- Dịch: Huyền Nguyễn
Làm vườn có thể có nhiều hình thức, nhưng hôm nay chúng tôi sẽ đề cập đến ba loại vườn chính mà bạn có thể bắt đầu trồng: Làm vườn trong chậu, làm vườn trên luống cao và làm vườn trên mặt đất. Bạn có thể đã lựa chọn được hình thức làm vườn bởi cách thức trồng cây thường được xác định bởi không gian và lối sống của bạn. Mỗi khu vườn đều có ưu và khuyết điểm riêng, nhưng trong nhiều trường hợp, bạn có thể kết hợp các loại vườn phù hợp với nhu cầu của mình. Có lẽ bạn muốn trồng cây mọng nước (succulents) trên mặt đất để chúng tự phát triển, nhưng trồng rau trên luống cao để dọn cỏ và thu hoạch dễ dàng hơn.
Nếu bạn không biết chắc nên bắt đầu từ đâu, hãy xem xét khoảng không gian bạn có trong sân và quyết định bạn nên trồng cây theo cách nào nhằm biến nó thành nơi nghỉ dưỡng xanh của riêng bạn.
Làm vườn trong chậu
Không chỉ là một lựa chọn cho những không gian nhỏ như ban công, sân trong hoặc trên mái nhà, làm vườn trong chậu có thể tạo nên một khu vườn độc lập hoặc một điểm nhấn trong một khu vườn lớn hơn. Nó có thể bao gồm một bộ sưu tập các chậu và đĩa, hộp ray trên cửa sổ và boong, và các chậu trồng cây khác mà bạn có thể dễ dàng di chuyển xung quanh.
Trung tâm làm vườn tại địa phương của bạn có bán tất cả các chậu và chậu trồng cây thông thường làm bằng đất sét, gỗ, nhựa và đá. Nhưng ngày nay, có rất nhiều loại chậu khác mà bạn có thể xem xét, chẳng hạn như túi trồng cây, thùng trồng, túi len và chậu trồng tự tưới. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể tái sử dụng những đồ vật cũ hoặc không sử dụng để làm chậu trồng cây, chẳng hạn như hộp đựng trà, bao tải bằng vải bố, xô mạ kẽm, thùng gỗ, thùng tưới nước, xe cút kít, thậm chí cả những chiếc bồn tắm có chân trụ kiểu cổ điển.
Ưu điểm của việc làm vườn trong chậu
Làm vườn trong chậu là cách trồng cây lý tưởng đối với hầu hết mọi người vì bạn có thể di chuyển chậu cây nhưng cây cối không thể tự lan rộng. Bạn có thể bắt đầu trồng cây trong một vài chiếc chậu nhỏ và trồng thêm nhiều hơn khi tài nguyên của bạn cho phép. Cây và chậu có thể được thay đổi tùy ý vào mỗi mùa và sâu bệnh có thể dễ dàng được kiểm soát hơn vì bạn có thể loại bỏ một cây bị bệnh ngay khi phát hiện.
Nhược điểm của việc làm vườn trong chậu
Hạn chế của việc làm vườn trong chậu là đôi khi bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để chăm sóc, đặc biệt là khi bạn không đầu tư mua các chậu trồng cây tự tưới hoặc hệ thống tưới tự động. Cây trồng trong chậu khô nhanh hơn so với cây trồng trong đất, vì vậy vào mùa hè nắng nóng, bạn có thể sẽ cần tưới cây hai hoặc ba lần mỗi ngày. Khi cây lớn lên trong thùng chứa, chúng cần được chia nhỏ và thay chậu với bầu đất mới. Tất cả những công việc đó cũng tương đương với việc chăm sóc một khu vườn truyền thống.
Làm vườn trên luống cao
Nếu bạn có không gian, làm vườn trên luống cao là cách tốt nhất để bắt đầu trồng một khu vườn lớn, đặc biệt nếu đất không tơi xốp. Làm vườn trên luống cao giúp bạn không phải chống chọi với điều kiện đất nghèo nàn, giúp bạn trồng trên mặt đất và kiểm soát nhiệt độ, kết cấu và thành phần của đất dễ dàng hơn.
Luống trồng được tạo nên trên đất hoặc cỏ tự nhiên (hoặc thậm chí là trên nền bê tông) và thường được giới hạn trong một cấu trúc, mặc dù một số luống cao chỉ đơn giản là những gò đất hình thành tự do. Bạn có thể mua một chiếc luống nâng làm sẵn, đóng một khuôn luống từ một bộ dụng cụ hoặc tự làm một khuôn luống tùy chỉnh theo thông số kỹ thuật mà bạn mong muốn. Gỗ (bất cứ thứ gì được làm từ ván tuyết tùng) là lựa chọn phổ biến nhất, nhưng bạn cũng có thể tạo ra một chiếc vườn nâng từ gạch, đá, khối vụn hoặc các kiện rơm.
Ưu điểm của việc làm vườn trên luống cao
Có một số lợi ích khi bắt đầu làm vườn trên luống cao: Môi trường đất sẽ ấm lên nhanh hơn vào mùa xuân và kéo dài mùa trồng trọt, đất thoát nước tốt hơn, không bị nén chặt do xe cộ đi lại, và bạn có thể điều chỉnh đất trên từng luống để phù hợp với loại cây bạn đang trồng (chẳng hạn như làm cho một luống có nhiều axit hơn để trồng cây Việt Quất). Nếu bạn chọn đúng vật liệu để xây dựng luống nâng, nó sẽ tồn tại trong một thời gian khá dài và ít cần chăm sóc hơn so với một khu vườn thông thường.
Nhược điểm của việc làm vườn trên luống cao
Điểm bất lợi là thời gian và chi phí ban đầu liên quan đến việc lắp đặt vườn nâng. Những chiếc khuôn tạo luống chất lượng làm sẵn có thể đắt, nhưng một chiếc luống mà bạn tự đóng thậm chí còn có thể đắt hơn cả tiền mua. Thêm đó là chi phí mua đất để lấp đầy các luống, cho dù bạn mua số lượng lớn hay đóng bao. Hãy nghĩ về một khu vườn nâng như một dự án cải thiện nhà cửa, ngân sách làm vườn có thể phụ thuộc vào thời gian bạn dự định sống trong ngôi nhà của mình.
Làm vườn trên mặt đất
Rất ít người có loại đất hoàn hảo để có một khu vườn trên mặt đất. Nhưng nếu bạn biết cách sử dụng thuổng và cào, bạn có thể biến một khoảnh đất trống thành một luống đất tốt để trồng cây cảnh hoặc cây ăn được.
Ưu điểm của việc làm vườn trên mặt đất
Các khu vườn trên mặt đất tận dụng lớp đất mặt hiện có trong sân. Ở vùng khí hậu sa mạc, những kiểu vườn này tiết kiệm nước vì rễ cây không bị khô nhanh. Hệ thống tưới dễ dàng lắp đặt hơn trên các bề mặt phẳng so với các luống nâng. Và nếu bạn có đất đai màu mỡ, việc trồng trực tiếp trên mặt đất có thể là cách trồng cây hiệu quả nhất. Bạn không phải mua đất, không phải mua bất kỳ khuôn luống hoặc chậu trồng đặc biệt nào, bạn cần chuẩn bị rất ít và có thể bắt đầu trồng cây ngay lập tức.
Nhược điểm của việc làm vườn trên mặt đất
Thông thường, bạn cần cải tạo đất bằng phân trộn, lưu huỳnh, đá bọt, vôi, thạch cao hoặc bất kỳ chất cải tạo đất nào để tạo ra chất trồng lý tưởng cho cây. Đôi khi bạn chỉ cần thêm một lượng phân hữu cơ đóng bao chất lượng tốt có bán trên thị trường là xong, nhưng nếu bạn muốn trồng các loại cây có nhu cầu dinh dưỡng cụ thể, có thể khó xác định đất trồng đang thiếu chất gì. Vì lý do này, một khu vườn trên mặt đất có thể mất vài năm để chính thức đi vào hoạt động khi bạn thử nghiệm với nhiều cách cải tạo đất khác nhau.
Kiểm tra đất bản địa
Nếu bạn chưa từng trồng cây trong sân của mình, bạn nên kiểm tra đất trước khi đầu tư thời gian và tiền bạc để tạo nên một khu vườn trên mặt đất. Các trung tâm làm vườn có bán bộ dụng cụ kiểm tra đất mà bạn có thể sử dụng tại nhà để đo độ pH của đất. Hầu hết các loài thực vật ưa độ pH trung tính, nhưng một số khác thích hợp hơn trong môi trường kiềm hoặc axit. Biết được đặc điểm của mảnh đất có thể giúp bạn chọn những loại cây phù hợp với đất hiện có hoặc những loại cây phù hợp để cải tạo đất cho phù hợp.
Nếu bạn muốn phân tích chính xác và chi tiết hơn (đặc biệt nếu bạn lo lắng về các chất gây ô nhiễm), bạn có thể gửi mẫu đất đến văn phòng khuyến nông hợp tác của trường đại học tại địa phương. Kết quả từ phòng thí nghiệm có thể cho bạn biết các độc tố tiềm ẩn trong đất, cũng như bất kỳ sự thiếu hụt khoáng chất nào mà bạn nên sửa chữa trước khi trồng. Hãy nhớ rằng đặc tính đất có thể khác nhau ở các vị trí trong cùng một khu đất, vì vậy bạn nên thu thập mẫu đất từ từng khu vực trong mảnh đất mà bạn định sử dụng để trồng cây.
Lời khuyên của chuyên gia: Bạn hãy bắt đầu làm vườn với quy mô nhỏ. Đừng áp lực bản thân phải thiết lập một khu vườn đẹp như tranh vẽ. Ở thời điểm mới trồng cây, sự đam mê sẽ khiến bạn dễ mắc sai lầm là trồng quá nhiều cây, trồng hết không gian đất mà bạn có. Trừ khi bạn có nhiều sự trợ giúp hoặc có nhiều thời gian, nếu không, bạn hãy tập trung vào làm vườn quy mô nhỏ trước, sau đó khi kinh nghiệm và nhu cầu của bạn tăng lên, bạn có thể trồng thêm nhiều chậu cây hoặc nhiều luống cây hơn.