Nguyên tắc tưới nước Kinh Điển: Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu (不干不浇浇则浇透)

Nguyên tắc tưới nước Kinh Điển: Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu (不干不浇浇则浇透)

Em có tham gia nhiều diễn đàn và thấy có rất nhiều trường hợp cây cảnh, đặc biệt là cây trồng trong nhà (indoor plants) bị chết do thối rễ (root rot). Nguyên nhân hàng đầu và sâu xa cho việc thối rễ chính là rễ bị sũng nước (bên Tây họ hay nói vui là “sit in water” (ngồi trong nước)). Và như vậy, nước cùng vấn đế tưới nước chính là điểm bắt đầu cho hành trình “lên thiên đường” của những chậu cây siêu đẹp bị thối rễ. 

Cá nhân em thấy Tưới nước sai cách là thủ phạm Hàng Đầu, trên cả vấn đề Ánh Sáng đối với cây cảnh, và đặc biệt đúng với các cây được trồng trong nhà. Hôm nay em xin chia sẻ một Triết Lý tưới nước của các bạn bên Trung Quốc, hy vọng cả nhà mình sẽ có thêm một phương pháp để tham khảo.

Trong thời gian buôn bán cá cảnh (nguyên nhân cái nick name Dũng Cá Xinh của em), em thường xuyên sang Quảng Châu chọn cá và đánh cá cảnh về. Ở Quảng Châu có một chợ sinh vật cảnh khổng lồ – chợ HuaDiWan – 花地湾 (Huā dì wān) – Hoa Địa Loan. Nơi đây bán đủ thứ liên quan đến chim, cây cá cảnh, hoa, chó, mèo, côn trùng, bò sát,… Đại loại là cứ cái gì làm cảnh thì ở đây bán hết. Và không ngoa nếu nói đây là chợ sinh vật cảnh lớn nhất ở Trung Quốc. Bạn thân của em người Trung Quốc là Cửu Hoa là chủ một cửa hàng bán cây thuỷ sinh, nằm ở mặt bên trái chợ, cạnh chợ chó mèo và ngay sát chợ cây cảnh hoa cảnh. Nhờ sự giới thiệu cũng như việc lang thang kết bạn, em cũng quen được nhiều chủ vườn, chủ garden, shop bán cây cảnh và học được rất nhiều kiến thức quý báu. 

Một số hình ảnh tại chợ HuaDiWan để cả nhà tham khảo ạ:

Biểu tượng cổng chính của chợ HuaDiWan, một hình ảnh cực kỳ thân thuộc của dân buôn hàng sinh vật cảnh người Việt Nam
Biểu tượng cổng chính của chợ HuaDiWan, một hình ảnh cực kỳ thân thuộc của dân buôn hàng sinh vật cảnh người Việt Nam
Một cửa hàng cây cảnh trong chợ HuaDiWan, bán buôn bán lẻ 1 ngày của cửa hàng này có thể lên đến 10 vận Nhân Dân Tệ (350 triệu Việt Nam Đồng) doanh số 1 ngày (thời điểm tháng 07/2017)
Một cửa hàng cây cảnh trong chợ HuaDiWan, bán buôn bán lẻ 1 ngày của cửa hàng này có thể lên đến 10 vận Nhân Dân Tệ (350 triệu Việt Nam Đồng) doanh số 1 ngày (thời điểm tháng 07/2017)
Khu vực chuyên bán Sen Đá. 15 Tệ 1 chậu (tương đương 50k VNĐ) cho khách lẻ.
Khu vực chuyên bán Sen Đá. 15 Tệ 1 chậu (tương đương 50k VNĐ) cho khách lẻ.
Một khu vực bán hoa chậu và hoa cắm nhỏ nhưng có võ trong chợ.
Một khu vực bán hoa chậu và hoa cắm nhỏ nhưng có võ trong chợ.
Một quầy bán sen phổ thông. 10 Tệ (35,000 VNĐ) 6 cây, tương đương giá ở Việt Nam.
Một quầy bán sen phổ thông. 10 Tệ (35,000 VNĐ) 6 cây, tương đương giá ở Việt Nam.
Bên Trung Quốc cũng có những gánh hàng hoa và cây cảnh rong. Doanh thu của họ mỗi ngày không hề thấp, đủ nuôi cả gia đình luôn.
Bên Trung Quốc cũng có những gánh hàng hoa và cây cảnh rong. Doanh thu của họ mỗi ngày không hề thấp, đủ nuôi cả gia đình luôn.

Quay lại vấn đề tưới nước, tất cả các cửa hàng cây hay hoa đều chia sẻ và tuân thủ cực kỳ nghiêm túc 8 chữ, được gọi là Triết Lý tưới nước bất biến:

不干不浇浇则浇透

Bù gān bù jiāo jiāo zé jiāo tòu

Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu

Cắt nghĩa câu này như sau: 

  • Bất Can Bất Kiêu: KHÔNG KHÔ THÌ KHÔNG TƯỚI
  • Kiêu Tắc Kiêu Thấu: ĐÃ TƯỚI PHẢI THEO QUY TẮC TƯỚI ĐẪM VÀ THOÁT HẾT NƯỚC (XUYÊN THẤU). 

Như vậy, cả câu có thể chuyển sang tiếng Việt như sau:

CHỈ TƯỚI NƯỚC KHI KHÔ

ĐÃ TƯỚI LÀ PHẢI ĐẪM

TƯỚI RỒI NƯỚC THOÁT HẾT

  • Chỉ tưới nước khi khô: Tuỳ từng loài cây mà khô thế đến mức độ nào thì cần tưới. Ví dụ như cây Hương Thảo Rosemary (Rosmarinus officinalis) chỉ khi khô từ bề mặt xuống đất tầm 3cm thì mới tưới (tham khảo thêm TẠI ĐÂY) nhưng cây Đậu Biếc chỉ cần khô bề mặt tầm 1mm là nên tưới ngay. (tham khảo thêm TẠI ĐÂY ạ). Và dù cây nào thì khi đất vẫn còn ẩm 100% từ bề mặt xuống đáy thì TUYỆT ĐỐI không nên tưới bằng bất cứ hình thức nào. Nhiều anh chị em tưới nước theo cảm xúc và theo thế “tiện tay dắt dê”, tiện đang cầm vòi tưới cây khô thì luôn mấy cây bên cạnh, bất chấp việc các cây bên cạnh có cần tưới nước hay không. À còn tưới theo lịch trình tự động nữa, cái này là con dao hai lưỡi thực sự. Nếu không dựa vào dữ liệu đầu vào là độ ẩm không khí, thời tiết hanh nồm, mưa nắng mà cứ đúng giờ phun nước thì rủi ro ẩn chứa là cực nhiều.
  • Đã tưới là phải đẫm: Điều này rất quan trọng, chỉ khi tưới đẫm nước thì tất cả không gian bầu chứa gồm rễ, giá thể, đất mới có thể ngấm nước. Em thấy nhiều anh chị tưới nước theo cách dùng một cốc nước nhỏ đổ vào gốc cây. Chỉ có một số cây vô cùng trâu bò như kiểu các loại trầu bà thuộc chi Epipremnum hay mấy cây Lưỡi Hổ, … hoặc những cây mọng nước (succlents) và xương rồng (cactus) mới có thể chịu được cách tưới này vì bản chất chúng cũng không cần nhiều nước, việc tưới nhỏ giọt hay 1 cốc nước thì chỉ tránh cho đất khô quá mức chịu đựng của cây. Tưới nhỏ giọt cũng rất nguy hiểm, phương thức này chỉ nên dùng tạm thời vào những lúc bạn không thể tưới đẫm được, với lý thuyết “Méo mó có hơn không”, thà nhỏ giọt còn hơn không tưới tý nào. Nếu có điều kiện nhất định bạn phải tưới đẫm nhất có thể nhé. Có một công thức tưới đẫm vô cùng dễ dàng để áp dụng, đặc biệt cho các loại chậu treo hoặc chậu để bàn nhỏ, đó là nhúng cả chậu cây vào xô nước (chỉ nhúng đến phần gốc cây, không nhúng cả cây vào) trong vòng tầm 2 – 3 phút là đảm bảo nước sẽ ngấm vào 100% đất và rễ cây. Tưới không đẫm đất rất dễ vón cục khiến rễ bị tổn thương, phần tổn thương lúc này dễ bị thối hoặc nhiễm bệnh, và từ đó lây sang các rễ khoẻ và khiến cây chết.
  • Tưới rồi nước phải hết: Đây là điều cực kỳ quan trọng. Sở dĩ cây trồng trong nhà chết nhiều một là do anh chị em khó lòng tưới kiểu đẫm nước do sợ nước chảy ra khỏi nhà, hai là trong nhà không đủ gió thoáng và ánh nắng, ánh sáng mạnh để đất khô nhanh và cuối cùng là các chậu cây trong nhà có thẩm mỹ cao thường chỉ có một lỗ thoát nước, vô cùng dễ tắc nếu có một hạt sỏi bịt kín lỗ này. Nước không thoát được, tưới nước quá ít khiến anh chị em luôn có cảm giác cây thiếu nước và cứ bồi vào liên tục, dù mỗi ngày 1 cốc nước nhưng do không thoát được nhiều, chậu cây luôn ở tình trạng sũng nước và rễ cây bị úng, thối rễ sẽ xuất hiện kèm theo vô số loại bệnh, côn trùng gây hại sẽ từ đâu mọc ra, đó sẽ là những combo chí mạng giết cây! Có nhiều anh em hỏi tại sao cây ở ngoài đồng ít chết vì cấu trúc đất ngoài đồng cho phép nước thấm xuống rất sâu các tầng đất bên dưới nên việc úng nước sẽ được hạn chế cực kỳ nhiều. 
Đây là một phần rễ của cây Phát Dụ trồng trong nhà. Do chế độ tưới nước sai mà gần như toàn bộ rễ bị thối, chuyển màu đen và bốc mùi. 
Đây là một phần rễ của cây Phát Dụ trồng trong nhà. Do chế độ tưới nước sai mà gần như toàn bộ rễ bị thối, chuyển màu đen và bốc mùi. 
Một cây trồng trong nhà đầu lá chuyển vàng và nâu, các lá rũ xuống, úa và héo do bị sũng nước (overwatered)
Một cây trồng trong nhà đầu lá chuyển vàng và nâu, các lá rũ xuống, úa và héo do bị sũng nước (overwatered)

Em đã và vẫn đang áp dụng 8 chữ: “Bất Can Bất Kiêu, Kiêu Tắc Kiêu Thấu” trong việc tưới nước cho vườn cây của mình và thu được những kết quả rất tích cực. Có một số cây cụ thể cần điều chỉnh một chút, linh hoạt một chút nhưng căn bản vẫn không khác gì nhiều lắm.

Rất mong đây là một bài tham khảo hữu ích dành cho anh chị em trong việc chăm sóc cây cảnh, đặc biệt là cây trong nhà (houseplants) ạ!!! 

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon