Chuyện phiếm về Bonsai ngày chủ nhật – Vũ Hưng

Chuyện phiếm về Bonsai ngày chủ nhật – Vũ Hưng
Đánh giá

Tác giả: Vũ Hưng trên caycanhvietnam.com

Chả là đã từ rất lâu, mình rất muốn chia xẻ với các bạn vài cảm nghĩ trong Bonsai của mình. Đợi mãi. Bây giờ có lẽ đúng dịp.

Mình thì cũng chơi Bonsai chả khác gì các bạn bên nhà. Cũng là mua cây, theo sách vở cắt tỉa, tạo dáng.
Xong rồi ngày ngày ghé mắt chờ xem đọt lá nhú mầm, chồi hoa hé nụ. Thích quá! thế là cứ tì tì khuân hết em lớn em bé về nhà.

Hễ cứ sau giờ đi làm là đáo lại tiệm bán cây. Không ít thì nhiều, thể nào cũng phải có một hai em trên tay mới yên. Sự vui sướng được sáng tạo, kèm thêm với trí tưởng tượng cho em nó tương lai (dù sau đó tan nhanh như khói) cũng vẫn là những giờ phút đẹp trong cuộc sống.

Cứ vậy mà chục năm trôi cái vèo. Rốt lại là “hình như mình chả có phút nào rảnh ngồi ngắm cây?

Thành thử, bây giờ có ngồi nghĩ lại, có vẻ như chỉ còn lại trong đầu rõ nét nhất là hình ảnh của những cây Thông con bé tí tẹo vừa vươn lên từ hạt. Chả là những sáng Chúa Nhật yên bình (vợ còn ngủ, con chưa thức), một mình lẳng lặng ra mé sân ngồi hút thuốc bên tách cà-phê để ngắm những mầm Thông đang “từ từ xòe chiếc dù” trong đám đất ươm, trong khi bầu trời tinh sương từ từ sáng rõ.


Sự an nhiên trời đất cho một ngày mới đã luôn khơi cho mình nhiều cảm xúc yêu thương và hi vọng. Hi vọng tương lai con cái, và cả tương lai đám Thông con. Đấy có lẽ là những giây phút đẹp nhất trong cuộc chơi Bonsai của mình.

Thời gian thấm thoát.

Trời cho mình cơ duyên từng có được vài cây Bonsai đúng là “BONSAI”. Thế nhưng: tham lam, ganh đua, ham công tiếc việc… mình đã chả còn giờ đâu ngồi yên mà thở nữa chứ mà ngắm cây thì chẳng hề. Mỗi ngày vội vội vàng vàng tưới hết đám vườn cho cây khỏi chết rồi mải đi làm là cũng đã tốt lắm rồi.

Lúc nào cũng tự hẹn “Để Chúa Nhật này không làm gì hết, ở nhà ngắm cây!”

Nhưng rồi, bù khú, đua đòi với mấy ông bạn Bonsai, hết lê la nhà này cắt tỉa cây hộ, lại kéo nhau đi ruồng mấy vườn ươm để khuân thêm cây về.

Cái việc “tự hẹn ấy” nó cũng chả mấy khi thành.

Mãi cho đến khi Trời khiến mọi thứ xuôi xị.
Tay gần trắng rồi.
Người đã nhẹ nhàng rồi.
Lúc ấy mới biết thơ thẩn “ngắm cây” thì phải?

Cũng may là chưa quá muộn.

Cây Mộc qua này là của “người ta” (Viện Bảo tàng Bonsai Crespi ở tận bên Italy).

Bình thường thì bạn và mình, chúng ta chỉ lướt mắt qua những cây như trên trong 5, 10 giây rồi thì gật gù: cây đẹp. Thế là xong!

Nhưng nếu Bạn ngồi tĩnh lặng bên cái cây thêm vài phút, dõi mắt trên từng “sợi tóc mai lòa xòa” bên làn da mịn hồng “của người yêu”, bạn sẽ “rộn ràng” vì những nét đẹp của sự sống, của thiên nhiên trên lớp vỏ loang lổ của cái cây Mộc Qua ở trên.

Hay chút ấm áp trong buổi sớm se se lạnh hơi sương với cảnh “lá chen hoa” của em Mộc Qua này.

Có phải: sự tĩnh lặng đã dẫn bạn đến những khám phá tuyệt vời?

Liệu có phải bạn cũng giống như anh GioNui: “Cỡ như cháu bây giờ, rảnh ra một cái là cũng bê cây ra ngắm, nhưng trong đầu thì cứ chằm hăm mỗi việc tính xem cắt cổ, nhổ lông chỗ nào…”

Hoặc anh DungVan: “Có khi bận quá quên tưới còn để cây chết nữa là. Anh chơi thêm Đỗ Quyên nên đôi khi thấy hoa đẹp quá nên cũng cố bứt ra một lát để ngắm nó, nhưng cũng là ngắm vội ngắm vàng, chứ đạt đến mức “Tĩnh lặng” để ngắm thì chưa.”

Liệu bạn (và mình) trước khi mơ làm bonsai giỏi như người Nhật, có thể trịnh trọng ngồi ngắm cây suốt buổi như người Nhật này chăng?

Đôi lời của người biên soạn

Mình nghĩ, sớm hay muộn, bài viết này cũng sẽ trở thành câu hỏi lớn nhất với bất kỳ người chơi cây nào. Từ trước tới giờ, những người đi trước gây ấn tượng mạnh nhất với mình không phải là thầy giỏi nhất, mà là người khiến mình cảm nhận được tình yêu cây cối của họ (anh Tamchi07, chú Trần Thắng, và đặc biệt trân trọng chú Vũ Hưng – toàn thầy internet không hà ^^ ). Còn bạn (và có thể cả mình), chơi cây thông thì chê người chơi lá bản là tầm thường, chơi dáng tự nhiên chê cây bài là không có sáng tạo. Câu hỏi thực sự cần quan tâm là “Liệu bạn có yêu cây hơn họ chăng?”.

Còn câu trả lời, chỉ mình bạn biết mà thôi.

Trả lời

0988110300
chat-active-icon