Pilea Peperomioides (Cỏ Gương): Giới thiệu, chăm sóc và nhân giống bằng nhiều cách khác nhau (kèm hình ảnh)

Pilea Peperomioides (Cỏ Gương): Giới thiệu, chăm sóc và nhân giống bằng nhiều cách khác nhau (kèm hình ảnh)

Chắc các bạn đã từng nhìn thấy cây này ở một quán cafe nào đó, ở nhà một người bạn nào đó hoặc trên một bức ảnh nào đó. Nó đã từng là một cây HOT điên đảo và đến giờ vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu trong danh sách các cây cảnh trồng trong nhà (indoor plants). Đó chính là cây Cỏ Gương (Pilea Peperomioides), hay còn được gọi là cây Đồng Tiền Trung Hoa (Chinese Money Plant). Hôm nay mình (Dũng Cá Xinh) xin chia sẻ một vài kiến thức chăm sóc và nhân giống dựa trên kinh nghiệm cá nhân và một số tài liệu cũng như chia sẻ của các “đồng nghiện” ^^.

Giới thiệu

  • Tên khoa học: Pilea Peperomioides
  • Tên thường gọi (tiếng Anh): Chinese money plant, pancake plant, UFO plant, lefse plant, missionary plant, Bender Plant hoặc mirror grass
  • Tên tiếng Việt: Đồng Tiền Trung Hoa, Kim Tiền Trung Hoa, Kim Tiền Trung Quốc, Cây Pancake, Cây UFO, Cỏ Gương
  • Tên tiếng Trung: 镜面草 (Jìngmiàn cǎo) – Kính Diện Thảo

Pilea peperomioides (phát âm là / paɪˈliːə pɛpəˌroʊmiˈɔɪdiːz /), thường được gọi là Chinese money plant, pancake plant, UFO plant, lefse plant, missionary plant, Bender Plant hoặc mirror grass (Cỏ Gương) là một loài thực vật có hoa trong họ Tầm Ma (Urticaceae), là một cây đặc hữu bản địa của vùng Vân Nam, Tứ Xuyên ở miền Nam Trung Quốc.

George Forrest là người phương Tây đầu tiên thu thập và nghiên cứu về cây Pilea peperomioides vào năm 1906, sau đó vào năm 1910, ông tiếp tục thu thập được loài này tại khu vực Cang Mountain ở tỉnh Vân Nam. 

Năm 1945, loài thực vật này được nhà truyền giáo người Na Uy Agnar Espegren tìm thấy ở tỉnh Vân Nam khi ông đang trên đường rời khỏi Hồ Nam. Espegren mang theo cành giâm (cutting) của loài này trở về Na Uy, qua Ấn Độ vào năm 1946, kể từ đó nó bắt đầu được lan rộng khắp Scandinavia. 

Cỏ Gương (Pilea peperomioides) là một ví dụ điển hình của việc một loài thực vật đã được phổ biến bởi những người chơi cây nghiệp dư thông qua việc giâm cành, bỏ qua sự nghiên cứu chuyên sâu của các nhà thực vật học Phương Tây danh tiếng. Chỉ có điều mọi người không biết phân loại thực sự của loài thực vật này cho đến những năm 1980. Hình ảnh chính thức của loài được xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Kew vào năm 1984. 

Cỏ Gương (Pilea peperomioides) mọc ở tự nhiên
Cỏ Gương (Pilea peperomioides) mọc ở tự nhiên

Có vẻ bề ngoài khá giống các loại cây rau má (pennyworts), Pilea Peperomioides thường có chiều cao và rộng khoảng 30cm (cho đến gần đây bằng việc cung cấp cho cây điều kiện chăm sóc đặc biệt cùng các loại giá thể, phân bón tân tiến, kích thước của cây đã vượt xa con số 30cm). Đây là một loài cây thường xanh (evergreen, không rụng lá vào mùa đông), có những chiếc là hình tròn, màu xanh đậm, đường kính trung bình là 10cm mọc ở trên một cuống lá dài. Trục thân màu xanh lục hoặc nâu, đen, gọn gàng, thường mọc thẳng đứng và hơi sần ở gốc. Trong điều kiện sinh trưởng kém, các lá ở phần gần gốc sẽ rụng dần đi. Cây hoàn toàn không có lông. Lá sáng bóng, hình tròn xoe hoặc hình trái đào, có khả năng to đến 20cm hoặc hơn ở điều kiện tốt. Cuống lá mọc ngẫu nhiên trên thân và dài từ 5 – 45cm (ở môi trường hoang dã), nếu trồng trong nhà thì trung bình là 30cm. Thường rất khó bắt gặp hoa của loài Cỏ Gương này. 

Đây là ảnh chụp hoa của Cỏ Gương (Pilea peperomioides)
Đây là ảnh chụp hoa của Cỏ Gương (Pilea peperomioides)

Loài thực vật này chỉ xuất hiện trong tự nhiên ở Trung Quốc: Ở phía Tây nam tỉnh Tứ Xuyên và phía tây tỉnh Vân Nam. Ở những khu vực này, chúng mọc trên những tảng đá ẩm, râm mát trong những khu rừng ở độ cao từ 1500 đến 3000m. Nó đã từng rất hiếm và bị đe dọa trong môi trường sống bản địa của nó. Tuy nhiên, từ lúc trở thành một loại cây cảnh, số lượng của chúng đã tăng không ngừng nghỉ và trở thành một loại cây chắc chắn không bao giờ “tuyệt chủng”. 

Cỏ Gương (Pilea peperomioides) được trồng làm cây trong nhà tại nhiều quốc gia, miễn là nhiệt độ không dưới 10 độ C là OK hết. Trước đây cây khá hiếm và giá rất đắt, nhưng hiện nay do nền công nghiệp cây cảnh phát triển, cây đã trở nên rất phổ biến với giá thành ngày càng rẻ. Nó được coi là một cây mang đến nhiều sự may mắn (“lucky thaler”) và được coi là cây tượng trưng cho tình bạn. Với việc nhiệt độ ổn định cùng độ ẩm cao ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của cây nên chúng rất được ưa chuộng trong các loại hồ cạn. 

Nó đã đạt được Giải thưởng Công viên Vườn của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia. (Royal Horticultural Society’s Award of Garden Merit.)

Chú ý, cây rất dễ nhầm lẫn với 2 loài khác là Hydrocotyle Vulgaris (Rau Má Dù) và Umbilicus rupestris (Cây Lá Thận), anh chị xem ảnh dưới để dễ hình dung và so sánh ạ.

Từ trái sang phải: Pilea Peperomioides, Hydrocotyle Vulgaris và Umbilicus rupestris
Từ trái sang phải: Pilea Peperomioides, Hydrocotyle Vulgaris và Umbilicus rupestris
  • Pilea Peperomioides: Hình tròn xoe, không chia cánh, lá bóng, to, thân cao và cuống lá mọc ra từ thân. Cây và Lá có thể rất to và cao, không trồng thuỷ sinh (ngập nước 100% cả cây) được.
  • Hydrocotyle Vulgaris: Cây Sen Dù, Rau Má Dù, Rau Má Nước, là một cây khá phổ thông trong nghệ thuật thuỷ sinh, có thể trồng ngập nước. Cây có lá nhỏ, thân ngắn, mọc theo kiểu bò lan như cỏ. Cây cũng có thể trồng làm cảnh trên cạn nhưng không to lên được nên khá nhạt nhoà.
  • Umbilicus rupestris: Đây là cây thuộc họ Lá Bỏng (Crassulaceae), là một dạng cây mọng nước (succulents), lá màu xanh nõn, căng nước, chia cánh ở mép. Cây nhỏ không cao lớn và hùng vĩ được như Cỏ Gương. 

Chăm sóc cây Cỏ Gương (Pilea Peperomioides)

Đây là một cây khá dễ để chăm sóc. Để cây sống thực sự rất dễ, nhưng để cây đẹp thì cần chú ý một số vấn đề. Mình xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình:

  • Đất: Mình đã thử nghiệm rất nhiều loại đất và giá thể và nhận ra rằng Cỏ Gương ưa loại đất và hỗn hợp giá thể mà cây Hương Thảo Rosemary ưa (Tham khảo bài: [Chia sẻ] Công thức trộn đất, giá thể trồng cây Hương Thảo (Rosemary). Đó là ưu tiên đặc tính thoát nước nhanh nhất có thể, không cần giữ nước nhiều. Nên dùng các loại hỗn hợp giá thể nhẹ, ví dụ như Perlite, Pumice, xơ dừa mịn, hạt đất sét nung, vỏ gỗ thông vụn, cát vàng,… Hầu hết các vấn đề của cây Cỏ Gương đều xuất phát từ chế độ tưới nước và đất trong chậu. 
  • Tưới nước: Mình vẫn tuân thủ nguyên tắc tưới nước của các nhà vườn Trung Quốc chia sẻ bao lâu nay: Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu (不干不浇浇则浇透) (Xem thêm trong BÀI NÀY ạ). Đây là công thức áp dụng với gần như tất cả các loại cây trong vườn của mình. 
  • Ánh sáng: Do là cây thuộc chi Pilea, cũng như cây Lăn Tăn (Pilea microphylla) (xem thêm về cách chăm sóc và nhân giống cây này TẠI ĐÂY ạ) nên miền là độ ẩm quanh cây đủ cao thì cây có thể chịu được ánh sáng từ trung bình đến cao và rất cao, thậm chí là ánh sáng mặt trời 1 phần trong ngày. Các trường hợp cháy lá đều là do độ ẩm thấp. Nêu nếu để an toàn thì anh chị em nên để chỗ nào có ánh sáng gián tiếp hoặc được lọc (qua kính, qua lá cây) và tránh cho cây hứng ánh sáng trực tiếp quá lâu trong ngày (chỉ nên 1,2 tiếng là cùng). Và cũng như các loài thuộc chi Alocasia hay Caladium, lá cây sẽ hướng về nơi có ánh sáng mặt trời nên anh chị em sẽ có thể thấy toàn bộ lá cây đổ về một hướng, vì vậy tầm 2,3 ngày thì nên xoay cây theo hướng khác để các lá được hướng về nhiều phía, nhìn cây sẽ um tùm và đẹp hơn. 
  • Độ ẩm: Cây thực sự cần độ ẩm rất cao, em thấy ở môi trường độ ẩm >70, 80% thì cây phát triển rất tốt, cây con và lá non ra liên tục (tha hồ mà nhân giống ^^). Nếu độ ẩm chỗ anh chị em thấp <60% liên tục thì nên tính toán các phương pháp tăng độ ẩm như dùng máy tạo độ ẩm, phun sương hoặc sử dụng các loại khay ẩm (humidity tray) (tham thêm thêm ở trong BÀI NÀY ạ) 
  • Phân bón: Vì là một cây dễ, đơn giản, em hiếm khi dùng phân bón. Em chỉ thường nghiền nát vỏ trứng gà rồi chôn dưới gốc và tưới B1 để tăng sức đề kháng cũng như canxi giúp phần thân và cuống lá cây cứng cáp hơn. 
  • Các vấn đề thường gặp: Vấn đề thường gặp nhất là cây hay bị rụng lá phía bên dưới (sau khi lá chuyển vàng), nặng hơn là các thân lá èo uột và héo xuống. Nguyên nhân có thể do thiếu nước (under water) hoặc quá nhiều ước (overwatered), thường là do “sũng nước” bởi overwatered hơn. Nếu lá có dấu hiệu rũ cũng có thể do cây thiếu sáng do để ở khu vực tối quá lâu. 
Phần dưới lá cây Cỏ Gương thường có các chấm trắng như hình. Đây không phải nấm hay côn trùng gì, chỉ là các "lỗ chân lông" (pores) của cây, không có gì phải lo lắng ạ.
Phần dưới lá cây Cỏ Gương thường có các chấm trắng như hình. Đây không phải nấm hay côn trùng gì, chỉ là các “lỗ chân lông” (pores) của cây, không có gì phải lo lắng ạ.

Nhân giống cây Pilea Peperomioides (Cỏ Gương)

Mình xin giới thiệu 2 cách nhân giống cây Cỏ Gương mình thường áp dụng, rất dễ và tỷ lệ thành công rất cao. 

Nhân giống bằng cách tách cây con

Trong điều kiện tốt, cây mẹ (mama) sẽ sinh ra các cây con (babies) mọc cách thân cây mẹ không quá xa. Bằng việc tách các cây Babies này ra, bạn có thể trồng thành cây độc lập. Nếu rễ cây con quá ít, có thể cắm vào lọ chứa nước sạch để kích thích gốc ra rễ dài hơn và nhiều hơn. Trong phần này mình xin phép dùng chuỗi ảnh của team Techplant để minh hoạ các bước ạ.

Để tiến hành nhân giống theo cách tách cây con, chúng ta cần một chậu cây khoẻ mạnh, có nhiều cành lá như hình.
Để tiến hành nhân giống theo cách tách cây con, chúng ta cần một chậu cây khoẻ mạnh, có nhiều cành lá như hình.
Soi kỹ phần bên dưới gốc cây để xem gần đó có các lá con mọc lên từ đất không, nếu có thì chắc chắc đó là một cây con có thể tách ra.
Soi kỹ phần bên dưới gốc cây để xem gần đó có các lá con mọc lên từ đất không, nếu có thì chắc chắc đó là một cây con có thể tách ra.
Theo như hình này thì có thể nhìn thấy có tối thiểu 3 cây Baby có thể tách ra từ cây chính (Main)
Theo như hình này thì có thể nhìn thấy có tối thiểu 3 cây Baby có thể tách ra từ cây chính (Main)
Zoom cận cảnh một đồng chí Baby! Quá đẹp!
Zoom cận cảnh một đồng chí Baby! Quá đẹp!
Anh chị em chỉ cần dùng dao sắc vô trùng luồn xuống để tách cây con ra, cảm giác rất KOOOL!
Anh chị em chỉ cần dùng dao sắc vô trùng luồn xuống để tách cây con ra, cảm giác rất KOOOL!
Sau khi tách đây! Đôi khi trong quá trình tách sẽ có một số lá bị gãy ra! Đừng vứt đi nhé, đây chính là nguyên liệu để nhân giống bằng lá (xem phần bên dưới)
Sau khi tách đây! Đôi khi trong quá trình tách sẽ có một số lá bị gãy ra! Đừng vứt đi nhé, đây chính là nguyên liệu để nhân giống bằng lá (xem phần bên dưới)
Với các cây con có đầy đủ gốc, thân, lá rễ đầy đủ, chỉ cần trồng vào chậu là sẽ có một cây độc lập luôn
Với các cây con có đầy đủ gốc, thân, lá rễ đầy đủ, chỉ cần trồng vào chậu là sẽ có một cây độc lập luôn
Nếu cảm giác rễ chưa nhiều hoặc đơn giản chỉ là muốn cắm vào lọ nước để ngắm nhìn rễ dài ra, hãy cắm cây con vào lọ nước sạch sau khi rửa sạch đất khỏi rễ.
Nếu cảm giác rễ chưa nhiều hoặc đơn giản chỉ là muốn cắm vào lọ nước để ngắm nhìn rễ dài ra, hãy cắm cây con vào lọ nước sạch sau khi rửa sạch đất khỏi rễ.
Cỏ Gương là một cây rất khoẻ mạnh nên tỷ lệ thối rễ khi cắm các cây baby vào nước là khá thấp (tuy nhiên vẫn sẽ có nhé)
Cỏ Gương là một cây rất khoẻ mạnh nên tỷ lệ thối rễ khi cắm các cây baby vào nước là khá thấp (tuy nhiên vẫn sẽ có nhé)
Rễ cây khi cắm nước ra rất nhanh!
Rễ cây khi cắm nước ra rất nhanh!
Sau 1 tuần thì cây con tách ra trồng đất đã bắt đầu rất cứng cáp.
Sau 1 tuần thì cây con tách ra trồng đất đã bắt đầu rất cứng cáp.
Đây là thành quả cắm nước sau 1 tháng, rễ cây ra rất nhanh, dài và nhiều.
Đây là thành quả cắm nước sau 1 tháng, rễ cây ra rất nhanh, dài và nhiều.
Khi rễ trong lọ thuỷ tinh quá nhiều, nên chuyển sang trồng đất để cây có thể phát triển tốt nhất và sinh cây con.
Khi rễ trong lọ thuỷ tinh quá nhiều, nên chuyển sang trồng đất để cây có thể phát triển tốt nhất và sinh cây con.
Sau khi trồng vào giá thể nhẹ, thoát nước nhanh thì tưới đẫm nước, chờ nước thoát hết thì đem đặt cây ở cửa sổ gió thoáng mát và có ánh sáng mạnh (tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp quá lâu trong ngày)
Sau khi trồng vào giá thể nhẹ, thoát nước nhanh thì tưới đẫm nước, chờ nước thoát hết thì đem đặt cây ở cửa sổ gió thoáng mát và có ánh sáng mạnh (tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp quá lâu trong ngày)

Nhân giống cây Pilea Peperomioides (Cỏ Gương) bằng cách cắt lá và cắm vào lọ nước

Nếu như ở các loài Caladium, khi cắt lá phải có kèm một phần củ thì tỷ lệ cuống lá ra rễ mới cao (nếu không có một phần củ thì gần như phần cutting (cành giâm) đó sẽ thối chết) (xem thêm bài này ạ: Caladium Strawberry Star – Cây Môn Kem Dâu Tây: Cách chăm sóc, nhân giống và các vấn đề thường gặp) thì ở loài Pilea Peperomioides (Cỏ Gương), ngay cả khi cắt cuống lá không dính tý thân cây nào, tỷ lệ cuống ra rễ vẫn rất cao. Ở phần này mình xin mượn chuỗi ảnh của chuyên gia cây cảnh Kaylee Lewis để minh hoạ. 

Để nhân giống cách này thì chỉ cần cây có lá khoẻ mạnh là có thể tiến hành được, không cần cây quá cao hoặc to.
Để nhân giống cách này thì chỉ cần cây có lá khoẻ mạnh là có thể tiến hành được, không cần cây quá cao hoặc to.
Chọn kéo sắc để vết cắt ngọt (tránh dập, ủng) và nên vô trùng kéo trước khi tiến hành cắt (nhúng vào nước sôi là nhanh nhất)
Chọn kéo sắc để vết cắt ngọt (tránh dập, ủng) và nên vô trùng kéo trước khi tiến hành cắt (nhúng vào nước sôi là nhanh nhất). Lọ để cắm lá Cỏ Gương cũng nên được rửa sạch hoặc nhúng nước sôi để vô trùng tránh các rủi ro về nhiểm khuẩn.
Giờ thì tia lá nào to khoẻ để tiến hành cắt
Giờ thì tia lá nào to khoẻ để tiến hành cắt
Đưa kéo vào sát gốc của lá. Nếu khéo léo cắt được 1 phần nhỏ của thân thì tỷ lệ gốc cuống lá đâm rễ sẽ cao hơn.
Đưa kéo vào sát gốc của lá. Nếu khéo léo cắt được 1 phần nhỏ của thân thì tỷ lệ gốc cuống lá đâm rễ sẽ cao hơn.
Còn nếu không tư tin cắt cuống có dính một phần thân cây thì cứ cắt sát gốc, nên cắt theo một góc 45 độ để tối đa tiết diện vết cắt.
Còn nếu không tự tin cắt cuống có dính một phần thân cây thì cứ cắt sát gốc, nên cắt theo một góc 45 độ để tối đa tiết diện vết cắt.
Đây là thành quả sau khi "đại khai sát giới" ^^
Đây là thành quả sau khi “đại khai sát giới” ^^
Nên chọn lọ có miệng nhỏ, đổ đầy nước sạch và cắm lá vào lọ như hình.
Nên chọn lọ có miệng nhỏ, đổ đầy nước sạch và cắm lá vào lọ như hình.
Đặt lọ ra khu vực cửa sổ làm sao lá cây nhận được ánh sáng mạnh, nên tránh ánh sáng mặt trời vì nước sẽ dễ lên rêu, không đẹp mắt.
Đặt lọ ra khu vực cửa sổ làm sao lá cây nhận được ánh sáng mạnh và gió thoáng, nên tránh ánh sáng mặt trời vì nước sẽ dễ lên rêu, không đẹp mắt.
Đây la kết quả sau 1 tháng, phần gốc lá đâm rễ nhìn rất "ƯNG"!
Đây là kết quả sau 1 tháng, phần gốc lá đâm rễ nhìn rất “ƯNG”!
Cận cảnh phần gốc cuống lá bung rễ sau 1 tháng ngâm lọ nước.
Cận cảnh phần gốc cuống lá bung rễ sau 1 tháng ngâm lọ nước.
Đã đến lúc nhấc ra trồng đất để cây phát triển nhanh hơn. Ở đây giá thể gồm đó xơ dừa vụn và đá perlite
Đã đến lúc nhấc ra trồng đất để cây phát triển nhanh hơn. Ở đây giá thể gồm đó xơ dừa vụn và đá perlite
Trồng phần cuống lá ra rễ bằng giá thể nhẹ, thoát nước nhanh và trồng như một cây độc lập.
Trồng phần cuống lá ra rễ bằng giá thể nhẹ, thoát nước nhanh và trồng như một cây độc lập.
Đặt phần chậu cũng ở cửa sổ có ánh sáng mạnh, thoáng khí, và áp dụng công thức tưới nước kinh điển: BẤT CAN BẤT KIÊU, KIÊU TẮC KIÊU THẤU
Đặt phần chậu cũng ở cửa sổ có ánh sáng mạnh, thoáng khí, và áp dụng công thức tưới nước kinh điển: BẤT CAN BẤT KIÊU, KIÊU TẮC KIÊU THẤU

Em chúc anh chị nhân giống cây Cỏ Gương thành công ạ!!!!

Tham khảo thêm

  1. Pilea cadierei (Hổ Nhĩ Trắng, Mao Đài Trổ): Hướng dẫn chăm sóc và Nhân giống bằng hình ảnh
  2. Cây Pilea peperomioides Chinese Money (Cỏ Gương, Kim Tiền Trung Hoa, Đồng Tiền Trung Quốc) chậu nhựa 10cm
  3. Pilea microphylla – Cây Lăn Tăn: Giới thiệu, chăm sóc, nhân giống và các vấn đề liên quan

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon