Bài viết: Bác Uan Ha – Hội Lá Kim Việt Nam
Trong loài phong Nhật Bản có tới 160 loại, nhưng chỉ được vài loài đạt đủ những tố chất của Bonsai. Đặc trưng nhất là phong xanh (green maple) còn được gọi là phong núi (mountain maple). Vì chúng rất mạnh, kiểu lá đẹp và nhỏ. Thế nên hầu hết các tác phẩm phong Nhật Bản trong bonsai đều là phong xanh. Tuy gọi là phong xanh nhưng vào mùa Thu khi khí trời thay đổi thì lá của chúng sẽ đổi vàng, cườm rồi đỏ. Thế nên tên gọi là Phong đỏ há cũng có phần lẫn lộn chăng.
Nhắc về loài màu đỏ thì cũng có nhiều với tên gọi là đỏ (red) nhưng thực chất không đạt đủ tiêu chuẩn bonsai; lá xấu, to hoặc lóng mọc rời rạc và quan trọng nhất là yếu… không thích hợp sống ở môi trường trong chậu. Nếu miễn cưỡng thì chỉ được vài ba năm; tiền mất tật mang. Đó cũng là lý do tại sao người ta đã dùng những gốc cây phong xanh ghép làm rễ để sống trong chậu. Có thể khẳng định hầu hết các cây phong bán trên thị trường để trồng vườn đều được ghép gốc phong Xanh.
Phong… khi nói đến chúng thì liên tưởng sẽ được chiêm ngắm màu sắc sinh động khi mùa Thu đến. Tuy nhiên, phong trong bonsai không chỉ chiêm ngưỡng sắc thái vào mùa Thu. Mà họ chia ra làm ba thời khắc. Đúng vậy, là thời khắc… thời khắc khi chúng đâm lộc (bung chồi), đổi màu (mùa Xuân và Thu). Và bộ xương khô khi lá đã rụng. Sở dĩ gọi là thời khắc vì sự biến đổi này rất lẹ. Nếu không nắm chắc thì sẽ đánh mất ngay.
Deshojo là một loại phong với cái tên “phong lá đỏ” chánh hiệu và rất được nhiều người đưa vào bonsai. Nhưng hầu hết là cây ghép gốc phong Xanh… cũng có những cây nguyên thuỷ nhưng rất hiếm. Điều đặc biệt của Deshojo là cây chơi lá mùa Xuân. Tuy nhiên vào Thu chúng cũng đổi màu tuyệt đẹp. Nhưng cá nhân tôi lại thích màu sắc của chúng vào mùa Xuân hơn.
Sở dĩ nói dài dòng như vậy để các bạn hiểu đại khái giống loại cho hợp. Vì vườn của tôi khí hậu mùa Thu không đủ lạnh để các cây phong đổi màu nên Deshojo là chọn lựa tốt để chơi mùa Xuân.
Cây Deshojo trên được chiết từ cây Déhojo mẹ ghép gốc phong xanh trồng vườn cách đây nhiều năm. Những năm đầu cây được chiếu cố tạo đế và thân cành. Nhưng từ nay cây sẽ bước vào giai đoạn tạo dăm chi. (Cây vừa được thay chậu làm lại đế, và giờ đây nó chính là cây Deshojo chánh tông không ghép rễ).
Kỹ thuật tạo dăm chi cho phong Nhật Bản đòi hỏi nắm chắc thời khắc bấm lộc (bud pinching). Nghĩa là lá chưa kịp mở ra thì dùng móng tay hay nhím luồng vô bẻ chồi và chỉ để lại 2 lá. Nếu đợi lá mở ra vài mm thì đã quã trễ; lóng (internode) đã dài. Mục đích của chúng ta là tạo lóng ngắn để dăm chi chi chít. (Kỹ thuật này không thể dùng cho cây phong tam truỳ “trident”).
Các bạn ở vùng khí hậu không đủ lạnh như tôi có thể cho Deshojo để thưởng thức sắc thái của Phong vào mùa Xuân.
Bài viết này hy vọng giải đáp được vài thắc mắc của các bạn đã gặp gần đây. Chúc tất cả một Giáng Sinh an lành và hạnh phúc bên người thân.
Xem thêm các bài viết khác TẠI ĐÂY!!!