Một cây trồng, nếu coi nước là thức uống, ánh sáng là thức ăn thì rễ là bộ máy vận hành để lấy dinh dưỡng nuôi cây. Hầu hết các loại cây có thể nhân giống bằng cách ngắt cành, mang ngâm cùng nước chờ đến khi ra rễ rồi với đem trồng vào chậu.
Điều này cho ta thấy đa số các cây cảnh đều có thể trồng trong nước như lưỡi hổ, trầu bà, sống đời… Ví dụ như cây lưỡi hổ, bình thường là loại cây không ưa ẩm, nhưng khi ta mang chúng trồng trong nước thì chúng vẫn sống được. Quan trọng là bạn phải trồng đúng cách để bộ rễ thích nghi và phát triển. Rễ cây sống ở trong nước và trồng trong đất là rất khác nhau. Một cây có rễ sống được trong nước nhưng chưa chắc đã sống được trong môi trường đất ngập nước. Đất ngâm lâu trong nước sẽ phát sinh nhiều vi khuẩn làm thối nhũn thân cây và rễ cây. Nếu bạn muốn mang từ trồng đất sang trồng thủy sinh thì cần rửa sạch đất cũ bám trên rễ cây.
Khi trồng cây thủy sinh chỉ có một số cây thuộc họ Epiprenum, Philodendron, Monstera là có thể nhúng cả thân cây vào nước cho chúng sinh trưởng và phát triển thì các cây còn lại khi trồng chỉ được cho nước chạm đến đầu rễ chứ không để chúng chạm đến thân cây, nếu không cây sẽ bị thối nhũn thân hoặc rễ.
Cây khi được trồng trong đất thì dinh dưỡng được lấy từ đất để ăn dần khoảng 3 đến 4 tháng, nên một chậu cây có thể rất lâu mới phải bón phân một lần. Nhưng với cây trồng thủy sinh thì chất dinh dưỡng trong nước không nhiều nên bạn cần thường xuyên thay nước cho cây đồng thời bổ sung thêm phân nước, nếu không cây của bạn sẽ bị chậm phát triển, cây sẽ còi cọc và lá nhỏ.