Trong Kinh Thi có câu:
Đầu ngã dĩ mộc qua
Báo chi dĩ quỳnh cư
Phỉ báo dã
Vĩnh dĩ vi hảo dã
Tạm dịch:
Ném tặng ta cành mộc qua,
Ta lấy ngọc quỳnh cư đáp tặng lại,
Không phải báo đáp vậy đâu,
Mong sao giao hảo mãi mãi.
Cành mộc qua trong các câu thơ này mang biểu tượng của sự kết giao lương duyên. Định nghĩa lương duyên có thể để chỉ tình yêu đôi lứa bền chặt, hoặc cũng có thể là tình bạn vững bền.
Hoa này có tên khoa học là Chaenomeles sinensis, là một loài thuộc cùng một chi (Chaenomeles – Chi Mộc Qua) với loài Chaenomeles japonica. Người Nhật Bản (Japan) gọi hoa này theo âm Hán Việt là Hoa Lê (còn người Trung Quốc gọi chuẩn luôn là 木瓜花 (Mùguā huā) – Mộc Qua Hoa). Hoa Lê trong tâm thức người Việt thì luôn là thứ hoa trắng (vì hoa của các loài nằm trong chi Lê ăn quả, Pyrus đều có hoa màu trắng), chứ không có màu hồng. Thực ra trong tiếng Việt có hai loại Lê khác nhau: Một là cây Lê thông thường, cho quả lê màu vàng hơi thuôn về phía đuôi, và hai là quả mắc cọp tròn hơn có vỏ màu nâu. Tiếng Hán gọi hoa này là “Mộc Qua Hoa” (Xem ở trên). Quả của cây này trông không giống như quả Lê, tuy nó có hình thù na ná. Vậy từ giờ chúng tôi sẽ gọi hoa này là Mộc Qua Hoa (hoặc Mộc Qua) giống như thư tịch của người Trung quốc để tránh nhầm lẫn và cũng nghe hay ho hơn ^^.
Mộc qua Nhật ‘Chaenomeles japonica’ là một cây thuộc họ hoa Hồng (Rosaceae), thường mọc ở trạng thái hoang dại ở Nhật Bản. Riêng nhóm Mộc Qua Nhật này có tới tám – chín loài với màu sắc cũng như kiểu dáng khác nhau, tuy nhiên trong đó có một loài khá nổi bật có lá và bông rất nhỏm được gọi là Chojubai.
Chojubai lại được chia ra tận ba giống khác nhau với đặc tính cũng khác nhau:
- Chojubai loài màu Đỏ – đây là loại phổ biến nhất trong giới Bonsai phương Đông. Chúng không khoẻ như loài màu Trắng & rất khó phát triển nơi khí hậu khô nóng (như Sài Gòn, Hà Nội). Không chịu lạnh được dưới 20F (- 6,666 độ C).
- Chojubai loài màu Trắng – loài này có lá và hoa lớn hơn loài màu Đỏ. Loài này không chịu nắng giỏi bằng loài màu Đỏ vì thế cần tránh ánh nắng buổi chiều.
- Chojubai loài màu Cam – loài này tương tự như loài màu Trắng, chỉ khác biệt duy nhất là sắc hoa màu Cam. Loài này không tăng trưởng mạnh bằng loài màu Trắng nhưng không õng ẹo bằng loài màu Đỏ. Chúng khá hợp khí hậu mát ẩm và cũng không chịu lạnh dưới 20 độ F (-6,666 độ C). Chúng không chịu được ánh nắng chiểu trực tiếp mùa Hè. Đây là loài hiếm quý & mới nhất trong Bonsai được gây giống & giới thiệu bởi Lone Pine tại thành phố Sebastopol bang California.
Chojubai phát triển tương đối chậm và thích khí hậu mát ẩm, điểm cộng của chúng là lá và hoa rất nhỏ, rất thích hợp cho việc trồng thành cây Bonsai. Tuy nhiên, mấy thập kỷ trước ở bên Nhật Bản họ chỉ dùng Chojubai cho việc phối cảnh, tô điểm (accent plants), và mãi gần đây chúng mới được coi là cây Bonsai thực sự. Nói thì vậy chứ Chojubai hiện rất mắc, cây bằng ngón tay đã khoảng một hai trăm đô la Mỹ. Với loài cây hiếm quý như vậy nên ai lại không mong sở hữu được, nhưng khi chi ra một số tiền lớn như vậy thì nhiều người không đành lòng nên có thể chơi theo kiểu gây giống từ những cây non hoặc dùng phương pháp cành giâm.
Ngắm một tác phẩm Bonsai thì thích thiệt đấy, nhưng sẽ thích thú cũng như gay cấn hơn nếu được quan sát toàn bộ quá trình phát triển của cây. Đó là lý do nhiều người chọn những cành chojubai non và rất nhỏ để bắt đầu. Trong số những cây này một số cây do bạn bè tặng và còn lại thì tác giả bài viết mua từ nhà vườn Lone Pine với giá khoảng $10 một chậu.