Hướng dẫn bằng hình ảnh cách nhân giống Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis): Phương pháp cắt cành trồng đất

Hướng dẫn chi tiết chăm sóc và nhân giống cây Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis)

Sau bài chia sẻ về hướng dẫn cách chăm sóc Hương Thảo trong khí hậu Việt Nam dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình (Dũng Cá Xinh) (Xem thêm TẠI ĐÂY ạ), nhiều bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn cách nhân giống cây Hương Thảo – Rosemary (Rosmarinus officinalis). Có nhiều cách nhân giống, mình xin tóm tắt vài cách mình đã làm thành công hoặc biết có những nhà vườn tại Việt Nam hoặc nước ngoài đã làm thành công:

  • Cách 1: Nhân giống bằng hạt cây
  • Cách 2: Nhân giống bằng cách chiết cành to (khi cành đã hóa gỗ)
  • Cách 3: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và trồng vào đất
  • Cách 4: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và cắm vào nước
  • Cách 5: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và cắm vào hỗn hợp nước có pha hóc môn kích rễ.

Chắc chắn còn nhiều cách khác, ví dụ như nuôi cấy mô. Tuy nhiên mình chỉ mới nghe chưa tìm hiểu sâu hoặc có thông tin đáng tin cậy nên tạm thời mình chỉ liệt kê 5 cách trên. Bài hôm nay mình sẽ giới thiệu về cách số 3: Nhân giống bằng cách cắt cành giâm (cuttings) và trồng vào đất. Trong bài viết mình có sử dụng hình ảnh của một người bạn bên BBC Gardeners’ World Magazine là Adam Duxbury.

Hương thảo là cây Thường Xanh, nên luôn có vẻ ngoài tươi tốt quanh năm. Chúng rất thích hợp trồng trong chậu làm cảnh, trồng trong vườn, treo lên hoặc trồng như rau.. Lá Hương Thảo rất thơm, có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau và theo mình thấy hoa của nó được ong cực kỳ yêu thích. Chính vì những con ong được Hương Thảo thu hút mà rất nhiều cây trong khu vườn sân thượng 60m2 nhỏ xinh của mình đã được thụ phấn và ra quả, hạt liên tục (Ví dụ như cây ĐẬU BIẾC ra rất nhiều quả để mình có thể nhân giống từ hạt, xem thêm TẠI ĐÂY ạ) 

Hạt giống hương thảo tương đối khó nảy mầm, nếu có thì thời gian cũng tầm 30 ngày mới nảy, khá mất thời gian. Vì vậy theo mình thì cả nhà hãy mua những cây non (những cây mà cao tầm 20cm chỉ được gọi là cây non thôi, cây già thân to hoá gỗ có thể cao đến 1,5 mét), được bán rộng rãi ở các cửa hàng cây cảnh hoặc của các anh em trong các nhóm mua bán cây cảnh. 

Chậu cây mà cả nhà hay mua thực ra chỉ là một chậu chứa nhiều cây Hương Thảo non, tuổi đời chỉ tầm 1 năm.
Chậu cây mà cả nhà hay mua thực ra chỉ là một chậu chứa nhiều cây Hương Thảo non, tuổi đời chỉ tầm 1 năm.
Một gốc cây Hương Thảo trưởng thành, tầm 20 năm tuổi. Hương Thảo được ghi nhận có thể sống được hơn 30 năm.
Một gốc cây Hương Thảo trưởng thành, tầm 20 năm tuổi. Hương Thảo được ghi nhận có thể sống được hơn 30 năm.

Vào sáng sớm, hãy chọn những cành có chồi non không có hoa. Dùng kéo sắc vô trùng cắt thật ngọt các cành có ngọn đó với chiều dài tầm 10cm. Nếu chưa kịp cho việc nhân giống, hãy cho chúng vào túi ni lông, buộc phồng lên và để ở nơi râm mát và cố gắng thực hiện việc nhân giống sớm nhất có thể để tận dụng sự tươi mới của các cành vừa cắt. 

Cần có

  • Cây Hương Thảo non có nhiều cành đang đâm chồi non (và chưa ra hoa). Chồi non có màu xanh nõn. Hãy chọn những cành có đầu cành có màu xanh nõn vì đó là những cành cuttings rất khoẻ. Theo mình nên chọn cây đã ổn định một thời gian, tránh các cây mới sang chậu hoặc mới chuyển từ xa về.
  • Dao sắc hoặc kéo sắc. Nên chọn kéo thật sắc và nhất định phải vô trùng kéo. Nhiều bác nói cần gì phải vô trùng. Nhưng mình ví dụ thế này: “Ngày xưa các bà đỡ vẫn đỡ được các bà mẹ sinh con bình thường, đâu có cần vô trùng dao, kéo, panh, nhíp, … Tuy nhiên tại sao bác sĩ đỡ hoặc mổ buộc phải sát trùng toàn bộ dụng cụ. Bởi vì tỷ lệ xảy ra nhiễm trùng khiến cả mẹ và bé gặp nguy hiểm là rất cao nếu không vô trùng dụng cụ.” Vì vậy nếu như mình chỉ cần vô trùng mà giảm được tỷ lệ cành chết do thối vết cắt thì tại sao không làm? Vô trùng nghe có vẻ hoa mỹ, thực ra chỉ là luộc kéo, hoặc ngâm đầu kéo vào nước sôi hoặc cồn pha loãng. 
  • Một số loại hóc môc kích rễ (Hormone rooting powder) (cái này là không bắt buộc ạ, lý do là nếu không quen cách pha rất dễ làm cháy vết cắt)
  • Chậu đất nung hoặc khay nhựa có nắp (có khả năng đóng kín)
  • Hỗn hợp đất nhẹ (gồm các loại nguyên vật liệu nhẹ, thoáng, với yêu cầu bắt buộc là thoát nước nhanh: Ví dụ như pumice, perlite, đất sét nung, đá nham thạch). Như mình hay dùng hỗn hợp hạt tròn đất sét nung, vỏ gỗ thông vụn và đất Chibas trồng rau mịn với tỷ lệ 2:2:1.

Bước 1

Cắt các chồi trên cành với chiều dài 10 – 15cm. Để tránh lá bên dưới thối do ngập đất sau này và để giảm sự thất thoát độ ẩm trong thân, hãy loại bỏ tất cả các lá già bên dưới và có một cuống cành trống trơn, gọn gàng không lá. 

Chuẩn bị cành Hương Thảo để làm cành cuttings. Hãy loại bỏ hết các lá bên dưới
Chuẩn bị cành Hương Thảo để làm cành cuttings. Hãy loại bỏ hết các lá bên dưới

Bước 2

Sử dụng dao hoặc kéo sắc vô trùng để cắt bớt các phần có vẻ hơi già của cành cuttings, mục đích là giữ phần ngọn và một đoạn thân còn non để tăng cơ hội ra rễ. 

Chú ý vô trùng dao kéo trước khi cắt và khi cắt hãy làm một đường thật ngọt để tránh dập vết cắt.
Chú ý vô trùng dao kéo trước khi cắt và khi cắt hãy làm một đường thật ngọt để tránh dập vết cắt.

Bước 3

Bước này có thể bỏ qua. Tuy nhiên nếu đã có kinh nghiệm pha hỗn hợp hóc môn kích rễ thì bước này sẽ làm tăng đáng kể tốc độ đâm rễ của cành cuttings. Có rất nhiều loại thuốc kích rễ, loại thông dụng là N3M. Kinh nghiệm cá nhân là luôn pha với tỷ lệ thấp hơn so với khuyến cáo ghi trên nhãn. Ví dụ N3M ghi để giâm cành thì pha 20g/1 lít nước sạch thì mình chỉ pha 10g/1 lít nước. Lý do là N3M chủ yếu dành cho việc giâm cành các cây thân gỗ, tiết diện vết cắt lớn nhưng cành cứng, không dễ bị cháy như các cành cuttings các loại cây thân thảo. 

Nhúng hoặc ngâm các cành cuttings vào dung dịch kích rễ. Chú ý phải làm theo mọi khuyến cáo ghi trên nhãn.
Nhúng hoặc ngâm các cành cuttings vào dung dịch kích rễ. Chú ý phải làm theo mọi khuyến cáo ghi trên nhãn.

Bước 4

Lấp đầy chậu đất nung hoặc khay ươm hạt bằng hỗn hợp đất nhẹ, thoát nước nhanh. Cắm các cành cuttings ở trên thưa nhau.

Cắm ngập phần gốc đã bỏ lá sâu xuống hỗn hợp, chỉ chừa phần ngọn còn ít lá bên trên
Cắm ngập phần gốc đã bỏ lá sâu xuống hỗn hợp, chỉ chừa phần ngọn còn ít lá bên trên

Bước 5

Phun sương hoặc tưới nước nhẹ lên toàn bộ chậu hoặc khay để cho hỗn hợp ẩm. Sau đó hãy để cho hỗn hợp thoát hết nước, để ráo rồi cho khay hoặc chậu vào nơi khô thoáng. Nếu là khay thì đóng nắp, nếu là chậu thì cho vào túi ni lông buộc chặt. Mục đích là để tránh thoát hơi ẩm và tạo ra một môi trường không thoát khí, hiếm khí khiến cho các cành buộc phải ra rễ nhanh để tìm kiếm oxy bên dưới đất. 

Tưới nước luôn tưới đẫm nhưng luôn để nước thoát hết khỏi đáy chậu.
Tưới nước luôn tưới đẫm nhưng luôn để nước thoát hết khỏi đáy chậu.

Bước 6

Sau một vài tuần, hãy nhẹ nhàng nhấc bầu đất ra để kiểm tra sự phát triển của rễ. Hãy phun sương lên lá và đảm bảo bầu đất bên dưới đủ độ ẩm nhưng không được bị úng (úng sẽ gây thối rễ – root rot). Sau tầm 3 – 4 tuần bạn sẽ có kết quả như bên dưới. 

Đây là một bầu nhân giống hoàn hảo khi tất cả các cành cuttings đều sống và rễ nhiều và nhanh đáng kinh ngạc.
Đây là một bầu nhân giống hoàn hảo khi tất cả các cành cuttings đều sống và rễ nhiều và nhanh đáng kinh ngạc.

Bước 7

Ngay khi thấy được hệ thống rễ phát triển ổn, hãy chia các cành cuttings ra và trồng mỗi cành vào một chậu độc lập. Đây là những cây giống tiềm năng. 

Khi các cành cuttings ra rễ nhiều thì hãy chia nhỏ chúng ra, trồng mỗi cành vào một chậu riêng biệt.
Khi các cành cuttings ra rễ nhiều thì hãy chia nhỏ chúng ra, trồng mỗi cành vào một chậu riêng biệt.

Bước 8

Đây là giai đoạn chăm sóc cây giống, cách chăm sóc giống ở BÀI NÀY

Hãy chăm sóc cây giống như cây thương mại: Cây cần nhiều nắng, ưa đất khô hơn là quá ẩm, chỉ tưới nước khi đất khô và khi tưới xong phải để nước thoát hết
Hãy chăm sóc cây giống như cây thương mại: Cây cần nhiều nắng, ưa đất khô hơn là quá ẩm, chỉ tưới nước khi đất khô và khi tưới xong phải để nước thoát hết
Chúc cả nhà nhân giống được Hương Thảo theo cách này thành công ạ! ^^
 

Để lại một bình luận

0988110300
chat-active-icon