Lời mở đầu: Đã có lần tôi tranh luận với 1 thợ cây khá nổi tiếng ở Văn Giang về vấn đề này. Theo tôi: Cây đẹp là làm sao cho bất kỳ người nào, từ người làm cây lão luyện tới người không hề hiểu gì về cây cũng đều thấy đẹp thì mới là đạt. Bạn kia thì cho rằng: Chỉ thợ cây đánh giá là đẹp thôi là đủ! Câu chuyện chưa có hồi kết.
Câu chuyện này tôi muốn đưa ra ngay từ đầu để muốn nói rằng: Hoàn toàn đây là cảm nhận cá nhân tôi. Nếu bác nào thấy tôi đúng, tức là chúng ta có chung quan niệm. Còn thấy tôi sai: khác quan niệm với tôi. Chỉ đơn giản là quan niệm khác nhau chứ không có sự đúng hay sai ở đây. Bởi vì sự đúng hay sai trong nghệ thuật hoàn toàn là tương đối. Xin được bày tỏ quan điểm của tôi như vậy.
Lời người biên tập lại:
Tác giả có thái độ hơi dè dặt thì phải? “Ai không đồng ý thì chỉ là do quan niệm khác nhau, xin đừng ném đá”. Thiện thì có tham vọng lớn hơn 1 chút, mong tất cả mọi người ở các vùng đều thống nhất cùng một quan điểm thẩm mỹ. Người nhà có thích cây của nhau làm thì hãy mong nước ngoài họ thích cây Việt Nam.
Bài viết này của một người Hà Nội và anh viết với phạm vi bàn luận chủ yếu là cây thuộc họ Ficus (sanh, si đa, gừa). Nếu bạn có thấy đôi chỗ không phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của bạn xin miễn trách.
Mình nghe nói Hà Nội có một lối làm cây rất độc đáo và kỹ lưỡng, tiếc là chưa thấy người nào tổng hợp cho thành một hệ thống hoàn chỉnh. Nếu ai biết những tài liệu quý giá đó, xin gửi cho mình, mình xin chân thành cám ơn.
Bóng cây
Bóng cây là một từ hơi là lạ, nó là hình khối tạo ra bởi thân, cành, lá, gốc, chậu khi chiếu cây lên ảnh.
Bóng cây là cảm nhận đầu tiên khi người xem nhìn thấy 1 cái cây, theo tôi: 1 cái bóng đẹp phải là cái bóng khiến người xem rung động và bị cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Cả cây ngoài đời cũng như các cây bonsai kinh điển trên thế giới cũng như các cây cảnh nổi tiếng ở phía Bắc mà tôi đã được xem qua, đều có bóng cây đẹp: Chia ra thành các mảng khối rõ ràng. Các mảng khối được phối hợp hài hòa, mảng lớn, mảng nhỏ không bằng nhau, mảng thưa, mảng nhặt không đều nhau. Khoảng sáng giữa các mảng cũng không bằng nhau, liên tục biến đổi. Các mảng khối cũng được sắp xếp theo quy luật xa gần. Kết hợp với bệ và thân thành 1 tổng thể hài hòa, đẹp mắt.
Tôi xin lấy dẫn chứng bằng loạt hình ảnh các cây triển lãm ở triển lãm mang tên Taiwan Bonsai Creator. Đây là triển lãm chỉ dành cho những người tự tay làm cây hàng năm ở Đài loan với các quy định rất chặt chẽ: Những cây được tham gia phải là cây do chủ sở hữu tự tay làm, chỉ được tham gia 1 lần, không bao giờ được tham gia lại lần 2. Cây phải qua 3 vòng tuyển chọn bằng hình ảnh chụp cả 4 góc, phải là ảnh thực tế – không được dùng các phần mềm biên tập để chỉnh sửa. Sau khi qua được vòng đó mới được tuyển chọn bằng mắt thường của Hội đồng Giám khảo với các tiêu chí như: thân, cành, bóng, lá, đất mặt, chậu, đôn… những tiêu chí này, nếu chưa hoàn thiện sẽ phải sửa ( ví dụ: Mặt chậu phải phủ rêu – không được có cỏ và lá khô, …), trước ngày triển lãm khai mạc 3-5 ngày sẽ được kiểm tra lại lần nữa, những cây đã sẵn sàng lúc đó mới được mang đi triển lãm. Tóm lại, với những điều kiện ngặt nghèo thì những cây được tham gia triển lãm thôi đã mang lại vinh dự cho người chủ rồi, chứ chưa nói tới những cây đoạt giải.
Cây dáng trực
Cây dáng trực 1
Cây này chỉ với vài mảng khối, tạo nên cảm giác ấm áp, đầy đặn sung túc. Các bác chú ý tới mảng bên phải thứ 2 từ dưới lên, đây là 1 mảng ở khuất phía sau. Nhìn bóng cây có vẻ cân đối, giống như 1 cái ô. Tuy nhiên, lại không có cảm giác nhàm chán, bởi bóng và phương vị của 2 tán dưới cùng không giống nhau và bởi chính cái tán cây nhỏ mà tôi đã lưu ý các bác ở trên.
Tán cây kết hợp với nhịp lắc chuyển của thân, tạo cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng, phá bỏ được cảm giác nặng nề, mặc dù bóng đầy đặn và cây có vẻ rất lực lưỡng.
Cây dáng trực 2
Điển hình của cây có bóng lệch, không đăng đối, mặc dù khá nhiều mảng khối nhưng được kết hợp khéo léo với cành bóng và thân cây. Bạn chú ý tới cành thứ 2 từ dưới lên ở phía sau, đó gọi là cành phông. Nó ở phía sau lại nhỏ hơn các tán lá khác một chút khiến người xem cảm thấy cây có chiều sâu.
Quan điểm riêng của tôi là cây phải có tán lá “bờm xờm” một tí như cây này nhìn mới tự nhiên. Còn những cây khác dù được đánh giá là đẹp, dù được chọn đi triển lãm nhưng tán lá bằng phẳng như dùng tông đơ để cắt đều nhìn không tự nhiên. Mong bạn lưu ý điểm này, tôi tin đó là chuẩn mực cho cây hiện đại.
Cây dáng trực 3
Cây này thêm mấy cái rễ buông có thể gọi là dáng làng Việt Nam đây!
Cây dáng trực 4
Bạn hãy chú ý tới hướng chuyển động của tán lá và của rễ. Đây là đặc trưng của cây mọc ven bờ nước. Rễ cây mọc ra hướng có nhiều nước để hút dinh dưỡng và tán lá cũng phát triển theo hướng đó. Tán lá cũng phát triển theo hướng của rễ bởi như thế đường dẫn nước lên tán là ngắn nhất. Đây là kiểu cây đẹp về mặt mỹ thuật mà lại phù hợp với sinh lý
Cây dáng trực 5
Trực thân lắc chuyển. Các bạn chú ý chiều lắc của thân và bóng tổng thể của cây. Kết hợp với tán nhỏ bên phải phía sau tạo cảm giác chiều sâu của cây.
Mình vốn không thích cây có bộ rễ “chân nơm” thế này bởi cho rằng đây không phải là kiểu cây ngày nay được ưu chuộng, tuy nhiên riêng với cây này mình lại thấy rất tự nhiên, rất đẹp. Tuy nhiên cái chậu có vẻ lòe loẹt quá không hợp với cây.
Như vậy, bóng của các cây này đều được bố trí với các khoảng sáng không bằng nhau, lên tục biến đổi, khiến người xem không bị cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt. Đặc biệt ngọn không hề nhọn mà biên dạng chỉ là đường cong lồi có bán kính lớn.
Cây bóng lệch
Sẽ có bác thắc mắc: tại sao lại chia ra làm trực và các dáng khác mà ko phải chia ra làm xiêu, hoành, huyền… Xin thưa: Dáng trực có lợi thế là thân đứng thẳng, như vậy có thể làm tán cân đối hoặc lệch tùy theo ý thích của người làm cây. Còn các dáng khác đều không đứng thẳng cả, vậy thì với các dáng này không thể làm được bóng cây cân đối mà bắt buộc phải lệch với thân. Vấn đề sẽ là: lệch thế nào cho đẹp. Theo cách cũ, tôi xin lấy dẫn chứng và phân tích từ những cây được trưng bày tại TAIWAN BONSAI CREATOR EXHIBITION.
Cây trực, muốn tạo bóng đẹp cần quan tâm tới những chi tiết trên cây phôi: triền bệ, chiều chuyển của thân, những cành đã có sẵn để tận dụng hợp lý. Với cây không trực, tất nhiên cũng phải quan tâm đến những yếu tố này, tuy nhiên chiều chuyển của thân phải được chú trọng nhiều hơn cả.
Cây loại 1: Không hồi đầu
Người làm đã cố tình dẫn cảm xúc người xem vào thân cây được làm lũa rất ấn tượng. Lúc này bóng cây chỉ đóng vai trò làm nền cho thân. Tuy nhiên vẫn tạo cho người cảm giác nhẹ nhõm, do bóng được chia nhỏ tạo hình tản vân nhưng vẫn có 1 bóng tổng thể theo quy luật mảng khối nhất định. Xin chú ý tới những tán nhỏ nằm thấp thoáng đằng sau cây. Chính những tán này tạo cảm giác độ sâu của cây. Kết hợp với cú lắc ở cổ cây, tổng thể cây tạo ra 1 cảm giác bình an, ung dung, tự tại ko hề hấp tấp vội vàng.
Các bạn có thấy cây bên dưới như 1 linh hồn đang mệt mỏi lê bước không? Số tán cũng rất ít, đồng thời với các khoảng sáng được biến đổi có chủ đích tạo ra bóng cây rất tự nhiên. Quy luật xa gần được chú trọng đặc biệt khi tạo hình các tán cây. Xin chú ý tới độ lớn và phương vị của tán dưới cùng, tán này lớn nhất ở vị trí 7h và khi xem cây chúng ta có cảm giác đó là tán gần chúng ta nhất. Tán bên phải của tán này rất nhỏ và ở vị trí 12h, chính tán này và tán trên nó tạo ra chiều sâu của cây.
Cây loại 2: Cây hồi đầu
Bạn có chấp nhận kiểu trưng bày của cây dưới đây không? Nếu bạn chấp nhận nó, bạn sẽ thấy đây là một sự sáng tạo ấn tượng: cây “quẫy” mạnh tới mức nghiêng cả chậu, tựa như một con thần long đang vùng vẫy vậy.
Cây dưới đây chỉ có 2 tán, vẫn tạo ra 1 cây hoàn chỉnh. Các bạn chú ý tới hình dáng của tán ngọn: không hề đăng đối. Hình lõm ở biên dạng bên trái đỉnh ngọn kết hợp hài hòa với chiều cong của cút cổ khiến cho tôi cảm nhận đựợc tính động của cây, mường tượng như 1 cái hất hàm của người bề trên.
Cây loại 3: Đa thân
Đa số chúng ta khi gặp cây nhiều thân đều bối rối với việc tạo bóng tổng thể, cũng như đặt các tán nhỏ vào đâu cho cân đối, hài hòa…Không chỉ riêng chúng ta, những người ít kinh nghiệm mà ngay cả những người làm cây lâu năm, cũng vậy. Tôi cũng rất chú ý quan sát việc tao hình những cây nhiều thân khi đi xem cây.
Quả thật rất ít cây đạt đựoc sự hợp lý và hài hòa. Từ trước tới nay, những cây tôi chỉ thấy 2 cây là đạt được điều này, 1 cây tùng phu thê (2 thân) của Cụ Văn Giao ( Cụ đã khuất núi vài năm nay, cầu cho hương hồn Cụ được thanh thản và mong Cụ chỉ dạy chúng con cách làm cây)- cây này hiện nay anh Khôi Bà Triệu đang giữ – tiếc rằng tôi không tìm được ảnh đã chụp trước kia làm dẫn chứng. Bộ tay của cây nữ rất lẳng lơ. Và cây thứ 2 là cây Sanh 3 thân của bác Tài Đại la – cây này tôi đang được giữ ở dạng cây đang hoàn thiện bộ dăm.
Nhận xét chung:
- 1. Cây đa thân nếu làm mỗi thân đều có một cái vòm riêng biệt thì nhìn rất đẹp. Bạn đã từng thổi bong bóng xà phòng chưa? Đôi khi bạn có 2,3.. bong bóng dính vào nhau đúng không? Đó chính là hình ảnh của tán cây đa thân đó!
- 2. Không nên làm cành thân này đâm ngang qua cành thân khác.
- 3. Không làm tán lá này che mất ánh sáng tán khác.
Tôi xin đính kèm vào đây những cây đa thân của triển làm nói trên. Xin mời các bác thưởng ngoạn và bình luận:
Lá cây
Tiêu chuẩn nào cho lá cây? Thật khó để có câu trả lời chính xác. Nhưng theo sở thích chung của đa số nguời chơi cây cảnh thì những loại cây có lá nhỏ, xanh đậm và dày dặn được quan tâm nhiều nhất.
Như chúng ta đều biết, cây cảnh nghệ thuật Hà Nội và bonsai, penjing nói chung đều có kích thước nhỏ, thậm trí rất nhỏ so với kích thước cây cùng loại ngoài thiên nhiên, nên lá càng nhỏ thì cảm giác về cây cổ thụ càng rõ, còn lá lớn quá so với kích thước tổng thể sẽ dẫn đến cảm giác không thực và ko phải cây cổ thụ. Hãy tưởng tượng có 1 cây đa lông và 1 cây phi lao lớn bằng nhau, cùng lên 1 size ảnh – chắc chắn ai cũng sẽ nói cây phi lao sẽ lớn hơn nhiều. Không nói ai cũng biết, đó là do tỉ lệ khác nhau của lá đa và lá phi lao so với thân cây.
Hiện nay, dân Bắc rất kỵ cây sanh có xuất xứ gốc từ miền Nam bởi vì lá loại sanh này to lớn quá và mất rất nhiều công để thu nhỏ lại. Riêng với tôi, chưa bao giờ xem được 1 cây sanh miền Nam có lá nhỏ như dòng sanh Nam Điền. Kể cả cây 2 ngọn của anh Thành Đất ở triển lãm Thanh hóa. Mặc dù không có hảo cảm cái cây đó vì lối làm chưa được nhuyễn, nhưng tôi vẫn thấy tỷ lệ giữa kích thước lá và cây của anh Thành Đất là ổn. Chắc ai đã từng xem qua cây này thì nhớ kích thước của nó cả bể phải cao 4-4,5m. Hoặc như cây Đa của anh Thuật ở Nam Định cũng là 1 cây cao to, mặc dù lá vẫn chưa được thu nhỏ, nhưng vẫn rất cân đối. Tuy nhiên, đây chỉ là cây đại cảnh – không nên tính vào hàng cây chơi trên chậu. Gọi là lạm bàn thêm mấy câu về cây to ngõ hầu giải thích việc lá nhỏ cho cây cảnh rõ ràng hơn.
Tôi đã gặp ở nhà anh Quang Huế, cây bồ đề trắng miền Nam nhưng lá chỉ nhỏ như móng ngón tay út, cảm xúc lắm. Thán phục người làm, thán phục kỹ thuật chăm sóc và cả công phu trong đó.
Cũng có 1 may mắn là tôi được chiêm ngưỡng 1 cây sanh có lá nhỏ li ti, lá lớn nhất chắc chỉ khoảng 1mm, xin nhắc lại 1milimet – chính xác, không nhầm lẫn. Cây này ở Quy Nhơn, tổng thể cây khoảng 15-16cm, được chơi trên 1 cái đĩa nước 15-16cm. Đặt trên bàn uống trà. Nghe ông chủ khoảng ngoài 70 tuổi nói thì cây đó còn già hơn cả tuổi ông, của ông bố chơi từ trước đó để lại. Và từ khi nhớ được thì ông chưa từng thấy lá to hơn và cũng không thấy cây to lên. Có lẽ do mỗi ngày ông đèu được nhìn thấy nên không cảm nhận được cái cây lớn lên chăng? Tôi đã nổi gai ốc toàn thân khi nhìn thấy Cụ Sanh này, vì toàn thân Cụ toàn mụn và u nần như con cóc. Đáng tiếc là ko chụp được ảnh của Cụ này. Cũng đã rất lễ phép xin được rước Cụ đó về Hà nội nhưng không nổi. Cũng vì phê quá nên không nhớ cả nhà, tên của ông chủ luôn. Đến giờ vẫn còn ân hận. Vì ông chủ không phải người chơi cây và do 1 người xe ôm ở trước cửa khách sạn Hải Yến – Quy nhơn đưa đi nên về sau này có dịp quay lại Quy Nhơn mà vẫn không được ngắm CỤ thêm lần nữa. Có lẽ duyên với Cụ chỉ có thế. Đây vẫn là điều đáng tiếc nhất của tôi.
Thêm 1 vấn đề nữa đối với cây có lá bản ( Sanh, si, đa, sung…) – không phải lá kim cần phải lưu ý là đốt dóng, tức là khoảng cách giữa các lá gần nhau. Không nên xa quá vì sẽ rất khó làm dăm khi hoàn thiện cây sau này.
Như vậy, xin được tổng kết 1 số tiêu chí cho lá cây như sau:
- 1. Lá phải có tỷ lệ hợp lý với kích thước cây.
- 2. Đốt gióng nên nhỏ.
- 3. Nói chung không nên chơi loại nào lá không phải màu xanh (trừ cây thích), bởi nhìn nó giả giả sao ấy.
Còn thiếu phần nào, xin các bạn bổ sung cho.
Thân, bệ cây
Trong tiêu chí chọn cây phôi bao giờ tôi cũng đặt tiêu chuẩn thân và bệ lên hàng đầu. Không nói thì chắc ai cũng nhất trí với tôi rằng: Thân và bệ là 2 trong số ít yếu tố quan trọng nhất của 1 cây đẹp, đẳng cấp. Hiện nay, vẫn chưa thống nhất được cách gọi và phân loại bệ cây, nhưng tôi ủng hộ cách phân làm 2 loại chính; bệ nhãn và bệ sấu.
Bệ nhãn: là loại bệ mà các rễ mặt chạy bết trên mặt đất, cũng có đôi chỗ nổi lên cao hơn hẳn nhưng không nhiều. Giống hệt như cây nhãn ngoài đời. Nguyên nhân có lẽ do cây nhãn được trồng ở chỗ rộng rãi nên rễ mặt tha hồ vươn, vì thế mà rễ không nổi gồ lên chăng?
Bệ sấu: Là loại bệ của cây có rễ mặt nổi thành múi và vè trên mặt đất, các cây sấu ở đường phố Hà Nội, trồng lâu năm hay có những bệ này.
Vậy thì bệ thế nào là được coi là đẹp? Câu trả lời là: Tùy thuộc vào dáng cây, mỗi dáng một kiểu không giống nhau hoàn toàn giống nhau.
Nếu dáng trực thẳng và dáng làng: bệ rễ nên trải đều xung quanh.
Dáng xiêu, hoành, huyền ( không trực ) thì lại thuận theo chiều thân, thường hay lệch, phía thân lộ ra ngoài nhiều thì rễ nhiều.
Bệ không nên quá to, kích thước các rễ nên vừa phải và tỷ lệ hợp lý so với đường kính cây và kích thước tổng thể của cây. Chiều rộng của bệ, cũng tùy thuộc vào từng cây, rất khó để có thể đưa ra 1 tỷ lệ vàng cho tương quan này.
Cây dáng trực:
Bệ được gọi là đẹp của cây thân trực thường sẽ được trải đều xung quanh cây, có thể nổi gồ trên mặt như bệ sấu, có thể miết trên mặt đất như bệ nhãn. Các rễ nên cân đối: không nên quá lớn – hoặc quá bé so với tổng thể cây, hoặc rễ trong cùng 1 bệ không nên chênh lệch nhiều: cái thì quá to, cái thì quá nhỏ, các rễ không nên chồng chéo lên nhau, không nên có rễ quặt từ trước ra sau hoặc từ sau ra trước (đây chỉ là nên và không nên theo tiêu chí thông thường, nhưng tôi đã từng được xem 1 cây có chiếc rễ chạy từ phía sau ra trước với phương vị và hình dạng rất ngoạn mục. Theo người chủ cây, anh ấy mua cũng vì chiếc rễ này. Tôi cũng đồng ý với anh ấy, cây có thân và bệ bình thường, chiếc rễ đã làm cho tổng thể cây có vẻ lạ và đáng xem – rất tiếc là không chụp lại ảnh của cây này). Thân cây dạng này nên méo mó, thể hiện được vết hằn của năm tháng trên đó, bệ cũng trải đều xung quanh. Riêng tôi, tôi thích cây dáng làng có bóng lệch, có tay phóng hoặc buông rơi, nên cũng thích bệ những cây dạng này không tròn đều, phần bệ lệch dài nên theo hướng của tay phóng. Khi đó, bóng cây sẽ mang vẻ tự nhiên hơn. Ở đây tôi xin dùng lại cách cũ, sử dụng hình ảnh của triển lãm của những người tạo cây ở Đài Loan.
Cây không trực
Những cây không trực trong thiên nhiên thường do nhiều yếu tố tác động vào khiến chúng không đứng thẳng được. Có thể kể ra như: sạt đất 1 phía khiến cây mất thăng bằng, bản thân cây mọc ở vị trí không thuận lợi cho phát triển, bị gió bão đẩy khỏi vị trí đứng thẳng, bị gẫy thân chính và phát triển từ các mầm cạnh, cây mọc ở chân núi hướng ra phía ngoài nhiều nắng v.v và v.v rất nhiều yếu tố không thể kể hết được ra đây.
Khi cây không đứng thẳng những rễ ở chiều ngược lại với thân cây sẽ phát triển mạnh hơn để giữ cây cân bằng lại, vì thế thông thường những rễ mặt của phần ngược với chiều thân sẽ phát triển mạnh hơn phần bên trong. Cũng có những trường hợp có thêm các tác nhân khác làm cho những rễ bên trong chiều nghiêng thân phát triển, nhưng ít khi gặp những trường hợp này. Vì thế, khi trồng – chọn mặt trước của những cây cảnh dạng này nên lưu ý tới triền bệ để trông cây mang vẻ tự nhiên.
Nói một cách cơ bản, cây nghiêng về 1 bên thì rễ mọc mạnh về hướng ngược lại để giữ cho cây thăng bằng là đẹp.
Ví dụ dễ thấy nhất là những cây dáng đổ, rễ cây mọc lệch hẳn 1 phía (trong 2 hình dưới, người ta gọi rễ bên phải là rễ chịu, còn rễ bên trái là rễ quỳ)
Những phần dưới đây thì anh Tamchi07 bỏ dở nửa chừng nên mình mạn phép tác giả chế thêm vào cho đủ bài! Mong các bạn không chê.
Tay cành và chi răm
Cành đẹp là cành thon nhỏ từ gốc tới ngọn, và không có một đoạn nào thẳng băng như ống nước. Nếu thẳng thì ít ra các gân của nó cũng phải xoắn lại mới đẹp. Thông thường cành có kích thước vừa phải sẽ có đường kính bằng 1/3 đường kính thân tại chỗ cành mọc ra.
Mình nói thêm vài điều ngộ nhận về cành cây:
- 1. Cành dưới phải to hơn cành trên: không hẳn vậy, ở những cành buông (cành rơi, rớt) do khối tán lá thường lớn hơn cành bên dưới nên cành to mới hợp lý.
- 2. Cành thấp nhất quyết định hướng chuyển động của cây. Không hẳn vậy, cành có tán lá sà xuống thấp nhất mới quyết định hướng chuyển động của cây. Ở hình dưới cây có hướng chuyển động bên trái.
Nguồn caycanhvietnam, tác giả tamchi07