IV. Lịch sử loài hoa Lan
4. Lai tạo Lan
Mặc dù mọi người đều nhiệt tình chào đón mỗi loài Lan mới, những giống lan lai tạo đầu tiên vẫn được đón tiếp với sự ngạc nhiên và nghi ngừ, vì đã có lúc người ta nghĩ rằng việc đó hoàn toàn bất khả thi. Nơi xuất phát đầu tiên của loài Lan lai tạo là vườn ươm của James Veitch và con trai ở Exotor, vùng Devon. John Harris, một y sĩ địa phương, người thường xuyên đến thăm vườn ươm đó với mối quan tâm đặc biệt, đã phát hiện ra những bí mật trong việc loài Lan thụ phấn như thế nào. Ông giải thích lý thuyết của mình cho John Dominy, người phụ trách vườn ươm của Veitch. Với những cuộc thí nghiệm của ông, loài Lan lai tạo đầu tiên đã nở hoa trong năm 1856. Đó là loài Lan Calanthe luôn xanh tươi, nó được đặt tên là D. Dominy: theo tên người lai tạo.
Kiến thức mới về việc làm cách nào để lai tạo ra những giống lan mới đã dẫn đến nhiều cuộc thí nghiệm lai
giống, cho phép các nhà thực vật học hiểu rõ hơn loài nào có họ hàng với nhau và do đó có thể lai tạo được. Lan là loài cung cấp rất nhiều hạt giống, nhưng khối lượng hạt giống màu vàng xinh đẹp đó lại cực kỳ khó khăn trong việc nảy mầm hay phát triển thành cây. Vì thế quá trình nghiên cứu bị chậm lại đến khi các nhà thực vật học phát hiện rằng loài Lan mọc lên nhờ vào một loại nấm siêu nhỏ, mà nếu không có chúng hạt giống sẽ không nảy mầm. Tiếp sau khám phá này, vào năm 1903 một người Pháp tên Noel Bernard đã cô lập được loài nấm đó và cho nó vào một lọ đã thanh trùng có chứa
một lớp thạch để cấy hạt giống vào. Kết quả đầu tiên thật đáng ngạc nhiên, hạt giống lan đã nảy mầm hàng loạt. Trước đây tỷ lê hạt giống còn sống có lẽ chỉ vào khoảng 1%, giờ đây tỷ lệ nảy mầm thành công hầu như là 100%.
Đầu thế kỷ 20, chứng kiến một sự bùng nổ về lại tạo và nuôi trồng lan bằng hạt giống. Trong những năm 1920, một người Mỹ, ông L. Knudsen, đã bỏ qua công đoạn sử dụng nấm thiên nhiên, tạo ra những chất dinh dưỡng nhân tạo, sử dụng một phương pháp mà hiện nay người ta vẫn dùng với một vài thay đổi. Phương pháp nuôi trồng lan đã cải thiện đến mức giờ đây người ta có thể cho hoa Lan nở từ việc nuôi cấy trong lọ thủy tinh trong vòng 3 đến 4 năm, trong khi trước đây phải cần đến 7 năm.
Thế Chiến Thứ nhất bùng nổ làm gián đoạn sự phát triển của ngành khoa học lai tạo mới, vì những thay đổi trong trật tự xã hội đã gây nhiều ảnh hưởng đến sự tiến bộ của việc nuôi trồng lan. Nhiều điền trang trước đây là chủ nhân của những bộ sưu tập tư nhân lớn phải đóng cửa vi lực lượng lao động của họ đều nhập ngũ, nhiều người đã không trở lại. Thời kỳ cực thịnh của việc nuôi trồng lan ở châu Âu đã bị dừng lại.
Sau những năm chiến tranh, vùng bờ biển California từ thành phố Los Angeles đến San Francisco trở thành một thiên đường cho loài Lan. Với khi hậu ấm áp, chúng có thể phát triển rất tốt ngoài trời nếu được che mát chống lại ánh nắng mặt trời trực tiếp. Đây là một điều tốt so với những mùa đông kéo dài và lạnh lẽo của đa số các vùng ở châu Âu. Giống Cattleya và Phalaenopsis phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu này và có thể được nuôi trồng mà không phải hao tốn chi phí sưởi ấm. Điều đó cũng đúng ở New Zealand và một số nơi ở Úc, những nơi mà khí hậu rất phù hợp với giống Cymbidium, được nuôi trồng mà không cần phải sưởi ấm nhân tạo.
Châu Âu cũng tham gia vào đợt phát triển trồng lan mới này và ở Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đều xuất hiện các vườn ươm thương mại. Đa số những vườn đó đều tập trung vào việc lai tạo giống lan mới, khai thác các tiềm năng khổng lồ và lợi dụng những kỹ thuật mới nhất cung cấp cho họ vô số cơ hội. Dần dần, những người trồng lan bắt đầu xuất hiện trong giới trung lưu, những người sống trong khu vực ngoại ô đang phát triển của các thành phố và trồng lan trong nhiều nhà kính chỉ dài không hơn 10 mét. Mối quan tâm về lan đã chuyển từ giới quý tộc suy tàn, nơi mà chỉ còn một ít số chủ nhân có khả năng duy trì những bộ sưu tập lan
lớn cho sở thích của mình, đến với quần chúng rộng lớn hơn.
Những hiệp hội của dân nghiệp dư chú tâm đến việc phát triển ngành nuôi trồng lan bắt đầu xuất hiện, ở Hoa Kỳ người ta đã thành lập ra Hiệp hội Lan Hoa Kỳ vào năm 1921. Tổ chức này từ những bước nhỏ ban đầu đã phát triển thành một mạng lưới toàn cầu và trở thành một hiệp hội trồng lan lớn nhất thế giới.
Hai mươi năm sau Thế chiến Thứ nhất, công nghiệp trồng lan thịnh vượng trở lại, để rồi Thế chiến Thứ hai lại dập tắt những niềm hy vọng về phát triển của nó. Nhà kính của dân nghiệp dư gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhiên liệu, trong khi những vườn ươm thương mại được sử dụng để sản xuất cây lương thực. Việc thiếu những nhà trồng tỉa chuyên nghiệp đã dẫn đến sự kết thúc những bộ sưu tập lan lớn. Khi Thế chiến
Thứ hai ập đến, những giống lan tốt nhất của Anh đã được chuyển đến lưu giữ tại California, Nam Phi và Úc. Đặc biệt
các giống Cymbidium lai trở thành thiết yếu cho những vườn ươm mới nổi lên ở các quốc gia này, tạo cho họ một nguồn cung cấp mới cho những giống đang nuôi trồng tại đó. Nhũng giống được nhiều người yêu thích là C. Alexanderi
“Westonbirt” FCC/RHS (trắng), giống Cymbidium nổi tiếng nhất của mọi thời đại, giống C. Burgundian “Lâu đài” FCC/
RHS (màu đồng) và C. Rosanne “Hồng tia” FCC/RHS (hồng).
Những năm 1950 chứng kiến một thời kỳ tái thịnh vượng, mang lại cho châu Âu một nền hòa bình và phát triển mạnh thú chơi lan. Những người chơi lan đã lấp đầy khoảng trống trong ngành trồng lan, bằng cách tạo ra một thị trường mới về những loài Lan trồng trong nhà và trong những nhà kính nhỏ. Các hiệp hội trồng lan xuất hiện rất nhiều, nơi mà dân chơi lan nghiệp dư có thể hội họp để thảo luận về thú vui và trưng bày những cây Lan nở hoa của họ. Ngày nay, các hiệp hội trồng lan đã trở thành một lực lượng có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới, phục vụ cho khía cạnh xã hội ngày càng mở rộng trong việc trồng lan. Họ tổ chức những cuộc hội họp và trình diễn bàn tròn hàng tháng, cũng như các cuộc hội thảo, tất cả đều nhắm đến việc khuyến khích mọi người quan tâm hơn đến loài Lan và phổ biến kiến thức về chúng. Giờ đây các sự kiện về lan trên toàn cầu nhiều đến nỗi cứ mỗi tuần trong năm đều có một sự kiện. Với chi phí đi lại bằng máy bay tương đối thấp, các sự kiện toàn cầu được khá nhiều người trên khắp thế giới đăng ký tham dự. Người ta chú ý nhiều nhất đến Nhật Bản, nơi mà những cuộc triển lãm về lan thu hút hàng trăm ngàn người hâm mộ và nơi mà giá cả cho những cây Lan đẹp nhất có thể tương đương với giá một chiếc xe hơi. Cứ ba năm một lần, Ủy ban Thế giới Hội nghị về Lan đều tổ chức một sự kiện với nơi họp thay đổi giữa Bắc và Nam Bán cầu.
Sự quan tâm lâu dài đến loài Lan đã dẫn đến việc xuất bản nhiều cuốn sách viết cho người mới bắt đầu trồng lan, cũng như những người trồng tỉa chuyên nghiệp. Tờ báo cổ xưa nhất trên thế giới là tờ Điểm báo về Lan xuất hiện từ năm 1893 và được Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia ở London xuất bản 6 kỳ mỗi năm. Trên Internet cũng có những thông tin sâu hơn vẻ lan, nơi mà mọi người có thể đọc trên các trang Web và trao đổi ý tưởng về chúng trên toàn cầu.
Ngày nay, việc lai tạo lan đã tiến bộ rất nhiều so với những bước đi thử nghiệm của John Dominy trong vườn
ươm Veitch. Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia ở London là nơi có thẩm quyền nhất trên thế giới về việc đăng ký các loài Lan lai tạo, nơi đã đăng ký hơn 100.000 loài khác nhau. Con số đáng ngạc nhiên này vẫn tiếp tục tăng thêm khoảng 3.000 loài mỗi năm, nó là bằng chứng cho một niềm say mê không thể thỏa mãn để tìm kiếm những cây Lan xinh đẹp hơn. Đa số các biến thể mới này đều được tạo ra để phục vụ cho ngành kinh doanh trồng lan trong chậu, vốn đòi hỏi một nguồn cung cấp các loài Lan rẻ tiền và dễ trồng. Người ta tạo ra thêm rất nhiều loại lan và chúng được bán trên thị trường hoa của thế giới mà không có tên chính thức, vì khi xuất hiện ào ạt những giống mới, người ta không có đủ thời gian để đăng ký chúng. Nên khuyến khích việc gia tăng ào ạt số lượng giống lai, vì như vậy sẽ giảm bớt áp lực đối với việc tìm kiếm những giống lan hoang dã. Không cần phải đưa chúng ra khỏi môi trưởng sinh sống tự nhiên để cung cấp cho những người trồng lan trong nhà, vì những người này đã được cung cấp các giống lan có chất lượng từ rất nhiều cơ sở kinh doanh. Những giống lan nguyên thủy được trồng trong các vườn bách thảo và trong các bộ sưu tập của dân chuyên nghiệp có điều kiện để giữ gìn.