Phân giống (Subgenus) Sigmatopetalum (Tiếp)
67) Paphiopedilum javanicum (Reinwardt ex Blume) Pfitzer
Tên cũ
Cypripedium javanicum Reinwardt ex Blume
Cùng loài
Cordula javanica (Reinwadt ex Blum) Rolfe
Dẫn nhập
Loài này được Nhà làm vườn Hà Lan có tên là Reinwardt phát hiện vào năm 1823, trong vùng núi ở phần đông bắc của Java, và cũng vào năm đó, người ta cũng thấy trong danh mục các cây Lan được trồng trong Vườn Thực vật ở Buitenzorg (nay là Bogor), do Blume trồng.
Các cây Lan này ngày nay được gọi với tên Paphiopedilum javanicum var. virens, lần đầu tiên được sưu tập bởi Hugh Low trên núi Kinabalu vào năm 1858. Có một số cây được Low đưa vào Anh quốc, do John Day mua, người đã trồng cây mẫu ra hoa lần đầu vào năm 1863. Như thường lệ, Day đã chuyển hiện vật cho Reichenbach fil. và ông này đã mô tả là một loài Lan riêng biệt, và đặt tên cho nó là Cypripedium virens. Reichenbach đã phân loại từ Paphiopedilum javanicum do các cánh hoa của nó duỗi thẳng sang hai bên và miếng nhụy lép lồi. Trong tập II của cuốn Xenia Orchidacea, Reichenbach (1870) đã công bố phần mô tả chi tiết cùng với một số bản vẻ màu. Trái với Reichenbach, những người như Kent (ở Veitch, 1889), Stein (1892), Kerchove (1896) đã chẳng coi Paph, virens là một loài riêng biệt. Hơn nữa, Pfitzer (1896) lại coi nó là một loài. Karasawa đã thiết lập số nhiễm sắc thể cho Paph. virens là 2n = 40, trong khi đó, ông ấy đếm nhiễm sắc thể của Paph. javanicum là 2 = 38. Trái lại, vào năm 1982 Karasawa tán thành với Pfitzer cho rằng Paph. virens là một loài riêng biệt. Braem (1988), Koopowitz (1995, 2000, 2012) và ngay cả Cribb (1987) cũng không chấp nhận việc coi đó là một loài. Dù sao, toàn bộ sự khác biệt được bổ sung thêm sau đó như sự khác nhau về số lượng nhiễm sắc thể, về loại karyo đã làm cho Paph. virens và Paph, javanicum ít nhất thì cũng là một cặp khác với các loài khác trong cùng giống (xem các ví dụ về từng cặp như Paph, parishii – Paph. dianthum, Paph. philippinense – Paph. roebbenlenii, Paph. praestans – Paph. wilhelminiae) và một vài nghiên cứu khác có thể cho thấy, tốt hơn là cứ để Paph. virens là một loài riêng biệt.
Nguồn gốc tên gọi
Tên javanicum được đặt cho đảo Java của Indonesia, nơi mà người ta đã sưu tầm được mẫu vật.
Mô tả
Paphiopedilum javanicum là loài có nguồn gốc thảo mộc, chiều cao tổng quát đạt đến 40 cm. Lá của cây Lan này dài 20 cm, rộng 5 cm, hình ê-lip hẹp và thuôn, trên mặt lá khảm màu xanh đen và xanh xỉn, đỉnh là chẻ hình chữ V. Vòi hoa cao tới 25 cm, màu xanh, có đốm hồng, thường chỉ có một hoa, ít khi có hai hoa. Lá bắc của hoa dài 2 cm, phủ lên hai phần ba bầu nhụy. Đo chiều ngang của hoa được 10 cm, các chi tiết của hoa đều có lông tơ, trừ cái môi. Lá đài sau dài 4,3 cm, rộng trên dưới 2,5 cm, hình trái tim, đầu nhọn, màu xanh với những đường kẻ sọc màu xanh đậm, phần đỉnh màu trắng. Lá đài kép dài chừng 3,1 cm, hẹp hơn lá đài sau, hình ô-van thuôn. Các cánh hoa dài chừng 5 cm, rộng 1,5 cm, trông hình dáng như một cái đai da, hơi chúc xuống dưới, một phần ba cánh hoa ở phần ngọn màu đỏ tía, hai phần ba còn lại màu xanh, điểm thêm các mụn nhỏ và rất đen. Môi giống như một cái túi sâu, màu nâu ngả xanh với phần đỉnh thì sáng hơn. Hai thùy bên của môi cuộn vào trong, màu xanh đốm đỏ. Miếng nhụy lép hình quả thận, mép trên có xẻ rãnh, mép dưới lõm sâu.
Phân bố và thói quen sinh trưởng
Trên các hòn đảo ở Java, Bali, Flores và Sumatra. Ở Ja va, các cây được tìm thấy trên núi trải dài khắp hòn đảo. Trong khi chúng mọc trong rừng trên độ cao 950 đến 2.000 m, thì Paphiopedilum javanicum lại được tìm thấy hầu hết trên độ cao 1.400 đến 1.700 m. Loài lan này sống dưới bóng râm hoặc bị bóng râm che phủ một phần, thường thì ở những chỗ có lá mục trên nền rừng, song người ta cũng tìm thấy chúng mọc ở những hợp chất của dung nham đen vỡ vụn và chất mùn nằm rải rác trên bề mặt các triền đốc cũng như trên nền các chất đã bị phân hủy và xốp.
Mùa ra hoa
Paphiopedilum javanicum thường ra hoa từ tháng Ba qua đến tháng Năm, nhưng cây Lan được đề cập trong báo cáo lại ra hoa vào thời điểm khác trong năm.
Các biến loài và biến thể
- Paphiopedilum javanicum var. virens (Reichenbach fil.) Stein
- Paphiopedilum javanicum var. javanicum forma nymphenburgianum (Röth & Cruβ) Cribb.