Nhân giống cây Thường Xuân bằng cách cắt ngọn, cắm nước
Cây Thường Xuân (English Ivy) có tên khoa học là Hedera helix, không chỉ là một cây trồng trong nhà (indoors plants) tuyệt vời cho người mới chơi mà còn là một thách thức cực kỳ đáng chinh phục của những người chơi có nhiều kinh nghiệm khi nhân giống chúng. Mặc dù việc trồng cây Thường Xuân ở một số địa phương có khí hậu cực đoan đã là một thách thức (xem thêm bài: Tại sao cây Thường Xuân (English Ivy) trồng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cứ nâu, yếu rồi chết dần?), nhưng khi giải quyết thách thức đầu tiên này, cây Thường Xuân đã thuần nơi các bạn sống và bắt đầu có dấu hiệu mọc như ma dại, siêu dễ trồng thì hãy sang bài test thứ 2, thú vị hơn nhiều: Nhân Giống Cây Thường Xuân. Có nhiều các nhân giống cây thường xuân, nhưng có lẽ cách cắt ngọn rồi nhân giống Thường Xuân bằng cách cắm vào lọ nước là cách hay ho và sạch sẽ nhất. Với bài hướng dẫn chi tiết này, hy vọng bạn cũng như tôi (admin Dũng Cá Xinh của Codai.net), chinh phục hoàn toàn được loài cây rất hay ho này: Trồng sống, sống khoẻ, cây đẹp và cuối cùng là nhân giống ra vô số cây khác để chia sẻ cho bạn bè, người thân, hoặc thậm chí là bán luôn lấy tiền mua tiếp bình thuỷ tinh, kéo, đất, giá thể, … về trồng cây ^^.
- Cắt một số ngọn có đốt, nhìn thấy rễ bằng các dụng vụ vô trùng (rửa bằng cồn)
- Cắt bỏ các lá ở bên dưới, để lại một số đốt bên dưới.
- Cắm ngọn đã xử lý vào bình nước (nên cho bình thuỷ tinh để dễ theo dõi và nhìn cho đẹp ^^)
- Đặt bình thuỷ tinh trên ở nơi có ánh sáng mạnh nhưng gián tiếp (tức là không được để nắng chiếu thẳng vào), độ ẩm cao 1 chút và nhiệt độ nên ở ngưỡng 18 – 27 °C (65 – đến 80 °F) trong khoảng 1 – 1,5 tháng (hơi lâu đấy nhé, các bạn đừng sốt ruột)
- Khi thấy rễ mọc ra tương đối dài, hãy trồng các cành giâm kia sang đất.
Làm cách nào để nhân giống Thường Xuân bằng nước?
Hãy xem tiếp phần dưới để có các thông tin chính xác và chi tiết nhất từng bước và hãy làm theo hướng dẫn để có thể dễ dàng nhân giống Thường Xuân. Bạn sẽ nắm được: Cần những dụng cụ gì, tiến trình sẽ ra sao và những vấn đề có thể phát sinh.
Nhân giống cây Thường Xuân bằng nước độ khó ra sao?
Nhân giống cây Thường Xuân bằng nước thực ra khá dễ và đơn giản. Bạn không cần quá nhiều công cụ, chỉ cần vài ngọn Thường Xuân, một cái lọ thuỷ tinh nhỏ, một chút nước để cho vào lọ. Thường Xuân được nhiều nơi trên thế giới liệt vào danh sách loài cây xâm lấn bởi vì bản năng sinh tồn và phát triển dữ dội, điều này nói nên việc dễ dàng khi nhân giống của chúng ra sao.
- Kéo hoặc dao
- Lọ thuỷ tinh (hoặc bình thuỷ tinh hoặc bình nhựa, chậu nhựa, bình gốm không có lỗ thoát nước)
- Nước
- Cây Thường Xuân có ngọn, có nhánh bung rễ để nhân giống
Chuẩn bị các đoạn cành giâm của Thường Xuân như thế nào?
Khi nhân giống cây Thường Xuân bằng nước, bạn hãy luôn chọn một cây Thường Xuân khoẻ mạnh để bắt đầu. Đừng bắt đầu bằng một cây Thường Xuân ốm yếu, đang lụi, sắp chết hoặc bị nhiễm bệnh, nhiễm côn trùng vì điều này sẽ tăng tỷ lệ thất bại trong việc nhân giống lên rất cao.
Bạn nên chọn kỹ các cành có chồi. Có nghĩa là những cành giâm được cắt ra nên là những cành mới mọc ra, mới phát triển trong thời gian gần đây. Hãy nhìn màu sắc của lá để đoán, lá càng non màu xanh càng non, tươi, còn các lá to, già thì màu sắc sẫm hơn, dày hơn.
Và, bạn hãy chọn các chồi và ngọn có hình dáng khoẻ khoắn nhưng thân chưa hoá gỗ nhiều. Một ngọn quá cứng, đã hoá gỗ sẽ khó đâm rễ, mặc dù về lý thuyết nếu may mắn hoặc có dùng đồ hỗ trợ (các hỗn hợp kích rễ) thì dù có là thân hoá gỗ rồi thì tỷ lệ đâm rễ mới vẫn ở mức tương đối cao.
Cũng có thể chia nhỏ nhánh dài thành các đoạn nhỏ có đốt (giống cách nhân giống trầu bà hoặc các loài philon, mons,…). Hoặc có thể nhân bằng một dây dài dằng dặc được cắt ra nhưng lý tưởng là các đoạn dài 10 – 15cm, dễ thao tác và theo dõi khi cắm cành giâm vào nước.
Nếu trên cành có đốt phù hợp, thì đây chính là cành giâm tuyệt vời để nhân giống. Hãy cắt bỏ hết lá ở bên dưới, xung quanh các đốt và cắm 1/2 cành giâm này vào lọ thuỷ tinh. Rễ cây sẽ mọc ra ngay từ đốt.
Tuy nhiên, nếu bạn không thấy một đốt nào trên cành giâm thì cũng không nên quá lo lắng. Hãy “tạo ra” chúng! Cắt lá nhưng không cắt cụt, hãy chừa lại 1 chút cuống. Chính chỗ cuống này sẽ tạo ra rễ tương tự như một đốt nối.
Có một cách nữa là hãy tạo ra “vết thương hở” cho cành giâm. Sau khi cắt bỏ toàn bộ lá ở bên dưới cành, hãy sử dụng dao hoặc kéo (đã khử trùng) nhẹ nhàng tạo ra các vết cắt nông để tạo ra các vết thương hở, nơi rễ cây sẽ được hình thành khi ngâm cành giâm dưới nước
Cây Thường Xuân khá trâu bò cho dù bạn chỉ cắm một phần của cây xuống nước, nó cũng có thể phát triển. Tuy nhiên, các bước ở trên nếu được thực hiện một cách nghiêm túc thì gần như chắc chắn bạn sẽ nhân giống cây Thường Xuân thành công và dễ như ăn kẹo.
Hãy đặt lọ thuỷ tinh có chứa các cành giâm ở nơi có ánh sáng mạnh gần cửa sổ, tránh ánh nắng trực tiếp. Hãy thay nước hàng tuần hoặc khi bạn thấy nước bẩn. Nếu không thấy nước bẩn thì không cần thay nước, cố gắng không làm phiền cây nếu không thực sự cần thiết. Đừng nhấc cành giâm ra quá thường xuyên để giúp cho các đốt bị ngâm hoàn toàn dưới nước tập trung toàn lực để đâm rễ mới.
Bao lâu thì có thể nhân giống cây Thường Xuân bằng nước thành công
Thường Xuân là một loài cây mọc nhanh và dẻo dai. Khi các cành giâm được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như bạn thực hiện các bước như ở trên một cách chính xác, cây Thường Xuân con của bạn sẽ phát triển cực nhanh. Nó có thể đâm rễ trong vòng 3 tuần, và cành giâm có thể sẵn sàng để được trồng ra chậu trong 6 tuần.
Điều kiện cần thiết để thực hiện việc nhân giống Thường Xuân bằng nước
Một cửa sổ có ánh sáng tương đối hoặc mạnh (tránh ánh nắng trực tiếp quá mạnh vào giữa trưa) là một địa điểm tuyệt vời để đặt lọ thuỷ tinh nhân giống. Cố gắng tránh ánh nắng trực tiếp trong thời tiết mùa hè với nền nhiệt độ cao nhé.
Bạn có thể sử dụng bất cứ loại thùng chứa, lọ chứa nào để nhân giống Thường Xuân, miễn là nó giữ được nước và không có lỗ thoát nước. Hãy chọn cái lọ hay bình nào mà bạn thích. Như mình thì cứ lọ thuỷ tinh trong suốt mà chơi, vừa dễ theo dõi vừa đẹp dã man ^^. Trong suốt thì dễ nhìn lúc nào nước bẩn để thay, nước không bẩn thì không cần thay để tránh làm phiền cây, cũng như có thể dễ dàng nhìn lúc nào rễ đâm ra đủ dài để chuyển cây ra chậu.
Khi các cành giâm Thường Xuân đã sẵn sàng để được lên chậu có đất, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng loại đất phù hợp cho cây Thường Xuân trồng trong nhà hoặc trồng ngoài trời. Mình thì ưa dùng hỗn hợp có đất sét nung, trấu, xơ dừa, đất mùn tỷ lệ đều nhau cho cây trồng trong nhà và tỷ lệ đất sét nun, trấu gấp đôi xơ dừa, đất mùn khi treo cây ngoài trời để cây thoát nước nhanh. Đối với các cây Thường Xuân mới được nhân giống thì ưu tiên đất tơi, xốp, mùn và giữ ẩm cao. Chú ý công thức: Chỉ Tưới Cây Khi Cây Thực Sự Khô nhé.
Khi nào có thể chuyển cây từ nước ra đất
Ngay khi cây Thường Xuân con ra rễ, bạn sẽ phân vân khi nào có thể chuyển cây ra chậu chứa đất. Không cần vội, thật đó. Bạn có thể để cây Thường Xuân non đó ở trong nước bao lâu tuỳ thích miễn là bạn thấy nó có vẻ vẫn ngon lành cành đào.
Tuy nhiên, nếu bạn để các cành giâm ở nước quá lâu, cây sẽ không phát triển và đâm chồi ra lá tốt như khi trồng bằng đất, vì vậy cuối cùng bạn cũng sẽ phải chuyển nó ra một chậu có hỗn hợp đất phù hợp.
Một công thức mình hay áp dụng là khi rễ cây Thường Xuân non dài tầm 3 – 5cm thì mình sẽ lên chậu đất. Rễ càng dài thì càng giúp cây bám vào đất chặt hơn, nhưng thường 3 – 5cm là một chiều dài lý tưởng. Hãy tự trải nghiệm để ra công thức của riêng các bạn nhé ^^.
Những vấn đề gì có thể xảy ra khi nhân giống cây Thường Xuân bằng nước?
Khi nhân giống cây Thường Xuân bằng nước, mọi việc thực ra khá dễ dàng, nhưng một số vấn đề có thể xảy ra. Để đề phòng, hãy đảm bảo các cành Thường Xuân luôn có đủ nước và nước không được quá đục hoặc có mùi (thối).
Nếu bạn cảm thấy có gì đó sai sai đang xảy ra, hãy tự đánh giá xem các cành giâm có đang khoẻ mạnh? Liệu nó có thể sống khi ngâm dưới nước tiếp không hay chúng sẽ bị thối, ủng?
Nếu nước trở nên đục quá nhanh, hoặc cây có dấu hiệu thối ủng, hãy kiểm tra xem liệu tất cả các lá cây ở phần dưới đã được cắt hết trước khi ngâm chưa. Lá còn sót khi bị ngâm dưới nước sẽ thối và phân huỷ, khiến cho nước phát triển ra các loại vi khuẩn có hại cho cây.
Hãy đảm bảo rằng lọ thuỷ tinh chứa cành cây Thường Xuân được nhân giống có đủ ánh sáng nhưng không nhận ánh nắng trực tiếp. Quá nhiều ánh nắng trực tiếp có thể làm cháy cây, bỏng cây khiến cành giâm bị chết. Nếu cây của bạn có dấu hiệu bị bỏng, hãy di chuyển cây ngay khỏi chỗ có nắng trực tiếp hoặc nguồn sáng quá mạnh hiện tại.