Nghề tay trái cho thu nhập “khủng”

Nghề tay trái cho thu nhập “khủng”
Đánh giá

Không chỉ làm tốt công tác giải ngân của một cán bộ tín dụng, chàng chuẩn võ sư cấp 17 võ cổ truyền Việt Nam Vũ Huy Hoàng (33 tuổi) còn rất mát tay với nghề sản xuất, kinh doanh hoa Lan rừng, thu tiền tỷ mỗi năm.

Nhân giống các loài Lan có nguy cơ tuyệt chủng

Vườn lan Hương rừng với khu nhà lưới rộng 600m² tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) của anh Hoàng đang trồng hơn 500 giò lan thuộc 30 dòng, trong đó chủ yếu là lan rừng đặc hữu quý hiếm trong nước, đặc biệt là Tây Nguyên; 20% còn lại là lan Đài Loan, Thái Lan.

Đưa chúng tôi đến khu vực trồng những loài Lan quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như thủy tiên, long tu, kim điệp, giả hạc Di Linh…, anh Hoàng nói lan thủy tiên (Dendrobium Farmeri va alba) có phát hoa thành chùm cong hay buông thõng xuống với nhiều hoa to, sắp xếp rất duyên dáng, quyến rũ; lá dài, bền, thường không bị rụng.

“Mấy tháng trước em bán một giò lan sum suê với 16 giả hành có nguồn gốc từ rừng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm cho khách ở Hải Phòng với giá khủng 145 triệu đồng. Người Nhật và Đài Loan đã mua lan thủy tiên đột biến trắng tuyền về nuôi cấy mô để trồng quy mô công nghiệp nhưng thất bại.

Ở Việt Nam, lan thủy tiên có 5-6 loài, trong đó duy nhất cây thủy tiên vuông đột biến trắng tuyền của Lâm Đồng là nở đúng Tết Nguyên đán. Một giò đẹp được chăm sóc 5-6 năm có giá hơn 100 triệu đồng bởi mỗi nhánh (giả hành) từ 5-10 triệu đồng.

Với lan đột biến, nguồn gene rất yếu nên cây mô dễ bị chết yểu. Bởi thế, trước mắt em nhân giống thủ công để góp phần giữ gìn, bảo tồn những loài Lan quý này”, anh Hoàng nói.

nghe-tay-trai-cho-thu-nhap-khung Nghề tay trái cho thu nhập "khủng"

Anh Vũ Huy Hoàng bên cây Lan thủy tiên quý hiếm.

Với giả hạc Di Linh (Lâm Đồng), trước kia người ta vào rừng khai thác về cân ký bán với giá rất rẻ nhưng bây giờ vô cùng khan hiếm. Một số chủ vườn treo giá 5,5 triệu đồng/kg nhưng những người vào rừng săn lan ít khi bắt gặp loại này.

“Vườn của em cũng chỉ còn số lượng nhỏ nên ưu tiên bán cho khách hàng ruột có nhu cầu sưu tầm cao. Giá một mầm giả hạc Di Linh 20cm lên đến 500 ngàn đồng”, anh Hoàng kể.

Học công nghệ trồng lan từ Đài Loan, Thái Lan

Anh Hoàng cho biết ban đầu do thiếu kinh nghiệm nên lãng phí trong đầu tư: chỉ với 600m² đã phải bỏ ra 500 triệu đồng để làm giàn, phủ lưới, trang bị hệ thống tưới phun tự động…, đó là chưa tính chi phí về cây giống, phân và thuốc.

Sau đó, để đầu tư tiếp khu trồng lan rộng 2.000m², anh Hoàng đã đi tham quan học hỏi công nghệ làm nhà lưới tại Đài Loan, Thái Lan và một số mô hình thành công trong nước. Qua đó anh tính toán tổng hợp thành mô hình mới với vốn đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị cho 1.000m² chỉ khoảng 400 triệu đồng.

Khung giàn lan bằng sắt chắc chắn, bền, chống gió bão; giàn treo lan bằng tầm vông hay sắt ống nước. Lan không chịu ánh sáng mạnh nên phải dùng lưới màu đen hoặc xanh đen che bớt ánh sáng.

Nước tưới và độ ẩm là những yếu tố quan trọng. Thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng thừa nước thì cây dễ bị thối đọt, rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh, do đó chỉ tưới đủ ẩm và tưới vào sáng sớm hay chiều mát.

Cây lan trồng trên dớn chỉ tưới một lượt nhưng trồng trên giá thể gỗ phải tưới hai lượt. Tuy trong vườn lắp sẵn hệ thống phun sương nhưng với cây mới trồng phải tưới thủ công bằng vòi phun tay và chỉ tưới thoáng qua.

Lan cần phân bón chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung vi lượng và chất điều hòa sinh trưởng nhưng lại không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy phải khá kỳ công khi chăm bón. Đối với cây con, cây non mới chiết tách chưa có rễ, Hoàng phun loại phân bón lá B1 (dạng nước) nhập khẩu từ Mỹ. Khi cây đã trưởng thành, bộ rễ phát triển anh sử dụng dòng phân hữu cơ Vinamit nhập khẩu từ Úc. Dùng máy nhồi phân vô túi lưới rồi đặt túi phân vào giò hoặc xung quanh mép chậu lan.

Dẫu lan dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện môi trường không thuận lợi (do đó phải thường xuyên theo dõi để kịp thời phun xịt loại thuốc thích hợp) nhưng điều thú vị là loài cây trông có vẻ mềm mại, mỏng manh này lại có sức sống mãnh liệt ít cây nào sánh bằng. “Những loại cây khác nếu bệnh gần chết thì khó cứu vãn nhưng với lan, dẫu bị bệnh, bị nấm đến thối cây vẫn chưa phải là hết cơ hội. Cách xử lý khá đơn giản: nhổ cây Lan ra, cắt hết rễ, rửa cho sạch gốc, treo lên, xịt ít thuốc nấm, thuốc kích rễ, thuốc kích mầm”, anh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.

Đến nay, anh Hoàng đã có 3 năm sản xuất, mua bán các loại hoa Lan và nghiên cứu thị trường. Nhận ra việc ôm đồm hàng trăm loài Lan là sai lầm, hiện anh chỉ tập trung vào vài chục giống lan thân thòng được người chơi lan Việt Nam ưa chuộng như giả hạc Hawai, giả hạc Pháp, đại ý thảo, Phi Diệp Dendrobium Anosmum, các dòng trầm lai của Đài Loan… Đó là những loại lan thân dài, dáng rủ mềm mại, hoa nở liên tục, khỏe, đẹp, một khóm nở hơn trăm đóa hoa.

Do sản lượng hoa không đủ cung cấp cho thị trường, anh bao tiêu một lượng lớn hoa của các vườn khác tại địa phương và nhập thêm các giống lan mới có giá trị cao từ Đài Loan, Thái Lan… Năm 2014, anh Hoàng đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm một số lao động địa phương.

Bí thư Huyện Đoàn Đức Trọng Nguyễn Vương Tuyền cho biết anh Hoàng vừa được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của. Mô hình sản xuất kinh doanh lan của anh rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Huyện Đoàn đang vận động một số ĐV-TN ở xã Ninh Gia, thị trấn Liên Nghĩa học tập để không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho các đoàn viên thanh niên khác.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon