Nền tảng nghệ thuật trong các kỹ thuật tạo dáng Bonsai – Andy Rutledge

Nền tảng nghệ thuật trong các kỹ thuật tạo dáng Bonsai – Andy Rutledge
Đánh giá

Tác giả: Andy Rutledge
Biên dịch: bác Vũ Hưng trong caycanhvietnam.com.

Vài điều lưu ý

Tập sách này có gì khác biệt

Tập sách này chả phải là một “cẩm nang chăm sóc Bonsai”, mà cũng không phải loại sách “kỹ thuật bonsai” kiểu như chỉ cho bạn cách làm thế này thế kia. Thành thử đọc trong đây, các bạn sẽ chẳng thấy nói gì tới những chuyện như: quấn dây, sang chậu, cắt tỉa, phát chi dăm, làm phân bón, hay cả như chuyện giữ sao cho cây khỏi chết cũng chả có.
Tập sách này cũng không hề bàn gì tới giống cây này, chủng loại kia; hay như cả những chuyện thời tiết khí hậu gì đó cũng miễn bàn.
Duy nhất có một chuyện tập sách đề cập: sáng tạo nghệ thuật với những nguyên tắc thiết kế mà thôi.

Nói xa thêm một tẹo, tập sách này chả nên đưa vào tay mấy bạn nào vừa mới đặt chân tìm hiểu bonsai rồi trồng thử mấy cây con con rồi tập uốn éo tạo dáng.
Những ý niệm đưa ra trong tập sách này cốt là để trình bày và diễn nghĩa chi tiết những kiểu dáng bonsai quy ước, chứ chả phải nhắm chuyện thay đổi dáng thế bonsai gì cả, thành thử tập sách rõ là không hợp lắm với những bạn chập chững mới chơi.

Các bạn chớ có ôm tập sách này rồi cứ thế dùng cho thiết kế và bảo: “Đây là điều luật mới cho bonsai” kiểu như những giới luật nghiêm ngặt của Tôn giáo.
Mà ngay như cả những “quy luật cũ của bonsai” chăng nữa thì cũng chớ nên ôm kiểu đó.
Tập sách này chả phải là “quyển sách nêu ra những quy tắc”.
Ngược lại, những bài viết trong tập sách này chỉ giúp các bạn nhìn sâu hơn vào những vấn đề:

-Lý do khiến một số quy tắc hết sức quan trọng?
-Tại sao một số quy tắc giúp bạn thiết kế ra hồn?
-Và, bạn biết cách bỏ qua, đừng kể tới những quy tắc khiến chả sao sáng tạo Nghệ thuật được.

Quy tắc

(Nhớ quỳ xuống và thành kính mỗi khi nhắc tới cụm từ “quy tắc” nghe, ÔNG BẠN VÀNG!)

Quy tắc á hả? Dục quách nó đi!
Cái cụm từ “Quy tắc Bonsai” này quả là một thuật ngữ nghe phát khiếp.
Chẳng may, vì “gọi tên sai” như vậy thành thử cụm từ này phải gánh chịu trách nhiệm là đã làm cho vô số người (tự nhận rằng họ là người đam mê việc sáng tạo Bonsai) cứ phải ì ạch ở mức kém hiểu biết về căn bản bonsai suốt thôi.
Trong khi đó thì, theo như Thày tôi: cụ Nick Lenz, những quy tắc áp dụng trong bonsai chỉ là một số những quy ước Nghệ thuật nhằm giúp “tăng tiến” và “đơn giản hóa” phần hình ảnh, do người nghệ sĩ sáng tạo, để chuyển tới người xem vẻ đẹp, ý nghĩa và gợi cảm trong tác phẩm (N.Lenz 2002).

Quan trọng là chuyện các bạn nên hiểu sự khác biệt:

Quy tắc trong sáng tạo nghệ thuật chỉ làm cái việc hướng dẫn cho bạn làm cách nào để truyền đạt, chứ chả phải là : truyền đạt cái gì!

Chúng ta cứ coi những quy tắc này chỉ như những tài liệu tham khảo khi đưa những căn bản Mỹ thuật vào việc sáng tạo bonsai. Có vậy thôi!
Bạn thấy:
-có phải người Nhật họ đã “chế” ra mấy thứ quy tắc này đâu?
-mà cũng chả phải quy tắc là chuyện được gom lại thành hệ thống?
-hay đóng khung như công thức toán học?

Vậy là bạn sẽ “truyền đạt” rộng rãi chuyện đề cập trên tới các vị yêu thích sáng tạo bonsai đấy chứ?
Bạn đồng ý không nào?

Ai nên đọc tập sách này?

Tập sách này, đã đành là dành cho những bạn đam mê bonsai, nhưng các bạn ấy:

-đã có một ít căn bản hiểu biết về bonsai,
-đã từng nhiều phen tạo dáng bonsai,
-đã từng vật lộn với nhiều giống cây để nắm được: giống cây nào hợp với kiểu dáng nào.
-cũng đã thỉnh thoảng làm ra một vài bonsai coi được được.

Nếu những bạn nêu trên mà đọc tập sách này thì cũng có thể thâu thêm chút lợi lộc ở chỗ hiểu được: lý do tại sao giống cây này thì hợp kiểu dáng này, mà giống kia thì không.

Tập sách này cũng dành cho những bạn nào yêu bonsai mà cứ thắc mắc:
-tại sao mấy cái thứ được gọi là “quy tắc Bonsai” ấy nó lại quan trọng vậy?
-hoặc là muốn biết: những quy ước về Mỹ thuật nhằm để làm ra chuyện gì?
-hoặc giả như bạn thấy là cho dù cùng một bonsai, thế nhưng nét đẹp của nó rõ ràng là khác nhau mỗi khi thay đổi cách trưng bày, vậy là nó khác nhau cái gì?

Tội nghiệp! Tập sách này cũng dành cả cho những tâm hồn khốn khổ cứ là khư khư cho rằng “các quy tắc, quy ước gì gì đó” là những thứ vô bổ cho thú chơi bonsai.

Đã là sự thật thì chả thêm bớt gì được.
Phần tôi, tôi vẫn mong là “có thể thay đổi chút gì ở cách nghĩ của các bạn” bằng lối diễn đạt của tập sách này.

Cảm tạ

Tôi muốn diễn đạt lời cảm ơn của tôi đến những Quý vị và Nhóm hội dưới đây:

Trước tiên là lời cảm ơn đến hai vị Thày Bonsai của tôi: các ông Nick Lenz và Kenji Miyata. Các vị ấy đã cho tôi thấy những chuẩn định chắc chắn, cả những thí dụ rất tuyệt, trong khi luôn hướng dẫn và khơi dậy niềm đam mê trong tôi.

Lời cảm ơn cũng gởi đến những bạn trong Dallas Bonsai. Suốt từ những năm 1960, các bạn ấy đã không ngừng xúc tiến việc đẩy mạnh phong trào dạy và chơi Bonsai với mức nhiệt tình cao độ. Cũng may tôi được tham dự cùng các bạn, dù có hơi trễ.

Đến cả ông Wayne Schoech, Giám đốc nhà xuất bản Stone Lantern, đã nâng đỡ và khuyến khích tôi hoàn thành dự án này.

Đến những bạn bè năm châu đã hỗ trợ cho tôi với những hình ảnh nghệ thuật, gồm các bạn: Carl Bergstrom, Klaus Buddig, Kurt Gagel, Boon Manakitivipart, Elize-Marie Mann, Mike Martino, Wolfgang Putz, John Romano, Howard, Sylvia Smith và Suthin Sukosolvisit.

Đến Đàn chủ và các thành viên của hai Diễn Đàn lớn trên Thế giới: The Internet Bonsai Club và BonsaiTalk.

Đặc biệt là lời cảm ơn đến các vị:
Carl Bergstrom, Chris Cochrane, Nick Lenz, Jerry Meislik và Walter Pall đã bỏ thời giờ đọc và góp ý cho phần bản thảo.

Tất cả những quý vị nêu trên đã giúp tôi rất nhiều; tuy nhiên, phần trách nhiệm đúng sai của bài viết này là thuộc phần riêng cá nhân tôi.

Andy Rutledge,
2003

Thiết kế tạo dáng Bonsai thế nào thì gọi là đạt!

Tập sách này là điều tôi ráng sức giúp các bạn nắm được cách thức tạo ra những sản phẩm Bonsai Nghệ thuật sao cho thành công hơn, ý nghĩa hơn, cả trong việc thiết kế, lẫn việc trưng bày cho người ta xem, kẻo thôi bạn uổng phí thời gian vàng bạc cho Nghệ thuật mà rốt lại chả được gì. Bài viết này sẽ rà xét lại một số chi tiết mà tôi gọi là “ngôn ngữ của Nghệ thuật” khi chúng ta áp dụng loại “ngôn ngữ Nghệ thuật” này cho Bonsai.
Việc kiểm tra lại như vậy, rõ là sẽ đụng chạm đến những “quy tắc Bonsai”. Bởi vì những chuyện “quy tắc” ấy đã bị một số sách vở diễn giải không rõ nên bà con hiểu lầm cũng nhiều.

Tập sách này vốn là đưa ra cho các bạn thấy cả những mối liên kết, lẫn mức quan trọng trong việc thấu hiểu về tâm lý và nhận thức của con người khi đứng ngắm một tác phẩm bonsai như thế nào. Dĩ nhiên là bằng ấy chuyện thì rồi cũng chỉ quy về một mục đích: sự diễn đạt có ý nghĩa. Thành thử các bạn đọc mà có nắm được một ít về tâm lý con người, lẫn cách ứng xử của con người trong những trường hợp thì chuyện đó chắc là sẽ giúp các bạn dễ luận ra được những hiệu quả trong sáng tạo Nghệ thuật.

Toàn bộ 7 chương sách, tôi viết trên trang điện tử này, liên kết với nhau, cũng chỉ để nêu rõ một mô hình về những nguyên tắc Nghệ thuật trong việc tạo dáng Bonsai. Thành thử tôi đề nghị các bạn nên đọc trọn từ chương 1 đến 7.

Nếu cần, dĩ nhiên là bạn có thể chỉ chú trọng và lẩn quẩn với một hai chương nào đó cũng chả sao. Mỗi chương sẽ có thể giúp bạn nắm được điều gì đó mà nhờ vậy việc tạo dáng Bonsai của bạn có thăng tiến là tốt rồi. Ấy vậy nhưng xin bạn cũng đừng quên: mỗi chương chỉ là một phần nhỏ rời rạc của toàn bộ tập sách lổn
ngổn này.

Lời tựa của ông Nick Lenz – thầy của tác giả

Vốn là dạy Bonsai trong biết bao nhiêu buổi thực tập, ấy thế nhưng tui chỉ dùng đúng có hai từ ngữ cho nhưng cây “phôi” (vật liệu bonsai) mà chúng khiến tui “kẹt ý”!

Từ ngữ thứ nhất là “xấu tệ”!
Từ ngữ này là ý tui muốn mô tả một khúc phôi chả có tí tí hy vọng nào thành Thiên nga được. Kiểu như: khúc củi với rễ quấn vòng quanh, chẹt cả gốc, đã vậy lại còn gốc bé ngọn to hay là trên thân phù ra một cục như bướu cổ rồi chĩa ra một đống cành.
Gặp phôi như thế là tôi phán ra từ ngữ này với ngữ điệu nhẹ nhàng đầy tình cảm” xờ ..ấu…tệ !” mặc kệ cho đám học viên cứ đang tưởng là yui có phép màu biến khúc củi ấy thành Thiên nga nhất hạng.

Từ ngữ thứ hai là “xấu xí quá”!
Cụm từ xấu xí này lại thường được thốt ra với vẻ đầy phấn khích.
Bởi cái xấu xí này là diễn tả một khúc phôi chất chứa nhiều ngạc nhiên, rất hợp để làm bonsai, vậy là có lời rồi. Tui thường chỉ ra cho học viên thấy những điểm nêu trên với vẻ khoái chí.

Xấu tệ hay xấu xí quá thì cũng chỉ là xấu, thế nhưng nó lại diễn tả hai thái cực!

Hễ tui ngồi bàn chuyện Mỹ thuật bonsai trên một thân phôi với chỉ duy nhất một học trò thôi, thì chuyện tìm kiếm và chứng minh nét đẹp cây phôi ở đâu, cũng nhắm mong là học viên ấy nhận được phần thưởng là đã biến nó thành bonsai, còn không thì coi như khúc xương vứt cho chó gặm vậy.
Chứ tui nào có dám viết gì về chuyện Mỹ thuật Bonsai bao giờ.
Vừa là chả biết nói sao cho xong, lại vừa là chả dám lên mặt tán về chuyện ấy. Cũng bởi, một người nào đó thích Bonsai đi nữa, mà bận rộn suốt 6 ngày đi làm, chỉ còn có mỗi Chúa nhật rảnh, thì bảo hiểu được chuyện “bí hiểm về Mỹ thuật” ấy, quả là hơi khó đấy.

Tui còn nhớ như in về thời kỳ những ngày đầu của thú chơi Bonsai ở đất nước Mỹ này. Khi tui thắc mắc muốn hỏi vị chủ tọa trong ban Giám khảo rằng liệu có cần phải cứ là cành 1, cành 2, cành 3 chăng?
Thì tui đã nhận được câu trả lời :”Bởi vì chúng ta làm ra cây bonsai theo đường hướng cái cây cần có cành 1 cành 2 cành 3!”
Ô hay, vậy sao?

Đến khi tui hỏi tiếp rằng tại sao cái cây loại rụng lá này lại được trồng trong cái chậu màu xanh dương chói mắt vậy, thì đã nhận được câu trả lời như vầy: “Bởi vì cây và chậu hợp với nhau.”
Ôi trời, vậy sao?

Ui chao ! nếu nói vậy thì, hoặc là “một thiết kế Bonsai gọi là đạt” vì đúng với những điều đã được “hoạch định sẵn như một cái khung”, hoặc là, vị giám khảo đã cứ trả lời y hệt như những quy tắc trong sách đã viết.
Cũng may, thưa với bà con, điều bất ngờ với tui là anh chàng Andy của chúng ta lại biết cách trình bày vấn đề Mỹ thuật này. Chỉ trong một tập sách nhỏ, anh chàng Andy đề cập đến được những điều gần như chẳng thể nói ngắn gọn được về nét Thẩm mỹ của Bonsai.

Anh chàng cũng đã diễn đạt vấn đề tới mức mà tui chưa hề thấy sách báo in ấn nào nói tới. Andy đã trình bày chuyện Mỹ thuật Bonsai với giọng văn dí dỏm, thú vị, của một người nắm rất rõ vấn đề. Thành thử tập sách rất dễ đọc, chử chả phải kiểu khó nhai như luận văn Tiến sĩ. Kèm theo bài viết còn có một lô hình ảnh giúp phô diễn được những nét thiết kế phù hợp mức suy nghĩ của từng trình độ.
Rốt lại thì không những đây là tập sách chúng ta cần phải đọc, mà còn cần phải hết sức cố gắng “đọc tới đọc lui và nghiên cứu từng chút một”.

Tui nhớ rất rõ lúc nhận tập bản thảo đầu tay, đâu vào khoảng hơn một năm trước, tui đã thấy được vài chỗ thiếu sót. Thế mà rồi, nhờ suy nghĩ thêm, phụ với những kinh nghiệm thực tế khi làm Bonsai, Andy đã nâng cấp tập sách này lên gần mức hoàn hảo như viên ngọc quý vậy. Mà cho dù mấy nhà phê bình chỉ trích trên các diễn đàn có chế nhạo điều gì chăng nữa (ở tập sách này) thì xem ra cũng chả làm ai bận tâm. Chả là mấy người đó họ cứ có khuynh hướng thích chê cười này nọ thay vì để giờ đó lo sáng tạo ra mấy Bonsai thiệt ngon lành.

Như tui, vốn đã không phải một người thuộc phái “thủ cựu chết tiệt”, chỉ khư khư ôm chặt những quy tắc, thành thử tui rất hãnh diện giới thiệu tới các bạn tập sách xuất sắc của cậu học viên cưng của tui.

Các bạn cứ đọc đi, rồi học lấy những thứ mà bao nhiêu năm qua các bạn đã bỏ lỡ không nhận ra. Phần tui thì tui đã đọc, đã học và vẫn là cứ đọc rồi lại học.

Nick Lenz
Tháng 11, 2003

Lời mở đầu

Nghệ Thuật là sự truyền đạt cảm xúc.

Bạn có để ý là có những sản phẩm Nghệ thuật trông đẹp đẽ gợi cảm và có những món thì trông chán ngắt chả có hồn. Tại sao?
Tại sao khúc nhạc này êm dịu hay dễ nghe thế, trong khi bản nhạc khác lại không lọt tai?
Hay như khi bạn ngắm một họa phẩm, bạn chỉ chú ý tới vài chi tiết nào đó, hay là bạn nắm được ngay điều họa sĩ muốn gửi gấm trên toàn tác phẩm?
Làm sao để một khúc nhạc khêu gợi được niềm vui hay toát ra được nỗi buồn?
Tại sao có những người chả sao “thấy” được “cái đẹp” hay “nắm” được ý nghĩa của những tác phẩm Nghệ thuật?
Điều gì đã khiến cho Nghệ thuật có đủ sức mạnh “hướng dẫn” được tâm trạng con người?

Những trả lời, cho các câu hỏi nêu trên, đa phần thuộc về phía người làm Nghệ thuật ở 2 khía cạnh :

-Nghệ sĩ đã dùng những “nguyên tố” nào?
-Nghệ sĩ thiết kế, sắp xếp các nguyên tố ấy thành bố cục ra sao cho tác phẩm của mình?

Bố cục của tác phẩm đã cho thấy sự liên hệ của các “nguyên tố”với nhau. Và, chính bố cục (cách sắp xếp các phần) cũng đưa ra cách thức truyền đạt ý tưởng tác phẩm đến người xem.

Chúng ta chả là vẫn hay có thói quen biểu lộ cảm xúc (kiểu như xuýt xoa: tuyệt quá!) mỗi khi “thấy được” hay “nhận ra” được nét đẹp hay là ý nghĩa tác phẩm từ những quy ước nêu trên đó hay sao. Chúng ta thưởng thức bằng cách nghe hay nhìn mọi thứ từ diễn xuất của nghệ sĩ: niềm vui, nỗi buồn, rồi cả những điều muốn nhấn mạnh, lẫn những chuyện ù lì. Khi thưởng thức, chúng ta đã chẳng phải cười vui hay rơi lệ theo đúng ý muốn của diễn viên đó sao?

Khi một nghệ sĩ diễn đạt bằng lời tới chúng ta, nếu chúng ta “nắm” được “thông điệp” của anh ta, chúng ta đáp ứng bằng sự “hiểu ý”, bằng niềm thích thú hay bằng biểu lộ xúc cảm. Lỡ như nghệ sĩ ấy lại phát ngôn bằng “những từ ngữ” chúng ta không quen nghe, thế là chúng ta chả “nghe” được anh ta nói gì, dĩ nhiên chúng ta cũng chả “nắm” được “thông điệp” của anh ta. Chúng ta mới bảo:” Chán ngắt, chả có hồn gì cả. Vầy mà cũng là Nghệ thuật?”.
Trường hợp như thế thì có thể là do phía chúng ta thiếu ít kiến thức liên quan đến vấn đề nghệ sĩ họ trình diễn. Dĩ nhiên, cũng có thể là do nghệ sĩ thiếu khả năng truyền đạt, thành thử chả sao lột tả được hết ý nghĩa muốn nói tới người xem.
Kết lại là sự truyền thông cần sức hiểu biết ở cả 2 phía: người nói và người nghe. Nói cách khác, Nghệ Thuật chính là sự giao tiếp giữa 2 tâm hồn.
Cấu trúc và từ vựng của Ngôn ngữ Nghệ thuật phần lớn là nằm ở những quy ước căn bản, trong sáng tạo nghệ thuật, khi dùng những nguyên tố:
-đường nét
-hình dáng
-màu sắc
-mảng khối
-cân đối
-độ thô mịn.

Tổng hợp các thứ nguyên tố kể trên, cho việc sáng tạo Nghệ thuật, để làm lộ ra được nét đẹp hay ý nghĩa của tác phẩm cho người xem “thấy”, chính là:
-xếp đặt các nguyên tố này như thế nào?
-tạo mối liên kết giữa các nguyên tố với nhau như thế nào?
Những quy ước này có một số đặc điểm mà chúng ta hay gọi là “quy tắc Nghệ thuật”.

Xem ra thì loại “ngôn ngữ của Nghệ thuật” nó cũng chả khác gì lắm so với “ngôn ngữ” chúng ta vẫn nói. Thành ra, đã là ngôn ngữ thì những quy tắc văn phạm hay cách đặt câu nó chẳng thể nào cứng ngắc được. Các bạn vẫn thấy các quy tắc văn phạm lúc nào cũng có phần “miễn trừ”(kiểu như tiếng Anh thì đa số các danh từ sẽ thêm chữ “s” ở số nhiều, nhưng vẫn có những danh từ không thêm s, hoặc thêm phụ âm khác. Đó là sự miễn trừ trong quy tắc văn phạm). Ấy là người ta còn chế thêm nhiều kiểu nói mà xét ra nó chả ăn nhậu gì tới quy tắc văn phạm hoặc nếu có thì cũng chỉ dính tí xíu. Mỗi cá nhân khi dùng ngôn ngữ đều có kiểu cách riêng của họ: chữ nhấn chữ nuốt, nói nhanh nói chậm…Thành ra, nếu xem lại thì chúng ta thấy: mỗi quy tắc văn phạm đều có miễn trừ, cả những cách đặt câu (cú pháp) cũng có phần miễn trừ. Điều này có nghĩa là Ngôn Ngữ và Nghệ Thuật đều lỏng như nước và có thể uốn éo tới mức độ nào đó, chứ chả nên cứng ngắc.

Nói vậy chứ, chả có thứ ngôn ngữ nào nói cho người ta hiểu được, mà lại không có một dạng cấu trúc nào đó.(kiểu như nói: Dũng tới Huế = chủ từ/động từ/túc từ, thì hiểu ngay, hiểu đúng. Chứ mà nói: Dũng Huế tới = chủ từ/túc từ/động từ, là trật búa !). Những nguyên tắc căn bản trong sáng tạo Nghệ thuật cũng chính là những căn bản làm nền tảng cho truyền thông. Những căn bản này, chúng luôn luôn liên kết với nhau, cũng như lúc nào cũng cần có mặt, coi như chúng là những “điểm hỗ trợ nhau” trong việc truyền đạt. Hễ đã không có nền tảng (là những nguyên tắc căn bản), rồi cũng chả có “những điểm hỗ trợ nhau” thì chả thể nào truyền đạt được. Dù cho truyền đạt bằng nói miệng, bằng chữ viết, bằng âm nhạc hay bằng kiểu sáng tạo nghệ thuật nào đi nữa, thì cũng chả được.

Nét Nghệ thuật trong Bonsai xem ra cũng chả khác gì so với hội họa, kiến trúc hay âm nhạc trong vấn đề này. Nghệ thuật bonsai xài những phương tiện truyền thông liên quan nhau: thân cây, cành, vòm lá, chậu, kệ, đất trồng, rêu cỏ lớp mặt, với vài phụ kiện khi trưng bày….tất cả là chỉ để kể một câu chuyện. Trong Nghệ thuật bonsai, cũng như bất kỳ hình loại nghệ thuật nào khác, nếu biết xài một số quy ước thời có thể khiến cho lộ ra được ý muốn diễn tả. (Thí dụ như cây trong chậu cao, đặt trên đôn cao, cây mọc dáng đổ = diễn tả cây trên sườn núi. Hoặc cạnh bonsai có phu kiện là hoa cúc, ta biết là mùa Thu).

Có khi sắp xếp những phần “chất liệu bonsai” lại với nhau (cây, chậu, đất, kệ…), chúng có thể diễn đạt nét mỹ thuật hoặc phô ra sự hỗn độn…nhưng cũng có những kiểu xếp đặt chả nói ra được điều gì cả.

Chúng ta mà có thể học cách nhận ra được những quy ước trong tạo dáng và tạo bố cục, riết rồi trở nên quen với cách dùng những quy ước này cho việc truyền đạt ý nghĩa, thì hẳn là chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ may để có thể sáng tạo ra tác phẩm bonsai đầy tính nghệ thuật.

Tập sách này sẽ cố để “giải mã những bí ẩn” của loại ngôn ngữ này cho các bạn, những người mới chơi bonsai. Nhờ vậy, tay nghề các bạn sẽ tăng tiến hơn về khả năng diễn đạt trong sáng tạo nghệ thuật, để rồi làm ra tác phẩm bonsai đẹp, gợi cảm, đầy ý nghĩa.

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon