Paphiopedilum wardii Summerhayes

Đánh giá

Phân giống (Subgenus) Sigmatopetalum (Tiếp)

  • 57. Paphiopedilum wardii Summerhayes

Trùng tên

Cypripedium wandii (Summerhayes) Curtis, non Rolfe

Dẫn nhập

Paphiopedilum wardii được phát hiện vào năm 1922, bởi một đại úy quân đội có tên Francis “Frank” Kingdon Ward. Cây lan này được ông tìm thấy trong rừng ở miền bắc Burma (nay gọi là Myanmar), nhưng tiếc rằng khi ông đem loài cây này về thì hoa của nó đã bị mất. Mặc dù ông đã cố tìm kiếm ở một khu vực nằm giữa Fort Hertz (nay là Putao) và Nam Tamai sau đó vài năm, nhưng phải đến tận mùa đông 1930-1931 ông mới tìm thấy mấy cây nữa cùng với loài ở nơi mà lần đầu tiên ông đã phát hiện ra nó vào năm 1922. Trong tạp chí The Gardeners’ Chronicle năm 1932, Ward đã đăng một đoạn ngắn về sự phát hiện này, ông ấy gọi nó là Cypripedium sp vào thời điểm đó. Bằng những ghi chép của Ward, khoảng 6 tháng sau Summerhayes đã mô tả loài này một cách chi tiết hơn. Ward đã mô tả chi tiết về nơi phát hiện ra loài này trong ấn phẩm của ông ấy với tên là Plant Hunting on the Edge of the World (1930) and Burma’s Icy Mountains (1949) (các cây Lan tìm thấy ở đỉnh của thế giới – 1930 và những ngọn núi băng ở Burma – 1949).

Paphiopedilum wardii Summerhayes không thể nhầm lẫn với Cypripedium wardii Rolfe (1913), loài này đích thực là giống Cypripedium từ thượng nguồn sông Salween ở Tibet và phía tây Yunnan.

Paphiopedilum wardii vẫn được coi là một loài quý hiếm trong bộ sưu tập của chúng tôi, bởi do việc đi đến Myanmar có rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, việc quốc gia này đang có những thay đổi về chính trị gần đây cho thấy trong tương lai, khả năng đến đó sẽ bớt hạn chế hơn.

Nguồn gốc tên gọi

Đặt tên wardii là để vinh danh Francis “Frank” Kingdon Ward (1885-1958).

Mô tả

Paphiopedilum wardii là một loài thảo mộc. Chúng thường mọc trên mặt đất, ở những nơi có lá cây mục. Đây là loài thân ngắn, cao chỉ chừng 5 cm, thường sinh trưởng từ thân rễ ngắn và mập. Trên mỗi thân thường mang từ ba đến bốn lá tạo thành hai hàng đối diện nhau. Lá có hình dạng trứng thuôn, đầu nhọn, ở đỉnh chia làm ba thùy, với chiều dài tới 17 cm và rộng khoảng 5,5 cm. Có những vân khảm không đều nhau màu đỏ đậm ở mặt trên của lá, mặt dưới lại có nhiều đốm đỏ tía. Vòi hoa cao tới 20 cm, hướng lên trên, màu ánh đỏ phủ đầy lông tơ, và vòi thưởng chỉ có một hoa. Lá bắc hình dạng như mũi mác, đầu nhọn, có ba thùy ngắn ở đỉnh, dài từ 2 đến 3 cm, và gập theo đường sống gân lộ rõ. Bầu nhụy với màu xanh hoặc đỏ, dài từ 4 đến 5 cm, có lông tơ. Lá đài sau với chiều dài từ 4 đến 5 cm, rộng 2,5 đến 3 cm, hình ô-van hẹp, đầu nhọn hướng lên trên, lõm lòng chảo, hơi khum xuống ở phần đầu, lông tơ thưa thớt. Có một số gân màu xanh chạy song song với nhau ở trên lá đài sau, và có lông mịn màu ánh đỏ ở riềm. Lá đài kép dài 3,5 đến 4,5 cm, được hợp nhất lại bởi các lá đài bên, trông như mũi mác, đầu nhọn. Tuy giống nhau về màu sắc nhưng lá đài kép lại hẹp hơn lá đài sau. Trải rộng sang hai bên là các cánh hoa, song chúng vẫn tạo thành một góc theo chiều ngang. Các cánh hoa dài 5 đến 6,5 cm, có hình trứng hoặc hình trứng thuôn, đầu nhọn, hẹp dần về phía đỉnh, có lông mịn ở phần mép. Trên các cánh hoa thường có những chấm nâu trên nền xanh hoặc hồng. Màu sẽ càng trở nên hồng tía hơn khi càng về phía đỉnh, có từ 2 đến 8 sọc màu xanh song song với nhau. Môi dài từ 5 đến 5,7 cm và rộng 2,3 đến 2,8 cm, có ba thùy. Thùy chính của môi dài chừng 4 đến 5 cm, có hình dáng như chiếc mũ kết lật ngược và trũng sâu xuống, có một mô nhô lên ở phần chân. Hai thùy bên cuộn vào trong tạo thành một cái ống kín đáo màu xanh ngả vàng với những chấm màu đỏ giống mụn. Có đầy những mụn ở toàn bộ mặt bên ngoài của túi (hài), nhìn bên ngoài túi có màu xanh với những sọc màu nâu và có một số đốm ở phía trước. Miếng nhụy lép với hình bán nguyệt, có một rãnh không sâu ở phần lưng; có ba răng cưa dài khoảng 10 mm, rộng từ 1,2 đến 1,4 cm ở mặt trước. Hai răng ngoài hơi cuộn vào trong, rộng và dài hơn răng giữa, có một mô nhọn ở điểm chính giữa của mép thấp. Miếng nhụy lép mang màu xanh với những sọc màu đậm hơn, có lúc lại ánh lên màu hồng ở tâm.

Phân bố và thói quen sinh trưởng

Loài này thường phân bố ở miền đông bắc Myanmar hoặc miền tây nam Trung Quốc, dù chưa có ai xác định được một vùng cụ thể nào. Có một giả thuyết cho rằng loài cây này được xuất khẩu từ Trung quốc lần đầu tiên là từ Myanmar rồi mới lại tiếp tục xuất đi. Song, Paphiopedilum wardii gần như chắc chắn đã xuất hiện dọc theo sông Salween. Người ta tìm thấy các cây Lan này trong núi gần Putao ở Myanmar, với độ cao 1.200 và 1.500 m. Loài cây này thường mọc trên nền rừng, hay bóng râm gần gốc những cây khác, rễ của loài Lan này có thể ăn sâu vào phần lá mục. Loài này cũng được tìm thấy ở sườn dốc, ở đó rễ của chúng bám vào rêu mọc trên đá, và người ta cũng thấy rằng chỉ có ít rễ bám vào dốc đá.

Mùa ra hoa

Trong nuôi trồng, cây Paphioepdilum wardii gần như ra hoa quanh năm. Mùa hoa chính là từ tháng Giêng và tháng Hai.

Các biến loài và biến thể

Paphiopedilum wardii có hoa với nhiều màu khác nhau, cũng như màu của các vết khảm trên lá. Sự biến thiên này chỉ xảy ra trong phạm vi loài, và cũng chỉ có cây thực sự là albino mới được coi là đặc biệt.

Paphiopedilum wardii forma alboviride (Gruβ & Röth) Braem

Loài albino đặc hữu này được mô tả bởi Gruβ & Röth trong Die Orchids (1998) là Paphiopedilum wardii var. alboviride. Cây lan này không có ánh đỏ. Hoa có màu xanh ngả vàng đến xanh màu táo trên nền trắng, các sọc xanh đậm trên các cánh hoa và lá đài sau. Trên mặt của túi cũng vậy, có vận dạng mắt lưới, màu xanh đậm hơn. Được biết có một số sinh sản vô tính dạng albino./.

Hình trong bài (trên và dưới): Paphiopedilum wardii

Trả lời

0988110300
chat-active-icon