Dẫu có vài điểm, nhưng chí ít thì chúng cũng cho các bạn thấy được nét tổng quát của ý niệm mới cùng những nguyên tắc trong đó.

Đường nét và Hình dạng

Trong số các “chất liệu từ ngữ” dùng để diễn đạt ở sáng tạo nghệ thuật thì Đường nét và Hình dạng là hai thứ chất liệu đáng kể nhất.

Những kiểu đường nét khác nhau và các hình dạng khác nhau, mỗi kiểu, mỗi dạng sẽ diễn đạt một ý nghĩa khác nhau. Ý niệm để hiểu ý nghĩa của từng loại đường nét và hình dạng như thế nào thì có vẻ như phổ quát. Tức là dù cho có văn hóa khác biệt đi nữa, ý nghĩa của từng loại đường hay hình dạng cũng được hiểu tương tự nhau ở các vùng miền trên thế giới. Để đạt hiệu quả trong diễn đạt nghệ thuật, các bạn cần hiểu cho rõ phần “chất liệu từ ngữ” căn bản này.

Dưới đây là bảng liệt kê những thuật ngữ căn bản áp dụng với chất liệu đường nét và hình dạng trong bonsai.

Vertical=thẳng đứng

Strong : mạnh mẽ
Confident : chắc chắn, liều lĩnh, quả quyết, tin chắc
Lonely : cô độc, lẻ loi

Companionship: tình bằng hữu, có bạn
Similarity: sự tương tự
Manmade: có bàn tay con người
Uniformity: sự đồng nhất

Hard: cứng ngắc.
Rigid: nghiêm khắc.
A group of people: một nhóm người.

Father/mother-son/daughter: Cha-con/mẹ-con

Perpendicular=đường vuông góc

Stable: Ổn định.
Stoic: Khắc kỷ, chỉ người kiên nhẫn, chịu đựng khổ cực.
Masculine: nam tính

Disjointed: Rời rạc
From different sources/origins: từ nhiều nguồn gốc khác nhau (đầu gà đít vịt)
Barrier: hàng rào

Static: tĩnh lặng
Interruption: đường nhìn bị gián đoạn

Slanted=Nghiêng

Linear movement: Chuyển động thẳng hướng.
Drama: Bất thường.
Precariousness: Bất ổn.

Action: hành động, tỏ sức chống trả.

Rising: Đang phát triển.
Bursting: Bùng phát (trong điều kiện thuận lợi)

Stable: Ổn định.
Perspective: Hợp phép phối cảnh.

Unstable: Bất ổn (bộ đế không xòe vững)

Horizontal=Chiều ngang

Calm: Tĩnh lặng, bình yên.
Restful: Nghỉ ngơi, thư thả.

Curved=Đường cong

Natural: Tự nhiên
Calm: Tĩnh lặng
Stable: Ổn định.
Mature: Trưởng thành

Lazy: Ù lì
Meandering: Uốn khúc
Flowing: Chuyển động
Slow: Chậm chạp
Relaxed: Thoải mái
Perspective: Có chiều sâu

Natural: Tự nhiên.
Sprouting: Đâm chồi nảy lộc
Spontaneous: Tự phát, không ràng buộc
Happy: Thỏa mãn.

Reaching: Vươn lên
Natural: Tự nhiên
Youth: Sức trẻ

Wilting: Héo rũ.
Old: Già lão.
Tired: Mệt mỏi.

Hanging: Lòng thòng
Old: Già
Tired: Mệt mỏi
Weeping: Buồn rầu (đang than khóc)
Sad: Buồn.

Flowing: Dòng chảy
Calm: Yên ổn
Feminine: Nữ tính
Rhythm: Nhịp điệu

Angled=Gấp khúc

Activity: Linh hoạt
Energy: Đầy năng lượng
Fast: Nhanh nhẹn
Masculine: Nam tính.

Angry: Giận dữ.
Energetic: Tràn năng lượng
Chaotic: Hỗn loạn.
Tortured: Bị hành hạ.

Conflict: Xung đột.
Chaos: Hỗn loạn.
Anger: Bực dọc.
Confusion: Rối rắm.

Round=Tròn trịa

Whole: Hòa hợp tổng thể thân&cành
Mature: Trưởng thành, già dặn.
Complete: Mãn khai (tu thành chính quả!)

Màu

Màu được dùng thế nào trong phần diễn đạt tới người xem thì nhiều chuyện để nói. Ở đây, tôi chỉ đưa ra vài quan sát đại cương thế này:
Những màu tối = diễn đạt nam tính, sức mạnh, u tối (u sầu), định dáng (ý là đã trọn vẹn dáng riêng của loài cây)
Những màu sáng = diễn đạt nữ tính, tinh tế (nét nhuyễn), niềm vui (được thỏa sức phát triển), chưa định dạng (ý là cây còn đang phát triển)

Kết cấu bề mặt (Mức độ thô mịn bề mặt)

Tương tự như “nguyên tố thiết kế” màu sắc ở trên, mức độ thô mịn của bề mặt ở những “chất liệu cấu thành một bonsai ( mặt lá, vỏ thân cành, mặt đất trồng, “mặt ngoài” của chậu, kệ…) có thể được xài bằng nhiều cách nhằm diễn đạt ý nghĩa tác phẩm.
Qua quan sát, tôi rút ra một số ý nghĩa căn bản do “mức thô mịn” phô diễn như vầy:
Bề mặt thô:
Masculinity: Nam tính.
Age: Có tuổi
Harshness: Khắc nghiệt (kết quả của việc va chạm những khắc nghiệt)
Strength: Sức mạnh.
Bề mặt mịn:
Femininity: Nữ tính.
Youth: Trẻ trung.
Tranquility: Yên ổn.
Delicacy: Tinh tế.

Những Quan sát và Diễn nghĩa cơ bản từ các điều nêu trên

Một số đặc tính biểu hiện của đường nét vừa đề cập ở phần trên có thể sẽ giúp chúng ta hình thành một số định nghĩa căn bản về đường nét và hình dạng:

Dạng gấp khúc phô diễn:
Tính năng động, nhanh nhẹn, nam tính, sức định dáng cao (sớm hình thành dáng đặc trưng của giống, loài cây = sớm ra dáng), sự khắc nghiệt (nắng gió), nỗi thiếu thốn (nước, dinh dưỡng), sức chống chọi (với tình huống), nét thô kệch, vẻ ổn định.

Dạng tròn trịa nói lên:
Sự ung dung hưởng thụ, từ tốn, nữ tính, không định dáng rõ, thoải mái, kẻ cả (bệ vệ), yên tịnh, tinh tế (từ vòm chi dăm), không ổn định lắm (vòm nặng dễ đổ ?)

Từ một số “định nghĩa” như trên, bạn có thể dùng những thuật ngữ này kiểu như “chìa khóa” cho thiết kế bonsai của bạn. Bonsai của bạn chỉ cần dựa trên “một kiểu đường nét hay hình dạng” là đủ nền tảng để phô diễn “đặc tính riêng” của tác phẩm. Có thể nói một cách khái quá: đường thân và nét cành nhánh trong tác phẩm sẽ được cắt tỉa, uốn ép vào “một khuôn mẫu nào đó”, khi đã xác định một chủ đề cụ thể.

Chủ đề của tác phẩm sẽ được coi như cơ sở để bạn thiết kế sao cho biểu lộ được tính cách của tác phẩm. Nhưng nét Mỹ thuật của tác phẩm còn cần phải được hòa hợp với cách trình bày (triển lãm), chứ nào phải chỉ chăm chăm vào thân vào cành là đủ. Thế nên bạn cần phải ráng sao suy diễn rộng ra thêm một chút khi dùng những “chất liệu sáng tạo” (như đường nét, hình dạng) để chúng giúp bạn phô diễn cho đủ rõ.
Hơn thế nữa, dáng vẻ của cây bonsai và cách trình bày triển lãm cần phải ăn khớp nhau thì chủ đề của tác phẩm mới nổi bật được.

Đó chính là lý do tại sao nói: Bố cục trong việc tạo dáng là điều hết sức quan trọng. Bố cục là chuyện khiến cho mọi phần tử trong tác phẩm liền lạc nhau thành một khối. Chuyện cũng thể như cả trăm thứ nhạc khí trong dàn nhạc, hoặc cả ngàn nốt trên một trang nhạc, hợp nhau lại thành một khúc nhạc du dương vậy.
Chúng ta sẽ xem xét chuyện bố cục tác phẩm ở những phần tiếp đây.
Qua hình ảnh những bonsai ở đây, các bạn để ý cách thức mà thân và cành cùng nhau hợp sức như thế nào để cùng hướng về một chủ đề (diễn tả cùng một chuyện).

Tác phẩm Thông đen Nhật Bản

Dáng vẻ điềm tĩnh, ẩn tàng sức mạnh, sức chịu đựng (khắc kỷ) của đường thân thẳng đứng được lập lại trên đường nét thẳng ngang ở các cành. Chiếc chậu cạn và rộng càng khiến cho những “những nguyên tố thiết kế” tạo ra “nét trực” của cây rõ ràng hơn. Ngay cả bố cục của tác phẩm cũng toát lên được sự thanh thản nhờ vào chiều rộng của chậu cạn. Thế các bạn có lưu ý gì về “kiểu chân” của chậu không? Kiểu chân như vậy thì nó tả cho người xem biết chuyện chi vậy?

Thông đỏ Nhật Bản

Những nét cong mềm mại nhưng thất thường ở đường thân còn dẫn chuyển tới cả đường cành. Toàn cây toát ra cùng một năng lực dưới nhiều khía cạnh (tính nhất quán). Thêm vào đó, ngay cả mặt đất trồng cũng cong vồng lên như dội lại nét cong thân cành vậy. Rồi cả đến cái dạng bất thường của chậu trồng cũng như phản ánh cái dáng ” mọc thẳng lên trời mà không thẳng”, vốn là cái nét đặc sắc của cây này.

Cây Du Nhật bản

Đường thân thẳng, đường nét cành cũng thẳng khiến cho cây nhìn có vẻ mạnh mẽ, thậm chí lộ nam tính (hơn là nữ tính ở toàn cây). Để dung hòa bớt sự mạnh mẽ này, các chi tiết ánh sáng, màu vỏ nhu (mịn) và những đường nét tròn đã được dùng như những “đối trọng” cho sự cân bằng. Hình dạng tròn trịa của cây cũng gợi cho người xem cảm giác trưởng thành, già dặn và an nhiên trong tác phẩm.
https://i.imgur.com/scxCzEc.jpg

Ghi chú và lời bàn của chú Vũ Hưng

Mình cũng muốn các bạn rõ chuyện tại sao có những nhóm chữ được dịch không sát nghĩa với từ ngữ của tác giả.
1. Sự cô đọng của tập tài liệu:
Có thể một số bạn lần đầu tiên đọc một loại tài liệu Bonsai không bình thường như tập sách này đây. Các bạn có thể thấy những lời mở đầu, lời đề tựa… và ngay cả chủ đề tập sách, có vẻ như muốn nêu chuyện gì ghê gớm lắm. Nhưng đọc đến đây, chưa hết chương 1, các bạn có thể thất vọng: tác giả cũng chỉ nêu ra vài chuyện quá thường, ai nhìn vào cũng biết ngay, chả cần phải nói….

Sự tình thoạt trông thì có vẻ đúng là như vậy. Thế nhưng, hẳn các bạn còn nhớ, ông Andy đã nhắc chừng ở lời mở đầu: tập sách này chỉ có tính cách giới thiệu, khai mở cho chúng ta cách nhìn những tác phẩm Mỹ thuật với một ý niệm mới, để từ đó, chúng ta suy diễn ra được: dùng những chất liệu đường nét, mảng khối như thế nào ở thiết kế để cái cây chúng ta làm ra, nó nói ngay cho người xem được ý chúng ta gửi trong đó.

Những chuyện ông Andy nêu ở phần “chất liệu ngôn ngữ” này rất quan trọng. Bởi nó là tiền đề cho mọi thiết kế sau này, và cũng là tiền đề của 6 chương sau, khi bàn đến những chuyện rộng hơn một chút về mỹ thuật qua bố cục tác phẩm. Dẫu quan trọng như thế, vì tính cách viết văn của người Mỹ (và do tính ngắn gọn của người viết), những chi tiết nêu ra lại hết sức sơ sài. (Chính ông Andy cũng đã nhắc ở trên: “chỉ nêu vài điểm gọi là cho có”.)
Điều này có nghĩa: chúng ta đọc và cần suy nghĩ thêm từ những từ ngữ chìa khóa đó.

Vì vậy, nếu chỉ đọc thoáng (cho nhanh nắm bí kíp) có thể chúng ta cũng chả được lợi lộc gì.
Như ông Andy cũng đã nhấn mạnh ở phần lưu ý: tập sách này dành cho những bạn có mớ kinh nghiệm kha khá về tạo tác bonsai. Nghĩa là, bạn đã trải nghiệm qua những khó khăn khi tạo dáng. Với kinh nghiệm đã có, bạn chỉ cần đọc lướt qua là hiểu được ý tác giả Andy nhắc bạn chuyện gì. Thế là bạn nắm ngay được chìa khóa, cách thức, để tự đào sâu vấn đề. Vì chỉ cần nêu ra vài từ ngữ là gợi cho những bạn có chút kinh nghiệm thấy lóe ra ngay vấn đề, nên tập sách này lại càng được viết kiểu cô đọng.

Trình bày ý mình như vậy cốt để những bạn chưa đụng chạm nhiều đến việc tạo dáng hiểu được tại sao tác giả Andy chỉ viết ra vài chữ “bình thường” ở mỗi chi tiết. Nếu các bạn biết dùng dùng “vài chữ chữ đó” làm chìa khóa cho bước khởi đầu, các bạn sẽ khám phá ra nhiều chi tiết hay ho. Nghĩa là bạn biết gieo hạt giống ra cây. Còn bằng không, các bạn chỉ ngồi chờ để xem ông Andy nói gì thì bỏ túi (định rằng mai mốt lấy ra xài); thì mình nghĩ, cái mai mốt đó hoặc là chả bao giờ, hoặc là có lấy xài thì cũng chả lợi lộc bao nhiêu, bởi nó chỉ là mớ vài hạt giống, chứ chả phải vài tạ vài ký để đủ ăn.
2. Một thí dụ:
Tại sao ở hình dưới tác giả lại chua chữ “Drama”?

Chả là thoạt tiên thì cái từ drama với gốc nguyên ngữ là hành động. Sau này có nghĩa là một vở kịch nặng về đối thoại, trong đó những nhân vật chính thường là vai nữ. Sau này, còn được hiểu thêm là những chuyện xung đột trong đời thường.
Ở đây, ý chính muốn nêu: có chuyện gì đó không bình thường đã xảy đến cho cái cây.
Bởi chuyện bình thường của một cái cây là mọc thẳng lên trời. Thế tại sao cái thân thẳng mà lại nghiêng?
Vậy ắt là phải có chuyện gì đó ở thế đất (đất chuồi, đất lở…) mới khiến cái cây thân thẳng băng mà nghiêng! Điều này cũng có nghĩa là cái cây ấy đã mọc thẳng lên trời lâu rồi, sau đó nó bị điều “bất thường” nào đó ở đất trồng nên mới “thẳng mà nghiêng”.

Còn như cái cây không thật sự thẳng như cột đèn mà có “dzich dzac” chút đỉnh và nghiêng, thì chúng ta lại hiểu được rằng: cây vẫn ráng mọc hướng thiên, nhưng đất truồi đất nghiêng vẫn là cứ từ từ lở dần. Cây còn đứng được dạng nghiêng là nhờ rễ bấu chặt được vào đất.

Tóm lại, dù chỉ một câu chữ, nếu các bạn đã đã trải qua chuyện tạo dáng cây nghiêng, chắc chắn sẽ giật mình sực nghĩ lại: ờ ! cái cây có chuyện bất thường ở thế mọc nghiêng.
Chứ còn nhìn hình như trên, thấy chú thích: có chuyện (bất bình thường) bạn chấp nhận vậy rồi chả để tâm suy nghĩ thêm thì quả là hơi uổng công đọc.

Tóm lại, với những diễn giải nêu trên, hy vọng các bạn sẽ đọc và ráng suy nghĩ nghiên cứu thêm để tập sách của Andy sẽ lợi ích hơn, thú vị hơn.
Có lẽ, từ đó, các bạn chắc cũng hiểu tại sao mình lại dịch như vậy: chỉ vì kinh nghiệm của mình về bonsai nó cũng mới chỉ ở mức đó.
Cảm ơn các bạn.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon